Ý kiến các thành viên BGK về các dự án Khởi nghiệp xanh 2023

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh do Trung tâm BSA tổ chức với sự đồng hành của nhiều đơn vị, doanh nghiệp vừa khép lại vào chiều 29/10 sau 2 ngày chung kết diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) với 37 dự án dự thi. Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi lần 9 này lên đến 1.229.000.000 đồng, trong đó 436.000.000 đồng tiền mặt với 9 giải chính, 52 gói tư vấn hỗ trợ khác. Rất nhiều cung bậc cảm xúc và ý kiến đa chiều từ các thành viên BGK về các dự án tham gia cuộc thi.

‘Mr Mướp’ giành giải nhất cuộc thi ‘Dự án khởi nghiệp xanh 2023’

Ông Nguyễn Lâm Viên – TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp HVNCLC: Cơ hội thúc đẩy các bạn trẻ khám phá và phát triển lòng đam mê

Các bạn trẻ ở các địa phương đã mạnh mẽ nhận biết và tận dụng tài nguyên bản địa của quê hương mình, tạo ra sự khác biệt với các sản phẩm khi đưa ra thị trường. Điều này phản ánh đúng xu hướng hiện nay, khi người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 bắt đầu quan tâm và thay đổi lối sống của họ, đặc biệt trong việc lựa chọn thực phẩm, đồ uống, và thậm chí cả trang phục.
Có một sự chuyển đổi rõ rệt trong cách tiêu dùng của họ, với việc tìm kiếm và ưu tiên các sản phẩm xuất phát từ tài nguyên bản địa. Điều này mở ra một cơ hội quan trọng đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, thúc đẩy họ khám phá và phát triển lòng đam mê, đồng thời đưa tài nguyên bản địa của quê hương ra tới cộng đồng, thị trường và thậm chí là vươn ra thế giới.
Từ sự kết hợp giữa niềm đam mê và nhu cầu thị trường, người khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và khởi nghiệp xanh đã trở nên ngày càng phổ biến và nổi bật hơn trong những năm gần đây. Sự phát triển này không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế mà còn thể hiện tinh thần sáng tạo và năng động của thanh niên nông thôn, góp phần vào sự bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển của đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT Rynan Holding, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC): Cần ứng dụng những công nghệ hiện đại hơn, nhằm tối ưu hóa sản phẩm và quy trình sản xuất
TS Nguyễn Thanh Mỹ (thứ 2 từ phải sang)
Trải qua nhiều năm tham gia với vai trò giám khảo tại Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh, tôi đã chứng kiến sự tiến bộ rõ rệt của các thí sinh trong việc phát triển sản phẩm, hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn và có chất lượng tốt hơn. Các dự án đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc hơn về thị trường, tạo ra những sản phẩm phù hợp và có khả năng cạnh tranh.
Có thể thấy rằng nhiều dự án đã áp dụng hiệu quả công nghệ cao vào quá trình sản xuất và cả trong việc tiếp cận khách hàng thông qua các chiến lược sáng tạo về marketing. Đặc biệt, chúng đã tận dụng hiệu quả các nền tảng truyền thông như TikTok, Youtube, Facebook để quảng bá sản phẩm của mình và tạo dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, mặc dù đã có sự tiến bộ rõ rệt, tôi nhận thấy việc áp dụng và tận dụng các công nghệ mới vẫn chưa được thực hiện một cách rõ ràng và toàn diện. Điều này làm tôi hy vọng rằng trong tương lai, các bạn trẻ tham gia lĩnh vực Khởi nghiệp Xanh sẽ tiếp tục nỗ lực và ứng dụng những công nghệ hiện đại hơn, nhằm tối ưu hóa sản phẩm và quy trình sản xuất. Sự kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và công nghệ tiên tiến có thể giúp sản phẩm trở nên cải thiện và mang lại giá trị tốt hơn cho cả người tiêu dùng và cộng đồng.
Ông Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch: Việc đóng gói giá trị từ tài nguyên bản địa thành sản phẩm du lịch cần phải được triển khai một cách tinh tế hơn

Các dự án có nhiều thay đổi tích cực, theo xu hướng tích hợp giá trị từ tài nguyên bản địa, để khai thác sản phẩm của địa phương và tăng giá trị sản phẩm. Điều này rất đáng khích lệ đối với các doanh nhân trẻ khởi nghiệp.
Cá nhân tôi thấy có nhóm dự án gắn liền với ngành du lịch, có khai thác câu chuyện văn hóa, tài nguyên bản địa. Đặc biệt là các dự án của các bạn dân tộc thiểu số, họ muốn đưa văn hóa hàng ngày vào sản xuất, giúp du khách có những trải nghiệm tinh tế, độc đáo.
Với những dự án có sản phẩm liên quan đến du lịch, tôi thấy họ xem du lịch là một trong những kênh phân phối quan trọng, để tăng giá trị cho sản phẩm của mình. Điều này là xu hướng rõ ràng có thể tạo ra chuỗi giá trị kép và chuỗi giá trị đa bội từ du lịch và nông nghiệp.
Tuy nhiên, để việc khai thác, phát triển du lịch diễn ra một cách hiệu quả, khả thi và tạo động lực tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp, việc đóng gói giá trị từ tài nguyên bản địa thành sản phẩm du lịch cần phải được triển khai một cách tinh tế hơn và mục đích phải rõ ràng.
Hình thức này cần hướng đến khách hàng có khả năng chi tiêu. Đồng thời, các địa phương cần thể hiện sản phẩm chất lượng phù hợp. Phải tạo ra trải nghiệm gắn liền, bởi ngày nay, du khách rất thông minh và luôn có nhiều lựa chọn. Vì vậy, thực hành du lịch kết hợp với nông nghiệp cần phải theo đuổi xu hướng xanh và bền vững. Quan trọng hơn, nó cần phải phát triển theo chuỗi giá trị, để tăng cường sự liên kết giữa các bên tham gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò cốt lõi trong việc xây dựng giá trị và lan tỏa giá trị.
Việc triển khai giá trị gia tăng cho sản phẩm kết hợp với trải nghiệm tại địa phương cần phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là một trong những cách thức giúp người khởi nghiệp tận dụng nguồn lực, để phát triển du lịch địa phương.

‘Mr Mướp’ giành giải nhất cuộc thi ‘Dự án khởi nghiệp xanh 2023’

Trần Quỳnh