Chuyện về những truyền nhân nghề gian nan nhất

Tác giả (giữa) cùng những truyền nhân nước mắm truyền thống
Gọi là truyền nhân thì thường phải nói là… đời thứ mấy? Khó xác định, bởi lịch sử nước mắm truyền thống (NMTT) có hơn 300 năm mà mỗi nhà sản xuất có một tiểu sử riêng. Tuy vậy, điều gây xúc cảm mạnh mẽ là chuyện thật của những cuộc đời gắn bó với nghề, với từng giọt mắm truyền đời qua rất nhiều thế hệ. Không phải những lời tuyên ngôn sáo rỗng: “Hãy giữ gìn bảo vật của ông bà tổ tiên”; hay chất vấn: “Là người Việt, từ ấu thơ, nước mắm đã hòa trong máu mỗi người Việt, sao lại không nhớ?”.
Trong 20 tập phim tư liệu mà Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – BSA đang thực hiện về “Giọt mắm Việt truyền đời”, có một mảng đề tài chúng tôi chắt chiu để dành như những hạt bụi vàng trong “Bông hồng vàng” của Pauxtốpxki. Đó là chuyện về các truyền nhân của các gia đình làm nước mắm, rất thú vị và bất ngờ.
Hôm nay, nhân đại hội thành lập tổ chức nghề nghiệp của họ, được gặp và siết tay những truyền nhân trẻ khỏe này, lòng thật cảm động và vui, nên xin trích nhanh ở đây vài mảnh rời .
Tôi quen thân với cô Nguyễn Thị Thanh Thùy, con gái chị Nguyễn Thị Tịnh, một cô gái xinh xắn, hoạt bát mà tôi từng đi chung dự triển lãm ở Bangkok hay các nước và nhiều hội chợ trong nước. Thùy tốt nghiệp ĐH Kinh tế, có việc làm tốt ở Sài Gòn nhưng trước một sự cố là cơn lốc Arsenic tấn công dữ dội quá, Thùy bay về Phú Quốc, nhìn thấy mẹ hốc hác, lao đao, nhất là một đêm, bắt gặp mẹ ra sau hè ngồi khóc nghẹn một mình vì lo sắp phải bỏ nghề, thế là Thùy thuyết phục chồng, cùng ôm con về Phú Quốc, rồi cùng xốc vào gánh vác Thanh Quốc dù từ nhỏ, Thùy quá biết nghề này “cơ cực trăm bề”. Tôi nể trọng chị Tịnh khi chị rất trung thực, nghiêm túc, tự làm ra 2 loại nhãn nước mắm: “Quốc Đảo”,  cũng là NMTT nhưng không theo đúng 100% chuẩn mực qui trình Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), để phân biệt với nhãn “Thanh Quốc” dùng cho CDĐL nước mắm Phú Quốc.
Trần Bảo Quốc là một chàng trai to cao đúng chuẩn “doanh nhân hiện đại”, lại đang là một anh… bán nước mắm. Tốt nghiệp đại học ở Úc, Quốc về Phú Quốc phụ mẹ việc điều hành công ty gia đình Khải Hoàn. Bây giờ anh bay như con thoi Sài Gòn – Phú Quốc, vừa lo kinh doanh tại TP.HCM, chăm lo gia đình nhỏ, vừa chăm sóc mẹ và cả cơ nghiệp hơn trăm tàu đánh cá với nhiều nhà thùng, cửa hàng, điểm đón du khách… Quốc hiểu sâu về qui trình chuẩn của NMTT, của CDĐL, theo dõi kỹ việc giám sát các tiêu chuẩn nghiêm ngặt HACCP và ISO 22000 của Khải Hoàn, và cũng chuyên nghiệp, rành rọt về bán hàng online, thương mại điện tử. Nhưng một điều (có phần riêng tư) khiến tôi rất quí anh là Quốc rất chu đáo, chi tiết chăm lo cho mẹ đang chưa kịp nguôi ngoai đau buồn sau khi ba của Quốc bất ngờ qua đời. “Mẹ ơi, sắp tới giờ bay, mẹ soạn va-li xong chưa?”. Chị Hồ Kim Liên nhận tin nhắn, trả lời nhanh cho con an tâm và nói với tôi: “Quốc bận kinh khủng, mà luôn luôn chu đáo với mẹ vậy đó”.
Ong Thị Kim Ngân (áo trắng, thứ hai từ trái qua) cùng mẹ và 2 vị khách trong chuyến đi dự hợi chợ thực phẩm Food Expo của Nhật Bản
Còn chuyện về cô gái duy nhất, cũng bán nước mắm, cả ở nhiều nước trên thế giới là cô Ong Thị Kim Ngân, truyền nhân của bà chủ công ty gia đình, nước mắm Thanh Hà. Ngân tốt nghiệp Đại học Kinh tế, đi làm nhiều năm cho VASEP. Cô kể là cô chỉ mới về chuyên tâm làm việc cho gia đình hơn 2 năm nay. Thích vẫy vùng, càng xa nhà càng tốt, như mọi người trẻ hiện nay, nhưng rồi cuối cùng vì thấy mẹ cứ phải gồng gánh, loay hoay có một mình… cô không đành!
Cô kể: “Mẹ cháu là người Phú Quốc, hồi trước lâu rồi, xa xôi cách trở vậy mà bà đã đưa được Nước mắm Thanh Hà sang Hàn Quốc (1993) và EU (1998). Đi tiếp thị nước mắm Việt khắp châu Âu là hết sức cực nhọc gay go”.
Tôi hoàn toàn hình dung được khi Ngân kể về một lần dự Hội chợ Anuga tại thành phố Cologne của Đức, 2 mẹ con phải thuê 1 cái khách sạn ở xa điểm triển lãm hơn 70km vì khách quốc tế đã book khách sạn từ cả năm trước. Ngày nào 2 mẹ con cũng phải thức từ 5h sáng để đi xe lửa tới hội chợ và tối về tới khách sạn thì đã 11- 12h đêm giữa trời đông buốt giá của nước Đức! …
Lại có câu chuyện gây ngạc nhiên khi tôi đi ăn Chả cá Lã Vọng ở Hà Nội. Người chủ quán giới thiệu, quán tôi dùng mắm tôm Lê Gia, đảm bảo an toàn và ngon nhất, nên khách đông lắm. Sau này, nhà tôi cũng đặt mua mắm Lê Gia và tôi làm quen dần với chàng kỹ sư xây dựng lại nổi tiếng “bán mắm” ngon – lành ở Hà Nội.
Năm 2015, anh Lê Ngọc Anh, ở tuổi 30, đang là kỹ sư xây dựng cho công ty Hàn Quốc với mức lương nghìn USD, mà trong các hạng mục anh làm cho nhà thầu có nhà ga sân bay Nội Bài và công trình lọc dầu. Vậy mà sức hút vô hình nào thôi thúc, anh đã bỏ nghề, rủ luôn người vợ trẻ là dược sĩ: “Sinh ra trong một làng quê có nghề mắm, từ nhỏ mùi mắm đã in sâu vào ký ức tuổi thơ tôi”.
Anh kỹ sư chưa quên những trưa hè mẹ khuấy mắm trong chum rồi hương vị của biển bốc lên. Mùi mắm thay đổi cuộc đời anh và góp vào niềm “hạnh phúc” của mọi gia đình Việt: “Được tha hồ ăn mắm tôm, ngon đã đời mà hoàn toàn an tâm!”.
Kỹ sư Lê Ngọc Anh bây giờ rất hào hứng với cơ nghiệp sản xuất kinh doanh nước mắm thương hiệu Lê Gia, trong đó có mắm tôm đang được tin dùng rộng rãi khắp các tiệm, nhà hàng Chả cá Lã Vọng ở Hà Nội.
Chúng ta vẫn còn nghe nhiều lời than “con cái nhất định không chịu nối nghiệp” vang lên ở cả 19 tỉnh thành phố ven biển. Nhưng như định mệnh nước mắm truyền đời vẫn tồn tại phát triển, không ai tiêu diệt nổi, thì lớp bạn trẻ có ăn học, có khả năng quản trị, giao tiếp đối ngoại, đủ kiến thức kỹ năng theo đuổi các yêu cầu số hóa, chuẩn hóa đang là một làn sóng có thật.
Tôi tin vào ngày mai của NMTT vì có một lớp người đủ năng lực và tình yêu, đang sẵn sàng gánh vác sự nghiệp gian nan mà vinh quang này.
Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao
Hỏi khó nước mắm truyền thống, trước thềm ngày vui lớn