Thái Lan công bố chương trình toàn dân sáng tạo

Chương trình Mỗi gia đình là một quyền lực mềm (Ofos) sẽ đưa 21 triệu hộ gia đình Thái Lan tham gia ngành công nghiệp sáng tạo nội dung. Ảnh: The Nation

Thái Lan đã công bố kế hoạch đào tạo hơn 20 triệu hộ gia đình ở nước này tham gia chương trình “Mỗi gia đình một quyền lực mềm” đồng thời thành lập cơ quan chính phủ về nội dung sáng tạo, với tham vọng tạo ra nguồn doanh thu mới trị giá 4.000 tỉ baht (hơn 112 tỉ đô la) trong bốn năm tới. Chiến lược này chỉ được công bố sau khi Hội đồng chiến lược quyền lực mềm quốc gia đã thành lập và họp thường xuyên từ hôm 4-10-2023 vừa rồi.

Chính sách này được chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn 1 thực hiện trong 100 ngày và tập trung vào việc chuẩn bị các địa điểm lễ hội, sứa đổi các quy định liên quan của Bộ Văn hóa, và tổ chức Lễ hội mùa đông. Thái Lan là xứ nhiệt đới, nhưng lễ hội mùa đông lại tập trung thu hút khách du lịch châu Âu và Bắc Mỹ trong mùa đông 2023 – 2024.

Giai đoạn 2 kéo dài đến tháng 4-2024. Khởi động sáng kiến “Một gia đình một quyền lực mềm” (OFOS) sẽ được khởi xướng. Chính phủ sẽ phân bổ kinh phí đến các làng xã và cộng đồng để đào tạo miễn phí 20 triệu người gồm trẻ em, người lớn và người cao tuổi trong các lĩnh vực ẩm thực, võ Muay Thai, nghệ thuật, biểu diễn, ca hát, thiết kế, thời trang, thể thao điện tử… Dân số Thái Lan hiện ở mức 71 triệu người, tức là mỗi gia đình đều có ít nhất một người tham gia ngành công nghiệp sáng tạo nội dung.

Chính phủ cũng đề xuất thành lập Cơ quan Nội dung Sáng tạo Thái Lan (THACCA). Một trong những tâm điểm của giai đoạn là tổ chức Lễ hội té nước (Tết Songkran) và Diễn đàn quyền lực mềm có quy mô quốc tế.

Giai đoạn 3 và cuối cùng, dự kiến kéo dài đến ngày 3-10-2024, nhằm đào tạo 1 triệu người. Việc thành lập THACCA cũng sẽ được đề xuất lên Quốc hội trong giai đoạn này. Chính phủ sẽ tổ chức các sự kiện liên hoan phim và âm nhạc, đồng thời hỗ trợ quyền lực mềm tham gia vào các sự kiện toàn cầu.

Kế hoạch làm việc cũng sẽ được chia thành ba phần như sau.

Thượng nguồn: Điều này liên quan đến việc đào tạo 20 triệu người từ 20 triệu gia đình theo dự án “Một gia đình một quyền lực mềm” của chính phủ.

Trung nguồn: Sự phát triển của 11 ngành công nghiệp sáng tạo như ẩm thực, thể thao, lễ hội, du lịch, âm nhạc, sách, phim ảnh, trò chơi điện tử, nghệ thuật, thiết kế và thời trang.

Hạ nguồn: Thúc đẩy quyền lực mềm của Thái Lan trên toàn cầu trong các lĩnh vực phù hợp với các cơ hội được nghiên cứu và phân tích cho đất nước. Bộ Ngoại giao sẽ chịu trách nhiệm thực hiện tổng thể thông qua nỗ lực của các nhà ngoại giao và tùy viên thương mại Thái Lan có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, các nỗ lực sẽ được thực hiện để tăng cường quyền lực mềm trong 11 ngành công nghiệp sáng tạo, cụ thể là phim ảnh, thiết kế thời trang, thực phẩm và đồ uống, thể thao, âm nhạc và hòa nhạc, du lịch văn hóa, văn học, nghệ thuật đương đại, y tế và sức khỏe, phần mềm và trò chơi điện tử. Bộ Văn hóa sẽ nỗ lực tạo ra giá trị kinh tế ở những lĩnh vực này, nhằm kiếm được doanh thu 300-400 triệu baht từ mỗi sự kiện kéo dài ba ngày.

Hơn nữa, Bộ Văn hóa, phối hợp với Viện Quản trị Kinh doanh Sasin của Đại học Chulalongkorn, sẽ thiết lập các chỉ số thống kê văn hóa để đo lường tác động của các hoạt động văn hóa đối với nền kinh tế Thái Lan.

Cách tiếp cận toàn diện này nhằm mục đích nâng cao quyền lực mềm của Thái Lan, tạo sự cạnh tranh mới cho kinh tế và văn hóa Thái Lan trên toàn cầu.