Chuyển đổi xanh giúp giải bài toán cho ĐBSCL

“Nếu doanh nghiệp có sự đầu tư, cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều trong quá trình thực hiện chuỗi sản xuất xanh, kinh doanh xanh thì sẽ có những kết quả khả quan. Chẳng hạn như, từ chủ trương giảm thải carbon của Chính phủ đưa ra, chúng tôi ghi nhận trong ngành lúa gạo và lĩnh vực trồng trọt, thấy rằng, chúng ta đang áp dụng nhanh và tốt. Nếu chương trình này được nhân rộng ra trong các lĩnh vực khác, tôi nghĩ là sẽ là hướng đi đúng đắn, có triển vọng, giúp cho nền kinh tế có những cái giá trị cao hơn”, đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ tại hội thảo: “Kết nối doanh nghiệp ĐBSCL & TP.HCM: Thúc đẩy xuất khẩu & kích hoạt bán hàng với công cụ mới trong tình hình mới”.
Hội thảo do Trung tâm BSA, Hội DN HVNCLC,  phối hợp cùng VCCI Cần Thơ tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nhằm cung cấp thông tin, hướng đến diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2023, được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 15-16/11/ 2023.
ĐBSCL phù hợp để hướng đến nền kinh tế xanh
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho hay, Việt Nam là một trong ba quốc gia đứng đầu thế giới về lương thực, nhưng số trẻ em chưa đến trường học luôn cao. Năm 2020, vùng đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) phổ cập giáo dục từ lớp 5-6, toàn vùng có tới 20% các em không học tiếp. Đến hết lớp 9 để lên cấp 3, có 40% các em không học phổ thông. Đến phổ thông, còn lại trên dưới 50%. Do đó lực lượng lao động của vùng nhiều nhưng không có chuyên môn cao.
“Điều đó cho thấy sự tụt hậu về trình độ, kiến thức sẽ đem đến những khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội”, ông Lam nói.
Lý giải thêm về việc vì sao người dân ĐBSCL bỏ đi tha phương làm ăn, trong báo cáo kinh tế vùng này năm 2020 nêu ra: hạ tầng giao thông không được đầu tư, kéo theo nhiều vấn đề khác không được quan tâm. Đơn cử, ngành tôm, cá tra, từ năm 2018 đến nay giảm rất nhiều. Vì doanh nghiệp không thể đến một vùng đất còn nhiều khó khăn, do đó người dân không có việc làm, họ đi mưu sinh khắp nơi, con cái không được học hành, đó là một vòng xoáy. Chính phủ nhận ra điều này, đã có chính sách đầu tư lớn cho vùng từ 2020-2025, giúp cho ĐBSCL thu hút đầu tư tốt hơn.
Cùng với đó, theo ông Lam, ĐBSCL chiếm khoảng 20% dân số cả nước, nhưng hàng năm số doanh nghiệp thành lập mới chưa đến 8%, không tương xứng với quy mô dân số. Tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dời bỏ thị trường chiếm đến hơn 13%, đó là tăng trưởng âm. Đây là dấu hiệu rủi ro cho ĐBSCL.
Do đó, ông Lam kỳ vọng, những nội dung của diễn đàn Mekong Connect 2023, từ việc liên kết, tích hợp và phát triển kinh tế xanh, bền vững là nhu cầu chính yếu và là xu hướng bắt buộc doanh nghiệp phải tiếp cận và theo đuổi và sẽ được các doanh nghiệp ĐBSCL quan tâm, hướng đến.
Trên thực tế, theo ông Lam, nhiều đơn vị đã tổ chức các chương trình nhằm truyền tải thông điệp xanh, cũng như cách thức thực hành. Một số doanh nghiệp đang bắt đầu tiên phong chọn kinh tế xanh là hướng đi của mình.
“Nếu doanh nghiệp có sự đầu tư nhanh, cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều trong quá trình thực hiện chuỗi sản xuất xanh, kinh doanh xanh thì sẽ có những kết quả khả quan”. Ông Lam dẫn chứng cho điều này, từ chủ trương giảm thải carbon của Chính phủ đưa ra, chúng tôi ghi nhận trong ngành lúa gạo và lĩnh vực trồng trọt, thấy rằng, chúng ta đang áp dụng nhanh và tốt. Nếu chương trình này được nhân rộng ra trong các lĩnh vực khác, tôi nghĩ là sẽ là hướng đi đúng đắn, có triển vọng, giúp cho nền kinh tế có những cái giá trị cao hơn.
Bàn thêm về thị trường Trung Quốc (TQ), một trong những thị trường lớn của Việt Nam, ông Lam cho hay, đây là một thị trường rất hấp dẫn, không ai bỏ thị trường này, nhiều quốc gia rất muốn đến đó, nhưng nhiều người Việt Nam còn tỏ ra e dè.
Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ tại hội thảo
Các doanh nghiệp ĐBSCL tham dự sự kiện
Chuyên gia Phạm Chi Lan trình bày những nội dung với DN ĐBSCLC
Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit nói về thị trường TQ
Thị trường Trung Quốc đang chuyển đổi xanh
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng giúp doanh nghiệp ĐBSCL phân tích, có cái nhìn toàn diện về kinh tế tế thế giới, ảnh hướng đến Việt Nam. Chuyên gia Phạm Chi Lan đã chỉ ra những vấn đề về địa chính trị, an ninh, công nghệ, những yếu tố bất định… gọi là “VUCA”. Mà gần đây nhất là những cuộc chiến ở nhiều khu vực quan trọng trên thế giới, hay ngoài biển khơi…
Bàn về nội dung về thị trường TQ, chuyên gia Phạm Chi Lan dẫn chứng, “có khoảng 40% giao dịch của các công ty lớn trên thế giới không thay đổi nhiều ở chuỗi cung ứng. Trong đó, họ phần lớn vẫn giữ lại quan hệ làm ăn với TQ, chỉ chuyển một phần qua nước khác. Nhưng Việt Nam chúng ta không có hệ thống chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp quốc tế cần, nhiều ngành phụ trợ cho ô tô thậm chí rất kém nên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn không tới nhiều như các nước khác. Do đó, chúng ta cần suy nghĩ và gắn với thị trường TQ, vì đó là một thị trường lớn mà cả thế giới đều muốn hiện diện ở đó.
Đồng quan điểm này, trong phần chia sẻ về nội dung, “xu hướng mới của thị trường thế giới – các vấn đề của thị trường Trung Quốc?”, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, Phó chủ tịch Hội DN HVNCLC cho rằng, thị trường TQ có 6 tháng mùa đông, họ rất cần những thực phẩm của các nước khác, nên đây vẫn là thị trường rất cần thiết với Việt Nam, sát ngay bên chúng ta.
“Nhưng cách hành động của doanh nghiệp TQ có phần khác, họ cũng đưa sản phẩm qua Việt Nam, và họ hành động liền. Ngoài ra, họ có lợi thế về khả năng làm sản lượng lớn, chuyển đổi số nhanh, nên làm được lượng lớn rất nhanh. Thậm chí làm ít họ cũng làm được. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam không có những yếu tố trên”, Ông Viên nói.
Bên cạnh đó, về vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp TQ cũng nhanh hơn Việt Nam, vì giao thông họ tốt, “ngồi đây mình có thể mua món hàng nào đó từ TQ, trong khoảng 10 ngày hàng đã có ở Việt Nam”
Nhìn chung, những ứng dụng giải pháp số hóa giúp các doanh nghiệp TQ đưa hàng vào Việt Nam một cách nhanh chóng, thuận lợi.
“Chúng ta thúc đẩy chuyển đổi số còn kém, thì ta có thể thúc đẩy chuyển đổi xanh, là một lợi thế của doanh nghiệp ĐBSCL”, ông Viên đưa ra câu hỏi.
Nếu không thúc đẩy nhanh, nhiều doanh nghiệp TQ đã và đang hành động vì điều này, ông Viên kể:
“Có đối tác TQ sang bàn với tôi họ muốn thành lập bệnh viện trái cây ở TQ. Họ muốn thúc đẩy, nghiên cứu, dùng chính những loại trái cây, rau củ làm sản phẩm trong việc chữa bệnh cho con người. Điều này cho thấy họ nhận thức về vấn đề xanh rất nhanh. Ta thì sống trong nền nông nghiệp xanh nhưng lại bị bệnh nhiều nhất”.
“Do đó, chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu thụ xanh, nếu doanh nghiệp Việt Nam truyền tải được kiến thức, truyền thông cho người dùng thấy, sẽ giúp ta thúc đẩy tiêu thụ”.
Do đó, những năm qua, và cho đến năm 2023 này, ông Viên cho rằng, những lần “gieo mầm” của diễn đàn Mekong connect có thể giúp doanh nghiệp, nông dân, bạn trẻ, HTX… định hình cho cuộc cách mạng xanh, để thay đổi lối sống từ cũ qua mới.
“Nên chúng ta cần định hình cho một cuộc cách mạng xanh, đừng để các doanh nghiệp TQ làm trước chúng ta, hay những quốc gia khác họ làm trước mình, vì họ có ý thức để làm”, ông Viên bày tỏ.
Với riêng phần mình, ông Viên cho hay, trong hơn 2 năm qua, bản thân luôn truyền thông cho thực phẩm thay đổi sự sống từ những cây, cỏ, loại rau củ mà Vinamit đang có, cho mọi người hiểu.
Bài, ảnh: TQ