Doanh nghiệp nước ngoài e ngại về “luật chống gián điệp” của Trung Quốc

Truyện tranh cảnh báo người dân Trung Quốc về các gián điệp nước ngoài tại một nhà ga xe điện ngầm ở Bắc Kinh vào tháng 4-2016. Ảnh: Kyodo

Các công ty nước ngoài đang cảm thấy áp lực hơn, bị ràng buộc nhiều hơn khi Luật chống gián điệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày mai 1-7. Việc thực thi các điều luật được định nghĩa một cách mơ hồ sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin vốn đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm do các tác động của đối đầu Mỹ – Trung trên nhiều lĩnh vực. Cũng có nhà phân tích cho rằng cho rằng mục tiêu của luật mới cũng có thể là chính quyền các địa phương vì chăm chăm lợi ích kinh tế mà lơ là an ninh quốc gia.

Tân Hoa xã nói rằng luật chống gián điệp sửa đổi được hình thành trên những quy định của luật ban hành năm 2014. Các điều luật sửa đổi và bổ sung được đệ trình cuối tháng 12 năm ngoái và được Quốc hội thông qua cuối tháng 4 vừa rồi. Luật mở rộng các định nghĩa về các mục tiêu mà gián điệp có thể tiếp cận là “tất cả tài liệu, dữ liệu, vật dụng hay bài viết” và cho phép quan chức thực thi “kiểm tra hành lý, thiết bị điện tử và tài sản của nghi phạm”. Các cuộc tấn công mạng vào các cơ quan nhà nước hay cơ sở dữ liệu quan trọng cũng được xem là gián điệp.

Luật mới các làm tăng rủi ro cho các doanh nghiệp vốn đã phải tuân thủ một số luật tương tự, chẳng hạn dư Luật bảo mật dữ liệu và Luật an ninh quốc gia. Đặc biệt, các điều luật mơ hồ để xác định các cá nhân đang thực hiện “các hoạt động gián điệp đáng nghi ngờ” có thể làm tăng tình trạng không chắc chắn về tương lai kinh doanh ở Trung Quốc – hãng luật quốc tế Morgan Lewis đã cảnh báo hồi tháng 5.

Niềm tin nhà đầu tư trượt đáy

“Điều luật nào chúng tôi phải tuân thủ? Điều gì cấu thành bí mật quốc gia? Chúng tôi không được phép tiếp cận hay sở hữu thông tin nào?, Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc, ta thán.

Trong khi đó, Michael Hart, Chủ tịch AmCham (Phòng Thương mại Mỹ) tại Trung Quốc, lại nói rằng: “Các thành viên của AmCham muốn tuân thủ luật pháp. Điều mọi người e ngại là các hoạt động kinh doanh thông thường trước đây phải được định nghĩa và phân loại trở lại”.

Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đang trên đà tuột đáy.

Khảo sát mới công bố đầu tháng 6-2023 của EuroCham cho thấy: 10% thành viên đã di dời hoặc có kế hoạch di dời nhà xưởng và văn phòng ra khỏi Trung Quốc, t53% không có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Trung Quốc trong năm nay. Trong số những người được khảo sát, 38% đã chứng kiến khách hàng và nhà cung cấp Trung Quốc chuyển đầu tư ra nước ngoài.

Tâm lý hoài nghi hay bi quan đó phần lớn gắn liền với môi trường kinh doanh biến động hơn và kết quả tài chính yếu hơn. Khoảng 64% công ty được khảo sát cho biết hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn vào năm 2022, trong khi 30% số người được hỏi cho biết doanh thu giảm vào năm ngoái, so với chỉ 10% vào năm 2021.

“Rất nhiều lĩnh vực kinh doanh thông thường trước đây đã bị chính trị hóa”, Chủ tịch EuroCham Eskelund nói.

Trung Quốc đang mất dần sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và không còn là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp Mỹ – theo kết quả khảo sát của AmCham công bố đầu tháng 3-2023. Lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm thực hiện khảo sát môi trường kinh doanh, Trung Quốc không còn là thị trường nằm trong top 3 của đa số các doanh nghiệp Mỹ.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 năm ngoái. Khoảng 45% trong số 319 công ty được khảo sát đã trả lời Trung Quốc là ưu tiên đầu tư hàng đầu trong ba kế hoạch đầu tư toàn cầu ngắn hạn của họ, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể từ 60% vào năm ngoái.

Tỷ lệ trả lời Trung Quốc là “một trong nhiều điểm đến” đã tăng lên 38% từ 29% trong cuộc khảo sát trước đó. Trong khi đó, 45% số người được hỏi cho biết môi trường đầu tư của Trung Quốc đang xấu đi, tăng mạnh từ 14% trong cuộc khảo sát trước đó lên mức cao nhất trong năm năm qua.

“Phần lớn các doanh nghiệp cho biết họ đang xem xét các kế hoạch đầu tư ở Trung Quốc, chọn không đầu tư thêm hoặc thậm chí giảm đầu tư tổng thể”, báo cáo của AmCham viết.

Chống gián điệp?

Các cuộc bố ráp những tháng gần đây đối với các văn phòng công ty nước ngoài, đặc biệt các hãng tư vấn thực hiện dịch vụ thẩm định đầu tư, khiến giới đầu tư nước ngoài rất lo lắng. Các vụ câu lưu hay bắt giữ liên quan đến cáo trạng gián điệp cũng gia tăng, đặc biệt sau vụ giam giữ nhà báo người Úc gốc Hoa Cheng Lei làm việc cho đài CGTN của Trung Quốc và CEO Hiroshi Nishiyama của hãng dược Astellas Pharma (Nhật Bản) hồi vào tháng 3-2023. Kể từ năm 2015, theo báo Mainichi, đã có năm công dân Nhật bị Trung Quốc truy tố và kết tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của đại lục.

Vậy tại sao Trung Quốc lại ráo riết thực hiện các quy định khắc nghiệt giữa lúc họ cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chững lại?

Foreign Policy trả lời rằng: “Chính quyền các địa phương đang thiếu ngân sách, tình trạng nợ nần buộc các địa phương gia tăng thu thuế. Lợi ích của các tỉnh thành có thể xung đột với lợi ích của các cơ quan an ninh nhà nước. Các cơ quan này không có lý do gì để quan tâm đến tăng trưởng kinh tế, và chính quyền địa phương không có ảnh hưởng gì đối với họ”.

Tính đến cuối năm ngoái, theo dữ liệu của hãng tư vấn độc lập Rhodium Group có trụ sở tại Mỹ, số nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc lên đến 59.000 tỉ nhân dân tệ, khoảng 8.250 tỉ đô la. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo số nợ này có thể phình gấp đôi và lên đến 101.800 tỉ nhân dân tệ vào năm 2027.

Bản năng che giấu thông tin, sửa đổi dữ liệu đã ăn sâu vào bộ máy chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, chính quyền trung ương bắt đầu thúc đẩy hệ thống “chính phủ điện tử”. Lúc đó, Bắc Kinh đã tìm cách buộc các chính quyền địa phương phải cởi mở tương đối để giúp dẹp bỏ nạn tham nhũng và khôi phục uy tín của các quán chức. Bùng nổ công nghệ cũng giúp nhiều doanh nghiệp thu thập thông tin và bán các dữ liệu này.

Các đợt trừng phạt của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc cũng là lý do mà phía Trung Quốc cần phải đáp trả. Hàng loạt các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã chuyển sang sử dụng các hãng kiểm toán ở Mỹ và Singapore thay vì các hãng tại đại lục kể từ năm 2022 nhằm giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các sàn giao dịch của Mỹ. Cùng lúc đó, Trung Quốc bắt đầu gia tăng các đợt bố ráp các hãng tư vấn, thẩm định đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc.

Và không thể không nhắc đến tính háo danh hão của người Trung Quốc. Khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ kỷ lục, Trung Quốc tự hào khoe với cả thế giới. Nếu những con số đó trở nên quá xấu xí hoặc không gây ấn tượng, một nhân vật quan trọng hay một cơ quan nào mong muốn che đậy – theo phân tích của James Palmer – phó trưởng biên tập của Foreign Policy.

Cuối cùng, James Palmer nhận định, Bắc Kinh ngày càng cảnh giác với các nhà báo và giới học giả. Bởi họ có thể sử dụng dữ liệu công khai của chính phủ đế điều tra các vụ bê bối, tham nhũng hay các vấn đề liên quan đến Tân Cương và Tây Tạng.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg, Foreign Policy

Ricky Hồ / BSA