Dòng chảy thị trường – Góc nhìn của chuyên gia về thực phẩm chay và thịt thay thế

Trên thế giới, hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn phát triển dòng sản phẩm thay thế thịt động vật… Vì thế, các sản phẩm thay thế thịt từ Việt Nam rất ổn. Tuy nhiên, muốn phát triển tốt cần nhất là phải hiểu nhu cầu thị trường. Phát triển sản phẩm thịt thay thế cần tìm hiểu các xu thế đang thịnh hành trên thế giới, tìm kiếm các sản phẩm khác để tập quen cho thị trường, người tiêu dùng.
Đây là chia sẻ của PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó hiệu Trưởng Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM tại buổi tọa đàm “Dòng chảy thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế” do Hội DN HVNCLC, trang tin điện tử Thế Giới Hội Nhập tổ chức vào sáng 1/3/2022, tại Cà phê Regina, số 84 Nguyễn Du, Quận 1, TP.HCM. Chương trình được live stream trực tiếp trên Thế Giới Hội Nhập, trang fanpage Thế Giới Hội Nhập, fanpage Hàng Việt Nam Chất lượng cao và kênh Youtube BsaChannel.
PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó hiệu Trưởng Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM
Thịt thay thế được làm bằng rất nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng chủ yếu là từ thực vật và hệ vi sinh và cao cấp hơn là từ tế bào nuôi cấy… Ở Anh, họ bắt đầu có món thịt bò, ban đầu rất đắt, nhưng hiện nay, giá ngày càng giảm, đó là thịt bò nuôi từ tế bào.  PGS.TS Đàm Sao Mai nêu thí dụ.
Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho rằng, các báo cáo nghiên cứu số lượng người ăn chay, có tới 65% là phụ nữ. Có bốn lý do khiến số người ăn chay ngày càng đông, không chỉ ở châu Á mà cả ở các nước phương Tây. Đầu tiên là vì lý do sức khỏe, thứ hai là vấn đề về đạo đức, thứ ba là tôn giáo và lý do thứ 4 là vì môi trường.
Ở góc độ thị trường, bà Kim Hạnh chia sẻ rằng, nền nông nghiệp nhiệt đới và sự đa dạng trong chế biến thực phẩm chay khiến chúng ta có rất nhiều cơ hội để đáp ứng nhu cầu ăn chay đang ngày càng cao. Ngoài 4 lý do ở trên còn có thêm một lý do nữa, đó là cơ hội cho thị trường, cho các nhà sản xuất, chế biến phục vụ thị trường ăn chay. Và đây thực sự là cơ hội mở cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC
Đồng tình với bà Vũ Kim Hạnh về góc độ thị trường, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Foods cho rằng, thị trường thực phẩm chay là rất lớn, rất tiềm năng. Nếu doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội về ngành chế biến thực phẩm thay thế thịt, được kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng là đều rất may mắn. Điều này sẽ mang lại niềm vui cho cả xã hội chứ không chỉ riêng doanh nghiệp.
Với Sông hương Foods, ông Quốc Tuấn rất tự hào bởi đã mang đến người tiêu dùng nhiều sản phẩm lên men tự nhiên, trong đó có món cà pháo nổi tiếng, tràn ngập tại các siêu thị.
Lên men tự nhiên của cà pháo Sông Hương Foods là gia truyền và chúng tôi cố gắng giữ vững việc này trong khi vẫn đáp ứng sản xuất số lượng lớn, phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường. Nhưng quả thật là chúng tôi đã quên đề cập đến giá trị dinh dưỡng của trái cà pháo. Sắp tới chúng tôi phải làm sao để nghiên cứu, phân tích 360 độ giá trị dinh dưỡng của trái cà pháo trong chiến lược marketing của mình. Ngoài cà pháo lên men, thời gian qua, Sông Hương Food còn có các sản phẩm bánh nậm và bánh lọc dòng mặn và dòng chay cũng khá bán chạy trên thị trường. Ông Quốc Tuấn chia sẻ.
Không chỉ về các vấn đề liên quan đến thị trường, xu hướng của thực phẩm chay, thịt thay thế, các diễn giả, doanh nghiệp đã có thêm những chia sẻ liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là các vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chí đánh giá của thị trường trong nước và xuất khẩu, những đảm bảo về hương vị, thành phần dinh dưỡng mang đến cho con người,… Các diễn giả cũng chia sẻ về những nguyên liệu sử dụng để làm thực phẩm chay, thịt thay thế, nhất là nguồn tài nguyên từ thực vật dồi dào ở vùng nhiệt đới như Việt Nam.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Foods chia sẻ tại buổi tọa đàm
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Foods