“Con ước ba má con sống lại” và những câu chuyện chưa bao giờ dứt

Nguyễn Thị Thanh Hòa là cô em gái út của ba chị em mồ côi cha mẹ. Tôi hỏi em sao ba mẹ mất, em nói: “Mẹ em bị lao não, ba em bị lao lực”.
2010- 2020, đúng mười năm chăm chút chuẩn bị trại hè cho những em nhỏ nghèo khó miền sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), năm nay, ban tổ chức đã nghĩ ra một chương trình thật “xôm tụ” ở Sài Gòn cho các em ngày nào cũng được hồi hộp, sung sướng và hạnh phúc.  Tuy nhiên, tới giờ chót, buồn thay, dịch bệnh Covid-19 đã làm chương trình phải hủy bỏ. Các em không được “lên thành phố”, nhưng ban tổ chức trại hè đã nghĩ ra cách khác. Ban tổ chức chia thành nhiều đoàn xuống đến tận nơi trao quà cho các em.
Mấy đứa nhỏ buồn
Trung tâm văn hóa thiếu thi Tỉnh Vĩnh Long khá lớn, nhưng bề ngoài mang vẻ cũ kỹ, tường phủ rêu. Bữa nay mùa dịch vắng tênh.
Bọn nhỏ học cấp 2 đến từ các trường ở các ấp, xã vùng sâu, vùng xa. Đứa nào cũng ăn mặc tươm tất, đồng phục trắng xanh. Tới nơi, mấy cô chú kêu choàng áo của Đại sứ hàng Việt tí hon 2020 vô để chụp hình lưu niệm. Tụi nhỏ sáng láng hẳn ra nhờ áo đẹp, giày mới, và quà nhiều lắm, có cả học bổng nữa, mà không có thấy đứa nào… vui.
Hỏi sao có quà mà mặt đứa nào cũng buồn vậy?
– Cô ơi, mấy bữa nay con nằm mơ lên thành phố không à, mà không được đi.
– Cô ơi, năm sao hết dịch tụi con có được đi không? Từ nhỏ tới giờ con không có đi đâu.
– Cô ơi, ở trên đó nhiều thứ hay quá, tụi con có coi chương trình, giờ không đứa nào được đi hết, buồn quá cô ơi…
Cô tổng phụ trách kể, từ cuối tháng 7 tới giờ, bữa nào tụi nhỏ cũng hỏi “có được đi thành phố không?”.
Vậy là mùa hè mơ ước được một lần trong đời được đi lên “thành phố” để coi ngọn đèn đỏ xanh, công viên rợp hoa, những viện bảo tàng, được gặp các nghệ sĩ nổi tiếng lâu nay chỉ thấy trên tivi… không được nữa rồi.
Các cô chú thấy thương quá bèn an ủi: “Các con yên tâm, ráng năm sau học giỏi rồi học giỏi nữa, các con sẽ sớm đạt được ý nguyện”.
Liệu năm nữa, rồi năm nữa, có còn ai vẫn còn lòng từ dành tặng cho các em một giấc mơ?
Niềm vui nhận được chút quà nhỏ.
Chuyện của Hạnh 
Hạnh ngồi ở một góc nhỏ sát tường, khi chúng tôi đến, em lặng lẽ nhìn chúng tôi sắp xếp, ánh mắt buồn bã của em khiến tôi nao lòng. Trong lúc chờ đợi phần nghi thức trao quà, tôi đến hỏi chuyện em.
Nhà em ở Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Giờ em sống với mẹ và ông bà ngoại.
“Hai chị em con, chưa bao giờ biết mặt cha, cũng chưa bao giờ biết đó là ai. Mẹ không bao giờ nhắc, ông bà Ngoại cũng không biết, con cũng không bao giờ hỏi. Nhưng chị em con mong cha về ở gần bên” – Hạnh kể.
Khi được hỏi nếu có điều ước, con sẽ nguyện gì, em nói ngay: “Con ước nhà con sẽ giàu để hết khổ.”
Nhà Hạnh, bà Ngoại nuôi ông Ngoại bị liệt, mẹ đi nhổ lông vịt nuôi cả nhà, còn em thì làm việc nhà và chăm em nhỏ kể cả việc học. Năm nay Hạnh lên lớp 7 và năm lớp 6 vừa qua, em vẫn được học sinh giỏi.
Em được chọn dự trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon năm nay ở Sài Gòn vì gia đình nghèo khó và vì không có cha nên coi như tạm mồ côi.

“Con ước ba má con sống lại”

Nguyễn Thị Thanh Hòa là cô em gái út của ba chị em mồ côi cha mẹ.
Nguyễn Thị Thanh Hòa là cô em gái út của ba chị em mồ côi cha mẹ. Tôi hỏi em sao ba mẹ mất, em nói: “Mẹ em bị lao não, ba em bị lao lực”. Đó là câu trả lời ngây thơ của đứa trẻ lên tuổi mười hai thì cha mẹ lần lượt qua đời. Chẳng ai có thì giờ giải thích với nó về bệnh tình của cha mẹ. Chỉ nói vắn tắt kiểu nhà quê nghèo như vậy, bị lao là không có tiền chữa bệnh, và chết. Đơn giản vậy thôi.
Khi cha mẹ mất, ba chị em nương nhau sống, hai chị của Hòa nghỉ học để đi học nghề, cả hai đều học nghề nail, mới học nên cũng chưa kiếm tiền được. Ba chị em sống nhờ vào… 1 triệu đồng/tháng từ khoản tiền mồ côi cho của chị kế và Hòa. Chị đầu 16 tuổi nên không được nhận tiền mồ côi. Còn chị kế và Hòa mỗi em được 405.000đ/tháng.
Khi được hỏi 1 triệu đồng ba chị em sống đủ không, em nói ngay: “Tém tém lại cũng đủ. Con với chị ba đi tìm việc làm thêm ở chỗ gói bông. Tụi con gói bông vô giấy báo cột lại cẩn thận cho người ta bỏ lên xe chở đi bán. Tới vụ bông tụi con mới có việc làm. Nếu trúng vụ thì ngày mua làm được 150.000 đồng, còn làm nửa ngày được 45.000 đồng. Nhưng tới vụ mới có việc. Con nghỉ hè đi xin phụ bán quán mà người ta nói nhỏ quá không cho làm cô à. Giờ con ở nhà chùi nhà với lo nấu cơm, giặt giũ, mấy chị con đi học nghề với làm thêm”.
Ba chị em của Hòa sống chơ vơ trong căn nhà nhỏ, thi thoảng có cô ruột đi ngang cũng cho chút tiền. Tôi hỏi sao cực khổ mà con vẫn thích đi học mà học giỏi nữa, em trả lời: “Con chỉ biết đi học thôi chớ chưa biết làm gì. Chị con cũng không cho con nghỉ. Chị nói ráng học rồi mai mốt đỡ khổ”.
Hỏi Thanh Hòa con có ước nguyện gì không, thì em không một chút ngần ngừ nói ngay: “Con ước ba má con sống lại”.
Tôi không dám nhìn vào mắt em nữa, ngày nhận quà của em hôm nay lẽ ra phải vui, sao lại để em buồn, nhưng tôi vẫn kịp thấy giọt nước long lanh trực chào nơi khóe mắt.
Nếu có một ngôi sao may mắn cho ba chị em của Thanh Hòa, tôi hy vọng lời ước của em sẽ nguyện thành khi các em không chỉ có ba má mà có rất nhiều ba má đang chờ đón để yêu thương các em như một gia đình.
Những câu chuyện chưa bao giờ dứt
100 em nhỏ ở các tỉnh thành ĐBSCL là 100 hoàn cảnh khác nhau, nỗi khổ và mất mát khác nhau. Mồ côi cha mẹ; mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ; cha hoặc mẹ bỏ đi; cha mẹ đi làm xa để con lại với ông bà bệnh tật…vv…
Các em không may sinh ra trong nghèo khó, mồ côi. Nhưng nghị lực nào giúp các em vượt lên tất cả để cắp sách đến trường, học thật giỏi?
Câu hỏi đó cứ đau đáu với chúng tôi, với những cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp chung tay thực hiện chương trình này và để giúp thêm cho các em có động lực để vượt qua, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục giúp cho các em thêm nụ cười vào những hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Cỏ May nhận hỗ trợ Mỹ Chi ăn học đến lớp 12
Sau khi nắm được thông tin hoàn cảnh em trại sinh trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon – em Nguyễn Thị Mỹ Chi ở Rạch Cái Sơn, khóm 2, phường 1, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp, ông Phạm Minh Thiện, đại diện doanh nghiệp Cỏ May (Sa Đéc) đã nhận hỗ trợ chi phí ăn học và cung cấp chu đáo quần áo, sách vở… cho em Mỹ Chi từ nay đến lớp 12.
Bên cạnh đó, một số nhà hảo tâm biết tin cũng hỗ trợ thêm cho em Mỹ Chi, cụ thể như: cô Thanh Khiết, 300 ngàn đồng; bác Trần Thu Hà, 500 ngàn đồng; Lê Vũ Khải Anh, 600 ngàn đồng; cô Ngọc Mai (Amy House) 500 ngàn đồng, cô Hà Lê: 500 ngàn đồng; cô Lộc Phát 300 ngàn đồng. Tổng cộng số tiền là 2.700.000 đồng. Cùng với đó, ông Raymond Duong tặng 3 áo dài và tiền công may, Hội Quán Các Bà Mẹ tặng thêm áo, quần khi mặc áo dài.
Như chúng tôi đã thông tin, gia đình em Nguyễn Thị Mỹ Chi, ngụ ở rạch Cái Sơn, khóm 2, phường 1, TP. Sa Đéc là một hoàn cảnh khó khăn. Căn nhà với bao ni lông che chắn nhiều nơi để chống nắng mưa. Dưới nền nhà là những đống giấy báo cũ, bao bì ve chai mà hàng ngày Chi và ông, bà nội đi kiếm về. Anh Nguyễn Văn Tùng, ba của Chi cho biết, cách nay hơn 10 năm, khi đi bốc vác thuê về, thì phát hiện mẹ của Chi đã rời nhà ra đi không một lời nhắn gửi, lúc đó Chi chưa đầy 2 tuổi. Căn nhà anh Tùng và gia đình đang ở là nhà tình thương do địa phương xây tặng lâu nay. “Chi rất ngoan, thường ngày đi học buổi sáng, chiều Chi đi bán vé số cùng bà, tranh thủ nhặt những tờ giấy, báo cũ mà người ta bỏ đi, về đem xếp lại, bán với giá 4.000 đồng/kg. Trung bình một tháng Chi và ông bà nội – năm nay gần 80 tuổi – kiếm được hơn 2 triệu đồng. Còn tôi làm bốc vác gạo, ngày có ngày không, cùng với sức khỏe ngày một yếu đi nên không có nhiều việc để làm”, anh Tùng nói. (T.Q)
Em Mỹ Chi phụ giúp ông và ba sắp lại những tờ giấy báo sau khi đi lượm về để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Ảnh Trần Quỳnh

Ngân Hà/BSA

10 năm trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon