1.500 đại biểu, doanh nhân tham dự diễn đàn Mekong Connect 2023

Năm 2023, lần đầu tiên Mekong Connect có sự tham gia của TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đánh dấu bước phát triển mới, hướng tới trở thành diễn đàn đối thoại kinh tế công tư thường niên của vùng kinh tế TP.HCM, trong mối liên kết với ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chụp hình chung với các doanh nghiệp tại khu triển lãm sáng 15/11.
Mekong Connect ra đời năm vào 2015, từ sáng kiến của Mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp) và sau đó có sự tham gia của TP.HCM. Sau 7 kỳ diễn đàn, năm nay Mekong Connect đánh dấu bước trưởng thành vượt bực cả về quy mô lẫn mạng lưới liên kết với TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Mekong Connect năm nay chào đón sự tham dự của 1.500 đại biểu là các khách VIP và doanh nhân; 30 đoàn lãnh đạo các tổ chức trong và ngoài nước; 30 lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh, thành và đối tác; 100 doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia khu triển lãm, 100 cơ quan báo đài quốc tế và Việt Nam. Tất cả sẽ cùng với 30 diễn giả uy tín tham gia 5 phiên thảo luận (4 phiên ngày 15/11, 1 phiên ngày 16/11) với hơn 40 tham luận về chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP.HCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”.
Diễn đàn sẽ chính thức khai mạc vào 13h chiều nay, 15/11, nhưng ngay từ buổi sáng các đại biểu và khách tham dự đã có thể tham quan khu triển lãm kinh tế xanh của 100 doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp từ khắp mọi miền trên cả nước và tọa đàm kích hoạt bán hàng – hai hoạt động mở đầu diễn đàn.
Buổi chiều 15/11 sẽ diễn ra bốn phiên thảo luận đồng thời với các chuyên đề: “Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh”; “Những thị trường mới nổi: Tái chế và Tín chỉ carbon”; “Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024”; “Giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong xã hội và chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp”.
Những khách tham quan đầu tiên đến khu triển lãm từ sáng sớm 15/11.
Trong đó, triển lãm “Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam” sẽ diễn ra xuyên suốt hai ngày diễn đàn 15-16/11 tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu. Tham gia trưng bày, triển lãm có các doanh nghiệp biêu biểu của TP.HCM và khu vực ĐBSCL, với các thành tựu, sáng kiến, giải pháp, mô hình kinh doanh, sản phẩm mới theo các xu hướng kinh tế hiện đại, dựa trên tiêu chuẩn và hướng đến xuất khẩu. Trong đó số có thể kể đến các đơn vị đầu tư canh tác, phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu xanh, như Trung An, DannyGreen, Phú Lễ, Acecook là những thương hiệu lâu năm, với các sản phẩm từ nông sản hữu cơ chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế như Nhật Bản (JAS) và Mỹ (USDA-NOP)…
Các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, sáng tạo để tạo ra các dòng sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu, như: Faslink với thời trang tạo ra từ bã cà phê, vỏ hàu, sợi sen…; Điện Quang với các sản phẩm chiếu sáng thông minh, pin năng lượng, giải pháp điện mặt trời áp mái; Thiên Long với chiến lược kinh doanh gắn liền môi trường bằng những sản phẩm văn phòng xanh – chất lượng; Minh Long I kiên trì với sứ mệnh vì sức khỏe cộng đồng, bên cạnh lưu giữ nét đẹp văn hóa Việt trong từng sản phẩm với triết lý “Tinh hoa từ Đất, tinh xảo từ Người”.
Các doanh nghiệp tiên phong với kinh tế tuần hoàn, tái chế, như Duy Tân Recycling, với các sản phẩm tái chế từ chai nhựa tạo ra bao bì mới, bao bì thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), của Bộ KH&CN Việt Nam.
Ngoài ra, triển lãm còn có sự tham gia của các đơn vị tư vấn và cấp chứng nhận tiêu chuẩn, các tổ chức quốc tế đang triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân trong khu vực TP.HCM và ĐBSCL theo xu hướng xanh và bền vững, như WWF Việt Nam với phần trưng bày là sản phẩm và thông tin từ các dự án bảo tồn, phát triển bền vững và tài chính xanh.
Tọa đàm: “Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP” diễn ra tại sảnh Hoa Sen, Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, từ 9-11h ngày 15/11 với sự tham gia của ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp; bà Nguyễn Thị Thúy Phượng – Viện trưởng Viện Ứng dụng KHCN và đào tạo Mekong; ông Phạm Ngọc Anh Tùng, Nhà sáng lập sàn TMĐT nông sản Foodmap; cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hana Ban Mê – cô gái “rời phố về quê” lập nghiệp, sở hữu kênh bán hàng “triệu view”.
Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp của Bộ NN&PTNT là một trong những đơn vị tiên phong thúc đẩy “go online”, với rất nhiều hoạt động khác nhau, trên rất nhiều địa phương trong cả nước. Thời gian qua Trung tâm đã trở thành cầu nối và đơn vị tư vấn tin cậy cho các doanh nông, các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp và các chủ thể OCOP trên khắp cả nước. Tại tọa đàm ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm cùng ba diễn giả nhiều kinh nghiệm sẽ chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về cách thúc đẩy bán hàng trực tuyến, cách thức hợp tác giữa doanh nghiệp và cả những rủi ro mà người bán hàng online, bán hàng trên các kênh trực tuyến có thể phải đối mặt.
Mekong Connect 2023 có chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP.HCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”, được tổ chức tại TP.HCM với sự chủ trì của UBND TP.HCM, Bộ NN&PTTN và Bộ KHCN, được phối hợp điều phối và thực hiện bởi: Sở Công Thương TP.HCM, Hội DN HVNCLC, VCCI Cần Thơ.
Hội trường Thành phố, số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM đã sẵn sàng cho phiên toàn thể sáng 16/11.
Chương trình chi tiết:
Ngày 15/11: Triển lãm và Bốn phiên thảo luận đồng thời
– Triển lãm: Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam
– Phiên thảo luận chuyên đề 1: “Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh”
Thời gian: 14 – 17h ngày 15/11/2023
Địa điểm: Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu
Nội dung: Tương lai của kinh tế nông nghiệp: những câu chuyện về thế hệ doanh nông mới và giá trị gia tăng từ tài nguyên bản địa. Vai trò của các doanh nghiệp dẫn đầu trong hệ sinh thái kinh tế xanh.
– Phiên thảo luận chuyên đề 2: “Những thị trường mới nổi: Tái chế và Tín chỉ carbon”
Thời gian: 14 – 17h ngày 15/11/2023.
Địa điểm: Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu
Nội dung: Những chuyển động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong xu hướng tái chế hướng tới phát triển bền vững. Giải pháp thúc đẩy sự hình thành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
– Phiên thảo luận chuyên đề 3: “Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024”
Thời gian: 14 – 17h ngày 15/11/2023
Địa điểm: Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu
Nội dung: Thị trường quốc tế đang tìm kiếm điều gì từ các sản phẩm của Việt Nam. Cơ hội thị trường cho sản phẩm thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc từ thực vật, góc nhìn từ thị trường Việt Nam và quốc tế. Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường thực phẩm Halal. Kênh thương mại điện tử đang ở đâu trong bản đồ phân phối của doanh nghiệp Việt. Vận dụng những ứng dụng công nghệ mới như thế nào để tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong dòng chảy thương mại trực tuyến.
– Phiên thảo luận chuyên đề 4: “Giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong xã hội và chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp”
Thời gian: 14 – 17h ngày 15/11/2023.
Địa điểm: Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu
Nội dung: Xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới. Những giải pháp tiếp thị truyền thông hiện đại gắn với xu hướng ESG của cộng đồng doanh nghiệp. Những sáng kiến của hệ thống bán lẻ và các công ty cung cấp ứng dụng giao hàng trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh và chuyển đổi xanh.
Ngày 16/11: Phiên toàn thể
– Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
– Clip review các hoạt đồng “tiền” Mekong Conect 2023 và các phiên thảo luận chiều 15/11
– Phát biểu của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh
– Phát biểu của lãnh đạo Bộ, ngành
– Tham luận của lãnh đạo các địa phương ABCD Mekong, ĐBSCL
– Tham luận – Cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM tác động thế nào đến việc tăng cường liên kết cho doanh nghiệp TP.HCM  và ĐBSCL trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ.
– Tham luận – Những thách thức trong việc triển khai Quy hoạch tích hợp ĐBSCL và kiến nghị giải pháp hỗ trợ.
–  Báo cáo kết quả triển khai công tác liên kết đầu tư phát triển hạ tầng thương mại giữa khu vực kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
– Tận dụng đòn bẩy chính sách để tăng cường liên kết kinh tế và thương mại giữa khu vực kinh tế TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.
– Trao giấy chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập cho các doanh nghiệp.
– Phát định hướng hành động của lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
– Bế mạc.

BSA MEDI