Các hãng xe Trung Quốc cạnh tranh bằng điện thoại thông minh tích hợp với xe

Điện thoại thông minh Nio Phone được giới thiệu tại một triển lãm xe hôm 21-9 tại Thượng Hải. Ảnh: Nikkei Asia

Startup xe điện Nio và hãng xe Zhejiang Geely đang đặt cược vào điện thoại thông minh tích hợp chặt chẽ với xe hơi như lợi thế mới trên thị trường xe cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 60% doanh số xe điện và xe hybrid toàn cầu nhưng lại có gần 200 hãng xe, gồm các hãng xe truyền thống và các startup xe điện. Khoảng 2/3 số hãng xe đã đăng ký thành lập trong giai đoạn 2018-2020 do chính phủ khuyến khích các hãng xe điện.

Thêm các tính năng mới thông qua smartphone

Để có được chỗ đứng trên thị trường, các hãng xe đang tung ra các tính năng giúp tăng thêm giá trị của chiếc xe, chẳng hạn như khả năng truyền phát video hoặc chơi trò chơi bằng cách liên kết với thiết bị cầm tay. Đây là con đường sinh tồn duy nhất nếu các hãng muốn duy trì sự có mặt trên thị trường đại lục.

Startup Nio vừa công bố rằng smartphone Nio Phone có thể mở khóa và bật điều hòa của xe. Trợ lý trí tuệ nhân tạo Nomi sẽ đóng cốp xe theo lệnh của người lái. Nomi thậm chí còn hiểu được những câu nói chưa hoàn chỉnh hay chưa rõ ý. Chẳng hạn chỉ cần nói “Tôi muốn thay pin” thì Nomi sẽ tìm kiếm các trạm đổi pin gần đó.

“Người lái xe Nio đang tìm kiếm một chiếc điện thoại thông minh có thể kết nối liền lạc với xe của họ”, nhà sáng lập kiêm CEO William Li phát biểu trong một cuộc họp báo tháng rồi.

Nio đã thuê các kỹ sư ngành điện thoại để phát triển Nio Phone. Dự kiến chỉ một số lượng khách hạn chế sẽ mua điện thoại của hãng vì Nio Phone chỉ được bán ở Trung Quốc và chỉ tương thích với các đời xe mới nhất.

Mặc dù Nio đã nhiều lần báo lỗ ròng nhưng CEO Li nói rằng hãng sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). “Thị trường Trung Quốc rộng lớn, nhưng sự cạnh tranh cũng rất khốc liệt”, Li nói.

Trong khi đó, hãng xe Geely đang tích hợp điện thoại thông minh với thương hiệu xe Lynk & Co của hãng. Loại xe hybrid (chạy bằng xăng lẫn pin) ra mắt vào tháng 9 vừa rồi và Geely nói hãng tập trung vào phân khúc khách trẻ tuổi.

Loại điện thoại tích hợp với dòng xe Lynk & Co được cung cấp bởi hãng điện thoại Meizu do công ty riêng của Chủ tịch Geely Eric Li mua lại vào năm ngoái. Chủ xe có thể dùng điện thoại để mở cửa xe và vận hành xe thông qua màn hình cảm ứng lớn ở hàng ghế trước.

Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa

Xe điện đang phổ biến ở Trung Quốc,với lượng xe điện chiếm 25% tổng số xe bán ra trong năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ các hãng xe điện có quy mô lớn, giá bán thấp và đủ năng lực tài chính mới duy trì được chỗ đứng trong những năm tới.

Các nhà phân tích dự báo thị trường xe điện lớn nhất thế giới sẽ chỉ cón 5-10 hãng xe tồn tại trong những năm tới. Sự giảm sút này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh với các hãng nước ngoài. Các hãng xe xăng truyền thống như Volkswagen, BMW và Nissan đều dự định tung ra các mẫu xe điện mới tại Trung Quốc, thị trường mà các nhà sản xuất trong nước chiếm 9/10 mẫu xe dẫn đầu về doanh số.

Một vài hãng xe đã phải bỏ cuộc.

Cuối tuần trước, hãng xe truyền thống Mitsubishi Motors của Nhật Bản đã quyết định rút khỏi thị trường Trung Quốc, sau khi đã hội ý với đối tác là Tập đoàn Xe hơi Quảng Châu (GAC) của đại lục. Liên doanh GAC – Mitsubishi Motors có một nhà máy ở tỉnh Hồ Nam, đã dừng sản xuất từ tháng 3-2023 và sẽ không khôi phục hoạt động. Đây là nhà máy duy nhất của Mitsubishi tại Trung Quốc. Doanh số bán xe của Mitsubishi tại Trung Quốc sụt giảm mạnh do sự lên ngôi của xe điện và các thương hiệu xe nội địa. Các hãng xe khác của Nhật Bản cũng đang gặp các khó khăn tương tự, và có thể cũng sẽ xem xét lại các chiến lược ở Trung Quốc.

Hôm 11-10, hãng xe điện WM Motor của Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản với lý do “thị trường tài chính trầm lắng, giá nguyên liệu thô tăng cao và kinh tế chững lại do Covid”. WM Motor nói sẽ quay trở lại sau khi đạt được các thỏa thuận tái cơ cấu với các nhà đầu tư nước ngoài.

Gặp khó tại châu Âu

Cạnh tranh ngộp thở tại thị trường quê nhà, các hãng xe điện Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực mở rộng thị trường ở nước ngoài. Theo Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (CPCA), xuất khẩu xe của nước này đã tăng 31% trong tháng 8 sau khi tăng 63% trong tháng 7 năm nay.

Trong khi đó, hãng tư vấn Inovev của Pháp nói các thương hiệu xe Trung Quốc chiếm 8% tổng số xe điện mới được bán ở châu Âu từ đầu năm đến nay, tăng so với mức 6% của cùng kỳ năm ngoái và 4% của năm trước.

Giữa tháng 9 rồi, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra rằng liệu có nên áp thuế cao hơn để bảo vệ xe điện của châu Âu trước sự lấn át mạnh mẽ của xe điện Trung Quốc. Nhà sáng lập William Li của Nio thừa nhận rằng xe điện của Nio và các hãng khác của Trung Quốc có lợi thế chi phí là rẻ hơn 20% so với xe của các đối thủ như Tesla nhờ sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng và nguyên liệu thô.

Theo Nikkei, Reuters, Bloomberg

Ricky Hồ / BSA Media