Bản tin thị trường, từ 4 – 11/4/2024

Giá cà phê tăng cao vượt mọi dự đoán

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Chuỗi bán lẻ Costco lãi cao nhờ phí hội viên
Trong gần 40 năm qua, giá một bánh burger ở McDonald’s Mỹ đã tăng gần gấp ba. Trong cùng giai đoạn, giá của combo hotdog và đồ uống tại chuỗi bán lẻ Costco vẫn giữ nguyên ở mức 1,5 USD. Ông Richard Galanti, Giám đốc tài chính lâu năm của Costco, hứa sẽ duy trì mức giá 1,5 USD “vĩnh viễn”. Costco là chuỗi bán lẻ lớn thứ ba trên thế giới sau Walmart và Amazon. Doanh thu của Costco còn không bằng một nửa Walmart, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn lại cao hơn gấp đôi – gần 20%.
Costco luôn muốn khách hàng ưng ý bằng cách cung cấp sản phẩm chất lượng cao ở mức giá thấp nhất có thể. Costco bù đắp cho giá sản phẩm thấp bằng phí hội viên. Khách hàng trả 60 USD một năm hoặc hơn để mua sắm tại cửa hàng của họ. Trong năm 2023, phí thu từ 129 triệu hội viên đem lại cho Costco 4,6 tỷ USD, tương ứng với hơn một nửa lợi nhuận của hoạt động kinh doanh.
Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chuoi-ban-le-costco-lai-cao-nho-phi-hoi-vien-d47480.html
2. Alibaba khủng hoảng chiến lược sau một năm thực hiện ‘1+6+N’
Vào ngày 28/3/2023, Alibaba tuyên bố cải cách tổ chức theo mô hình “1+6+N”, tức thành lập 6 công ty con trực thuộc kinh doanh riêng biệt. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, ban lãnh đạo cấp cao của Alibaba đã phải xem xét lại chiến lược này. Tuy Alibaba không trực tiếp tuyên bố hủy bỏ chiến lược “1+6+N”, nhưng giờ họ muốn kết nối toàn bộ tập đoàn và hoàn thành triệt để cải cách nhất thể hóa, thay cho mô hình chia tách do cựu CEO Trương Dũng đề ra trước đây.
Các hoạt động kinh doanh không cốt lõi của Alibaba đang được sắp xếp lại, trong đó tập trung nguồn lực vào các nghiệp vụ cốt lõi như thương mại điện tử và đám mây, đồng thời nỗ lực kết nối và liên kết các nghiệp vụ cốt lõi. Bộ phận bán lẻ có thể bị bán đi. Việc sắp xếp lại hoạt động kinh doanh bán lẻ ngoại tuyến là nhằm mục tiêu “cắt lỗ”. Điều này ví như việc “thanh lọc cơ thể”, đặc biệt là các dự án thua lỗ của Alibaba. Hiện tại, ban lãnh đạo cấp cao của Alibaba muốn tập trung vào làm việc lớn và tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Việc lớn chính là mở rộng Taobao thông qua nâng cấp công nghệ, cơ cấu tổ chức và chiến lược kinh doanh.
Nguồn: https://viettimes.vn/alibaba-khung-hoang-chien-luoc-sau-mot-nam-thuc-hien-16n-post174064.html
3. Doanh nghiệp bán lẻ Mỹ nỗ lực giữ chân khách hàng thu nhập thấp
Ở Mỹ, khoảng 21% hộ gia đình da trắng và một phần ba hộ da màu có thu nhập thấp, tức là dưới 35.000 USD mỗi năm. Carlos Rodriguez, Giám đốc chính sách và hoạt động của công ty phân phối City Harvest giải thích rằng nhóm khách hàng thu nhập thấp đang vật lộn để kiếm sống, nên họ chọn mua bất cứ thứ gì có thể chia cho nhiều miệng ăn hơn trong nhà. Dollar Tree là nơi lui tới thường xuyên của các hộ gia đình nhận trợ cấp thông qua chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP). Họ dùng phiếu mua thực phẩm của SNAP để mua sắm tại đây. Dù vậy, Tổng giám đốc Dollar Tree nói nguồn thu mà chuỗi bán lẻ một giá của ông nhận từ SNAP thậm chí còn đang giảm do người có phiếu này ngày càng thắt chặt chi tiêu.
Trong thời kỳ đại dịch, các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ tập trung chiến lược vào các sản phẩm cao cấp, tung ra hương vị mới để tìm cơ hội tăng giá. Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt hầu bao của người thu nhập thấp khiến họ phải thay đổi. Duleep Rodrigo, trưởng bộ phận phân tích ngành bán lẻ và tiêu dùng Mỹ tại KPMG, nói các công ty thực phẩm giờ phải tìm cách thu hút nhóm khách hàng có thu nhập thấp. Giảm giá thường xuyên hơn, tung ra sản phẩm to hơn với giá thấp hơn là những giải pháp các nhà bán lẻ áp dụng để thu hút nhóm khách hàng này.
Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/doanh-nghiep-ban-le-my-no-luc-giu-chan-khach-hang-ngheo-d47639.html
4. Amazon, Temu thách thức gã khổng lồ thương mại điện tử số 1 Ba Lan bằng chiến thuật khác nhau
Amazon (Mỹ) và Temu (Trung Quốc) đang áp dụng các chiến thuật khác nhau để thách thức Allegro – công ty dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Ba Lan. Trong đó gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ tập trung vào video, còn công ty Trung Quốc nhắm vào thời trang giá rẻ để thu hút khách hàng. Amazon và Temu nhìn thấy cơ hội tại Ba Lan cũng như toàn khu vực Trung và Đông Âu, nơi tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ vượt xa các thị trường phương Tây phát triển hơn khi thu nhập tăng và nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến hơn. Ba Lan hiện là nền kinh tế lớn nhất Trung và Đông Âu.
Amazon có kế hoạch bổ sung thêm nhiều chương trình gốc bằng tiếng Ba Lan vào 5 chương trình mà hãng đã ra mắt trên dịch vụ Prime Video kể từ năm 2023. Amazon Prime, bao gồm tính năng phát video trực tuyến cùng các dịch vụ khác, có giá 49 zloty một năm ở Ba Lan (1 zloty Ba Lan bằng 6.363 đồng). Rocco Braeuniger, giám đốc quốc gia của Amazon tại Đức, Áo, Thụy Sĩ và các thị trường mở rộng, cho biết hầu hết người đăng ký ở Ba Lan đều sử dụng dịch vụ video, yếu tố Amazon coi là chìa khóa để thu hút và giữ chân người dùng.
Temu, thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc), gia nhập thị trường Ba Lan vào năm 2023 và nhanh chóng chiếm thị phần để vượt mặt Amazon bằng các sản phẩm thời trang giá rẻ. Temu cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã nhận được phản hồi đáng khích lệ từ người tiêu dùng trong khu vực Trung và Đông Âu”. Vào tháng 2, Amazon có gần 5,9 triệu người dùng ở Ba Lan, tụt xa so với Allegro (18,2 triệu) và Temu (13,7 triệu), theo dữ liệu của công ty Mediapanel Gemius Polska và PBI được hãng tin PAP Biznes trích dẫn.
Nguồn: https://1thegioi.vn/amazon-temu-thach-thuc-ga-khong-lo-thuong-mai-dien-tu-so-1-ba-lan-bang-chien-thuat-khac-nhau-215889.html
5. Tăng lượng hàng bình ổn, kích cầu tiêu dùng
Để từng bước vực dậy sức mua, các hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) đã bắt tay chặt hơn với nhà cung ứng, liên tục chạy chương trình ưu đãi, mở ra cơ hội mua hàng giá tốt cho người tiêu dùng. Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như chợ Hòa Hưng (quận 10), Gò Vấp (quận Gò Vấp), Xóm Chiếu (quận 4)…, sức mua đã sụt giảm 30%-70% so với thời điểm trước dịch Covid-19, nhưng một số mặt hàng đã tăng giá 5%-10% so với cuối năm 2023.
Mới đây, Sở Công thương TPHCM đã công bố chương trình bình ổn thị trường năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025, với 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023). Chương trình đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách (thiên tai, dịch bệnh…). Theo Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm nay đạt gần 179.000 tỷ đồng, tăng 9,38% so với cùng kỳ 2023.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/share734277.html
6. Thế giới Di động bán 5% vốn Bách hóa Xanh cho Trung Quốc
CDH Investments – Trung Quốc đã mua 5% vốn điều lệ tại Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh – đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ thực phẩm hàng tiêu dùng tên Bách hóa Xanh. Trong thông báo mới nhất, tổ chức CDH Investments (Trung Quốc) đã công bố hợp tác với chuỗi bán lẻ thực phẩm hàng đầu Việt Nam là Bách hóa Xanh. Cụ thể, CDH Investments – thông qua Green Bee 2 Private Limited – cho biết đã hoàn tất khoản đầu tư cho cổ đông thiểu số tại Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh – công ty con của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG).
Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh nói chung của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh và Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh.
Nguồn: https://tienphong.vn/the-gioi-di-dong-ban-5-von-bach-hoa-xanh-cho-trung-quoc-post1627515.tpo
7. Chuỗi FPT Shop lấn sân sang bán máy lạnh
Ngày 8/4, chuỗi FPT Shop của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT – FPT Retail (HoSE: FRT) chính thức triển khai bán máy lạnh (điều hòa) trên toàn quốc. Động thái này xuất hiện trong bối cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt tiếp tục kéo dài ở thị trường phía Nam và có thể xuất hiện tại khu vực Trung Bộ, Bắc Bộ trong mùa hè này.
Về định hướng trong thời gian tới, đại diện FPT Shop cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các thương hiệu như Samsung, Xiaomi, Daikin và Casper để giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, đồng thời cung cấp thêm các giải pháp tài chính. FPT Retail cũng dự báo nhu cầu mua sắm mặt hàng ICT sẽ phục hồi chậm trong bối cảnh nền kinh tế tiến triển hơn. Do đó, công ty kỳ vọng doanh thu chuỗi FPT Shop đi ngang trong năm nay.
Nguồn: https://znews.vn/chuoi-fpt-shop-lan-san-sang-ban-may-lanh-post1469180.html
8. Chuỗi siêu thị Aeon ‘tiến’ vào nội thành
Ông Furusawa Yasuyuki – tổng giám đốc AEON Việt Nam, cho biết năm 2024, AEON Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau. Mới đây, mô hình bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn (Super Supermarket, gọi tắt là SSM), có diện tích 5.000m2 vừa được nhà bán lẻ Nhật Bản mở trong trung tâm mua sắm Crescent Mall tại quận 7. Thông qua việc tăng tốc mở mới địa điểm kinh doanh để gia tăng “điểm chạm” với khách hàng, nhà bán lẻ Nhật Bản cho biết họ đang hướng đến phục vụ người dân đô thị và tăng độ phủ nội thành.
Hiện AEON cũng đang gấp rút tìm kiếm thị phần ở khu vực miền Trung với kế hoạch khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại Huế thời gian tới, đồng thời lên kế hoạch khai trương khoảng hai trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị trong năm nay.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dai-gia-ban-le-nhat-ban-tien-vao-noi-do-20240404120158492.htm

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1. Thị trường lúa mì toàn cầu ảnh hưởng sau cú quay xe từ Trung Quốc
Thị trường lúa mỳ toàn cầu đã bị ảnh hưởng khi các khách hàng Trung Quốc hủy các đơn đặt hàng lớn, trong nỗ lực tìm kiếm mức giá tốt hơn và củng cố tình hình an ninh lương thực đất nước. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong tháng 3/2024 thông báo 504.000 tấn lúa mỳ trong hợp đồng dự kiến bán cho Trung Quốc đã bị hủy. Con số này tương đương với khoảng 50% tổng số lúa mỳ của Mỹ xuất sang Trung Quốc trong năm 2022. Đây là lần hủy hợp đồng lớn nhất được ghi nhận kể từ năm 1999. Hãng Reuters đưa tin khoảng 1 triệu tấn lúa mỳ Australia xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã bị hủy hoặc hoãn.
Chuyên gia Ruan Wei tại Viện nghiên cứu Norinchukin của Nhật Bản cho biết các khách hàng Trung Quốc có thể đang cố gắng tránh thực hiện các hợp đồng đắt tiền đã ký trước đây và đang mua lại với mức giá thấp hơn. Vào thời điểm giao hàng, giá các hợp đồng lúa mỳ chuẩn bị xuất sang Trung Quốc dường như cao hơn đáng kể so với giá thị trường, do đó có thể dẫn đến việc hủy hợp đồng. Nhà phân tích cấp cao Li Xuelian tại Viện nghiên cứu Marubeni cho biết các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn trong trung và dài hạn.
Nguồn: https://bnews.vn/dien-bien-moi-tren-thi-truong-lua-my-toan-cau/329544.html#google_vignette
2. “Gió đổi chiều” trong cuộc chiến trà sữa tại Việt Nam
Trong vài năm trở lại đây, người ta không còn thấy nhiều thương hiệu trà sữa quốc tế hiện diện tại các cung đường hay ngã tư đắt đỏ. Sự suy yếu của làn sóng trà sữa quốc tế không đồng nghĩa với việc người Việt bớt yêu thích trà sữa hơn. Thay vào đó, xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu Việt Nam trên bản đồ trà sữa, thậm chí trở thành những tay chơi chính trong cuộc chiến mặt bằng mới.
Phê La – chuỗi trà sữa mới thành lập giữa đại dịch (năm 2021) đã nhanh chóng bành trướng quy mô với 23 cửa hàng, hầu hết đều rộng vài trăm m2, đặt ngay trên các khu phố sầm uất tại Hà Nội, TP.HCM. Hay Maycha – chuỗi trà sữa tập trung phát triển tại thị trường phía Nam, hiện cũng đã có tới 68 cửa hàng. Đáng chú ý nhất là Phúc Long Coffee & Tea, khởi đầu là một thương hiệu trà sữa đặc sản tại khu vực phía Nam, sau khi bán 80% cổ phần cho Masan vào năm 2021, đã lớn nhanh như thổi và trở thành gã khổng lồ mới trên thị trường F&B.
Lý giải về sự nở rộ của các thương hiệu trà sữa Việt Nam những năm gần đây, anh Vũ Anh – nhà sáng lập chuỗi La Boong cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đã dần trưởng thành, có khả năng làm tốt về cả đồ uống, marketing, bán hàng như các thương hiệu nước ngoài.
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/gio-oi-chieu-trong-cuoc-chien-tra-sua-tri-gia-362-trieu-usd-tai-viet-nam-phuc-long-phe-la-ve-lai-thi-phan-thuong-hieu-ngoai-mat-nhiet-a411516.html
3. Quán cà phê không dám tăng giá vì sợ mất khách
So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê nguyên liệu đã tăng gấp đôi nhưng giá bán các sản phẩm chế biến từ cà phê chỉ tăng nhẹ, thậm chí giữ nguyên. Ngay cả các chuỗi cà phê lớn như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House… đều đang cố giữ giá bán các loại thức uống, đặc biệt là cà phê suốt hơn 1 năm qua. Nhiều chuỗi còn đưa ra chương trình giảm giá, quét mã, ưu đãi khi mua combo để giữ chân khách hàng.
Lý giải về tình trạng này, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director – Horeca Business School, cho biết thị trường dịch vụ cà phê có tính nhạy cảm về giá rất cao, khi tăng giá bán sẽ mất đáng kể lượng khách hoặc khách giảm tần suất tiêu dùng. Hơn nữa, giá nguyên liệu tăng cao nhưng nhìn vào tỉ lệ sử dụng thực tế trên từng ly sẽ thấy tác động không quá lớn, nhất là ở phân khúc trung và cao cấp. “Do đó, việc tăng giá bán còn nằm trong kế hoạch chứ chưa tăng trên thực tế nhiều. Trong vài tháng tới, nếu giá nguyên liệu cà phê tiếp tục tăng, các quán buộc phải điều chỉnh theo. Mức tăng dự kiến sẽ từ 2.000-3.000 đồng/ly với cà phê bình dân và 2.000-5.000 đồng/ly với các quán lớn hoặc chuỗi” – ông Thanh dự báo.
Nguồn: https://nld.com.vn/quan-ca-phe-khong-dam-tang-gia-vi-so-mat-khach-196240405202338452.htm
4. Người trẻ giảm đi ăn bên ngoài khi đồng tiền gặp khó
Ngày 27/3, Công ty CP iPOS.vn công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023. Đây là dự án nghiên cứu chuyên sâu, do iPOS.vn phối hợp cùng Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam – VIRAC thực hiện trong 4 tháng với gần 4.000 thực khách trên cả nước. Trong báo cáo, có một yếu tố bất ngờ khi người Việt tăng chi và tăng tần suất đi cà phê trong trong năm kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng mở rộng hầu bao. Qua một năm tình hình kinh tế và việc làm không mấy thuận lợi, nhiều người trẻ thay đổi đói quen đi cà phê, giảm tần suất hoặc giảm chi phí cho mỗi lần gọi món. Không chỉ giảm tần suất đi cà phê, thói quen ăn ngoài của nhiều người trẻ cũng dần thay đổi. Tự nấu ăn, hạn chế đến nhà hàng, chọn quán ăn bình dân hơn là cách nhóm này lựa chọn để kiểm soát chi tiêu.
Nguồn: https://lifestyle.znews.vn/nhung-nguoi-tre-khong-de-di-ca-phe-khi-dong-tien-gap-kho-post1467960.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Giá cà phê tăng cao vượt mọi dự đoán
Ngày 4-4, giá cà phê Robusta ghi nhận tại các tỉnh Tây Nguyên đã vượt mức 100.000 đồng/kg, lên mức 103.000 – 105.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Tại thị trường quốc tế, trên sàn London giá cà phê Robusta ở mức 3.812 USD/tấn, tăng 149 USD/tấn so với ngày hôm trước và cao nhất kể từ năm 1995 đến nay.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-ca-phe-tang-cao-vuot-moi-du-doan-196240404105658636.htm
2. ‘Vua tôm’ Minh Phú và nỗ lực thuyết phục người Việt ăn tôm sạch
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được mệnh danh là “vua tôm” của Việt Nam với doanh thu thuộc nhóm đầu cả nước. Thế nhưng, điều đáng nói là doanh nghiệp có hơn 99% doanh thu từ xuất khẩu và chỉ chưa đến 1% doanh thu bán ở thị trường trong nước. Hàng chục năm qua, doanh nghiệp cố gắng thuyết phục người Việt ăn tôm sạch nhưng bất thành.
Hiện tại, công ty đã nghiên cứu ra công nghệ nuôi tôm sinh học Minh Phú – MPBio (nuôi tôm không sử dụng kháng sinh, hóa chất), không tốn nhiều điện, nước, bảo vệ môi trường nên giảm được 50% chi phí. Điều này mới giúp Minh Phú có thể cạnh tranh về giá và phân phối được trong hệ thống Bách Hóa Xanh. Minh Phú và Bách Hóa Xanh hợp tác với nhau để bán tôm vì cả hai đơn vị đều có chung tiêu chí và thông điệp, đó là bán tôm sạch, giá hợp lý. Trong 6 tháng bán thử nghiệm, Bách Hóa Xanh đã tiêu thụ khoảng 1.300 tấn tôm từ Minh Phú. Mục tiêu trong năm 2024, Bách Hóa Xanh sẽ tiêu thụ khoảng 3.000 tấn tôm của Minh Phú. Tôm sẽ được bán ở 1.700 siêu thị và doanh thu ước đạt khoảng 500 tỷ đồng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/ceo-vua-tom-minh-phu-thuyet-phuc-nguoi-viet-an-tom-sach-nhung-bat-thanh-ar862576.html
3. Nông dân khóc ròng vì khoai lang rớt giá thê thảm
Do năm trước trúng đậm nhờ khoai lang giống Nhật, vụ Đông Xuân 2023-2024 nhiều địa phương Tây Nguyên ồ ạt trồng, diện tích tăng đột biến. Tuy vậy, vụ mùa này giá rẻ như cho, năng suất thấp. Theo UBND huyện, thương lái thu mua cầm chừng và có chiều hướng giảm số lượng, gây khó khăn trong việc tìm đầu ra cho khoai lang, trong khi đó diện tích còn lại đang đến kỳ thu hoạch rất lớn.
Nguồn: https://tienphong.vn/nong-dan-khoc-rong-vi-khoai-lang-rot-gia-the-tham-post1626325.tpo

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Indonesia tiếp tục mở thầu 300.000 tấn gạo, thêm cơ hội cho gạo Việt Nam
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) mới đây thông báo mở thầu quốc tế mua 300.000 tấn gạo trong tháng 4. Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) mới đây thông báo mở thầu quốc tế mua 300.000 tấn gạo trong tháng 4. Tính từ đầu năm, Indonesia đã nhập khẩu 650.000 tấn gạo và ký hợp đồng nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo cho năm 2024. Một nửa lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam và phần còn lại từ Thái Lan, Pakistan và Campuchia. Có thể thấy, Bulog đã tranh thủ Việt Nam đang thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân – vụ thu hoạch lớn nhất trong năm nên đã nhập một lượng lớn gạo với giá rất cạnh tranh.
Được biết, trong đợt công bố thầu hồi cuối tháng 3/2024 của Bulog, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 108.000 tấn gạo. Kết quả này ngay sau đó được cho là đã tác động tích cực lên thị trường lúa gạo trong nước, đẩy giá tăng đáng kể. Do đó nếu đợt mở thầu 300.000 tấn gạo lần này doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu với số lượng lớn thì chắc chắn giá gạo trong nước sẽ tăng lên bởi Việt Nam hiện vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung không còn dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng.
Nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/indonesia-tiep-tuc-mo-thau-300000-tan-gao-them-co-hoi-cho-gao-viet-nam-d47698.html
2. Những món hải sản “ăn liền” mở đường xuất khẩu
Sau nhiều năm xuất khẩu, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài việc sản xuất các sản phẩm theo công thức của bên mua, nhiều doanh nghiệp Việt đã nghiên cứu phát triển sản phẩm chế biến sâu để tạo lợi thế cạnh tranh.
Những con cua gạch Cà Mau hấp sẵn mới đây đã bắt đầu thăm dò thị trường Mỹ với giá bán lẻ 22 USD, tương đương 545.000 đồng mỗi con trọng lượng khoảng 400 gram. Trong lô hàng đợt đầu tiên, Vua Cua bán tại 200 điểm, chợ và siêu thị phục vụ cộng đồng người Việt và châu Á tại Mỹ. Được biết, lô hàng đầu tiên này nằm trong đơn hàng được đối tác tại Mỹ – CTWS Group – đặt với số lượng 21.000 con cua Cà Mau, tương đương 11 tấn.
Bên cạnh cua Cà Mau, bánh mì chả cá đông lạnh cũng trở thành món bán chạy ở Mỹ, có tháng tiêu thụ 50.000 chiếc. Theo bà Chinh Nguyễn, người sáng lập CWTS Group, các món ăn đường phố của Việt Nam được người Mỹ đón nhận nhiệt tình. Theo đánh giá của bà, sản phẩm được chuộng vì đáp ứng nhịp sống bận rộn muốn ăn nhanh, hợp khẩu vị, giá khá mềm.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nhung-mon-hai-san-an-lien-mo-duong-xuat-khau.htm
3. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt trên 530 triệu USD
Tổng giá trị xuất, nhập khẩu mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu Lào Cai trong quý đầu tiên của năm 2024 đạt trên 532 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai Nguyễn Huy Tưởng, điều này thể hiện nỗ lực lớn và sự phối hợp hiệu quả của lực lượng quản lý nhà nước trên địa bàn và doanh nghiệp nhằm đồng hành giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xuất nhập, khẩu thời gian qua.
Tuy tổng giá trị xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai trong quý I đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, song con số này vẫn đạt rất thấp so với kế hoạch đặt ra với chỉ 11,83%. Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/kim-ngach-xuat-nhap-khau-qua-cua-khau-lao-cai-dat-tren-530-trieu-usd-20240405130204221.htm
4. Nông sản Việt ùn ùn qua cửa khẩu Lạng Sơn xuất Trung Quốc
Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn , 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt trên 13,1 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt trên 1 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, lượng hoa quả tươi được các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu Lạng Sơn tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 900.000 tấn. Lượng xe chở hàng hóa tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt, ổn định. Tại hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, lượng xe thông quan hàng hóa luôn chiếm 90% tổng lượng phương tiện xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Nguồn: https://tienphong.vn/nong-san-viet-un-un-qua-cua-khau-lang-son-xuat-trung-quoc-post1627347.tpo
5. Bình Dương hợp tác với Trung Quốc, mở đường cho nông sản, logistics…
Chuyến tàu liên vận đầu tiên chở nông sản trực tiếp đi Trung Quốc đã xuất phát từ Bình Dương, lãnh đạo tỉnh tiếp tục có nhiều hoạt động để mở rộng hợp tác với Trung Quốc, mở đường cho nông sản, logistics…Hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác để phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản trực tiếp từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, kết nối với tuyến liên vận để vận chuyển hàng hóa tới châu Âu.
Đoàn công tác của tỉnh Bình Dương cũng đã làm việc với một số tập đoàn, trung tâm sản xuất, cảng lớn tại Trung Quốc. Tiêu biểu như Tập đoàn Manwah tại thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông là một nhà cung ứng lớn về ghế sofa và đồ gỗ nội thất. Đoàn cũng làm việc với lãnh đạo cấp cao Công ty TNHH nông nghiệp quốc tế Wanbang, một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Đây là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm tươi sống, thương mại điện tử…
Nguồn: https://tuoitre.vn/binh-duong-hop-tac-voi-trung-quoc-mo-duong-cho-nong-san-logistics-20240406123544598.htm
6. “Vua” xuất khẩu cà phê cũng sắp cạn kho
Cơn sốt giá cà phê hiện nay chưa biết sẽ kéo dài đến đâu khi nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỉ USD – tăng 4,9% về lượng và tăng 57,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống hàng đầu, thừa nhận lượng hàng trong kho của doanh nghiệp chỉ đủ bán đến khoảng tháng 5, trong khi phải đến tháng 10-2024 mới đến vụ thu hoạch cà phê mới.
Ông Hiệp cho rằng đây là minh chứng cà phê 2023-2024 thực sự mất mùa dù nhiều người vẫn chưa tin điều này vì cho rằng cà phê vẫn đang còn được trữ đâu đó. Theo ông Hiệp, sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2023-2024 bị hụt từ 17%-20% do năng suất giảm và nhiều diện tích trồng cà phê đã bị chuyển đổi sang cây trồng khác.
Nguồn: https://nld.com.vn/vua-xuat-khau-ca-phe-cung-sap-can-kho-196240409120507316.htm

Nhóm tin về ngành dịch vụ

1. Giá vé máy bay sẽ còn tăng
Hiện chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến dịp lễ 30-4 và dự báo giá vé máy bay sẽ tiếp tục “nóng”. Theo khảo sát chiều 8-4 trên website bán vé máy bay trực tuyến cho thấy giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội – Phú Quốc đi ngày 28-4, về ngày 1-5 có giá thấp nhất 7 triệu đồng/vé khứ hồi.
Nhiều người tránh dịp lễ, đặt vé máy bay đi nghỉ từ giữa tháng 4 cũng than trời khi vé máy bay khứ hồi từ TP HCM đến Đà Nẵng hiện nay có mức trung bình là 4-5 triệu đồng/người. Một đại lý bán vé máy bay nhận định giá vé dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 tới đây cao do nhu cầu đi lại tăng cao, hãng hàng không được nới trần vé máy bay từ ngày 1-3, thiếu nguồn cung do đội bay một số hãng bị hao hụt vì động cơ bị triệu hồi.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dịp cao điểm hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24-26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số máy bay phục vụ đợt cao điểm dự kiến thiếu từ 24-26 chiếc. Trước tình hình trên, ngành hàng không đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Cục yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay. Cục Hàng không cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để tăng thời gian khai thác, giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay.
Nguồn: https://nld.com.vn/gia-ve-may-bay-se-con-tang-196240408220719925.htm

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Thương hiệu thời trang Esprit nộp đơn xin phá sản ở Bỉ
Thương hiệu thời trang Esprit sẽ đóng cửa 15 cửa hàng ở Bỉ và nộp đơn xin phá sản ở quốc gia này, trong khuôn khổ tái cơ cấu trên diện rộng. Theo thông tin từ Công đoàn Nhân viên, Kỹ thuật viên và Quản lý của Bỉ (SETCA), thông cáo báo chí của Esprit cho biết, kinh tế toàn cầu đi xuống, kết hợp với chi phí năng lượng và hậu cần tăng mạnh, môi trường tiêu dùng ảm đạm ở châu Âu và giá thuê mặt bằng lớn quá cao đã khiến họ không thể tiếp tục hoạt động theo cơ cấu hiện tại ở Bỉ.
Esprit hiện có ý định tập trung vào một cuộc cải tổ lớn, bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với các nhà bán buôn và đại lý nhượng quyền, cũng như tạo động lực mới cho hoạt động kinh doanh trực tuyến. Việc tái cơ cấu này diễn ra sau khi thương hiệu tuyên bố phá sản tại Thụy Sỹ vào tháng trước. Theo ông Christophe Bouvier, Thư ký thường trực của SETCA, Ban quản lý của Esprit đã đưa ra quyết định này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, với sự thành công của các cửa hàng trực tuyến như Zalando, Shein, Temu, cũng như chi phí cho năng lượng và mặt bằng tăng cao.
Nguồn: https://bnews.vn/thuong-hieu-thoi-trang-esprit-nop-don-xin-pha-san-o-bi/329488.html
2. May 10 đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa
Ngày 8/4 tại Hà Nội, Tổng Công ty May 10 khai trường Trung tâm thời trang May 10 Centurion thứ 3 tại số 3 Ô Chợ Dừa – Quận Đống Đa, Hà Nội. Việc ra mắt trung tâm thời trang May 10 Centurion tại số 3 Ô Chợ Dừa đánh dấu một bước đột phá trong cách phục vụ và tiếp cận khách hàng, nhằm mang lại cho khách hàng tại khu vực sự phục vụ tốt nhất. Đồng thời đây cũng là hướng đi của May 10 trong mục tiêu “xuất khẩu tại chỗ” với đối tượng là khách hàng du lịch khi đến thăm quan tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Hiện doanh thu từ thị trường nội địa đang chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu của May 10. Việc đẩy mạnh và phát triển thị trường nội địa nhằm cụ thể hóa mục tiêu của May 10 trong chiến lược định vị thương hiệu May 10- thương hiệu quốc gia cũng như thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam”. Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc May 10, cho biết thêm, trong năm 2023- 2024, May 10 tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn như chuỗi trung tâm thời trang May 10 Centurion, hệ thống cửa hàng tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Tp. Hồ Chí Minh…
Nguồn: https://bnews.vn/may-10-day-manh-phat-trien-thi-truong-noi-dia/329327.html
3. Hơn 1.000 đơn vị tham gia Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may
Ngày 10/4, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex & SaigonFabric 2024) đã khai mạc ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. SaigonTex & SaigonFabric 2024 quy tụ hơn 1.000 nhà triển lãm quốc tế và Việt Nam với quy mô trưng bày lên đến gần 30.000m2. Đây cũng là triển lãm hàng đầu tại Việt Nam về ngành công nghiệp dệt may, nguyên phụ liệu và vải.
Các đơn vị này đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Bỉ, Trung Quốc, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Singapore, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Uzbekistan, Việt Nam… giới thiệu hàng trăm thương hiệu tiêu biểu ở hai lĩnh vực chính phục vụ cho ngành dệt may.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/hon-1000-don-vi-tham-gia-trien-lam-quoc-te-nganh-cong-nghiep-det-may-post939461.vnp
4. Giá vàng nhẫn 9999 vượt 75 triệu đồng/lượng
Giá vàng nhẫn 9999 tăng không ngừng và vượt 75 triệu đồng/lượng vào 8-4. Chỉ sau hai phiên gần nhất, mỗi lượng vàng nhẫn 9999 đã tăng thêm hơn 2 triệu đồng/lượng, còn nếu tính từ đầu năm đến nay giá vàng nhẫn đã tăng 10 triệu đồng/lượng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-vang-nhan-9999-vuot-75-trieu-dong-luong-2024040816021269.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Dịp lễ 30/4-1/5: Nhiều người chọn tua xuất ngoại
Dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới là khởi điểm cho mùa du lịch hè, nhưng với tình hình giá vé máy bay trong nước tăng cao, các tour du lịch nội địa dường như ít được lựa chọn. Thay vào đó, nhiều người đăng ký mua tour xuất ngoại do có nhiều ưu đãi, chi phí hợp lý. Một nghịch lý khó chấp nhận là trong bối cảnh giá vé máy bay trong nước tăng cao thì tại Thái Lan lại đang có chính sách kích cầu khá mạnh mẽ với du khách.
Bên cạnh Thái Lan, nhiều tour ngoại khác cũng được khách lựa chọn cho dịp này. Tại BenThanh Tourist, hiện một số tour Đài Loan, Trung Quốc, Đông Bắc Á… đã bán được khoảng 70% lượng khách tour theo kế hoạch. Theo đại diện các công ty du lịch tại TPHCM, khách đặt tua nước ngoài tăng dịp này nhiều vì có giá ưu đãi, cạnh tranh và các chương trình khuyến mãi ổn định, có kế hoạch…
Nguồn: https://tienphong.vn/dip-le-304-15-nhieu-nguoi-chon-tua-xuat-ngoai-post1626261.tpo
2. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là khách hàng mới của du lịch Việt
Với giá trị thị trường dự kiến đạt 1,3 nghìn tỷ vào năm 2027, khu vực châu Á – Thái Bình Dương (TBD) được xác định là thị trường du lịch lớn nhất thế giới theo chi tiêu (theo số liệu của The Outbox Company), trong đó có Việt Nam. Theo dữ liệu của Google, châu Á – TBD đang là khu vực dẫn đầu với tỷ lệ du lịch nội khối cao nhất trên thế giới. Ông Phước Đặng, CEO The Outbox Company, nói: “Trái với nhiều nhận định chủ quan rằng người châu Á không chi tiêu nhiều. Khách du lịch châu Á được xem là thị trường du lịch lớn nhất thế giới về mặt chi tiêu ở thời điểm hiện tại, dựa trên dữ liệu của WTO”. Với sự bùng nổ của thị trường “Trung Quốc thứ 2” là Ấn Độ và sự trở lại của khách Trung Quốc, châu Á sẽ sớm dẫn đầu thế giới về cả quy mô thị trường và đóng góp về mặt chi tiêu.
Tại Việt Nam, thị trường nội khối chiếm khoảng 84% tổng lượng du khách quốc tế trong năm 2023. Năm qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của một vài thị trường, đặc biệt là Ấn Độ và Australia, đây là một trong những thị trường trọng tâm của du lịch TP.HCM. Với sự bùng nổ của thị trường châu Á – TBD và xu hướng du lịch nội khối, cấu trúc thị trường du lịch Việt Nam sẽ khó có sự thay đổi trong 3-5 năm tới.
Nguồn: https://lifestyle.znews.vn/ai-la-khach-hang-moi-cua-du-lich-viet-post1468469.html
3. Du lịch, hàng không Việt Nam-Trung Quốc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác
Ngày 9-4, Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đã phối hợp Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức chương trình phát động điểm đến Việt Nam tại thị trường Trung Quốc và kỷ niệm 30 năm đường bay Việt Nam – Trung Quốc. Theo Saigontourist Group cho biết, công ty đã làm việc với các đối tác hàng đầu Trung Quốc nhằm kết nối dịch vụ, chú trọng đến việc mở rộng phân khúc khách hàng hạng sang. Cụ thể, Saigontourist, Vietnam Airlines và Công ty TNHH công nghệ hàng không Shanghai Boxi đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác để thực hiện dịch vụ bay thuê chuyến do Vietnam Airlines cung cấp cho Shanghai Boxi và hợp tác quảng bá dịch vụ cho thuê xe. Dự kiến, trong 5 năm tới, hợp tác này sẽ mang lại doanh thu khoảng 150 triệu đô la Mỹ cho ba đối tác.
Saigontourist và Vietnam Airlines cũng ký kết hợp tác thực hiện dịch vụ tương tự với Công ty Beijing Cosmo Travel International Co.LTD. Các bên sẽ khai thác các tuyến du lịch và thị trường thuê chuyến mới; cung cấp các gói khuyến mãi của Vietnam Airlines, Saigontourist và Beijing Cosmos Travel International cho du khách Việt Nam và Trung Quốc. Dự kiến, hợp tác này cũng được thực hiện trong vòng 5 năm tới và mang lại doanh thu khoảng 150 triệu đô la Mỹ cho ba doanh nghiệp.
Nguồn:https://thesaigontimes.vn/du-lich-hang-khong-viet-nam-trung-quoc-ky-ket-nhieu-thoa-thuan-hop-tac/

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Xiaomi bắt đầu giao những chiếc ôtô điện đầu tiên của hãng
Nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi ngày 3/4 thông báo đã nhận được hơn 100.000 đơn đặt hàng cho sản phẩm ôtô đầu tiên của mình – chiếc xe điện thể thao có tên Speed Ultra 7 (SU7).
Những xe được giao đầu tiên đến từ lô giới hạn 5.000 chiếc đã được Xiaomi sản xuất trước, có tên gọi là “Phiên bản của Người sáng lập” (Founder’s Edition). Sau khi ra mắt SU7 vào tuần trước, Xiaomi đã trao đổi người mua rằng họ có thể phải chờ đợi từ 4 đến 7 tháng – một dấu hiệu cho thấy nhu cầu cho chiếc ôtô này khá mạnh mẽ.
Việc ra mắt SU7 đã hoàn thành tham vọng của Giám đốc điều hành (CEO) kiêm nhà sáng lập Lôi Quân. Ông đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào lĩnh vực kinh doanh ôtô như “dự án khởi nghiệp lớn cuối cùng” trong đời mình.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/post-938247.vnp
2. Kia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang kinh doanh xe điện
Nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Hàn Quốc đã tiết lộ kế hoạch bán 3,2 triệu xe điện trên thị trường toàn cầu trong năm nay và nâng con số này lên 4 triệu vào năm 2027 và 4,3 triệu vào năm 2030. Kia cho biết, trong tổng doanh số bán hàng, các loại xe thân thiện với môi trường bao gồm xe điện và xe điện hybrid (HEV), dự kiến sẽ bán được 761.000 chiếc trong năm 2024, chiếm 24% tổng doanh số và đến năm 2030.
Kia dự đoán tốc độ tăng trưởng của thị trường xe điện toàn cầu sẽ chậm lại cho đến năm 2026 do nền kinh tế trì trệ, giảm trợ cấp xe điện và thiếu cơ sở hạ tầng sạc. Trong nỗ lực tìm kiếm sự đột phá, hãng sẽ bù đắp sự suy giảm nhu cầu xe điện bằng cách tăng cường dòng sản phẩm mẫu xe HEV và giới thiệu các mẫu xe điện rẻ hơn.
Nguồn: https://baotintuc.vn/o-to-xe-may/kia-day-nhanh-qua-trinh-chuyen-doi-sang-kinh-doanh-xe-dien-20240406152756361.htm
3. Instagram kiếm được nhiều tiền quảng cáo hơn Youtube
Những con số mới được tiết lộ cho thấy, Instagram kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo hơn YouTube trong nhiều năm qua. Theo đó, Instagram đã mang về cho Meta 32,4 tỷ USD tiền quảng cáo chỉ riêng năm 2021. Con số này thậm chí còn cao hơn YouTube, vốn chỉ thu về 28,8 tỷ USD trong cùng năm. Theo Bloomberg, các số liệu cho thấy tỷ lệ doanh thu của Meta đến từ Instagram đã tăng từ 26% vào năm 2020 lên gần 30% trong sáu tháng đầu năm 2022.
Ứng dụng này đã vượt qua TikTok về tốc độ tăng trưởng lượt tải xuống toàn cầu vào năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower. Số lượt tải xuống Instagram đã tăng 20% vào năm 2023 so với 2022.
Nguồn: https://vtv.vn/cong-nghe/instagram-kiem-duoc-nhieu-tien-quang-cao-hon-youtube-20240407081942104.htm
4. Các công ty AI tranh giành nhân tài
Màn tranh giành tài năng giữa các công ty AI cho thấy ứng viên trình độ cao, có thể xây dựng và huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đang được săn đón như thế nào. Theo Libre, một số doanh nghiệp đưa ra mức lương ít nhất 100.000 USD cho vị trí đòi hỏi ít kỹ năng, và gần 7 con số nếu tuyển chuyên gia cấp cao. Đây không phải mức lương dễ dàng với doanh nghiệp nhỏ, túi tiền eo hẹp.
Bên cạnh tài chính, các công ty không dễ tuyển người phù hợp do nhiều ứng viên chưa đủ kỹ năng cần thiết. Dù vậy, Libre cho biết nhà tuyển dụng hiện muốn tìm kiếm copywriter, quản lý sản phẩm và chuyên gia không cần nền tảng kỹ thuật, miễn là hiểu biết sâu về AI. Một số tiêu chí gồm khả năng áp dụng công nghệ vào quy trình làm việc, tạo câu lệnh chất lượng cao và hiểu kết quả tạo bởi chatbot.
Dù gặp khó khăn, nhà tuyển dụng cho rằng thị trường AI tạo sinh khá mới mẻ, và công ty cần thêm thời gian để bắt kịp xu hướng. Một số doanh nghiệp đưa ra giải pháp bằng cách lập vị trí giám đốc AI, tận dụng chuyên gia tư vấn, hoặc thảo luận nội bộ về cách triển khai công nghệ.
Nguồn: https://znews.vn/cac-cong-ty-ai-tranh-gianh-nhan-tai-post1467819.html
5. Microsoft thành lập trung tâm AI tại London
Ngày 8/4, tập đoàn công nghệ Microsoft của Mỹ đã công bố kế hoạch thành lập một trung tâm trí tuệ nhân tạo mới (AI) tại thủ đô London của Anh, chú trọng vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Theo kế hoạch, trung tâm này sẽ hoạt động dưới sự dẫn dắt của ông Mustafa Suleyman, nhà đồng sáng lập Google DeepMind và là người mới được Microsoft thuê vào tháng trước.
Mặc dù hiện chưa rõ trung tâm mới sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm, nhưng kế hoạch trên dựa vào cam kết gần đây của Microsoft đầu tư 2,5 tỷ bảng Anh (3,16 tỷ USD) vào cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu và cải thiện kỹ năng AI trên khắp nước Anh. Động thái mới của Microsoft cũng được xem như một chiến thắng đối với nước Anh tại thời điểm quốc gia châu Âu này đang nỗ lực tìm cách nhằm củng cố uy tín như một siêu cường công nghệ kể từ khi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên về an toàn AI toàn cầu vào tháng 11 năm ngoái.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/microsoft-thanh-lap-trung-tam-ai-tai-london-anh-20240408203205144.htm
6. Tập đoàn Nvidia đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực AI ở khu vực Đông Nam Á
Tập đoàn sản xuất chip Nvidia của Mỹ đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) trị giá 200 triệu USD tại Indonesia, trong bối cảnh tập đoàn này đang tìm cách đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Theo Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi, trung tâm mới sẽ có trụ sở tại thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java. Sự hiện diện ngày càng tăng của Nvidia tại Indonesia thể hiện sự thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào Đông Nam Á trong năm nay, khi nhu cầu dữ liệu trong khu vực bùng nổ nhờ nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển.
Tháng 1 vừa qua, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Singapore Singtel cũng đã tuyên bố hợp tác với Nvidia nhằm triển khai năng lực AI trong các trung tâm dữ liệu của mình. Singtel kỳ vọng lần bắt tay này sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu vực quyền truy cập vào sức mạnh tính toán AI của Nvidia mà không cần khách hàng phải đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng của trung tâm dữ liệu. Doanh thu từ Singapore chiếm 15% doanh thu của Nvidia trong quý kết thúc vào tháng 10 năm ngoái, đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 404,1% từ mức 562 triệu USD cùng kỳ năm trước đó.
Ngoài ra, các trung tâm dữ liệu cũng đóng góp đáng kể vào doanh thu của Nvidia, đạt tổng cộng 18,40 tỷ USD nhờ sự phát triển của công nghệ AI trên toàn cầu.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tap-doan-nvidia-day-manh-dau-tu-vao-linh-vuc-ai-o-khu-vuc-dong-nam-a-post938659.vnp
7. Hàn Quốc triển khai gói chi tiêu 7 tỉ đô la để phát triển chip AI
Chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai gói chi tiêu khổng lồ trị giá 9.400 tỉ won (gần 7 tỉ đô la Mỹ) để nuôi dưỡng ngành công nghiệp chip nội địa và thúc đẩy công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua Sáng kiến chip AI. Gói chi tiêu trên được Tổng thống Yoon Suk Yeol thông báo tại cuộc họp ở Seoul hôm 9-4 với các lãnh đạo ngành chip trong nước đến từ Samsung, SK Hynix, Naver và công ty khởi nghiệp chip AI, SAPEON Korea.
Theo đó, từ nay đến năm 2027, chính phủ Hàn Quốc sẽ đầu tư 9.400 tỉ won để phát triển công nghệ AI và chip AI. Ngoài ra, chính phủ sẽ thiết lập quỹ 1.400 tỉ won (1,03 tỉ đô la) để hỗ trợ đổi mới ở các công ty phát triển chip AI. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng cam kết thành lập một ủy ban tổng thống phụ trách chiến lược AI quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác công tư. Ông cho biết, các biện pháp trên có thể giúp Hàn Quốc đạt được mục tiêu chiếm 10% thị phần của thị trường chip xử lý toàn cầu vào năm 2030 và trở thành một trong những nước dẫn đầu đầu thế giới về công nghệ AI.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/han-quoc-trien-khai-goi-chi-tieu-7-ti-do-la-de-phat-trien-chip-ai/
8. LG bắt tay chủ nhà làm mô hình nghỉ dưỡng ‘smarthome’
Cuối tháng 3 vừa qua, LG – ông lớn sản xuất điện tử Hàn Quốc – đã chính thức đưa LG Objet House vào vận hành tại Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc). Đây là mô hình kết hợp giữa LG với chủ các khu lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp, trong đó LG đóng vai trò là nhà cung cấp các thiết bị công nghệ, gia dụng trong không gian nghỉ dưỡng. LG Objet House cũng là một phần trong chiến dịch quảng bá cho bộ sưu tập sản phẩm gia dụng và giải trí cao cấp của nhà sản xuất điện tử Hàn Quốc, hướng tới trải nghiệm sống hiện đại và tiện nghi.
Bà Cao Tuyết Minh, Founder kiêm CEO Happynest (đơn vị đứng vai trò kết nối LG với chủ nhà) cho biết việc bắt tay giữa các hãng công nghệ như LG với chủ các khu lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp mang nhiều tiềm năng để nâng cấp trải nghiệm cho khách lưu trú. CEO Happynest cũng cho rằng mô hình tương tự của LG Objet House mang nhiều tiềm năng để mở rộng tại thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam.
Nguồn: https://znews.vn/lg-bat-tay-chu-nha-lam-mo-hinh-nghi-duong-smarthome-post1468352.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Giá dầu có thể đạt đỉnh khoảng 95 USD/thùng
Ngân hàng Bank of America (BofA) dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ đạt mức trung bình 86 USD/thùng và 81 USD/thùng trong năm nay và cả hai đều đạt đỉnh khoảng 95 USD/thùng vào mùa Hè này, tăng khoảng 10% so với mức vốn đã cao hiện nay.
OPEC+ đã gia hạn việc cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày, Bofa cho biết việc cắt giảm này “cuối cùng đã bắt đầu khiến các cân bằng chuyển sang trạng thái thâm hụt mang tính cơ cấu.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-dau-co-the-dat-dinh-khoang-95-usd-thung-20240406073034983.htm
2. Châu Âu ‘càng cai càng nghiện’ khí đốt của Nga
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), mặc dù khối lượng LNG không nhiều bằng lượng khí đốt qua đường ống từ Nga tới châu Âu trước cuộc xung đột, nhưng EU là nhà mua LNG lớn nhất của Nga. Một phân tích dữ liệu của Reuters cho thấy, hơn 1/10 lượng khí đốt Nga trước đây được vận chuyển bằng đường ống tới EU đã được thay thế bằng LNG của Nga nhập khẩu thông qua các cảng ở Tây Âu, chủ yếu ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp.
Xuất khẩu LNG của Nga vào EU đã tăng vọt trong hai năm qua kể từ khi Nga cắt bỏ đường ống khí đốt của một số nước EU vào mùa xuân và mùa hè năm 2022, cũng như đợt tháng 9 cùng năm trong vụ nổ đường ống Nord Stream. Dữ liệu từ Kpler cho thấy, các cảng châu Âu nhập khẩu lượng LNG của Nga lớn nhất từ năm 2021 đến 2023 lần lượt là Zeebrugge ở Bỉ, Montoir-de-Bretagne ở Pháp, Bilbao ở Tây Ban Nha, Gate ở Hà Lan, Dunkerque ở Pháp và Mugardos ở Tây Ban Nha.
Nguồn: https://markettimes.vn/chau-au-cang-cai-cang-nghien-lng-cua-nga-54694.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Phố Wall ‘đổ xô’ tìm kiếm các cổ phiếu AI tiềm năng tại thị trường mới nổi
Vào thời điểm “cơn sốt” về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp thúc đẩy cổ phiếu của Nvidia Corp tăng gấp ba lần và chỉ số quan trọng của Mỹ dành cho các nhà sản xuất chất bán dẫn tăng 50% trong vòng chưa đầy một năm, các nhà đầu tư đang hướng tới những thị trường mới nổi có mức giá tốt lẫn mức tăng trưởng lớn hơn. Bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. cho biết họ đang đặc biệt tìm kiếm mua lại cổ phần trong các nhà sản xuất linh kiện trong chuỗi cung ứng AI, chẳng hạn như hệ thống làm mát và nguồn điện.
Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp, cổ phiếu AI đang dẫn đầu đợt phục hồi trị giá 1.900 tỷ USD tại các thị trường mới nổi trong năm nay, trong đó các công ty chip của Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và SK Hynix Inc. chiếm tới 90% mức tăng.
Nguồn: https://bnews.vn/pho-wall-do-xo-ti-m-kie-m-ca-c-co-phie-u-ai-tie-m-nang-ta-i-thi-truong-moi-noi/329272.html
2. Các công ty đa quốc gia muốn dời trụ sở khu vực khỏi Singapore
Các khảo sát của các phòng thương mại như JETRO và EuroCham cho thấy số doanh nghiệp có tâm lý rời khỏi đảo quốc sư tử với tỷ lệ lần lượt là 31% và 69%. Hãng sản xuất mực in Sakata Inx đã thành lập trụ sở chính khu vực tại Malaysia vào tháng 2 vừa rồi. Kế hoạch tài khóa Budget 2024 của Malaysia đưa ra các ưu đãi về thuế cho “trung tâm dịch vụ toàn cầu” đặt trụ sở ở Malaysia, gồm ưu đãi thuế thu nhập ưu đãi từ 5-10% trong thời gian lên tới 10 năm.
Thái Lan là một ứng cử viên hàng đầu khác cho việc thu hút trụ sở khu vực. Tập đoàn Nissin Foods Holdings của Nhật Bản đã chuyển trụ sở chính ở Đông Nam Á từ Singapore sang Thái Lan vào năm 2020. Chính phủ Thái Lan cũng đang nỗ lực thu hút các công ty đa quốc gia thông qua các ưu đãi về thuế.
Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty châu Âu cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình vật giá đang leo thang ở Singapore. Chi phí thuê nhà tăng vọt là vấn đề mấu chốt buộc các doanh nghiệp hoạt động tại Singapore phải ra quyết định, bởi chi phí này chiếm gần 50% mức tăng chi phí kinh doanh tại đây. Bởi các công ty phải hỗ trợ tiền thuê nhà cho nhân viên người nước ngoài tại Singapore.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/cac-cong-ty-da-quoc-gia-muon-doi-tru-so-khu-vuc-khoi-singapore/
3. Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cảm thấy sức ép từ các công ty Trung Quốc
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam đang cảm thấy sức ép, bị các công ty Trung Quốc đẩy lùi tại thị trường này theo ông Kim Hyong-mo, trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tại Hà Nội. “Nhìn vào lượng đầu tư tích lũy vào Việt Nam kể từ năm 1988, Hàn Quốc đứng đầu với 85,8 tỷ USD, vượt qua Singapore và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hàn Quốc đang phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc”, Kim Hyong-mo nói với Nikkei Asia. Ông Kim nói rằng các công ty Hàn Quốc vẫn thận trọng với các khoản đầu tư mới do kinh tế toàn cầu suy thoái. “Nhiều công ty Hàn Quốc gặp khó khăn khi mở rộng đầu tư vào Việt Nam do chi phí lao động tăng cao, đặc biệt khi các công ty Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện tại Việt Nam”, trưởng đại diện KCCI nói.
Ông Kim cho rằng môi trường đầu tư và thương mại cởi mở của Việt Nam, cùng với lợi thế địa chính trị và sự ổn định chính trị trong nước, sẽ tiếp tục giúp Việt Nam duy trì vị trí “điểm đến đầu tư hấp dẫn”. Tuy nhiên, ông đề cập đến một số thách thức đã ảnh hưởng đến động lực đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm mức lương tối thiểu sẽ tăng trung bình khoảng 6% kể từ tháng 7 và tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao. Ông Kim cho biết việc Việt Nam thực hiện mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15% gần đây theo thỏa thuận toàn cầu có thể làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn: https://bsaonline.vn/doanh-nghiep-han-quoc-tai-viet-nam-cam-thay-suc-ep-tu-cac-cong-ty-trung-quoc/
4. Kinh tế khó khăn, vốn đổ vào startup Việt giảm gần 30%
Theo báo cáo do Enterprise Singapore và DealStreetAsia mới công bố, các startup tại Việt Nam nhận được 510 triệu USD vốn đầu tư trong năm 2023, thu hẹp từ mức 700 triệu USD hồi 2022. Thị trường có 54 thương vụ rót vốn, giảm hơn 34%.
Xét về giá trị tuyệt đối, dòng vốn chảy vào startup Việt Nam năm qua đứng thứ 3, sau Singapore (6,1 tỷ USD) và Indonesia (1,28 tỷ USD). Theo DealStreetAsia, nguồn vốn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã giảm hơn một nửa, xuống còn 7,96 tỷ USD vào năm 2023, với số lượng giao dịch cũng giảm 30% xuống còn 718.
Trước áp lực về vốn và thị trường, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á chọn tái cơ cấu quỹ lương, thu hẹp tuyển dụng và tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Theo báo cáo, trong năm 2023, mức lương trung bình cho bộ phận phát triển kinh doanh và bán hàng tăng nhiều hơn so với mức lương trung bình của bốn bộ phận quan trọng khác, gồm kỹ thuật, tiếp thị, dữ liệu và phát triển sản phẩm.
Nguồn: https://congthuong.vn/kinh-te-kho-khan-von-do-vao-startup-viet-giam-gan-30-313769.html

Nhóm tin về tài chính

1. Các nước ồ ạt mua vàng giữa lúc giá tăng chóng mặt
Ngày 9/4, giá vàng giao ngay đang ở mức 2.355 USD/ounce, sau mức cao kỷ lục 2.353,81. Giá vàng tương lai tăng 0,5%, đạt 2.362,60 USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, giá vàng đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Trong lịch sử, giá vàng có xu hướng tương quan nghịch với lãi suất. Việc cắt giảm lãi suất khiến lãi suất trở thành khoản đầu tư hấp dẫn hơn so với tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu.
Theo thông tin từ Hội đồng vàng thế giới , nhu cầu tiêu thụ vàng hàng năm, bao gồm cả các đơn đặt hàng không cần kê đơn, tăng 3% lên mức kỷ lục 4.899 tấn vào năm 2023, tiếp tục tăng vào năm 2024. Hiện, các nước ồ ạt tích trữ vàng, với tổng lượng mua 1.037,4 tấn vàng vào năm 2023. Ngoài Trung Quốc, các quốc gia “nổi lên” về việc tích cực mua vàng là ngân hàng trung ương Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan… theo Reuters. Trước đó, dữ liệu của Ngân hàng Mỹ cho thấy Trung Quốc, Ba Lan và Singapore dẫn đầu lượng mua vàng của ngân hàng trung ương năm 2023.
Nguồn: https://tienphong.vn/cac-nuoc-o-at-mua-vang-giua-luc-gia-tang-chong-mat-post1627440.tpo
2. Giá vàng thế giới tiếp tục chạm mức kỷ lục
Giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 2.346,57 USD/ounce vào lúc 1 giờ 6 phút sáng 10/4 (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức kỷ lục 2.365,09 USD/ounce.Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,5%, lên 2.362,4 USD/ounce. Biên bản cuộc họp của Fed và số liệu về chỉ số giá tiêu dùng sẽ được công bố trong ngày 10/4.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các yếu tố đưa đến sự phục hồi của giá vàng hiện nay là rủi ro địa chính trị gia tăng, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương ổn định và nhu cầu vàng trang sức và vàng thỏi cũng như vàng xu vẫn lớn.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-vang-the-gioi-tiep-tuc-cham-muc-ky-luc-20240410075040362.htm
3. Tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng đã thoát đáy
Tại đại hội cổ đông được tổ chức hôm nay 4-4, ông Trần Hùng Huy – chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – cho biết kết thúc quý 1, tăng trưởng tín dụng tại ACB đạt 3,7%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng toàn ngành và cũng tốt hơn cùng kỳ.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) tổ chức hôm 2-4, lãnh đạo VIB cho hay tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt khoảng 1%. Chiều 2-4, ông Nguyễn Đình Tùng – tổng giám đốc OCB – cũng cho hay tín dụng tại Ngân hàng OCB tăng trưởng 4,6% trong quý 1, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành, huy động vốn tăng khoảng 5%.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tang-truong-tin-dung-tai-nhieu-ngan-hang-da-thoat-day-20240404203921376.htm
4. Techcombank được Global Finance vinh danh là ngân hàng tốt nhất Việt Nam
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) vừa được tạp chí Global Finance có trụ sở tại Hoa Kỳ vinh danh là Ngân hàng Tốt nhất Việt Nam trong khuôn khổ lễ trao giải lần thứ 31 “Ngân hàng tốt nhất thế giới” được Tạp chí này tổ chức thường niên trên quy mô toàn cầu. Techcombank được vinh danh là “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” nhờ các thành tựu về kết quả kinh doanh, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, đổi mới công nghệ và cơ sở hạ tầng, cũng như các đóng góp tích cực cho môi trường và xã hội.
Nguồn:https://vneconomy.vn/techcombank-duoc-global-finance-vinh-danh-la-ngan-hang-tot-nhat-viet-nam.htm
BSAi