ASEAN có thể trở thành con đường của tương lai (*)

“EU đã được trao giải Nobel hòa bình năm 2012. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ASEAN có thể trở thành con đường của tương lai, giúp các khu vực bị rạn nứt khác xây dựng được các mối quan hệ hợp tác lâu dài”.

Hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Singapore – Kishore Mahbubani – đã đúc kết như vậy trong bài viết “ASEAN mừng tuổi 50”.

Xóa bỏ nghi ngại

Chúng ta sống trong thời điểm khó khăn, sự bi quan phủ bóng đen ngay cả ở những khu vực thịnh vượng nhất của địa cầu. Nhiều người tin rằng trật tự quốc tế đang tan rã. Một số người lo ngại một cuộc xung đột giữa các nền văn minh sắp xảy ra, nếu như nó chưa bắt đầu.

Tuy nhiên, giữa lúc ảm đạm, Đông Nam Á mang đến một tia hy vọng không mong đợi. Khu vực này đã có những tiến bộ phi thường trong những thập kỷ gần đây, đạt được một mức độ hòa bình và thịnh vượng mà trước đây không thể tưởng tượng được. Thành quả này là nhờ Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vốn đang kỷ niệm 50 năm ngành thành lập trong tháng 8 này.

Đông Nam Á là một trong những khu vực đa dạng nhất thế giới. 640 triệu dân Đông Nam Á gồm 240 triệu người Hồi giáo, 120 triệu người theo đạo Thiên Chúa, 150 triệu Phật tử và hàng triệu tín đồ Hindu, Đạo giáo, Khổng giáo. Nước có dân số đông nhất, Indonesia với 261 triệu người, trong khi Brunei chỉ có 450.000 người. Thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 52.960 USD/năm, gấp 22,5 lần so với Lào (2.353 USD).

Sự đa dạng này kiến Đông Nam Á bị bất lợi rõ rệt trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực. Khi ASEAN được thành lập năm 1967, hầu hết các chuyên gia đều nhận định khối này chỉ tồn tại được vài năm. Vào thời điểm đó, Đông Nam Á là một vùng nghèo khó và bất ổn, mà sử gia Anh C.A. Fisher đã mô tả là vùng Balkans của châu Á. Chiến tranh Việt Nam diễn ra và cuộc Chiến tranh Trung – Việt chưa nổ ra. Nhiều người đã nhìn thấy việc 5 quốc gia thành lập ASEAN – Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan – như quân cờ domino rất dễ đổ hoặc sẽ chìm vào xung đột…

Nhưng ASEAN đã vượt qua những thách thức này, trở thành một tổ chức khu vực thành công thứ hai thế giới, sau Liên hiệp châu Âu. Khoảng 1.000 cuộc họp của ASEAN được tổ chức mỗi năm để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và ngoại giao. ASEAN đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand và thành lập một cộng đồng kinh tế ASEAN. Ngày nay, ASEAN là nền kinh tế lớn hàng thứ 7 thế giới, và trên đường vươn lên hàng thứ tư vào năm 2050.

Như tôi đã giải thích trong cuốn Phép Lạ của ASEAN, một số yếu tố đã củng cố sự thành công của ASEAN. Lúc đầu, việc phản đối thể chế đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các nước hợp tác. Các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, như Suharto của Indonesia, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammed, và Lý Quang Diệu, nhà lập quốc Singapore, đã đến với nhau và giữ vững khối.

Nó đã giúp cho ASEAN trở nên nổi bật vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, hội tụ các lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và các thành viên của khối. Nhưng ngay cả khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khu vực này đã không bùng nổ xung đột, như đã xảy ra ở vùng Balkans của châu Âu. Các quốc gia ASEAN duy trì các thói quen hợp tác đã được hình thành ở Đông Nam Á trong những năm 1970 và 1980.

Trên thực tế, những nước thời kỳ đầu phản ứng một số thành viên của ASEAN đã quyết định gia nhập khối. Myanmar cũng gia nhập, kết thúc hàng chục năm cô lập. Chính sách thu hút Myanmar của ASEAN đã bị phương Tây chỉ trích, nhưng đã giúp tạo nền tảng cho một sự chuyển tiếp ôn từ chế độ quân sự sang thể chế dân sự.

Có thể chịu được bão

Chắc chắn, ASEAN không phải là hoàn hảo. Trong thời gian ngắn, nó có vẻ như di chuyển giống loài cua – hai bước về phía trước, một bước lùi, và một bước đi ngang. Tuy nhiên, tiến bộ lâu dài của ASEAN là không thể phủ nhận. Tổng GDP của khối đã tăng từ 95 tỷ USD hồi năm 1970 lên 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2014. Và đây là nền tảng đáng tin cậy duy nhất cho sự tham gia hoạt động địa – chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, độc đáo trong khả năng triệu tập các cuộc họp có sự tham gia của tất cả các cường quốc thế giới, từ Mỹ đến EU và Trung Quốc cùng Nga.

ASEAN tiếp tục đối mặt với những thách thức. Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã tạo ra những sự chia rẽ, cạnh tranh địa – chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa nữa đối với sự gắn kết. Và chính trị trong nước ở một số quốc gia thành viên ngày càng căng. Nhưng lịch sử của ASEAN cho thấy khối có thể chịu được những cơn bão này. Khả năng phục hồi ấn tượng của khối bắt nguồn từ văn hóa của Musyawarah và Mufakat (tham vấn và sự đồng thuận) vốn do Indonesia khởi xướng. Hãy tưởng tượng các tổ chức khu vực khác, như Hội đồng hợp tác vùng Vịnh hoặc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á, có thể hưởng lợi từ việc tuân thủ các quy định như vậy.

EU đã từng đạt được tiêu chuẩn vàng cho hợp tác khu vực. Nhưng khối này vẫn phải đối phó một loạt khủng hoảng dường như không bao giờ kết thúc và sự tăng trưởng kinh tế yếu ớt. Thêm vào đó là việc Vương quốc Anh sắp rời khỏi EU và có vẻ thận trọng tìm kiếm các mô hình hợp tác khác. ASEAN dù không hoàn hảo nhưng đã cung cấp một hình thức hợp tác hấp dẫn.

EU đã được trao giải Nobel hòa bình năm 2012. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ASEAN có thể trở thành con đường của tương lai, giúp các khu vực bị rạn nứt khác xây dựng được các mối quan hệ hợp tác lâu dài.

(*) Tựa và tít nhỏ đã được đặt lại

Vĩnh Thụy (lược dịch)