Singapore cạnh tranh với Hồng Kông để trở thành trung tâm nghệ thuật của châu Á

Art SG năm nay trở thành hội chợ và triển lãm nghệ thuật lớn nhất ở châu Á – Thái Bình Dương kể từ năm 2013. Ảnh: Art SG

Các phòng triển lãm tranh và nghệ thuật mọc lên ngày càng nhiều ở Singapore, thu hút du khách, các nhà sưu tập chuyên nghiệp và giới đầu tư trong khu vực và thế giới. Hòn đảo nhỏ đang cố gắng vượt qua các thành phố Đông Nam Á như Bangkok hay Jakarta, cạnh tranh với Hồng Kông để trở thành trái tim nghệ thuật của châu Á.

Điểm sáng của Singapore là sự hình thành thị trường nghệ thuật cùng với các nhà sưu tập và nghệ sĩ địa phương. James Green, giám đốc cấp cao phụ trách phòng triển lãm nổi tiếng David Zwirner ở London, phát biểu: “Bán cho khách hàng mới là một dấu hiệu thành công”.

Trở lại trên bản đồ nghệ thuật thế giới

Art SG là triển lãm và hội chợ lớn nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể từ triển lãm khai mạc của Art Basel tại Hồng Kông vào năm 2013.

Art SG đánh dấu nỗ lực nghiêm túc nhất của hòn đảo nhỏ để ghi tên mình trên bản đồ nghệ thuật toàn cầu sau nhiều năm bị tụt hậu hay lãng quên. Art SG từng bị hoãn bốn lần trong các năm qua do dịch Covid và các vấn đề tổ chức khác. Năm 2018, MCH Group, công ty mẹ của Art Basel, đã quyết định không tiếp tục tổ chức hội chợ ở Singapore để cắt giảm chi phí. Tuy vậy, MCH đã đổi ý và mua lại 15% cổ phần của nhà tổ chức Art SG vào năm ngoái. Một hội chợ khác là Art Stage Singapore cũng đột ngột bị hủy chỉ vài ngày trước khi khai mạc vào năm 2019.

Được tổ chức tại trung tâm hội nghị Marina Bay Sands trong bốn ngày, Art SG có hơn 160 phòng trưng bày từ 35 quốc gia tham dự, bao gồm những cái tên như White Cube và David Zwirner. Những nhà sưu tập mới vào nghề có thể làm quen với các tác phẩm có giá dưới 10.000 đô la Mỹ. Kết thúc tối 15-1, ban tổ chức Art SG cho biết đã đón gần 43.000 lượt khách, vượt mục tiêu 40.000 lượt khách dự kiến trước đó.

Nghệ thuật Đông Nam Á, bao gồm các tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng Pam Yan Santos từ Philippines, chiếm vị trí trung tâm tại Art SG. Có một vài gian triển lãm Singapore không bán được tác phẩm nào. Nhưng các phòng triển lãm khác của Singapore cũng tạo dấu ấn.

Gian triển lãm của Cuturi Gallery ở Art SG chỉ rộng 25 mét vuông, nhưng phòng trưng bày địa phương này đã bán những bức tranh lớn của cả năm nghệ sĩ Singapore mà họ đại diện. Giá các tác phẩm dao động trong khoảng 3.000 – 15.000 Singapore đô la. Người mua cũng đăng ký mua những tác phẩm không được trưng bày tại Art SG. Nhà trưng bày Kevin Troyano Cuturi, 33 tuổi phát biểu: “Chúng tôi yêu thích trải nghiệm này và chắc chắn chúng tôi sẽ có gian hàng lớn hơn trong năm tới”.

Tại gian Richard Koh Fine Art, nghệ sĩ người Singapore Melissa Tan đã bán một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng thép không gỉ, được cắt bằng tia laser với giá 45.000 đô la Singapore, vượt ngưỡng giá thông thường khoảng 30.000 đô la của các tác phẩm địa phương.  

Nhưng nhiều nhà sưu tập tư nhân đang khao khát nghệ thuật đẳng cấp quốc tế hơn – theo lời Ken Tan từ hãng Lehmann Maupin, người vừa được bổ nhiệm là giám đốc vùng Đông Nam Á của Art SG. Hôm khai mạc, Art SG đã bán được các tác phẩm nghệ thuật có trị giá 561.000 đô la Mỹ, bao gồm một tác phẩm của một nghệ sĩ người Anh cho một nhà sưu tập tư nhân Đông Nam Á với giá 86.000 đô la Mỹ. Phòng trưng bày Gagosian đã đặt hai tác phẩm của cố nghệ sĩ Ashley Bickerton với Bảo tàng MACAN của Indonesia với số tiền không được tiết lộ.

Trước ngày hội chợ khai mạc một ngày, hôm 11-1 phòng trưng bày quốc tế David Zwirner công bố họ đã bán được các tác phẩm nghệ thuật trị giá 2,5 triệu đô la Mỹ cho các nhà sưu tập ở Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc và Đông Nam Á.

Cạnh tranh mạnh mẽ với Hồng Kông

Sự ra mắt của Art SG diễn ra trong bối cảnh sự giàu có đang gia tăng của đảo quốc trong thời gian dịch tạo ra sự phấn khởi, bật tăng của nghệ thuật Singapore. Giá bất động sản đã tăng mạnh khi những người nước ngoài giàu có từ Hồng Kông chuyển đến Singapore, trong khi các ngân hàng đầu tư toàn cầu và các gia tộc kinh doanh giàu có mở văn phòng đại diện và đưa nhân viên đến Singapore.

Tuy nhiên, sự giàu có tại hòn đảo lại thể hiện rõ nhất làn sóng dịch chuyển của tầng lớp người giàu từ Trung Quốc đại lục trong vài năm qua. Có nhiều lý do, nổi bật nhất vẫn là sự siết chặt kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với nền kinh tế và chính sách zero Covid thời gian qua.

“Các nhà sưu tập Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở châu Á. Sức mạnh của cộng đồng người Hoa ở Singapore là một hiện tượng tương đối gần đây. Vì vậy, tôi nghĩ rằng hội chợ sẽ là một trong những lần đầu tiên thị trường nghệ thuật có cơ hội tiếp cận với cộng đồng đó một cách tập trung”, theo lời Magnus Renfrew, người đồng sáng lập Art SG và cũng là nhân vật kỳ cựu trong cộng đồng nghệ thuật châu Á.

Tuy nhiên, về quy mô tài chính, tham vọng trở thành một trung tâm nghệ thuật khu vực của Singapore có thể vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Theo báo cáo của Art Basel và UBS AG, chi tiêu trung bình của các nhà sưu tập giàu có ở Hồng Kông cho nghệ thuật và đồ cổ ước tính khoảng 633.000 đô la Mỹ trong năm 2022, so với con số 322.000 đô la Mỹ ở Singapore.

Sau ba năm đóng cửa do Covid, Hồng Kông gần như bị cô lập với thế giới. Nhưng vị trí của Hồng Kông trên thị trường nghệ thuật châu Á vẫn được giữ vững, nhất là sau khi đặc khu này tái mở cửa biên giới. Tại Art SG, các vị khách và nhà triển lãm đã hẹn gặp lại ở hội chợ Art Basel ở Hồng Kông vào tháng 3 tới. Các nhà đấu giá như Christie’s, Sotheby’s và Phillips dự kiến sẽ mở trụ sở mới và lớn hơn tại xứ cảng thơm sau khi đạt doanh thu kỷ lục.

Philip Hoffman, người sáng lập và CEO của công ty đầu tư và tư vấn nghệ thuật The Fine Art Group, cho rằng Hồng Kông cũng có những lợi thế khác so với Singapore. Chẳng hạn như dịch vụ vận chuyển, kho bãi và lưu trữ có độ bảo mật cao có giá tốt hơn. Hồng Kông cũng không áp thuế hải quan, thuế giá trị gia tăng hoặc thuế tài sản đối với các tác phẩm nghệ thuật.

Tuy nhiên, những người trong ngành nói rằng một số vấn đề chính trị và kinh tế ở Hồng Kông trong những năm gần đây sẽ tiếp tục tồn tại và sẽ có tác động lâu dài hơn đối với thị trường nghệ thuật.

Là nhà sưu tập nghệ thuật hơn 20 năm và là giám đốc của một phòng trưng bày có trụ sở tại Trung Quốc, bà Willa Dong cho biết: “Tất cả chúng ta đều biết rằng Hồng Kông có nhiều chính sách ít mang tính quốc tế hơn trước. Điều này đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính và nghệ thuật ở đây”. Bà Dong nói đang chuẩn bị mở một phòng trưng bày ở Singapore – nơi bà vừa chuyến đến sống và kéo theo một số khách hàng ở đại lục. 

“Tất nhiên chúng tôi muốn thu thập và giao dịch trong một thành phố tự do và minh bạch hơn,” nữ doanh nhân Trung Quốc nói.

Ricky Hồ / BSA Theo Bloomberg, Straits Times