Nhiều thay đổi khi ghi nhãn thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm

Ngày 29/2, tại trụ sở Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã tổ chức khóa đào tạo: “Hưỡng dẫn cơ bản về ghi nhãn thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm”. Khóa học với sự tham gia của gần 30 người đại diện cho 13 doanh nghiệp. Giảng viên khóa đào tạo là bà Hồ Ngọc Phương Thảo, chuyên gia Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập.
Khóa học nhằm cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp trong việc áp dụng quy định mới là Thông tư số 29/2023/TT-BYT (Bộ Y tế vừa ban hành) có hiệu lực từ ngày 15/02/2024, cũng như một số quy định khác của các nước.
Chuyên gia Hồ Ngọc Phương Thảo đã chia sẻ về nhiều nội dung liên quan, nhất là về việc hiểu rõ, phân loại, phạm vi cần ghi nhãn dinh dưỡng và lộ trình áp dụng theo quy định Thông tư 29/2023/TT-BYT. Cùng với đó là những cấu trúc ghi nhãn thực phẩm thông dụng và sự liên kết với hồ sơ công bố, tự công bố thực phẩm, ghi nhãn dinh dưỡng chi tiết theo từng hạng mục trình bày và được thực hành áp dụng trình bày nhãn dinh dưỡng theo các sản phẩm cụ thể.
Trong đó, một số điểm lưu ý như: đối với những sản phẩm có sử dụng chất phụ gia thì phải đưa lên trên nhãn sản phẩm, còn chất dùng hỗ trợ cho công nghệ chế biến thì không. Bên cạnh đó, không chỉ đối với sản phẩm chính mới cần ghi nhãn mà ngày cả những sản phẩm hàng tặng, hàng hội chợ, triển lãm … cũng bắt buộc phải có nhãn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý một số trường hợp ngoại lệ trong ghi nhãn hàng hoá theo 43/2017/NĐ-CP và thông tư 05/2019/TT-BKHCN.
Trong khi đó, về quy định trình bày thành phần dinh dưỡng trên nhãn, theo bà Thảo, có các chỉ tiêu phải ghi trên nhãn bao gồm: Năng lượng (Energy), Chất đạm (Protein), Carbohydrat, Đường tổng số, Chất béo (Fat), Chất béo bão hoà (Saturated Fat), Natri (Sodium) và mức sai số giá trị thành phần dinh dưỡng sẽ do công ty, doanh nghiệp tự tuyên bố.
“Khi tuyên bố, ghi bất cứ một điều gì trên nhãn như giàu vitamin, bổ sung canxi, kali,… thì phải đưa lên bảng dinh dưỡng, nếu không đưa lên bảng dinh dưỡng thì phải có kết quả kiểm nghiệm trong hồ sơ công bố để khi cơ quan nhà nước họ xác minh các thông tin ghi trên nhãn họ sẽ yêu cầu phải gửi kết quả kiểm nghiệm. Và muốn ghi một chất nào đó trong sản phẩm là tốt cho sức khoẻ thì phải đi chứng minh điều đó” bà Thảo nói.
Cũng trong khóa học, các nghiệp còn được tìm hiểu thêm về các nguyên tắc viết và làm tròn số khi tính giá trị dinh dưỡng theo TCVN 1517:2009 và thực hành tính giá trị dinh dưỡng của sản phẩm ngay trong khoá học. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp củng cố kiến thức, nắm rõ cách tính giá trị dinh dưỡng, làm tròn giá trị tương ứng khi ghi các chỉ số trên nhãn.
Bà Thảo cho rằng, doanh nghiệp phải hiểu rõ về những thông tin bắt buộc phải ghi, hiểu rõ sản phẩm của mình, ghi nhãn…để khi các cơ quan kiểm tra không bị phạt và người tiêu dùng khi mua họ yên tâm.
Được biết, lộ trình áp dụng ghi nhãn thành phần dinh dưỡng theo thông tư 29 là kể từ ngày 15/02/2024 đến hết 31/12/2025, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện ghi thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm theo quy định tại Thông tư này.
Từ 01/01/2026, tổ chức, cá nhân không được sản xuất, in ấn, nhập khẩu và sử dụng nhãn không đúng quy định tại Thông tư này.
Khóa học được sự quan tâm của các doanh nghiệp
Nội dung phân nhóm làm việc tại khóa học

Bài, ảnh: Lê Dinh