Đầu năm bàn về ‘Tranh sơn dầu và Phụ nữ’

Dịch giả Như Huy và cuốn sách "Những cách thấy - Ways of Seeing".

(VietnamTimes) – Chương trình giao lưu về nội dung “Tranh sơn dầu và Phụ nữ, thấy vậy nhưng không phải vậy” được tổ chức sáng mùng 3 Tết tại đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã chạm và đánh thức một điều gì đó trong lòng khách du xuân dịp đầu năm mới Mậu Tuất 2018. 

Sáng ngày 18/2, tức ngày Mùng 3 Tết Mậu Tuất 2018, giám tuyển Như Huy và Nhà báo Khải Đơn đã có một buổi trò chuyện với độc giả đầu năm với nội dung chính xoay quanh cuốn sách “Những cách thấy” của John Berger do Như Huy dịch.

Chương trình diễn ra từ 9g sáng của những ngày nghỉ Tết, trời Sài Gòn có nắng nhưng gần như buổi giao lưu vẫn rất sôi nổi và xôm tụ. Bên ngoài phần giới thiệu về tác phẩm, tác giả và dịch giả, nội dung buổi trò chuyện vui vẻ và nhiều cảm xúc khi đề cao giá trị của người phụ nữ như: “phụ nữ phải được là chính mình thay vì áp đặt rất nhiều chuẩn mực, thước đo phụ nữ là phải…”.

Như Huy ký tặng độc giả cuốn sách “Những cách thấy” của John Berger do chính anh dịch.

Giám tuyển Như Huy hóm hỉnh: “Phụ nữ xuất hiện hầu hết trong các quảng cáo và tranh sơn dầu, ít khi là nam, đặc biệt là tranh nam khoả thân lại càng vô cùng ít. Người ta có thể treo tranh phụ nữ khoả thân trong phòng khách chứ ít ai chịu làm tương tự với đàn ông”. Nghe qua thì cứ tưởng phụ nữ đang lên ngôi và trở thành cảm hứng cho cuộc sống, nhưng thử gạt bỏ lớp vỏ huyền thoại của ngôn từ đi thì thực tế “thấy vậy mà không phải vậy”.

Nhà báo Khải Đơn cho rằng: “Bản thân tôi là phụ nữ, tôi từ nhỏ đã được mọi người xung quanh dạy rằng: là con gái thì phải dịu dàng, kín đáo, khép nép, e lệ; là con gái thì phải đẹp… Tất cả các hành vi đều phải đặt trước câu hỏi: người khác nhìn tôi như thế nào? Mọi hành động của phụ nữ gần như vô thức luôn đặt mình trước đàn ông nhìn mình như thế nào? Mọi việc đều để khiến cho đàn ông thích mình”. “Điều này rất nguy hiểm, nó khiến chúng ta không có cảm xúc riêng và lâu dần sẽ mất đi chính mình” – giám tuyển Như Huy bổ sung.

Cuốn sách “Những cách thấy” của John Berger với tựa tiếng Anh “Ways of seeing” do Như Huy dịch mang đến một cái nhìn hoàn toàn khác về nghệ thuật và sự chuẩn mực được áp đặt cho phụ nữ.

Giơ lên bức tranh phụ nữ khoả thân nghệ thuật, Như Huy hỏi: “Ai sẽ treo bức ảnh này trong phòng khách?” hầu hết cánh tay độc giả dự chương trình đều giơ cao. Nhưng khi hỏi câu hỏi tương tự với 2 tấm ảnh chụp phụ nữ vừa sinh xong với dải băng và vương máu, cả 2 bức đều khoả thân nhưng không có cánh tay nào giơ lên cả.

Anh khẳng định: “Chúng ta chọn bức ảnh người phụ nữ khoả thân với tất cả những ưu điểm về sức thu hút, vẻ đẹp của sự dịu dàng, cô đang nhìn người xem như cách nhìn đầy quyến rũ dành cho một người đàn ông. Không ai quan tâm đến cô gái vừa sinh xong với những gì đẹp nhất của tự nhiên – một người phụ nữ với quyền năng sinh nở”.

Dẫn chứng hoàn hảo và dễ hiểu để bạn đọc hình dung về những huyền thoại mà người ta cố tình dựng lên để phục vụ mục đích nào đó. “Đàn ông dựng nên những huyền thoại về phụ nữ là phải thế này, phụ nữ là phải thế kia để phục vụ cho chính họ. Người bán tranh tạo ra những câu chuyện, huyền thoại về bức tranh để bán được với giá cao. Người ta nhớ về giá những bức tranh của Van Gogh rất cao nhưng ít ai nhớ về khoảnh khắc Van Gogh vẽ bức tranh đó, khi ông sống và chết trong nghèo khổ”.

Buổi giao lưu về cuốn sách “Những cách thấy” diễn ra từ 9g sáng tới 11g trưa tại đường sách Nguyễn Văn Bình vào ngày mùng 3 Tết vẫn thu hút rất nhiều độc giả tới hưởng ứng.

 

Chương trình giao lưu được khép lại với nhiều ý kiến từ phía độc giả. Một độc giả nam đưa nói: “Những chia sẻ của anh Như Huy và Khải Đơn rất hay và đáng phải suy ngẫm. Nhưng ở Mỹ bây giờ người ta xếp thứ hạng là: Phụ nữ, trẻ em, chó, rồi mới đến đàn ông”. Tôi nghĩ, tương lai, đàn ông Việt khả năng cũng tiến dần về vị trí cuối”.

“Một buổi giao lưu rất hay và sâu. Tôi tình cờ đến đường sách sáng nay và thực sự rất tuyệt vời. Lẽ ra một chương trình thế này phải được tổ chức ở một hội trường lớn với hàng trăm người tham dự thì mới đúng với chất lượng nội dung của chương trình. Tôi là một kỹ sư nông nghiệp, công việc hàng ngày của tôi là lai tạo những giống cây mới. Tôi thích nhưng cũng sợ khi đứng trước một bức tranh mà sợ mình không hiểu hết ý nghĩa. Sau cuộc trò chuyện ngày hôm nay, tôi sẽ nhìn nghệ thuật một cách mới, không bị những lo lắng về điều mình chưa biết làm cho sợ hãi. Tác phẩm chính là con người” – một độc giả dự chương trình nhận xét.