Công chức Nhật Bản bỏ việc an nhàn sang làm cho các công ty khởi nghiệp

Tinh thần khởi nghiệp tại các startup non trẻ đã thu hút các viên chức trẻ ở Nhật Bản, với số người nhảy việc ở độ tuổi 30 sang các công ty mới thành lập tăng 7 lần trong hai năm tài chính 2021-2022. Đồ họa: Nikkei Asia

Ngày càng có nhiều công chức Nhật Bản rời bỏ công việc văn phòng an nhàn để tìm kiếm mức lương cao hơn và thỏa mãn cái tôi, khẳng định giá trị của mình ở các công ty mới thành lập. Khoảng một phần ba lượng công chức đã tìm được việc làm tại các startup, tăng gấp bốn lần trong vòng hai năm cho đến năm tài chính 2022. Nhiều người bị thu hút bởi các công ty tập trung vào các biện pháp chống biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội khác.

“Khi còn là công chức, tôi không thể tham gia vào các hoạt động thực tế bên ngoài. Tôi muốn góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội”, theo lời Tatsufumi Asayama. Người thanh niên 30 tuổi này từng làm việc tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), từ năm ngoái người thanh niên 30 tuổi này đã gia nhập startup chăm sóc sức khỏe Yuimedi có trụ sở tại Tokyo.

Tại METI, Asayama đã giúp các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp ở các nước châu Á khác. Tại Yuimedi, anh làm công tác chuẩn hóa dữ liệu chăm sóc sức khỏe nhằm giúp các nghiên cứu về dược phẩm và vấn đề khác đạt hiệu quả cao hơn.

Cơ quan tìm việc Tokyo En Japan cho biết số lượng công chức tìm được việc làm tại các công ty khởi nghiệp thông qua các trang giới thiệu việc làm của họ đã tăng gấp bốn lần trong hai năm tài chính 2021-2022. Tokyo En Japan định nghĩa startup là những công ty thành lập dưới 20 năm.

Số lượng người chuyển việc từ khu vực công sang các startup đã tăng bảy lần với những người ở độ tuổi 30 và gấp ba lần với những người ở tuổi 40-50. Khoảng 30% tìm đến các startup non trẻ, tăng 9 điểm phần trăm, gần với con số 34% tìm được việc tại các tập đoàn lớn.

Có tổng cộng 3,4 triệu công chức làm việc ở chính quyền địa phương và trung ương tại Nhật Bản, bao gồm cả giáo viên và cảnh sát. Trong số các quan chức ưu tú được chính quyền trung ương tuyển dụng trong năm tài chính 2016, 10% đã nghỉ việc sau khi làm việc chưa đầy năm năm, tăng 5 điểm phần trăm so với những người được tuyển dụng trong năm tài chính 2013, theo Cơ quan Nhân sự Quốc gia.

Tăng ca thường xuyên và mức lương thấp hơn khu vực tư khiến công chức xứ anh đào mệt mỏi. “Chúng tôi phải đáp ứng những ý tưởng bất chợt của các quan chức. Tôi thường cảm thấy rằng công việc của chúng tôi không phải là đưa ra các đề xuất để giúp xã hội tốt hơn”, một công chức thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông nói với Nikkei Asia.

Startup đang trở nên phổ biến hơn với giới công chức, bởi một phần nhiều người đặt mục tiêu giải quyết các thách thức xã hội. Trong số 2.000 startup đã gọi vốn từ quỹ đầu tư và các nguồn khác vào năm 2022, gần 30% thuộc 10 lĩnh vực gắn liền với phát triển xã hội, như giáo dục, môi trường, nông nghiệp và dược phẩm – theo hãng dữ liệu và phân tích về khởi nghiệp Initial. Một cuộc khảo sát khác của một hiệp hội ngành cho thấy 80% công chức muốn làm việc cho các startup xem sứ mệnh xã hội của công ty để chuyển việc.

Tokyo En Japan chỉ ra yếu tố khác thu hút công chức đến với các startup là mức lương cao hơn, với 43% người mới được thuê có được mức lượng cao hơn tại công ty mới. Tuy vậy, có 36% nói mức lương của họ bị giảm.

Tuy nhiên, startup vẫn không được ưa chuộng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học. Theo hãng truyền thông xã hội Penmark ở Tokyo, chỉ có 2% sinh viên đại học có kế hoạch tìm kiếm các vị trí mới khởi nghiệp, thấp hơn nhiều so với 9% muốn làm việc cho chính quyền cấp quốc gia và thành phố hoặc các tổ chức công.

Các quan chức ở chính quyền trung ương định hình chính sách quốc gia, trong khi những quan chức ở các thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ các cộng đồng địa phương. Nếu cuộc di cư hay thất thoát chất xám của khu vực công cứ tiếp diễn, triển vọng phát triển của Nhật Bản và sức sống của các địa phương có thể bị suy giảm nghiêm trọng.

Trong khi ít người làm ở startup chuyển sang khu vực công ở Nhật Bản, thì ở Mỹ đây lại là con đường hai chiều với số việc nhân viên các công ty mới thành lập tìm được việc trong các cơ quan chính phủ.

Nikkei Asia bình luận: “Nhật Bản cần học theo Mỹ và phát triển một cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhảy việc giữa khu vực công và khu vực tư nhân”.

Ricky Hồ / BSA