Thế giới gia tăng tích trữ lương thực trước mùa đông Covid
Nhiều nước trên thế giới đang ào ạt nhập vào các loại lương thực, khiến giá nông sản trên đà không ngừng tăng. Các nước đang lo ngại các đợt bùng phát dịch Covid-19 trong mùa đông sắp tới có thể tiếp tục đảo lộn chuỗi cung ứng như đã từng vào mùa xuân vừa rồi.
“Tâm lý thời chiến” khiến nông sản tăng giá
Hồi tháng 3, Kazakhstan – một trong những nước xuất khẩu bột mì hàng đầu thế giới, đã cấm xuất khẩu bột mì, cùng với cà rốt, đường và khoai tây. Serbia cũng ngưng xuất dầu hoa hướng dương và các mặt hàng khác. Nga – nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất – cũng có các hành động tương tự. Trung Quốc hồi tháng 3 cũng nhập ồ ạt dù rằng các kho của họ dự trữ đủ gạo và lúa mì tiêu thụ nguyên năm.
Các quốc gia bắt đầu chú trọng đến chính sách an ninh lương thực hơn trước khi dịch Covid-19 bùng phát. “Đó là tâm lý thời chiến, kiểm soát giá cả và dự trữ quốc gia”, bà Ann Berg, nhà tư vấn độc lập đồng thời là nhà kinh doanh nông sản với 46 năm kinh nghiệm, nhận xét.
Giá các loại nông sản tăng vọt trong giai đoạn các nước phong tỏa, người dân đổ xô ra siêu thị gom hàng. Giá lúa mì giao trong tương lai trên sàn giao dịch Chicago tăng 6% trong tháng 3 vừa rồi. Giá trứng và thịt bò Mỹ bán sỉ đạt đỉnh kỷ lục kể từ năm 2015.
Nay một đợt chạy đua vét hàng mới đang diễn ra.
Jordan đã tích trữ lượng lúa mì kỷ lục. Trong khi Ai Cập – nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới – có những động thái không bình thường khi đang mùa thu hoạch nhưng lại tăng lượng mua vào hơn 50% kể từ tháng 4 vừa rồi. Đài Loan tuyên bố sẽ tăng kho dự trữ lương thực chiến lược. Riêng Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu nông sản dùng để chế tạo thức ăn gia súc nhằm phục vụ nỗ lực khôi phục đàn heo trước Tết Nguyên đán 2021.
Một số nước khác đã quyết định tăng mua trữ lương thực đề phòng đợt bùng phát dịch Covid-19 vào mùa đông có thể gián đoạn chuỗi cung ứng – nhà kinh tế cấp cao Abdolreza Abbassian thuộc Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định. Nhưng ông cũng cho rằng chỉ một số rất ít cần tăng dự trữ chiến lược, chẳng hạn như Ai Cập hay Pakistan. “Họ cũng có nhiều lý do khác để làm như vậy. Ví dụ như tiếp cận ngoại tệ, quy mô của nguồn cung nội địa và nhu cầu cần kiểm soát giá cả trong nước”, ông Abbassian giải thích.
Vụ mùa không được như ý ở Thổ Nhĩ Kỳ và Morocco khiến nhu cầu nhập khẩu của hai nước này gia tăng.
“Nhiều nước nhập vào thời điểm này có thể sẽ mua ít hơn trong năm tới bởi họ không cần nhập nữa”, ông Abbassian trả lời hãng tin Bloomberg khi được hỏi về việc các nước mua trữ lương thực sớm hơn thường lệ. “Chúng ta có thể nhận rõ xu hướng này, đặc biệt là bởi phẩm chất lúa mì không tốt lắm vào mùa đông. Nếu chần chờ, giá sẽ tăng”, ông nói.
Mua trước đỡ lo
Việc thu mua quá sớm này cho thấy mối quan ngại của các quốc gia về khả năng virus corona sẽ lần nữa làm gián đoạn hoạt động giao nhận ở các cảng và đánh sập thương mại toàn cầu. Dịch bệnh đã làm chuỗi cung ứng “từ trang trại đến bàn ăn” gián đoạn. Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Các nhà kho chỉ đủ lượng thực phẩm tiêu dùng trong ngắn hạn, các quầy siêu thị trống rỗng do khách vét hàng.
“Dịch Covid đã buộc người tiêu dùng chuyển từ chỉ mua khi cần thiết chuyển sang cách bảo thủ hơn được gọi là ‘mua đi, lỡ có khi cần’. Hệ quả là người tiêu dùng tích trữ lượng hàng nhiều hơn bởi họ luôn lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung trong tương lai” – theo nhóm nghiên cứu của ngân hàng Bank of America do nhà phân tích thị trường hàng hóa toàn cầu Francisco Blanch đứng đầu.
Bộ phận thương mại của tập đoàn thực phẩm Archer-Daniels-Midland (ADM) ở Thụy Sỹ đạt kết quả kinh doanh kỷ lục trong quý 2 vừa rồi do các nước muốn bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm không bị dịch làm gián đoạn.
“Nhiều nước muốn gia tăng dự trữ lương thực. Họ mua với tâm lý đề phòng hữu sự nhiều hơn là vì nhu cầu bởi họ không chắc lắm là chuỗi cung ứng sẽ như thế nào trong các đợt bùng phát dịch sắp tới”, Ray Young, chuyên gia tài chính cấp cao của ADM, nhận định.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,75 – 56,25 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang giao dịch quanh mức 1.896,7 USD/ounce, tăng 5 USD, tương đương 0,26% giá trị so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, đồng USD giảm so với các đồng tiền chính, trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm là những yếu tố chính đang hỗ trợ cho vàng tăng giá.
2/ Lô sữa đậu nành của NutiFood vừa chính thức lên kệ tại hơn 450 chi nhánh của siêu thị Walmart, Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu sữa Việt Nam được cấp phép để phân phối tại một trong những “đại siêu thị” nổi tiếng nhất thế giới. Đây là bước tiến tiếp theo của NutiFood trong việc mang những sản phẩm chất chuẩn cao đến các thị trường tiềm năng trên thế giới theo hệ thống Walmart. Để có thể hợp tác thành công với “gã khổng lồ của ngành bán lẻ”, NutiFood đã phải vượt qua hơn 250 tiêu chuẩn khắt khe do Walmart đề ra. Ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đạt chuẩn cao, NutiFood còn phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về vấn đề an ninh vận chuyển, chính sách công ty dành cho cán bộ nhân viên, nhà thầu, đối tác, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội…
3/ Giá heo hơi đã giảm mạnh, có nơi xuống mức 62.000-64.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Theo một doanh nghiệp chăn nuôi lớn, nguyên nhân giá heo hơi giảm mạnh là do sức mua trên thị trường giảm, bên cạnh đó, số lượng heo nhập khẩu và heo sống về Việt Nam tăng. Như vậy, trong nửa đầu tháng 10, giá heo hơi giảm mạnh khoảng 10 giá. Đáng nói, giá heo hơi giảm mạnh nhưng tại chợ và siêu thị thì giá thịt heo thành phẩm vẫn giữ nguyên như thời điểm giá heo hơi ở mức 80.000-90.000 đồng/kg.
4/ Từng gây cơn sốt với giá lên tới 2 triệu đồng khi về Việt Nam, cua lông Hong Kong năm nay chỉ còn vài trăm ngàn một ký. Vụ cua lông năm nay, hàng ồ ạt về Việt Nam khiến giá giảm mạnh. Hiện dân buôn thường nhập cua sống về bán trực tiếp, một số nơi bán cua hấp sẵn. Khảo sát trên thị trường cho thấy, nhiều giới buôn online rao bán một con cua lông chỉ 70.000 – 90.000 đồng. Nếu mua theo cân, mỗi kg chỉ khoảng 500.000 – 600.000 đồng, rẻ bằng 1/3 so với giá cách đây 2 năm và chỉ bằng nửa năm ngoái. Anh Long, chủ cửa hàng hải sản ở quận Gò Vấp cho biết, cua này nay nhập về với số lượng nhiều nên không còn “sốt giá” như mọi năm. Trong khi các năm trước, cua chỉ được xách tay về từ Hong Kong, thì hiện tại phần lớn được đặt mua ở Thượng Hải.
5/ Sáng hôm nay tại TP HCM, hơn 180 doanh nghiệp của TP HCM và các tỉnh, thành lân cận đăng ký tham gia hội nghị “Kết nối đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống siêu thị Big C/Go! tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Thái Lan năm 2020” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp cùng với Tập đoàn Central Retail Việt Nam (chủ hệ thống siêu thị Big C/Go!) tổ chức. Theo các doanh nghiệp, nhu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện đại và sự quan tâm tới thị trường Thái Lan là rất lớn. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.
6/ Theo hãng tin Reuters, nội các của ông Trump đang đề xuất đưa tên Ant Group – chi nhánh dịch vụ tài chính công nghệ thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma – vào “danh sách đen” ngay trước thềm doanh nghiệp này chuẩn bị IPO. Bước đi này đã diễn ra khi những nhân vật có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền ông Trump đang tìm cách gửi đi thông báo ngăn các nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào thương vụ IPO sắp tới của Ant. Việc IPO kép ở Thượng Hải và Hong Kong của tập đoàn này dự kiến sẽ thu về tới 35 tỷ USD – con số kỷ lục trong lịch sử.
7/ Tập đoàn đường sắt và khách sạn của Nhật Bản, Seibu Holdings, đang thảo luận để tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu ưu đãi với tổng trị giá 80 tỷ yên (760 triệu USD) thông qua bên thứ ba. Seibu Holdings và đơn vị Seibu Railway và Prince Hotels của mình hiện đang yêu cầu một thỏa thuận từ Ngân hàng Mizuho và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. Seibu Holdings dự kiến sẽ ghi nhận một kết quả thâm hụt tài chính tới 63 tỷ yên khi năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021. Doanh thu vé tại doanh nghiệp đường sắt trong tháng 8 đã giảm mạnh khoảng 30% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh khách sạn cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách quốc tế đến nước này đã giảm mạnh.
8/ Chi nhánh Uber Eats ở Nam Phi hôm nay đã tung ra dịch vụ giao thuốc không kê đơn trên ứng dụng. Điều này nằm một phần trong việc họ đang tìm cách để giành lấy thị phần trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến đang phát triển nhanh chóng ở nền kinh tế công nghiệp hóa nhất châu Phi. Uber Eats, một đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe Uber Technologies của Mỹ, đã có thị phần khá lớn trong thị trường vận chuyển thực phẩm trị giá 600 triệu USD của Nam Phi. Thị trường phân phối dược phẩm hiện đang được kiểm soát bởi các chuỗi hiệu thuốc Clicks và Dis-Chem, đã cung cấp dịch vụ giao hàng từ rất lâu, trước khi Covid-19 thúc đẩy việc chuyển sang mua sắm trực tuyến.
9/ Nhật Bản sẽ đẩy mạnh chương trình khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Nikkei Asia, chính phủ Nhật Bản sẽ trả 50% chi phí cho các công ty lớn và 2/3 cho những doanh nghiệp nhỏ để xây dựng cơ xưởng sản xuất tại Đông Nam Á. Khoản trợ cấp được áp dụng cho các công ty tập trung sản xuất sản phẩm ở một quốc gia cụ thể. Mục đích của chương trình này là đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản. Nikkei dẫn lời một số chuyên gia nhận định chính phủ Nhật Bản rất muốn giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ sớm công bố kế hoạch trên trong chuyến công du Đông Nam Á sắp tới, ông Suga sẽ kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á.
10/ KPN đã thông báo vào hôm nay rằng, họ đã chọn Ericsson của Thụy Điển làm đối tác để xây dựng các phần cốt lõi cho mạng di động 5G mới của mình. Thông báo này được đưa ra sau quyết định không chọn Huawei của Trung Quốc vào năm ngoái. Huawei đã bị cấm thực sự ở Hoa Kỳ và Washington đã bày tỏ sự lo ngại rằng nếu mạng lưới 5G của KPN chứa thiết bị Huawei, thì nó sẽ dễ bị nhà nước Trung Quốc do thám. Hiện tại thì chưa có chi tiết tài chính nào về thương vụ với Ericsson được tiết lộ từ KPN.
11/ Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa công bố Nga đã đăng ký vaccine thứ 2 ngừa Covid-19 và sắp tới có thể đăng ký tiếp vaccine tiềm năng thứ 3. Phát biểu khai mạc cuộc họp với các thành viên chính phủ ngày hôm qua, nhà lãnh đạo Nga vui mừng thông báo, trung tâm Vector, có trụ sở tại Novosibirsk, đã đăng ký vaccine ngừa Covid-19 thứ 2 của Nga là EpiVacCorona. Thử nghiệm lâm sàng với vaccine đã được thực hiện trên các tình nguyện viên từ ngày 24/7. Hôm 30/09 vừa qua, vaccine này chính thức được cấp phép. Nhân dịp này, ông Putin cũng bật mí, Nga hiện có thêm “ứng viên” vaccine tiềm năng thứ 3. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển các chế phẩm sinh học miễn dịch Chumakov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 của mình tại Kirov và St.Petersburg vào ngày 19/10.