Các giám khảo nói về cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” năm 2022

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế
“Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” năm 2022 đã kết thúc vào ngày 16.10 vừa qua. Trải qua các vòng thi, 88 dự án đã nhận được sự góp ý, đánh giá từ ban giám khảo. Những sẻ chia của các giám khảo không chỉ là góc nhìn của chuyên gia mà còn là của người tiêu dùng, giúp các dự án có được sự thay đổi, cải thiện và vá lỗi để hoàn thiện hơn, phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Bà PHẠM CHI LAN – Chuyên gia kinh tế: Sự tự tin của phụ nữ ngày nay
Chung kết có 28 dự án tham gia, trải khắp cả nước từ Bắc – Trung – Nam, có tính đại diện rất cao trong phong trào khởi nghiệp. Có đến 16 dự án do các bạn nữ trình bày, đây là điều thể hiện sự tự tin phát triển của phụ nữ ngày nay. Ý tưởng khởi nghiệp của các dự án lần này phong phú, khá đa dạng về cách thức khởi nghiệp, sản phẩm… thể hiện nền nông nghiệp còn nhiều dư địa, nhiều room để khai thác.
Người trẻ rất nên có những ý tưởng mới nảy sinh trong xã hội, trong tế giới thay đổi như hiện nay. Tuy nhiên cũng có thí sinh chưa chuẩn bị kỹ về thông tin, chưa biết trên thương trường người ta đang làm gì, công nghệ đã được đổi mới như thế nào nên hơi quá tự tin, dẫn đến thiếu sót. Về bài toán kinh doanh, nhiều bạn chuẩn bị khá sơ sài, lúng túng, vấn đề nhân sự chưa được chú trọng.
Ông PHAN THANH BÌNH – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Nguyên Giám đốc ĐHQG TP.HCM
Ông PHAN THANH BÌNH – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Nguyên Giám đốc ĐHQG TP.HCM: Nhiều thí sinh còn trẻ nhưng lập dự án có tính cộng đồng rất cao
Thực sự mà nói, về chủ đề của các dự án rất thực tế, mang tính sáng tạo, đi từ sản phẩm nông nghiệp của từng địa phương cho đến những mô hình có sự tác động đến nông thôn. Đơn cử như dự án “Sổ gạo – Cánh đồng sẻ chia” ở Hải Phòng hay mô hình “Nhà của thời thanh xuân (Lâm Đồng), dành cho các em khiếm thính là những mô hình không chỉ là sản phẩm mà còn tác động đến vấn đề về xã hội.
Việc nhìn nhận về tư duy, về kinh doanh cũng rõ ràng hơn. Từ phương án kinh doanh, công nghệ cho đến tài chính, truyền thông quảng bá đều được triển khai và nhìn nhận rõ. Đúng như tiêu chí của cuộc thi, sản phẩm của các dự án đã đáp ứng được tiêu chí về nông nghiệp và các yếu tố liên quan đến cộng đồng. Hầu như dự án nào cũng trình bày về sự tác động tới cộng đồng. Có những dự án mới chỉ hoạt động hơn một năm nay nhưng đã có nhiều cố gắng và phát triển khá nhanh.
Ông HÀ VIỆT QUÂN – Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia
Ông HÀ VIỆT QUÂN – Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia: Những dự án từ miền núi mang đến màu sắc đặc biệt
Các dự án này có giá trị rất riêng, mang theo giá trị văn hóa cộng đồng, sự khác biệt về cách tiếp cận thị trường… nên chứa đựng rất nhiều tiềm năng từ nguồn tài nguyên bản địa cụ thể của từng khu vực, từng nhóm dân tộc, như: Dự án phát huy giá trị sản phẩm bản địa của dân tộc Thái ở Sơn La, dự án của các bạn là người dân tộc Tày ở Bắc Kạn…
Năm nay có ba sự khác biệt mà tôi có thể tóm gọn bằng hai từ là “TỐT HƠN”. Đầu tiên là các dự án của nhóm khu vực miền núi có tầm nhìn thực tế hơn rất nhiều. Các bạn bắt đầu với những sản phẩm tương đối đặc thù và giản dị của địa phương mình. Đặc điểm thứ hai là các dự án đã đặt mình vào các chuỗi cụ thể, có những dự án tập trung vào sản phẩm bản địa nhưng thiên về sản xuất, có những dự án lại tập trung vào chuỗi cung cấp và thu mua sản phẩm và có dự án tập trung vào công nghệ sau thu hoạch. Cuối cùng, tôi nhìn thấy ở các dự án mang giá trị động viên và khích lệ rất lớn, bởi các dự án bước đầu đã thành công, truyền tải thông điệp rất rõ ràng rằng dư địa cho sự phát triển kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung còn rất lớn. Điều quan trọng nữa, chúng ta thấy qua cuộc thi này là những sản phẩm được đón nhận từ thị trường, từ các đánh giá của các chuyên gia.
Ông LÊ TIẾN HÙNG – Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau
Ông LÊ TIẾN HÙNG – Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau – đơn vị đồng tổ chức: Thúc đẩy Khởi nghiệp xanh để có Nông nghiệp xanh
Phân bón Cà Mau tham gia đồng hành cùng dự án nhằm tìm kiếm những mô hình, dự án tốt để giúp các chủ dự án trong việc học hành bài bản, kết hợp với thực tiễn cũng như nguồn lực cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp tài trợ, giúp cho các dự án vượt qua được khó khăn ban đầu.
Các nhà sản xuất, các doanh nghiệp lớn mong muốn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trẻ này để họ có được định hướng phát triển, lan tỏa đến cộng đồng. Hiện nay các hoạt động nghiên cứu, Phân bón Cà Mau cũng đang tìm kiếm hoặc chuyển giao những phát minh, sáng kiến từ thế giới để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng, qua đó giúp tìm được những giải pháp giúp cho việc canh tác của ngành nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Đối với dự án thiên về canh tác nông nghiệp, chúng tôi sẽ tham gia đồng hành theo các yếu tố đầu vào và đầu ra của chuỗi giá trị.
Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau hình thành và phát triển gần 11 năm nay. Phân bón Cà Mau cung cấp các sản phẩm U Rê, NPK phức hợp, các sản phẩm phân bón hữu cơ với mục đích trao cho người nông dân loại phân bón hữu ích, giúp cho việc canh tác của bà con nông dân có được hiệu quả về kinh tế cao. Phân bón Cà Mau cũng rất quan tâm đến việc phát triển nền nông nghiệp Xanh, bền vững theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ở ĐBSCL, chúng ta đều biết, tình trạng hạn hán, ngập mặn và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, đạm Cà Mau đã ý thức được điều này nên đầu tư, phát triển R&D, kết hợp với đa dạng hóa sản phẩm vô cơ, hữu cơ để cân bằng và mang lại sự phát triển của nền nông nghiệp. Chúng tôi cũng ý thức được việc đồng hành với cộng đồng, chia sẻ những khó khăn và hỗ trợ cho bà con nông dân, đặc biệt bà con ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Bài và ảnh NHẬT MINH (Theo TGHN)