Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chia sẻ về nghi thức dâng trà thờ cúng tổ tiên

Trong khuôn khổ Lễ hội “Tết xanh quà Việt – Xuân Qúy Mão 2023” tại Toà nhà 81 tầng – LandMark 81 – Vinhome Central Park (722 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sáng ngày 31/12, nhiều khách đến mua hàng đã ngồi lại, nghe những chia sẻ của nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng về: “Nghi thức dâng trà thờ cúng tổ tiên”.
Việt Nam có phong tục “chén trà là đầu câu chuyện”, khi đến thăm nhà nhau, việc đầu tiên là pha trà mời khách, tùy theo mỗi vùng miền mà có những cách uống trà khác nhau. Với người nông dân, lá chè tươi như thức uống hàng ngày. Trong khi uống chè họ kê một chõng tre, hay trải chiếu đầu hè và mời khách uống trà. Quá trình uống chè họ có thể nói với nhau nhiều câu chuyện, từ con cái, học hành, chuyện nhân tình thế thái,… tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, gắn kết hơn từ đó.  
Theo nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, qua quá trình hàng ngàn năm mà việc uống chè được nâng lên thành nghệ thuật uống trà. Và trà hiện diện trong đời sống của người Việt Nam một cách sâu sắc, khi buồn cũng uống trà, vui cũng uống.
“Phong tục của người Việt Nam, trong những lễ cưới, ăn hỏi, lễ vật nhà trai đem tới nhà gái lúc nào cũng có trà. Hay ngay lúc buồn nhất là khi gia đình có tang, người Việt Nam cũng uống trà. Thậm chí, nhiều nơi ở Việt Nam, khi người thân mất đi, khi liệm cũng trải một lớp trà khô ở dưới”, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chia sẻ.
Trong đời sống tâm linh, theo nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, người Việt quan niệm chết không phải là hết, nên thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng trong nhà, dâng cúng tổ tiên vào các ngày rằm, ngày mùng một, ngày Tết. Thường lễ vật dâng cúng tổ tiên gồm, hương, hoa, trà, quả, thực, rượu.
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng cho biết, với người Việt chén trà đặc biệt quan trọng vào ngày Tết, ở Hà Nội xưa, khi người đứng đầu trong gia đình thắp nén nhang để cầu nguyện một năm mới bình an, bày tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên… họ sẽ pha một ấm trà và sau khoảng 5 – 10 phút thưởng thức, con cháu trong gia đình sẽ ra chúc phúc cho ông, bà, cha mẹ. Và cha mẹ cũng mừng tuổi để cầu một năm mới an bình cho con cái trong gia đình.
“Trong không khí của ngày xuân như vật, chén trà là cây cầu gắn kết tình yêu thương, giữa cha mẹ với con cái”, ông Sướng nói.
Tuy nhiên, để thưởng thức một loại trà ngon là điều khó, nhiều khi được biếu hay mua được loại trà ngon nhưng nhiều người không biết cách pha, nên không có được một chén trà ngon tương xứng với giá trị của nó.
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng phân tích, “Muốn có một chén trà ngon, chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ pha trà. Phải có ấm, chén, mà chén uống trà ngày xưa phải có chén tống và chén quân. Chén tống là một loại chén to dùng để châm trà từ ấm, từ chén tống mới châm ra các chén quân”.
Tại sao như vậy, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng giải thích, vì trà trong ấm không đều nhau, càng lên phía trên nắp ấm trà càng nhạt hơn, đáy ấm trà đặc. Chính vì thế, khi châm trà thẳng ra chén quân  các chén nước trà sẽ “vênh” nhau về độ đậm, nhạt.
Bênh cạnh đó, điều quan trọng nhất trong pha trà là phải chọn được nước pha… Cổ nhân có câu “Nhất thủy – Nhị trà – Tam pha – Tứ ấm”. Muốn có chén trà ngon đầu tiên nước pha phải ngon. Ngày xưa, các cụ ưa chuộng nhất là nước suối đầu nguồn, nước mưa cũng thích hợp để pha trà.
Ông Hoàng Anh Sướng kể, tương truyền rằng, chúa Trịnh Sâm trong lịch sử Việt Nam, mỗi khi thưởng trà, vào buổi sáng thường sai người hầu ra Hồ Tây gạt từng giọt sương đọng trên lá sen vào lúc mặt trời chưa mọc đem về pha trà.
Nhưng hiện nay, theo nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, người ta dùng nước máy để pha trà, làm trà uống không ngon, vì trong nước máy có flo làm cho hương thơm của trà mất đi rất nhiều.
Nghệ nhân Sướng khuyên, muốn có chén trà ngon, nên dùng các loại nước suối đóng chai đang có trên thị trường với những thương hiệu nổi tiếng, đạt tiêu chuẩn. Không nên dùng nước mưa ở thành phố pha trà vì có lượng bụi bẩn, axit trong đó.
Điều đáng mừng, theo nghệ nhân Sướng, những năm gần đây ở Hà Nội, TPHCM… có nhiều quán trà được mở ra, với một không gian phù hợp cho uống trà. Trong thời buổi hiện nay, con người đối mặt với nhiều stress, những không gian đó giúp con người thanh lọc tâm hồn, chậm lại, không lo lắng tương lai, được thư thái, thoải mái với chính mình, điều này giúp nuôi dưỡng tâm hồn được an nhiên, tự tại…
Cuối buổi chia sẻ, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã trực tiếp pha trà mời khách dùng thử, và cùng nhau trò chuyện, chia sẻ những phong tục, tập quán của người Việt trong những ngày Lễ, Tết.
Một số hình ảnh của cuộc giao lưu và dùng trà tại Lễ hội:

Cuộc giao lưu thu hút khá nhiều khách tới Lễ hội

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chia sẻ nhiều về nghệ thuật trà, và những nét văn hóa tâm linh trong ngày Tết của người Việt

Khách nghe ghi lại những chia sẻ của nghệ nhân

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng giao lưu cùng người hâm mộ

Bù Vũ Kim Anh trao phần quà cho nghệ nhân Hoàng Anh Sướng tại sự kiện

Phần giao lưu uống trà nói chuyện giữa nghệ nhân Hoàng Anh Sướng và người tiêu dùng tại gian hàng Giới Đức Hương

Pha trà mời khách

Mọi người trò chuyện cùng nhau trước khi thưởng trà

Dụng cụ pha trà có ấm, chén tống, chén quân

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng pha trà mời khách dùng

Bài, ảnh: Trần Quỳnh