Chính phủ Ấn Độ đang gấp rút điều tra bốn loại si rô trị ho và cảm được sản xuất ở nước này đang bị nghi ngờ là nguyên nhân gây thiệt mạng gần 70 trẻ em ở Gambia. Thảm kịch ở quốc gia Tây Phi có thể tổn hại đến danh tiếng “xưởng dược của thế giới” của Ấn Độ.
Các hãng dược Ấn Độ đã tạo dấu ấn toàn cầu, đứng thứ ba trên toàn thế giới về khối lượng và thứ 14 về giá trị nhờ vào “khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng tốt”. Theo dữ liệu của chính phủ, ngành công nghiệp dược Ấn Độ trị giá khoảng 50 tỉ đô la, chiếm 60% lượng vaccine và 20% thuốc gốc generic trên thế giới.
Chính phủ đã thành lập một ủy ban gồm bốn thành viên để điều tra thêm. Trong khi cuộc điều tra đang diễn ra, các chuyên gia nói rằng phạm vi của thảm kịch có thể buộc chính phủ phải xem lại và thực hiện cải cách ngành buộc phải tính toán và cải cách trong ngành dược phẩm của Ấn Độ.
Hãng dược không tuân thủ quy trình
Các ca tử vong đã làm thế giới chấn động sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo hôm 5-10 về các sản phẩm y tế “bị nhiễm độc” của hãng dược Maiden Pharmaceuticals tại bang Haryana ở miền bắc Ấn Độ. Trong tuần này, ngành y tế Ấn Độ đã ra lệnh tạm dừng sản xuất tại các hãng xưởng của công ty gần thủ đô New Delhi.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói với báo chí rằng bốn loại thuốc do Maiden sản xuất – gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup – “có khả năng liên quan đến tổn thương thận cấp tính và 66 trường hợp tử vong ở trẻ em tại Gambia”. Ông cũng kêu gọi hủy bỏ các sản phẩm đang lưu hành này.
Các nguồn tin chính phủ ở New Delhi cho biết WHO đã thông báo cho Bộ Y tế Ấn Độ về vấn đề này hôm 29-9, sau đó cơ quan quản lý dược CDSCO và Haryana đã tiến hành kiểm tra các cơ sở của Maiden vào các ngày 1, 3, 6 và 11 trong tháng 10 này. Maiden được phép sản xuất bốn sản phẩm này chỉ để xuất khẩu và chỉ cung cấp thuốc cho Gambia. Không có loại thuốc nào trong số bốn loại thuốc này được bán ở Ấn Độ.
Cơ quan kiểm soát tiêu chuẩn dược phẩm trung ương Ấn Độ (CDSCO) và cơ quan quản lý thuốc của bang Haryana cho biết công ty “đã sản xuất và thử nghiệm thuốc mà không tuân thủ hay đi ngược các đòi hỏi khác nhau”. Theo lệnh đình chỉ mà Nikkei Asia có được, việc sản xuất đã bị ngừng do “mức độ nghiêm trọng của các vi phạm được quan sát thấy trong quá trình điều tra và nguy cơ tiềm ẩn đối với chất lượng, an toàn và hiệu quả của các loại thuốc”.
Trong họp báo cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Gambia Ahmadou Lamin Samateh nói rằng số người chết trong ba tháng qua đã lên tới 69 người, trong đó có cháu trai của ông. “Chính phủ đang làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm để đảm bảo rằng đất nước này có được tất cả các nguồn lực cần thiết để đối phó với những trường hợp như vậy”, ông Samateh phát biểu
Một cảnh báo đăng trên trang web của WHO nói rằng các phân tích trong phòng thí nghiệm cho thấy có mẫu si rộ chứa các chất gây nhiễm độc diethylene glycol và ethylene glycol vượt mức cho phép. Dư chất này có thể “gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, bí tiểu, đau đầu, thay đổi trạng thái tinh thần và tổn thương thận cấp tính có thể dẫn đến tử vong”.
Cảnh sát Gambia đang điều tra các vụ nhiễm độc. Trong báo cáo sơ bộ hôm 11-10, họ nói rằng các loại si rô trên được hãng dược phẩm Atlantic có trụ sở tại Mỹ nhập vào Gambia. Trong số 50.000 chai si rô bị nhiễm độc đã vào Gambia, hơn 41.000 chai đã bị thu giữ và số còn lại vẫn chưa được kiểm tra.
Còn hãng Maiden lại đưa ra thông cáo rằng “bị sốc khi nghe các phương tiện truyền thông đưa tin liên quan đến cái chết và vô cùng đau buồn về vụ việc này”. Trả lời với hãng tin ANI của Ấn Độ, Giám Vivek Goyal nói rằng “Maiden có các phê duyệt thuốc hợp lệ để xuất khẩu các sản phẩm được đề cập và hãng đã nhập nguyên liệu từ các nguồn uy tín và có giấy chứng nhận”.
Uy tín của “hiệu thuốc của thế giới thứ ba”
Châu Phi là một thị trường quan trọng. Chỉ riêng Ấn Độ đã cung cấp một nửa nhu cầu thuốc generic của các quốc gia châu Phi. Các hãng dược Ấn Độ cũng cung cấp khoảng 70% vaccine của WHO phân phối cho các nước.
Những hệ lụy của thảm kịch Gambia không chỉ mình Maiden chịu trách nhiệm mà cả ngành công nghiệp dược phẩm khổng lồ của Ấn Độ.
Bác sĩ nhi khoa Arun Gupta, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Delhi, nói rằng: “Chắc chắn, hình ảnh của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi những loại si rô ho đó được sản xuất tại Ấn Độ và đã đi khắp nơi trên thế giới. Đúng hay sai và ai chịu trách nhiệm cho thảm kịch Gambia sẽ được biết rõ sau cuộc điều tra. Nhưng đây là lời cảnh báo cho sự cần thiết phải hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn”.
“Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ phần lớn phủ nhận những lo ngại liên quan đến chất lượng mà các nhà quan sát trong nước và quốc tế từng lên tiếng”, tờ Indian Express bình luận. Báo này cũng cho biếtPharmexcil (Hội đồng thúc đẩy xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ) đã hủy tư cách hội viên của hãng Maiden ngay sau cảnh báo của WHO.
“Các cơ quan trong ngành cần phải làm nhiều hơn nữa, bao gồm cả việc thiết lập các cơ chế hợp tác về kiểm soát chất lượng giữa các công ty. Các báo cáo bất lợi về dược phẩm Ấn Độ, chẳng hạn như chuyện ở Gambia, có thể làm giảm uy tín của chúng ta, vốn được mệnh danh là hiệu thuốc của thế giới thứ ba”, Indian Express nhấn mạnh. Báo này nhắc đến phần lớn khách hàng mua dược phẩm Ấn Độ là các nước nghèo, có thu nhập thấp.
Archana Jyoti, một nhà báo chuyên mục y tế có trụ sở tại New Delhi, nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp Ấn Độ tương đối mạnh, trong nhiều năm đã chứng tỏ rằng họ có thể cung cấp thuốc gốc generic hiệu quả và giá cả phải chăng trên toàn thế giới, đặc biệt là cho các nước thu nhập thấp.
“Vấn đề hiện tại có thể là một sai lầm của một công ty cá thể. Bức tranh tổng quát của ngành dược sẽ hiện rõ hơn sau khi chính phủ kết thúc cuộc điều tra và công bố kết quả chính thức. Nhưng từ bây giờ, chính phủ phải bảo đảm việc giám sát thường xuyên và chặt chẽ hơn để những thảm kịch như vậy không thể tái diễn trong tương lai”.
Ricky Hồ / BSA
Gojek bán các suất ăn nhỏ hơn giúp người dân Indonesia chống chọi bão giá