
Tại Lễ Công bố HVNCLC 2023, tối 14/3, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – người đã gắn bó với chương trình HVNCLC từ những ngày đầu tiên, đã có bài phát biểu xúc động hồi tưởng lại hành trình 27 năm chương trình cũng như nhìn nhận những thách thức mới cho doanh nghiệp Việt trong thời đại mới.
Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chúng tôi xin trân trọng ghi lại.
Chương trình HVNCLC đã ra đời kịp thời
Vào thời điểm năm 1995 khi Việt Nam đạt được những dấu mốc vô cùng quan trọng của công cuộc mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài. Chỉ riêng trong tháng 7/1995 chúng ta có ba sự kiện lớn. Thứ nhất là Việt Nam trở thành thành viên ASEAN. Thứ hai, là chúng ta bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, ngay khi bình thường hóa thì chúng ta đã thống nhất sẽ tiến hành hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Thứ ba là chúng ta ký được hiệp định khung đầu tiên với Liên minh châu Âu về kinh tế. Hiệp định mở ra thị trường châu Âu, để Việt Nam có thể xuất khẩu sang châu Âu với mức thuế quan ưu đãi thấp như các nước đang phát triển khác.
Khi đó tôi làm ở phòng thương mại dấy lên một mối lo vô cùng lớn đó là khi cơ hội thị trường mở ra thì doanh nghiệp Việt Nam có khả năng nắm bắt được không hay là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng lợi. Thứ hai là khi thị trường Việt Nam mở cửa thì chúng ta có giữ được sân nhà không? Vì khi đó không ít các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tâm thế là để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Vì chúng ta có chủ trương để thay thế hàng nhập khẩu chứ không chỉ để xuất khẩu ra bên ngoài. Cái đó làm tôi lo lắng vô cùng, nhưng khi đó chính chương trình HVNCLC khởi lên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển theo hướng chinh phục thị trường bằng chất lượng chứ không phải chỉ bằng giá rẻ. Từ con đường đó, Việt Nam không chỉ giữ được thị trường nội địa về nhiều mặt mà còn tăng cường xuất khẩu được rất nhiều.
Lúc đó có một người từ liên minh châu Âu sang có hỏi tôi về một sản phẩm mà chúng ta xuất khẩu ra bên ngoài rất nhiều. Họ hỏi: ‘thế thì các bạn bán ở thị trường nội địa có nhiều không?’. Tôi trả lời, ‘Rất tiếc là thị trường nội địa chưa nhiều’. Họ mới nói, ‘Người Việt Nam phải biết nghĩ như người Nhật là những hàng tốt nhất thì bán cho nước mình, khi chinh phục được người tiêu dùng trong nước rồi thì chinh phục người tiêu dùng bên ngoài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đừng nên nghĩ ngược lại cái gì tốt thì mới bán ra ngoài’. Đó cũng là một lời khuyên rất đáng lưu ý.
Chúng ta đã rất thành công trong thời gian vừa qua. Nhìn lại cả hành trình chúng ta thấy, thành công của chương trình HVNCLC đó là liên tục đổi mới, liên tục sáng tạo để theo kịp những đà phát triển mới xuất hiện trên thị trường ở người tiêu dùng khắp nơi, trong nước cũng như nước ngoài, cũng như các yêu cầu về chuẩn mực của nước ngoài. Khi chúng ta hội nhập mạnh mẽ thì các cam kết quốc tế cũng đưa các chuẩn mực quốc tế vào với Việt Nam và yêu cầu Việt Nam phát triển dần. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh thì phát triển dần theo các tiêu chuẩn đó. Trong suốt quá trình phát triển của mình, chương trình HVNCLC đã phát triển theo hướng đó.
