SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) hầu như không thành công như kỳ vọng sau khi được phép hoạt động tại hai thị trường chứng khoán hàng đầu châu Á là Singapore và Hồng Kông năm 2022, Loại công ty “vỏ bọc” hay “check khống” đã thất bại trong việc tạo ra một kỷ nguyên niêm yết nhanh hơn cho các công ty công nghệ mới nổi trên các sàn giao dịch châu Á
SPAC dường như đã kết thúc
Có tám thương vụ SPAC trong năm đầu tiên, với 3 ở Singapore và 5 ở Hồng Kông.
Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) có thể đã nhanh chân hơn đối tác Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX) khi giới thiệu ba thương vụ SPAC đầu tiên vào tháng 1-2022, gồm Vertex Technology Acquisition Corporation (VTAC), Novo Tellus Alpha Acquisition và Pegasus Asia. Tuy vậy, Mak Yuen Teen, giáo sư kế toán tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), gọi ba vụ IPO trên sàn SGX là những chiến thắng “trống rỗng”.
Bởi hai năm sau, tức thời điểm hiện tại, chỉ có VTAC được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore, hoàn tất việc sáp nhập. Hai công ty còn lại đã không làm được điều đó, buộc phải giải thể và số tiền huy động được thông qua đợt IPO sẽ được hoàn trả cho nhà đầu tư.
VTAC đã hợp nhất với nền tảng phát trực tiếp 17Live do Đài Loan thành lập vào tháng 12, cho phép 17Live bỏ qua con đường truyền thống để tiến hành IPO. Đó là sự hấp dẫn, ít nhất là về mặt lý thuyết, mà SPAC đã giới thiệu cho các startup công nghệ muốn IPO nhanh.
SGX đã không có danh sách SPAC mới sau ba thương vụ SPAC đầu tiên. Đối thủ HKEX cũng chứng kiến tình trạng hạn hán tương tự. Theo nhà cung cấp dữ liệu thị trường tài chính London School of Economics Group (LSEG), SPAC cuối cùng niêm yết trên thị trường Hồng Kông là TechStar Acquisition vào tháng 12-2022, nâng tổng số công ty rỗng lên năm. Dữ liệu của LSEG cho thấy, không có SPAC mới nào kể từ đó, chỉ có hai trong số năm công ty – Acquisition Aquila và Vision Deal HK Acquisition – tìm thấy các công ty mục tiêu để hợp nhất.
Mak của NUS cho rằng: “Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với SPAC châu Á rất kém. Thử nghiệm SPAC đã kết thúc ở Singapore và có thể cả ở Hồng Kông. Ngay cả các sàn giao dịch không muốn thừa nhận điều đó và tuyên bố rằng có thể có các danh sách SPAC khác trong tương lai”.
SPAC dễ làm, nhưng chóng hỏng
Nhà phân tích thị trường Hebe Chen thuộc hãng IG International nói với Nikkei Asia: “Kể từ khi SPAC ra mắt ở Hồng Kông vào năm 2022, loại hình này vẫn chưa gây ra làn sóng đáng kể nào. Nỗi lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự phục hồi kinh tế mờ nhạt của Trung Quốc đã góp phần tạo ra tâm lý thận trọng ngày càng tăng ở thị trường Hồng Kông, dẫn đến định giá thị trường giảm mạnh và thanh khoản bị hạn chế”.
IPO truyền thống là một quá trình kiểm tra gian khổ hơn và thường cần nhiều thời gian hơn để giao dịch cổ phiếu được chuẩn thuận. SPAC thực hiện công việc ban đầu của IPO, trong đó startup sử dụng SPAC như một phương tiện để trở thành một doanh nghiệp niêm yết thông qua việc sáp nhập. Quá trình này còn được gọi là de-SPAC, các công ty tham gia gọi chung thực thể de-SPAC.
Thị trường ở Mỹ đã mở đường cho sự phát triển của SPAC vào năm 2021 khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ và lãi suất thấp. Tình trạng cộng hưởng làm tăng khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đối với các startup công nghệ đang phát triển nhanh nhưng cũng đốt tiền rất bạo.
Các kỳ lân, các startup có giá trị từ 1 tỉ đô la, ở Singapore như Grab và Sea Group được niêm yết tại Mỹ, trong đó Sea lên sàn bằng IPO truyền thống, còn Grab ra mắt công chúng bằng de-SPAC.
Tham vọng là các sàn giao dịch châu Á sẽ giành được một miếng bánh SPAC béo bở, đồng thời Singapore và Hồng Kông đưa ra các quy định đối với các công ty vỏ bọc vào năm 2022, mở đường giúp các nhà tài trợ và mục tiêu của họ thành hiện thực.
Nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như kỳ vọng. Chẳng hạn, giá cổ phiếu của 17Live đã giảm hơn 70% so với mức chuẩn mà công ty vỏ bọc đặt ra. Mak của NUS nhận xét: “Giá cổ phiếu của 17Live đã rơi như hòn đá. Rõ ràng là thử nghiệm của Singapore với SPAC đã thất bại. Mặc dù SGX có thể tuyên bố rằng hiện đã có khuôn khổ SPAC và không loại trừ danh sách SPAC trong tương lai. Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi thứ đã kết thúc.”
Lạm phát tăng vọt khắp nơi trên thế giới sau Covid, cùng với căng thẳng địa chính trị toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư lo lắng. Các đợt tăng lãi suất của Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương toàn cầu đã chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ vốn là yếu tố xúc tác cho sự phát triển của SPAC.
Swarup Gupta, giám đốc ngành và nhà phân tích hàng đầu về dịch vụ tài chính tại Intelligent Economist Unit, cho rằng: “Việc Fed tăng lãi suất, nền kinh tế Trung Quốc trì trệ và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn ở Trung Quốc đã cản trở tính thanh khoản của thị trường. Hơn nữa, nhà đầu tư ngày càng e ngại rủi ro. Do đó, các giao dịch SPAC đã không còn phổ biến trên toàn thế giới”.
SPAC mang tính đầu cơ hay cơ hội
Hiệu suất của các thực thể tham gia thương vụ sáp nhập SPAC cũng mờ nhạt. Tương tự 17Live được niêm yết tại Singapore, giá cổ phiếu của Grab đã giảm hơn 70% kể từ khi niêm yết tại Mỹ.
Oriano Lizza, một nhà giao dịch tại nhà cung cấp nền tảng giao dịch CMC Markets, lưu ý rằng các công ty sử dụng SPAC như một phương tiện để vượt qua các yêu cầu niêm yết chặt chẽ hơn của IPO truyền thống, để rồi phải liên tục công bố là công ty thua lỗ sau khi trở thành doanh nghiệp niêm yết
Chẳng hạn, Grab đã niêm yết trên Nasdaq thông qua việc sáp nhập SPAC vào tháng 12-2021. Chỉ đến tháng 11-2023, hãng gọi xe mới ghi nhận lợi nhuận quí đầu tiên trên cơ sở điều chỉnh kể từ khi thành lập hơn một thập niên trước.
“Mối quan tâm đối với SPAC cực kỳ mang tính đầu cơ hay cơ hội. Chỉ những nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn mới thực sự sẵn sàng bơm tiền vào các phương tiện niêm yết như vậy. Đặc biệt, với môi trường lãi suất cao hơn, nhà đầu tư không bắt buộc phải chấp nhận rủi ro như vậy và chọn lợi nhuận không rủi ro như trong trường hợp tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu chính phủ.”
Trong cuộc họp công báo kết quả kinh doanh đầu tháng 2, Pol de Win, người đứng đầu bộ phận bán hàng và cơ hội kinh doanh toàn cầu của SGX, cho biết các quyết định của thị trường đối với SPAC không nên dựa vào một chu kỳ ngắn, mà là theo chu kỳ thị trường dài hạn. Ông cho rằng khả năng SPAC có thể quay lại trong năm năm tới là “có thể”.
Ông nói rằng để quá trình de-SPAC diễn ra, môi trường IPO phải “thuận lợi” và điều này hầu như không xảy ra trong hai năm qua. “Nếu được quay trở lại hai năm trước, chúng ta đã hy vọng rằng mọi chuyện sẽ khác. Nhưng phần lớn hoặc gần như tất cả những điều kiện đó đều tùy thuộc vào thời điểm và điều kiện thị trường”, Pol de Win nhận định.
Theo Nikkei Asia
Ricky Hố / BSA Media