Người mua hàng hiện nay khác như thế nào?

Ngày 19/1/2024, Hội DN HVNCLC, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC tổ chức một work shop với chủ đề: “Quản lý hệ thống phân phối linh hoạt và thực chiến cùng các xu hướng mới”. Chia sẻ tại chương trình là chuyên gia hệ thống phân phối của Hội DN HVNCLC, ông Phạm Trọng Chinh, người với nhiều năm kinh nghiệm ở các tập đoàn đa quốc gia.
Hội DN HVNCLC kỳ vọng, chương trình giúp doanh nghiệp có thể lập cho mình những chiến lược kinh doanh ngay trong những ngày đầu năm mới, để vững mạnh trong một năm 2024 được dự báo có không ít khó khăn.
Trong chương trình, chuyên gia Phạm Trọng Chinh đã chia sẻ nhiều xu hướng mới cần và nên phát triển trong việc kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Đó là những nội dung liên quan đến các xu hướng người mua hàng (shopper), kênh bán hàng (channel), cũng như thách thức cho quản lý hệ thống phân phối và quản lý hệ thống này (HTPP).
Trong đó, một số điểm lưu ý như, chiến lược phân phối không thể làm trong vài tháng, mà nên làm kéo dài hàng năm. Một số nhãn hàng, họ có những chiến lược phân phối tập trung cửa hàng hiện có, không nhất thiết mở rộng ra.
Bên cạnh đó, các kênh từ siêu thị đến các chợ truyền thống cần có những chiến lược khác nhau, từ danh mục sản phẩm, chương trình khuyến mãi, chiết khấu… Không bao giờ có một chương trình khuyến mãi cho tất cả các kênh.
Chuyên gia Phạm Trọng Chinh nhấn mạnh, người mua hàng hiện nay họ ngày càng năng động và phức tạp. Người tiêu dùng có nhiều kênh mua sắm hơn, họ là những hộ gia đình nhỏ hơn, có thu nhập cao hơn, trong đó nổi lên nhóm người mua hàng ở cận thành thị đang phát triển mạnh.
Cùng với đó, khi mua sắm họ cũng muốn có nhiều hơn những trải nghiệm, về:  Sản phẩm mới, dịch vụ mới, họ cũng chính là những người quảng bá, mô tả, lại chính sản phẩm của doanh nghiệp khi họ mua về và chia sẻ điều này với bạn bè… Đồng thời việc mua hàng cũng diễn ra nhanh hơn, và họ thích giao hàng tại nhà.
Một số yếu tố sản phẩm mà người dùng quan tâm hơn là ở yếu tố cân bằng và hạnh phúc, cho nên họ quan tâm đến sản phẩm có dinh dưỡng bổ sung, tốt cho sức khỏe cá nhân, gia đình…
“Do đó những sản phẩm manh tính “xanh” hơn, thân thiện môi trường đang được ưa chuộng, họ quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm, nhất là có sự thay đổi điều này trong quyết định mua hàng ở những người trẻ”, chuyên gia Phạm Trong Chinh nói.
Một số xu hướng chính
Chuyên gia Phạm Trọng Chinh chia sẻ tại chương trình
Từ một số thay đổi trên, ông Chinh đưa ra một số gợi ý cho doanh nghiệp, cần tìm kiếm các thị trường ngách ít bị “để ý” bởi doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó là cần đâu tư cho thị trường cận thành thị, nơi có càng nhiều các gia đình trẻ mua nhà ở khu vực rìa thành phố để sinh sống.
Theo chuyên gia Phạm Trọng Chinh, “cũng nên có những ”yếu tố vùng miền” trong phân khúc sản phẩm của mình, và trong kế hoạch, pháp marketing/trade marketing cần quan tâm đến sự trải nghiệm của người dùng, nhất là những yếu tố trải nghiệm trong lĩnh vực cộng nghệ”.
“Hãy tập trung vào các chuỗi nhỏ hơn, nhưng tiện lợi như một siêu thị lớn, đang có mặt tại nhiều thành phố, như GT store, Family Minimart…”
Tại sao chọn các Family Minimart, ông Chinh phân tích, xu hướng family Minimart là cửa hàng có quầy kệ, máy tính tiền… họ đang phát triển mạnh hơn, diện tích khoảng 70-300 mét vuông. Các thanh toán như một siêu thị lớn. Trước đây họ không bán thịt tươi sống, nhưng sau khi nhiều nhà cung cấp giao hàng tươi sống trong ngày, đã khiến chuỗi này ngày càng có sự tin tưởng của khách hàng trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình.
Xét riêng về những yếu tố sử dụng công nghệ mới trong phân phối, theo chuyên gia Phạm Trọng Chinh, rất nên tập trung vào OMNI Channel, O2O, livestreaming… Tuy nhiên cần phải trang bị, đào tạo để đội ngũ nhân viên bán hàng cần phải sẵn sàng với chuyển đổi số
Ông Chinh nhấn mạnh, “một số nhãn hàng có những chiến lược phân phối, họ tập trung cửa hàng hiện có. Sau đó bộ phận trade marketing bắt đầu thiết kế ở các kênh GT, MT những chiến lược khác nhau. Không bao giờ một chương trình khuyến mãi áp dụng cho tất cả các kênh, mà mỗi kênh phải có sự khác nhau”,
“Xu hướng tiếp theo là AI, Việt Nam chưa mạnh nhưng đang và sẽ phát triển trong tương lai, trong đó, Chatbox là kênh mà các nước trên thế giới đã khai thác. Có 2% doanh nghiệp trên toàn cầu dùng trong việc kinh doanh, tư vấn, mua hàng trực tiếp trên Chatbox”.
Trong xu hướng mua sắm kết hợp giải trí, nổi lên là livestreaming bán hàng, game hóa bán hàng, là những mảng tiềm năng và Việt Nam đang phát triển tốt. Trong đó, livestreaming là một trong những hình thức mà khách hàng thích trong xu hướng này. Họ nói được đặc tính sản phẩm mà trên nhãn của nhà sản xuất không có, và người xem tin vào điều này.
Một số kỹ năng mà doanh nghiệp cần trang bị cho bộ phận kinh doanh hiện nay
Bài, ảnh: Trần Quỳnh