Mọc mầm trên đất bỏ hoang

    Thuê đất nền đất bỏ hoang làm nông trại, trồng dưa lưới không dùng hóa chất, không xâm hại môi trường và sử dụng lao động địa phương, Nguyễn Văn Đém đang tạo sinh cảnh nông nghiệp đô thị. Fresh Farm là nơi cung cấp trái cây tươi của nông trại, ép trái cây tươi tại chỗ, nơi chia sẻ kinh nghiệm làm nông trong đô thị, thu hút lớp trẻ quan tâm nông nghiệp… tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
    Thân chủ cho mượn đất, chỉ cách làm ăn
    “Fresh Farm thu hoạch trong lúc làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư ập tới, bản thân cũng thấy mình liều. Nhưng người tiêu dùng là thân chủ động viên làm vậy mới có nguồn an toàn chứ nông sản tẩm thuốc ngán quá. Tuy nhiên, diện tích hiện có bắt đầu chật hẹp so với yêu cầu”, anh nói.
    Một vài thân chủ gợi ý cho mượn đất để Fresh Farm phát triển thành hệ thống vườn rau, dưa an toàn ở đô thị. Nhưng khi cơ hội rộng mở thì nguồn lực tài chính của Fresh Farm trở nên nhỏ bé.
    Đã đầu tư gần một tỷ đồng vào Fresh Farm, theo đuổi mô hình nông trại bền vững giữa lòng đô thị, anh Đém khá vất vả khi nhiều nơi giãn cách. Nhưng dù sao anh cũng đã bán hết 600 kg dưa cuối cùng. Nhưng sau một vụ thu hoạch, việc liên kết hệ thống nông trại với Cà Mau, các tỉnh gần như tê liệt. Chẳng lẽ để nông trại thành mảnh đất hoang lần nữa?
    Ông Nguyễn Phước Lê, chủ một nông trại ở Hawaii, gốc là người Cần Thơ, từng làm việc trong Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ lâu đã lập chiếc cầu tư vấn tiêu chuẩn và cách làm nông trại với Đém.  “Nguồn giống và cảm xúc mới lạ là điều cần chú ý dù cháu đứng trước nhu cầu mênh mông”, ông khuyên chàng trai trẻ có bằng thạc sĩ trồng trọt.
    Nguồn trợ giúp thứ hai là ông Võ Phát Triển, CEO công ty Food Technology Việt Đức ở Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Cảm kích cách làm của Fresh Farm, ông khuyên từ bây giờ nên tính toán mùa vụ để kịp làm hàng đi EU. Cánh cửa thứ hai cho Fresh Farm là kết hợp với Việt Đức làm hàng tươi và sấy dẻo xuất khẩu qua Đức, Nga và Nhật Bản.
    Năm ngoái, tỉnh Đồng Tháp chọn sản phẩm xoài sấy dẻo của công ty Việt Đức – chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ông Triển, Việt kiều Đức nói với các đồng nghiệp cùng làm ở hãng Maurer, Đức rằng ông trở về quê tự nguyện tham gia giải bài toán nông sản, mấy năm nay đã đưa được xoài Cao Lãnh qua tới Đức, Nga và Nhật Bản. Bây giờ, ông giúp các bạn khởi nghiệp làm quy trình canh tác chỉn chu, nguồn nguyên liệu chế biến để đưa nhiều sản phẩm ra nước ngoài với công nghệ, thiết bị của Maurer.
    Ông chủ Maurer hiểu tâm trạng của ông Triển khi xin nghỉ trước tuổi để trở về Việt Nam, đã nói rõ những công nghệ mới – tài sản quý của Maurer – trong đó có những sáng kiến của ông Triển với lời động viên: “Hãy làm như mong muốn, cần gì cứ gọi Maurer”.
    Ông Triển nhẹ nhàng mở chiếc tủ là bộ não hệ thống tự động sấy của Maurer nói: “ Rất đơn giản, chẳng có gì ầm ỉ, vấn đề là các bạn quyết tâm chuẩn mực hóa các hoạt động và đừng tự dẫn mình vô chỗ khó. Làm riết rồi sẽ biết cơ hội hiện ra lúc nào vì món ngon, làm ăn đàng hoàng là người ta sẽ mua hàng của mình”.
    Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Đém: “Dịch đến, hông lẽ để nông trại thành đất hoang, như lô đất nền bỏ hoang chờ chủ mua.
    Làm gì sau dịch?
    Chia sẻ những cơ hội này từ Fresh Farm, một nhóm trẻ khởi nghiệp tại Cần Thơ khai thác Zalo, Facebook… bàn chuyện làm gì khi nạn dịch được kiểm soát? Tầm nhìn vẫn là những mảnh đất phân lô bán nền bị bỏ hoang, anh Đém nói. Nhưng anh khẳng định Fresh Farm sẽ chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm cho các bạn trẻ, lo tiêu thụ sản phẩm như một nhóm liên kết đủ lớn để hợp tác với công ty Việt Đức.
    Thăm dò thị trường của Fresh Farm cho thấy: Nông trại có lợi thế về nông nghiệp sinh học, sinh cảnh phù hợp gia đình, bạn bè tới mua hàng, giải trí và thư giãn, chụp ảnh rất đẹp, thưởng thức nước ép dưa lưới ngon sạch… bên cạnh việc mở rộng giao dịch, quảng bá trên mạng, khai thác lợi thế online và shipping. Phần lớn phụ nữ đã lập gia đình nói: Ngoài chuyện thưởng thức tại chỗ, ai cũng muốn làm cho bữa ăn của gia đình ngon lành hơn. Tuy nhiên, sản phẩm ở đây chưa đa dạng.
    Để cải  thiện tình hình, 10 bạn là chủ thể OCOP khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Liên hiệp Hội KH-KT TP Cần Thơ muốn tổ chức chợ phiên cuối tuần “Farm & Startup” theo phương châm vì dinh dưỡng và sức khỏe, học được từ Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
    “Đây là một tụ điểm thích hợp nhóm cực nhỏ nhằm tập hợp, nối kết và phát huy ý tưởng, phong cách mới – lạ để tạo dấu ấn thương hiệu trong người tiêu dùng từ ý tưởng khởi nghiệp về nông nghiệp đô thị. Đặc biệt coi trọng việc tập hợp, định vị những nhà sản xuất có triển vọng, cùng chia sẻ kinh nghiệm để trở thành nhà cung cấp, nhà chế biến cái gì đó khác biệt”, anh Nguyễn văn Đém nói.
    Lãnh đạo Liên hiệp hội Phụ nữ ĐBSCL có trụ sở tại quận Cái Răng gợi ý sẵn sàng cho thuê không gian tổ chức phiên chợ tại sảnh chính ở tầng trệt đang lạnh lẽo với chi phí hợp lý, nếu có từ 20 – 30 đơn vị tham gia chợ phiên.
    Hoàng Lan (Theo TGHN)
    Hai Trâu làm nước mắm đồng