Bản Tin Hội Nhập từ 7/10 – 14/10/2021

Ứng dụng hẹn hò Fika gọi vốn thành công 1,6 triệu dollar vòng hạt giống | Giá Vàng tăng nhẹ, Dollar giảm, theo dõi Fed | Tổng thống Putin ủng hộ tiền điện tử – Crypto | CHUS và tham vọng đại chúng hóa cản sản phẩm thủ công tại Việt Nam
  • Bất chấp dịch bệnh, Fika, 1 ứng dụng hẹn hò tại Việt Nam đã gọi vốn thành công 1,6 triệu dollar Mỹ cho vòng hạt giống. Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên thu thập số liệu cỡ lớn và tập trung vào trải nghiệm của phái nữ, ứng dụng Fika đã loại bỏ khoảng 40% tài khoản ảo cũng như tạo 1 cộng động hèn họ an toàn hơn cho nữ giới.
  • Sau một thời gian kích cầu kinh tế nhằm hỗ trợ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ngân hàng trung ương Mỹ Fed đã bắt đầu phát đi những tín hiệu về động thái thắt và giảm dần các chính sách in tiền. Tuy nhiên, đồng bạc xanh Dollar vẫn giảm liên tục trong 10 ngày, cũng như thời gian qua. Sự suy yếu của Đồng bạc xanh Dollar, kèm e ngại về lạm phát toàn cầu khiến giá cổ phiếu lẫn các loại năng lượng và nguyên liệu như vàng và dầu thô đồng loạt tăng nhẹ. Tuy nhiên, Kim loại quý như Vàng gặp trở ngại để vượng ngưỡng $1.800 dollar Mỹ mỗi Oz – dừng ở ngưỡng $1.797,27 mỗi Oz lúc 9h20 GMT (múi giờ của sàn giao dịch tại London). Nhìn chung, giá vàng vẫn chưa thật sự phục hồi so với đỉnh vào cuối tháng 5 của 2020.
  • Lần đầu tiên, tổng thống Putin – một nguyên thủ thuộc nhóm G7 tuyên bố lập trường ủng hộ sự tồn tại và công dụng thanh toán của Tiền Số (Tiền Điện Tử như Bitcoin). Tuy nhiên, ông không nói rõ sẽ ủng hộ loại tiền số bất kỳ nào. Động thái này xảy ra sau khi một quốc gia đang phát triển là El Salvador tại Nam Mỹ đã chính thức cộng nhận tính lưu hành hợp pháp của Bitcoin – loại tiền số phổ biến nhất thể giới (theo sau là Ethereum).
  • CHUS, nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam của nhà sáng lập gốc Hàn Injoon Song, trong mùa dịch bệnh với tham vọng đại chúng hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Theo lời anh Injoon Song, “ý tưởng đã nhen nhóm trong tôi từ năm 2019, trong một chuyến du lịch Buôn Ma Thuột, nơi tôi lần đầu tiên nếm thử món tỏi Lý Sơn. Khi đó, tôi đã hy vọng mình có thể xây dựng 1 nền tảng thương mại điện tử giúp người nước ngoài và người trẻ đang sinh sống tại Việt Nam tiếp cận được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng”.
Nguồn:  TechInAsia & Reuters & Bloomberg & Vietcetera
2/ Việt Nam – Ai Cập: các triển vọng hợp tác
Ai Cập hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất và là thị trường còn nhiều tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Bắc Phi. Trong 6 tháng đầu 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập vẫn đạt 238,7 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Là nước phát triển nhanh và mạnh trong khu vực, Việt Nam có tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư và xuất nhập khẩu Ai Cập. Ngoài ra, Ai Cập cũng là một trong số những thị trường lớn cho mặt hàng cá ngừ Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,8 triệu USD cá ngừ sang Ai Cập, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. Ai Cập xuất khẩu sang Việt Nam những mặt hàng như hoá chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa, sợi…
Trong thời gian tới, Việt Nam và Ai Cập có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp điện, dệt may, hoá chất, ô tô, vật liệu xây dựng, viễn thông, logistics. Phía Ai Cập hiện đang phát triển hạ tầng quy mô lớn, trong đó có Khu kinh tế kênh đào Suez (SCZ) để phục vụ cho các thoả thuận hợp tác thương mại và sản xuất trong tương lai. Việt Nam và Ai Cập có thể hợp tác theo mô hình ba bên tận dụng lợi thế của SCZ. Các nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam có thể được sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam để sản xuất các sản phẩm tại SCZ và xuất khẩu sang nước thứ ba vốn có hiệp định thương mại với Ai Cập.
Nguồn: Báo Công Thương
Chủ tọa Hội thảo XTTM tại Hội chợ quốc tế Cairo lần thứ 54: (từ trái sang phải) Chủ tịch EECA Maii Assal, Thứ trưởng TM&CN Ai Cập El-Seginy, Đại sứ Trần Thành Công, Phụ trách Thương vụ Nguyễn Duy Hưng
3/ Xuất khẩu sang Mexico: dư địa nhờ CPTPP
8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt 2,92 tỷ USD, tăng 43%. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu sang khối thị trường các nước trong CPTPP đối với hàng hóa của Việt Nam.
Mặc dù đạt kết quả tích cực, song theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này mới chỉ đạt 1,3%, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục gia tăng xuất khẩu hàng hóa, nhất là khi Việt Nam và Mexico đều là thành viên của Hiệp định CPTPP.
Với CPTPP, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico – cho biết, Mexico là thị trường đầy tiềm năng cho thủy sản Việt. Hàng năm, Mexico nhập khẩu khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh.
Hiện, sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính sang thị trường Mexico là cá tra và cá ngừ. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có thể nói, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ hiệp định này. Bên cạnh thủy sản, mặt hàng gạo, dệt may, da giày… cũng có nhiều cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường này.
Nguồn: Báo Công Thương
4/ Doanh nghiệp gồng mình để giữ đơn hàng
Trao đổi với Lao Động, ông Thân Đức Việt – CEO May 10 – cho biết, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trong năm 2021 đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do thiếu nguồn cung, đồng thời để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, nhiều nhà máy trực thuộc tổng công ty phải tạm đóng cửa.
Trước kia, May 10 thường có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ 3-6 tháng, nhưng kể từ khi có dịch, chúng tôi thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày. 
Chúng tôi đã huy động người lao động làm thêm giờ hàng ngày, hoặc làm thêm một vài chủ nhật trong tháng bù đắp những thiếu hụt do không giao hàng kịp của những lần giãn cách trước“, ông Việt nói.
Có những đợt chúng tôi biết làm là lỗ do phát sinh quá nhiều chi phí như lo chỗ ăn ngủ “3 tại chỗ” cho công nhân, chi phí logistics… nhưng để giữ đơn hàng, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất“, bà Lê Ánh Tuyết – Phó chủ tịch Công ty cổ phần Nhôm Đô Thành – cho hay.
Vviệc dịch chuyển các đơn hàng có thể xem là lời cảnh báo cho Việt Nam trong việc cần đưa ra các giải pháp phù hợp để giữ đơn hàng, giữ chân doanh nghiệp.
Giải pháp cần nghĩ tới đầu tiên đó là một kế hoạch hành động giữ chân người lao động, bởi nếu có đơn hàng mà không có người làm thì không giải quyết được vấn đề gì. Doanh nghiệp nên có những chính sách khuyến khích công nhân ở lại nhà máy làm việc như cho công nhân ứng trước một phần lương tháng 10.
Bên cạnh đó, cần rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những lao động là đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của nhà nước để bảo đảm an sinh cho họ.
Nguồn: Báo Lao Động
5/ Xuất khẩu da giày chịu ảnh hưởng nặng nề
Theo số liệu của Lefaso, trong tháng 9, xuất khẩu giày dép chỉ đạt 700 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó, xuất khẩu túi xách cũng giảm 48%.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng xuất khẩu giày dép đạt hơn 13,3 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2020, còn túi xách đạt kim ngạch gần 2,24 tỷ USD, giảm 3,7%.
Trên thực tế, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của giày dép Việt Nam với tỷ trọng 41%, túi xách 44%. EU đứng thứ 2 với thị phần gần 23% giày dép, 22% túi xách. 
Theo Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), nguyên nhân khiến xuất khẩu giày dép, túi xách sụt giảm trong những tháng qua do dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ đầu tháng 5 đến nay và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất tại các tỉnh phía Nam.
80% các nhà máy sản xuất tại khu vực phía Nam (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang…). Đây là số doanh nghiệp chiếm 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Tại miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày chỉ hoạt động từ 50-80% công suất và thiếu lao động, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, chi phí xét nghiệm, lo ăn, ở “3 tại chỗ” cho người lao động.
Mặt khác, Lefaso cũng nêu nguyên nhân là tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao gấp 5-10 lần, xảy ra từ năm 2020 đến nay chưa trở về bình thường, cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao…
Giống như những ngành sử dụng nhiều lao động khác như dệt may, thuỷ sản… da giày đang phải đối diện với việc thiếu lao động trầm trọng để phục hồi sản xuất trước làn sóng nhiều người bỏ về quê khi các tỉnh phía Nam nới giãn cách xã hội.
Lefaso khuyến nghị các doanh nghiệp da giày cần tiết giảm chi phí, tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tinh thần để thu hút lao động trở lại làm việc. Chỉ số sử dụng lao động của ngành này trong 8 tháng đầu năm cũng giảm 17,3% so với cùng kỳ 2020.
Khó khăn lớn nhất về phía cung của các doanh nghiệp là không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt. Tiêu thụ hàng hoá cũng gặp vướng vì các quy định về phòng dịch phức tạp, không thống nhất giữa các địa phương.
Lefaso cho rằng, bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp da giày cần giảm chi phí, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và lao động, cũng như tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định FTA (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA), để sau khi dịch được khống chế có thể phục hồi ngay sản xuất, xuất khẩu.
Nguồn: VietQ
Xuất khẩu da giày giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh hoạ
6/ Doanh nghiệp miền Trung chưa tận dụng đầy đủ quyền lợi TFA
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp khu vực miền Trung nói chung và doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến TFA.
Khảo sát cho thấy có tới 95% doanh nghiệp trả lời không biết hoặc biết sơ bộ (có nghe nói tới) về tạo thuận lợi thương mại. Chỉ có 5% doanh nghiệp biết đến vấn đề tạo thuận lợi thương mại và đều là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn tại miền Trung (kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD/năm).
 “Thực tế các doanh nghiệp hiểu và biết rõ về TFA hiện đang rất thấp, phần lớn hiểu biết của doanh nghiệp liên quan đến các cam kết trong TFA là biết qua các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam (nội luật hóa)”, ông Nguyễn Diễn – Chuyên gia VCCI nhận định.
Còn chuyên gia của VCCI cho rằng, TFA chỉ phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích lớn nếu doanh nghiệp nắm rõ và biết khai thác. Biết rõ về TFA không chỉ biết các quy định của Việt Nam mà còn biết các cam kết mà các thành viên WTO, FTA dành cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về TFA để có chính sách quản trị phù hợp nhằm tận dụng những lợi thế mà hiệp định mang lại. “Doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác với Chính phủ trong quá trình cải cách hướng tới thuận lợi hóa thương mại bằng cách phát hiện những quy định chưa phù hợp với TFA cũng như các vấn đề làm hạn chế hiệu quả của TFA để đề xuất cách thức giải quyết các bất cập này và tạo sức ép bằng TFA”, bà Ngọc nói và nhận định sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư sẽ mang lại những kết quả tích cực cho việc thực thi các cam kết trong TFA, sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các lợi ích từ thương mại quốc tế.
Nguồn: Báo Công Thương
7/ Bài học logistics từ giá rau cải thảo Trung Quốc
Một ngày chúng ta xuất 200 tấn rau củ quả qua cửa khẩu Lào Cai nhưng nhập về cả nghìn tấn nông sản Trung Quốc. Rau cải thảo ở Đăk Nông bán 5.000 đồng/kg nhưng cải thảo của Trung Quốc vẫn rẻ hơn 3.000 đồng, chúng tôi buôn cải thảo của Trung quốc 1 tuần không thối vì khâu thu hoạch đóng gói. Nông nghiệp Việt Nam, chung ta cần học ngay Trung Quốc. 
Tôi đã đi 26 tỉnh của Trung Quốc để hiểu tại sao hàng Trung Quốc rẻ và cả thế giới mua hàng Trung Quốc như vậy. Chúng ta đóng hàng rau củ ở kho nóng và vận chuyển bằng xe lạnh nhưng toàn bộ rau củ Trung Quốc đóng gói ở kho lạnh và vận chuyển bằng xe nóng. Sức cạnh tranh của Trung Quốc là sức cạnh tranh khủng khiếp nhất trong ngành nông nghiệp, đòi hỏi anh luôn phải thay đổi và vận động.
Họ nghiên cứu trồng giống rau nào để tránh va đập, người ta trồng rau khi thu hoạch đưa vào trong kho để lạnh đều và khô hết bề mặt trên lá rau rồi mới cho vào thùng xốp. Họ xếp 2 chai lavie đông đá được bọc tờ báo để trong thùng, sau đó nén rau chặt, cuối cùng rau được xếp lên xe được bao xung quanh bằng chăn bông hoặc làm từ vải vụn. Những xe chở nông sản như thế có thể đi 1 tuần, chuyển hàng từ các tỉnh phía bắc Sơn Đông của Trung Quốc chạy về đến TP.HCM mà không cần xe lạnh. Bên cạnh đó, các xe chở nông sản ở Trung Quốc được miễn phí cầu đường, đi hàng nghìn cây số không có trạm dừng, điều này giúp chi phí chở khoai tây từ Sơn Đông về đến Hà Nội mấy nghìn cây số như vậy bao gồm cả chi phí nhập khẩu mới bằng chi phí chở từ Đà Lạt ra Hà Nội“, Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số VN cho hay.
Theo bà Thực, giáo dục tiêu dùng của Việt Nam chưa được coi trọng nên nông sản Việt Nam không xây dựng được thương hiệu cho mình. “Quả sầu riêng ăn cấp đông rất ngon nhưng do thói quen của người tiêu dùng Việt Nam phải ăn tươi nên chi phí khâu lưu thông bao gồm chi phí hư hao rất lớn“. 
Thay đổi tư duy quản trị
Bà Thực cho rằng, khi nào chúng ta chuyển đổi từ tư duy cai trị sang tư duy quản trị thì lúc đấy mới phát triển bền vững, giáo dục không chỉ đào tạo về kiến thức mà chúng ta phải giáo dục từ người cung ứng sản xuất đặc biệt là nông sản.
Chia sẻ về kinh nghiệm lưu thông hàng hoá trong đợt bùng phát dịch, bà Thực đã đưa ra kinh nghiệm chống dịch thành công tại Bắc Giang, quê hương của bà.
Việt Yên, Bắc Giang là tâm điểm bùng phát dịch thứ 4 vừa qua, tôi khẳng định vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng. Ngay trong đêm Việt Yên phong toả, trong khu công nghiệp 80.000 con người không có dự trữ nào trong đó, ngay trong đêm chủ tịch huyện nhắn cho hội đồng hương Hà Nội chúng tôi, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ chúng tôi thiết lập phương án, kết nối nguồn cung, tính toán 1 ngày có 100.000 người cần nuôi hết bao nhiêu gạo mắm muối bao nhiêu rau cỏ, tôi cam kết với chủ tịch tỉnh và chủ tịch huyện đảm bảo cung ứng liên tục trong 1 tháng với giá rẻ hơn bà con đang mua bình thường. Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm thu mua ngay nông sản trong tỉnh Bắc Giang. 
Mùa bùng phát dịch là mùa thu hoạch vải thiều, chúng tôi không tốn 1 đồng chi phí nào khi thu mua, các xét nghiệm hoàn toàn được hỗ trợ từ địa phương, chúng tôi cũng không phải 3 tại chỗ. 
Tất cả xe của các tỉnh đi qua trục đường cao tốc 80km đi qua các tuyến quốc lộ tỉnh Bắc Giang không có một chỗ nào kiểm soát, không có chỗ nào khó khăn. Các văn bản từ cấp huyện luôn được cập nhật, có ngày văn bản ban hành lúc 5h chiều thì 7h thay đổi ngay và được đẩy lên các mạng xã hội và các hội nhóm. Đây là kinh nghiệm mới ngay đây thôi chúng ta nhìn thấy. Chủ tịch tỉnh Bắc Giang biết chưng cầu ý kiến các chuyên gia như chúng tôi, đợt chống dịch của Bắc Giang không có giờ giấc, nửa đêm chúng tôi vẫn họp từ xa, và kết quả là Bắc Giang chống dịch rất thành công, tất cả là do tư duy của người quản lý“, bà Thực kết luận.
Nguồn: CafeF
8/ Giải quyết xuất xứ hàng nhập khẩu như thế nào?
Vấn đề xuất xứ hàng nhập khẩu xuất hiện khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Xuất xứ càng trở nên quan trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đầu năm đến nay, Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, chiếm 1/3 tổng nhập khẩu của Việt Nam, tăng gần gấp rưỡi cùng kỳ, chiếm tới 41,5% tổng mức tăng nhập khẩu của cả nước. Trong 9 tháng, ta nhập khẩu đến 42,8 tỷ USD so với 25,1 tỷ USD, tăng 17,7 tỷ USD, từ Trung Quốc.
Hai là, do thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ tăng mạnh khi chiến tranh thương mại với Mỹ xảy ra, không loại trừ nhiều doanh nghiệp lợi dụng Việt Nam để “xuất khẩu hộ”, “tiêu thụ giùm”.
Một bất ngờ là nhập khẩu từ Campuchia tăng khá mạnh. Vấn đề đáng quan tâm là Campuchia chuyển từ nhập siêu lớn sang xuất siêu đối với Việt Nam. Nhập khẩu từ Campuchia trong 8 tháng tới 3,504 tỷ USD (tăng 2,834 tỷ USD, gấp 5,2 lần so cùng kỳ).
Ngoài ra, Việt Nam cũng có mức nhập khẩu lớn từ các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Brazil, Kuwait, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Thái Lan.
Đối với các mặt hàng đã được liệt kê thuộc diện theo dõi xuất xứ như đã đề cập ở trên, cần rà soát kỹ, trong đó tập trung vào những mặt hàng có mức tăng đột biến quá lớn; những mặt hàng mà chúng ta được hưởng thuế suất thấp, được giảm thuế nhiều nhất; những mặt hàng mà xuất xứ được quy định theo các FTA để tránh mang danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu được ưu đãi thuế; những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu lớn và tăng vào một thị trường.
Những mặt hàng này phải được xem xét, thông tin đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp khi nhập khẩu vào Việt Nam, xem xét về thuế suất cho hợp lý, tránh để bị lợi dụng gắn mác Việt Nam hoặc thông qua một vài hoạt động sơ chế, lắp ráp nhằm hưởng thuế suất ưu đãi.
Thông qua việc xác định những mặt hàng nhập khẩu mà có tốc độ tăng hoặc có mức tăng lớn bất thường để xác định vào vòng nghi ngờ về xuất xứ.
Biện pháp lâu dài là phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng nội địa hóa và giảm thiểu tình trạng gia công lắp ráp, vừa giúp tăng thực thu, hạn chế nhập khẩu, vừa phòng từ xa về xuất xứ.
Nguồn: Báo Đầu tư
9/ Covid tạo đà tăng trưởng kinh tế số
Báo cáo của Bộ TT-TT gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ thẩm tra kết quả thực
Nếu như đại dịch COVID-19 khiến nhiều ngành hàng phải thu hẹp hoạt động, nhiều doanh nghiệp đóng cửa…, thì số doanh nghiệp ngành TT-TT đến hết quý 3 vẫn tăng 8,7% và số lao động tương ứng tăng 3,3% so với thời điểm cuối tháng 12/2020.
Xu hướng dịch chuyển lên môi trường số tiếp tục thể hiện rõ. Báo cáo dẫn thống kê một kết quả ở các sàn thương mại điện tử (TMĐT) của các doanh nghiệp bưu chính, các nền tảng truy xuất nguồn gốc trong 9 tháng đầu năm cho thấy: số hộ nông dân tham gia tăng tới 191%, số lượng mặt hàng nông sản tăng tới 268%.
Hay ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến tháng 8/2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình trên cả nước đã đạt trên 43% (gấp tới 4 lần so với năm 2019, gấp 1,5 lần so với năm 2020).
Nêu kế hoạch phát triển ngành năm 2022, lãnh đạo Bộ TT-TT nhận định đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp đặt ra yêu cầu bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn.
Ngoài ra, Việt Nam với thị trường có hơn 96 triệu dân, dân số trẻ, tốc độ phát triển Internet cao, đây là cơ hội cho phát triển ngành dịch vụ CNTT&TT.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt một số khó khăn lớn như: Các lĩnh vực cải cách về thể chế, hạ tầng, nhân lực dù đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều yếu kém; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều.
Cùng đó, báo cáo của Bộ nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.
Nguồn: BizLive
Dự kiến doanh thu năm 2021 lĩnh vực ICT là 150 tỷ USD, tiếp tục tăng trưởng mạnh so với con số khoảng 120 tỷ USD đạt được trong năm 2020 (Hình minh họa)
10/ 235 thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Tính từ khi triển khai (1/2018) đến ngày 20/9/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 413.887 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.079.798 C/O.
Tính chung sau hơn 2 năm kết nối chính thức đến tháng 9, số lượng chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử được trao đổi qua Cơ chế một cửa ASEAN tăng từ 4.445 C/O trong năm 2018 đến 1.493.685 C/O đến tháng 9/2021 (tăng 336 lần).
Đối với trao đổi các chứng từ điện tử theo cam kết trong ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành việc phát triển các chức năng phục vụ cho việc kiểm thử trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và đang phối hợp với các nước để kết nối qua môi trường thử nghiệm.
Từ đầu tháng 8/2021, Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN với Indonesia, Brunei, Lào và các nước ASEAN khác có sự sẵn sàng kết nối.
Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những bộ đi đầu trong kết nối dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với Cơ chế một cửa quốc gia. Hiện Bộ đã kết nối 17 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong 06 tháng đầu năm 2021 là 142.700 hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine. Trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 103.664 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối – cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nguồn: Báo Công Thương
11/ Việt Nam có thể thay Trung Quốc để thành công xưởng sản xuất của thế giới?
Theo Aidan Yao và Shirley Shen từ AXA Investment Managers Asia, mặc dù Việt Nam là điểm đến được ưa chuộng về tái định cư chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, khả năng để quốc gia Đông Nam Á này trở thành ‘nhà máy mới của thế giới’ hay ‘công xưởng sản xuất mới toàn cầu’ là ít khả năng.
 “Quy mô nền kinh tế là vấn đề quan trọng khi nói đến dự báo Việt Nam có khả năng thay thế vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không. So với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thực tế kinh tế Việt Nam nhỏ hơn nhiều – chỉ bằng 1/5 GDP và 1/5 dân số Trung Quốc cũng như tổng lực lượng lao động sản xuất hiện có”, nhóm nghiên cứu chỉ rõ.
Ngoài ra, sản lượng sản xuất của việt nam chỉ chiếm 0,3% tổng sản lượng toàn cầu, trong khi Trung Quốc lên tới 28%. Các so sánh chính khác, bao gồm cả nghiên cứu và chi tiêu cho phát triển (R&D), xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến vận tải đường sắt, giá trị cổ phiếu, công suất phát điện đều cách biệt đáng kể tạo khoảng cách lớn về quy mô giữa Việt Nam và nước láng giềng khổng lồ.
Trong viễn cảnh dài hạn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục thiết lập các chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể lưu ý đến mức thuế doanh nghiệp tương đối cao của Việt Nam (lên đến 50% đối với một số ngành), cùng với các rào cản về ngoại tệ, ngôn ngữ, thiếu bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ (IPR) và các yêu cầu thiết lập kinh doanh phức tạp cũng cản trở quá trình này.
Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục cải cách các lĩnh vực còn hạn chế này, nhưng tốc độ cải cách có thể sẽ không theo kịp kỳ vọng của các nhà đầu tư”, nghiên cứu lưu ý.
Tuy nhiên, ở phương diện địa chính trị, bài viết nhận định thặng dư thương mại tăng mạnh với Mỹ cũng khiến Việt Nam rơi vào thế dễ đối diện với nguy cơ và thiếu ổn định, bấp bênh.
Về lâu dài, không thể loại trừ khả năng tái diễn xung đột thương mại nếu các chính sách của Mỹ chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ một lần nữa khi cán cân thương mại song phương tiếp tục mất cân bằng.
Trong một diễn biến gần đây, Việt Nam có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu đối với thịt heo đông lạnh từ 15% xuống còn 10%. Động thái tăng cường mua hàng hóa nông nghiệp của Hoa Kỳ là nỗ lực mới nhất của Việt Nam trong việc giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước, tránh nguy cơ bị trừng phạt thuế quan.
 “Cả hai bên đang thể hiện sự thấu hiểu, đàm phán để tránh những xung đột”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ý kiến về nỗ lực cân bằng thương mại song phương Việt – Mỹ thời gian qua.
Nguồn: Sputnik Việt Nam
12/ Báo Anh: DN vận tải đã sẵn sàng khi chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục tắc nghẽn
Rajeev Sood, Phó Chủ tịch của Toll Global Forwarding khu vực ASEAN và tiểu lục địa Ấn Độ khẳng định, khả năng phục hồi hiện nay là yếu tố chủ chốt trong việc lập kế hoạch với các chuỗi cung ứng. Ông chia sẻ: “Điều này có nghĩa là, trong khi một số lĩnh vực vẫn tiếp tục phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thì nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, sẽ rút ngắn chuỗi cung ứng, cũng như đa dạng theo khu vực. Nhằm tăng cường khả năng chống chọi với những gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai“.
Ví dụ, khi vận tải hàng hoá bằng đường biển và đường hàng không vẫn liên tục tắc nghẽn, nhiều khách hàng tại Toll đã sẵn sàng thay đổi và chấp nhận các phương thức vận chuyển kết hợp – điều mà vô cùng hiếm trước giai đoạn dịch bệnh diễn ra“.
Theo ông Rajeev, trong ngắn và trung hạn, việc kết hợp giữa vận tải đường biển và đường hàng không vẫn là lựa chọn thay thế tốt nhất, xét cả về hiệu quả chi phí, lượng khí thải carbon và công suất tổng thể.
Thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. “Apple đã bắt đầu sản xuất ở Ấn Độ, và TTI – tập đoàn lớn của Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp, cũng đã dần chuyển sang Việt Nam“. 
Đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ sự “mong manh” của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, công nghệ, điển hình như IoT (internet vạn vật), AI và điện toán đám mây… vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp có tầm nhìn rộng hơn.
Điều này bao gồm việc tối ưu hoá định tuyến giữa các điều kiện giao thông, vận chuyển kịp thời, làm giảm thời gian chờ đợi, cũng như tiết kiệm nhiên liệu và chi phí“, ông Rajeev nhấn mạnh.
Với việc công nghệ chuỗi cung ứng đang phát triển mạnh mẽ trên khắp các nền kinh tế quan trọng của châu Á, được thúc đẩy bởi xu hướng của người dùng trong thương mại điện tử, các doanh nghiệp sẽ cần đầu tư vào khả năng cho phép hoạt động liên thông với những nền tảng kỹ thuật số này. “Việc không theo kịp các xu hướng có thể trở thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh, cũng như thương mại bền vững của doanh nghiệp“, Phó Chủ tịch của Toll kết luận.
Nguồn: CafeF
13/ DN nhỏ mới ở châu Á vẫn tăng trong dịch bệnh
Báo cáo của Mastercard chỉ rằng doanh số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị các công ty lớn bỏ xa đến 20% trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, năm 2021 ghi nhận xu hướng gia tăng về doanh số của các doanh nghiệp này. 
Từ đầu năm đến tháng 8 năm 2021, tổng doanh số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020 và doanh số thương mại điện tử tăng 31,4% trên toàn cầu.
Ông David Mann, Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông – châu Phi, Viện Kinh tế Mastercard nhận định: “Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, song ngay từ đầu, tình trạng phụ thuộc vào hỗ trợ của chính phủ và việc thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đã khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực châu Á – Thái Bình Dương gặp phải những khó khăn lớn hơn nhiều. Trước những hạn chế đi lại, thương mại điện tử đóng vai trò như một chiếc phao cứu sinh giúp cho các tổ chức vượt qua đại dịch. Sự chuyển dịch nhanh chóng sang kỹ thuật số đã mở đường cho thế hệ những nhà khởi nghiệp tiếp theo”.
Báo cáo cũng chỉ ra, sau các đợt phong tỏa, số lượng doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức trực tuyến mỗi tháng tăng gấp ba lần so với mức trước đại dịch. 
Về khởi nghiệp, báo cáo chỉ ra, năm 2020, có thêm khoảng 35% doanh nghiệp mới hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương so với năm 2019, tăng nhẹ so với mức trung bình toàn cầu 32%. Xu hướng này được thể hiện rõ nét nhất tại Australia (73%), Nhật Bản (+38%) và Thái Lan (+29%).
Nguồn: Báo điện tử VTV
14/ Các nhóm ngành dự báo sẽ tạo ra cơ hội đầu tư trong quý cuối năm
Báo cáo của Agriseco mới đây nhận định, các động thái của Chính phủ trong thời gian qua nhằm đẩy lùi dịch bệnh và tiến triển bao phủ vaccine sẽ mở ra những kỳ vọng kinh tế cũng như cơ hội đầu tư trong thời gian tới.
Mới đây, Agriseco đã công bố báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô quý 3 và đánh giá quý 4 năm 2021.
Báo cáo cho biết, việc Chính phủ mở cửa trở lại các khu vực đầu tàu kinh tế cũng sẽ thúc đẩy cho quá trình phục hồi, tăng dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp, tiêu dùng được đẩy mạnh. Agriseco kỳ vọng, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và tốc độ tiêm chủng cao, FDI sẽ hồi phục trong 3 tháng cuối năm cả về lượng vốn đăng ký và giải ngân .
Về trung và dài hạn, dòng vốn FDI kỳ vọng vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về vị trí địa lý, chi phí nhân công, giá thuê đất cũng như môi trường kinh doanh và chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động cũng giúp Việt Nam hưởng lợi như chiến tranh thương mại Mỹ Trung; hiệp định thương tự do được ký kết.
Báo cáo của Oxford Economics gần đây cũng có những nhận định tương tự. Theo đó, chuyên gia kinh tế Sian Fenner phân tích, triển vọng đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong trung hạn vẫn mạnh mẽ. Trong đó Trung Quốc có thể là điểm đến hàng đầu của FDI một lần nữa.
Tuy nhiên, khi chi phí lao động ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn cùng với chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thì các chuỗi cung ứng sẽ có xu hướng tiếp tục điều chỉnh. Nghĩa là, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, sẵn sàng trở thành thị trường hưởng lợi chính“, Sian Fenner cho hay.
Nguồn: Agriseco Research
Agriseco dự báo, bức tranh nền kinh tế vĩ mô hiện tại nhìn chung sẽ tạo ra một số cơ hội đầu tư tại một số nhóm ngành. Đơn cử như ngành bất động sản công nghiệp, các chuyên gia cho biết, cổ phiểu của nhóm ngành này sẽ được hưởng lợi nhờ Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư FDI nhờ lợi thế cạnh tranh từ vị trí địa lý, chi phí nhân công, giá thuê đất và các chính sách ưu đãi so với khu vực.
Bên cạnh đó, các ngành bất động sản, vật liệu xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi từ đầu tư công, khi Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh đầu kéo của nền kinh tế. Nhóm ngành bán lẻ tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trở lại.
Đối với nhóm ngành xuất khẩu, các chuyên gia khẳng định lĩnh vực này sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ vào 3 yếu tố chính. Thứ nhất, báo cáo chỉ ra rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển và Việt Nam là một trong những điểm đến của xu hướng trên.
Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại trên thế giới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… Điều này giúp giảm mức thuế với các mặt hang thế mạnh của Việt Nam về mức 0% và tạo động lực tăng trưởng giao thương.
Thứ ba, yếu tố về nhu cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi nền kinh tế tái khởi động. Báo cáo dự báo một số nhóm ngành sẽ có nhiều động lực tăng trưởng trong Quý 4/2021 nhờ xu thế này, bao gồm sắt thép, gỗ và các sản phẩm gỗ, may mặc và thủy hải sản.
Ngoài ra, ngành dược cũng được dự báo là một ngành có tiềm năng. Cụ thể, tờ báo The Star đưa tin, trong buổi hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đầu tư vào Việt Nam: Thắng lợi và Thách thức” do công ty dược phẩm Adamed và Davipharm tổ chức vào tuần trước, ông Michal Wieczorek, Giám đốc điều hành Davipharm, cho biết ông nhìn thấy cơ hội lớn tại thị trường dược phẩm Việt Nam.
Cụ thể, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 47% nhu cầu tiêu dùng. Trong tương lai, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Thị trường dược phẩm của Việt Nam sẽ vẫn là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới“, Giám đốc điều hành Davipharm chia sẻ.
Nguồn: CafeF
15/ Ngành cao su Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu
Theo báo cáo của Forest Trends năm ngoái, Việt Nam là nước trồng cao su lớn thứ năm thế giới, với khoảng 926.000 ha vào năm 2020, nhưng đứng thứ ba thế giới về sản lượng với số lượng khoảng 1,22 triệu tấn vào năm 2020.
Cũng theo báo cáo này, xuất khẩu nguyên liệu cao su tự nhiên như cao su khối và mủ cô đặc, và các sản phẩm cao su như săm lốp, dược phẩm và đế giày tăng từ 2,9 tỷ USD năm 2015 lên gần 5,5 tỷ USD năm 2020.
Ngày càng nhiều các công ty lớn như Nike và Adidas đang ưu tiên mua cao su từ các nhà sản xuất được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý Rừng (FSC), tiêu chuẩn vàng của ngành để tuân thủ các yêu cầu pháp lý và môi trường.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhà cung cấp được chứng nhận FSC. Các nhà phân tích chính sách cấp cao của Forest Trends cho biết, phần lớn ngành cao su của Việt Nam có thể đạt mức FSC do chuỗi cung ứng “lộn xộn” với khoảng 265.000 hộ tiểu điền và hàng trăm doanh nghiệp. Ngoài ra, cao su thô nhập khẩu từ Campuchia và Lào được trộn lẫn với cao su sản xuất trong nước.
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu và các thương hiệu trên khắp thế giới đang kêu gọi Việt Nam và các nước khác tăng cường tính minh bạch của chuỗi cung ứng cao su của họ và sẵn sàng trả tiền cho họ. Công ty cao su Yulex của Mỹ đã cung cấp một số nhãn hiệu quần áo của Việt Nam, nhưng sử dụng cao su nhập khẩu từ các trang trại được FSC phê duyệt ở Sri Lanka hoặc Guatemala.
Nguồn: Báo Công Thương
16/ IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra hồi tháng 7 và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%. Các biện pháp phong toả chống dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất toàn cầu bị đình trệ.
Bà Gita Gopinath – nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay: “Sự thiếu hụt nguồn cung và giá hàng hoá tăng trở lại khiến lạm phát giá tiêu dùng tăng nhanh ở nhiều nước. Giá lương thực tăng mạnh nhất ở các nước thu nhập thấp – nơi tình trạng mất an ninh lương thực đang ở mức nghiêm trọng nhất“.
Nền kinh tế Mỹ được điều chỉnh giảm mạnh nhất từ 7% xuống còn 6%. Trong khi tăng trưởng của Trung Quốc giảm 0,1 điểm % xuống còn 8%. Khu vực đồng Euro được nâng mức dự báo lên từ 4,6% lên 5%.
Báo cáo của IMF cũng nêu rõ, sẽ có thêm 65 – 75 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực trong năm nay. Các nước thu nhập thấp sẽ cần thêm 250 tỷ USD để chống dịch cũng như nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế như trước giai đoạn đại dịch.
Nguồn: Báo điện tử VTV
Kinh tế tư nhân sẽ quyết định hậu Covid-19
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, đứng đầu trong các loại hình doanh nghiệp và đang đặt mục tiêu tăng lên 55% vào năm 2025; 60-65% GDP vào năm 2030.
Với 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động và 5,4 triệu hộ kinh doanh, khu vực tư nhân cũng đang tạo ra 45 triệu việc làm, chiếm 85% tổng số việc làm trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
Hiện tại, chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%)…
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Việt Nam rất lớn.
Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Kim-See Lim của IFC nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân đã giúp đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ những nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Khi quốc gia này đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo thì phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Với làn sóng Covid-19 hiện nay, Việt Nam càng nhất thiết phải thúc đẩy một khu vực kinh tế tư nhân năng động, đa dạng và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực tư nhân, trong lộ trình chuyển dịch sang một mô trình tăng trưởng kinh tế cacbon thấp do khu vực kinh tế tư nhân dẫn dắt, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 – theo như nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra.
Song song với đó, khi Việt Nam đặt mục tiêu dịch chuyển lên các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách phát triển các ngành định hướng xuất khẩu thâm dụng tri thức, dịch vụ và các ngành có giá trị gia tăng cao hơn thì nhu cầu về lao động có tay nghề và công nghệ hiện đại sẽ tăng lên.
Cũng theo báo cáo của IFC và WB, việc chuyển dịch theo hướng chú trọng đầu tư tư nhân xanh, hiệu quả và hiệu suất cao là vô cùng cần thiết để duy trì sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho Việt Nam.
Để đạt được điều này, cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân bằng cách giảm bớt rào cản thủ tục; lẫn tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp; thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng nguồn vốn dài hạn, tăng cường và xanh hoá dịch vụ hạ tầng và bảo đảm lực lượng lao động có kỹ năng để đạt được mô hình tăng trưởng giá trị cao, đổi mới sáng tạo, có năng suất cao.
Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp trên 30% thu ngân sách nhà nước và có tốc độ tăng nhanh 15% mỗi năm. (Nguồn: Lao động)
17/ Tại sao các Ông Lớn toàn cầu chọn Việt Nam?
Các đơn vị của hai tập đoàn công nghệ khổng lồ là Intel và Samsung đang nhắm đến mục tiêu khôi phục đầy đủ toàn bộ công suất hoạt động của các nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11.
Khu Công nghệ cao Sài Gòn đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động hết công suất vào tháng tới“, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý đơn vị này cho biết trong cuộc phỏng vấn.
Theo bà Lê Bích Loan, đa phần các doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao TP.HCM mới chỉ đang hoạt động khoảng 70% công suất thông thường.
Mặc dù vậy, vị lãnh đạo không nói rõ về các bước đang tiến hành, đặc biệt là nỗ lực đưa người lao động trở lại làm việc.
Thực tế, nhiều công ty hoạt động trong Khu Công nghệ cao Sài Gòn đã mất khoảng 20% đơn hàng xuất khẩu trong tháng 7 và tháng 8”, bà Loan nới với báo Sài Gòn Giải Phóng.
Trong tháng 7, Samsung đã đóng cửa 3 trong số 16 phân xưởng của mình tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Samsung cũng cắt giảm hơn một nửa số công nhân tại HCMC CE Complex. Trong khi đó, Tập đoàn Intel, có nhà máy thử nghiệm và lắp ráp tại Khu công nghệ cao TP.HCM, đã cho công nhân của mình làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” để tránh phải tạm dừng hoạt động.
Như Sputnik đã thông tin, bà Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, nhà đầu tư FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều lý do.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt khi phần lớn các quốc gia khác trải qua sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu chính của khả năng phục hồi và sức mạnh kinh tế, các nền tảng cơ bản của nền kinh tế là vững chắc”, đại diện WB nêu rõ.
Cũng theo cơ quan này, xu hướng FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tăng lên. Đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư quốc tế vẫn kỳ vọng vào việc phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
 “Hầu như sẽ không có công ty nào nghĩ đến việc rời bỏ Việt Nam chỉ vì vài tháng khó khăn, mặc dù tất nhiên họ sẽ phải điều chỉnh và cải thiện hệ thống sản xuất cho phù hợp tình hình mới”, ông Nakajima trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Việt Nam – Nhật Bản (JETRO) nói.
Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam”, ông Alain Cany Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết.
Không phải vô cớ chọn Việt Nam
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong quý III/2021 so với năm 2020 vẫn tương đương, giảm không đáng kể. Đó là một điểm rất tích cực và đặc biệt. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá, tăng 18%.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), trong dài hạn, để phục hồi sau dịch bệnh và phục hồi đà tăng trưởng, Việt Nam cần có chiến lược nhằm tái định vị nền kinh tế trên cả phương diện cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng lợi thế so sánh và tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết để làm tăng giá trị của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia của Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam nhận xét, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN.
Việt Nam hiện có một trong những hệ thống kinh tế tự do nhất trong khu vực. Điều này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tích cực tại đây với các điều kiện hấp dẫn. Không phải vô cớ mà Việt Nam là quốc gia được EU lựa chọn để ký hiệp định thương mại tự do”, Giám đốc quốc gia của Friedrich Naumann Foundation nêu rõ.
Nguồn: Sputnik Việt Nam
18/ Thoả thuận toàn cầu về thuế tối thiểu đối với doanh nghiệp đa quốc gia
136 quốc gia đã ký kết một thoả thuận mới mang tính bước ngoặt về thuế đối với các doanh nghiệp toàn cầu, sau nhiều năm bất đồng. Các quốc gia đã đồng thuận mức thuế tối thiểu đối với các doanh nghiệp toàn cầu là 15%, qua đó, loại bỏ các thiên đường thuế.
Theo OECD, mức thuế này chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu euro (tương đương với 868 triệu USD) trở lên.
Thỏa thuận trên đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách thuế toàn cầu bởi nó không chỉ áp một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu mà còn buộc các công ty phải nộp thuế ở nơi họ hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen bình luận: “Hoạch định chính sách thuế quốc tế rất phức tạp. Tuy nhiên, thỏa thuận của ngày hôm nay đã cho thấy sự đơn giản và lức độ lan toả đối với các bên tham gia”. Bà cũng khẳng định, thoả thuận này sẽ giúp người Mỹ nhận thấy kinh tế toàn cầu là nơi dễ sống hơn và có nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Đối với Mỹ, thoả thuận này sẽ đảm bảo tầng lớp trung lưu, người lao động đều được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hoá chứ không chỉ các tỉ phú hay các tập đoàn đa quốc gia.
Theo đó, các quốc gia có thể tăng thuế đối với doanh số bán hàng của các công ty đa quốc gia như: Amazon, Apple, Facebook và Google phát sinh trên lãnh thổ của mình.
Trước đó, Ireland, Estonia và Hungary – những quốc gia trước đó kiên quyết phản đối mức thuế 15% – rốt cuộc cũng đã từ bỏ lập trường và tham gia thỏa thuận.
Nguồn: Báo Công Thương
19/ Brunei phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP
Ngày 12/10, Brunei đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Như vậy, Brunei là nước thứ 6 phê chuẩn RCEP. Trước đó, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Campuchia đã phê chuẩn hiệp định này.
RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường chiếm gần 1/3 dân số toàn cầu, tương đương với khoảng 2,2 tỷ người. 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký Hiệp định RCEP vào tháng 11/2020.
Nguồn: VietnamPlus
BSA Tổng hợp
Gas South: Bài kiểm tra 3 phút mỗi tuần cho gian bếp nhà bạn