Nhớ tiếng rao hàng

Những ai từng sống ở Sài Gòn đều biết một di sản của đời sống kinh doanh nơi đô thị này là tiếng rao hàng.

(Vietnamtimes) – Một người trước đây làm thợ hồ kể: “Tôi ở chung cư, tối tối ưng làm xị rượu để ngủ. Biết ý tôi, bà cụ bán hột vịt lộn hễ đến là cất tiếng rao: Ai hột vịt lộn úp mề không! Nghe tiếng rao của cụ mấy chục năm tôi đâm ghiền.

Hôm nào mưa gió quá, thấy vắng tiếng rao của bà cụ là nhớ, rồi lo không biết cụ có ốm đau gì không. Nói thiệt, nhớ tiếng rao như nhớ tiếng ru của má tôi ngày xưa vậy.”

Một Việt kiều già hỏi: “Chú có nhớ thì nhắc giùm, tôi chỉ nhớ cái âm lớ lớ của ông già bán chè mè đen.” Chúng tôi đi hỏi và được mấy ông người Hoa ở khu chợ Thiếc nhắc tiếng rao đó là: “chí mè phủ”. Nhưng tiếng rao này từ giọng gốc của những người Quảng Ðông nghe như giọng ngâm thơ Ðường, hay vô kể!

Nhưng có lẽ giọng rao của ông già người Hoa bán cháo huyết ở xóm chúng tôi là lạ lùng hơn cả, ông không rao nguyên câu mà chỉ rao mỗi một âm: Huyết! Tiếng “huyết” kéo dài và cao vút.

Ai ở Sài Gòn vào khoảng đầu giờ đêm đến khuya cũng nhớ tiếng rao bánh giò, bánh chưng. Tiếng rao của những người bán hàng này thường được tiếng cọc cạch của sên, líp chiếc xe đạp cà tàng “đệm nhạc.”

Thường thì câu đầu của “ca từ” là nguyên văn: ai bánh giò, bánh chưng! Nhưng đến câu sau chỉ còn là: giò, gai, chưng đây. Người nghe cảm nhận được nhịp rã rời của đôi chân và một cuộc đời vất vả kiếm sống.

Một chị bạn kể. “Tôi hồi nhỏ mê giọng rao của chị bán chè: Ai ăn chè bột khoai, nước dừa đường cát hôn! Nghe trong mà ngọt còn hơn nghe Ngọc Giàu hát vọng cổ. Có lần mua chè, tôi hỏi: Chị có giọng trời cho vậy sao không làm nghệ sĩ. Chị mà đi hát người ta mê rần rần. Chị cười buồn hiu với tôi rồi nói một câu mà tôi nhớ đến giờ: Có chắc chị đi hát đỡ khổ hơn hôn em!”

Ngày nay ở Sài Gòn gần như tiếng rao hàng đã mất. Thủ phạm có thể là sự ô nhiễm tiếng ồn khủng khiếp, nhưng tiếng ồn cũng chỉ là thủ phạm hình thức, thủ phạm thật sự là sự suy thoái của văn hóa trước những cơn bão tư bản hoang dã cùng thói cưỡng đoạt của tập đoàn độc quyền đã biến mọi người thành nạn nhân.

Một thầy giáo về hưu nói :“Mấy ông có để ý không, người bán báo dạo ngày nay không rao, không mời nữa. Có người cứ thế mà đưa thẳng cả xấp báo vào mặt khách. Bán vé số cũng vậy, ngày trước người ta bán vé số rao mời rất hay: Vé số chiều xổ đây. Trách mấy người khổ mua bán rong là điều không phải, chỉ thấy buồn thôi.”

Thật ra ngày nay giới bán dạo Sài Gòn cũng có cách rao hàng bằng loa điện hẳn hoi. Có điều ngôn ngữ và âm điệu rao chẳng thể nào quen tai được chớ nói gì đến chuyện nghệ thuật rao hàng như ngày xưa.

Ðến cả mấy cái siêu thị to đùng hễ bán ế là mời mấy nhóm nhạc múa disco, nhóm lân sư rồng về múa hát loạn xạ. Và dàn hòa âm hết công xuất phát hằng ngày này khiến ai cũng đinh tai nhức óc…

Trần Tiến Dũng (TGTT)