Bản Tin Thị Trường – 16/9/2020

Một trung tâm phân loại hàng hóa của Amazon tại Mỹ - Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm:

Amazon tuyển thêm 100.000 nhân viên ở Mỹ và Canada

Amazon đã lên kế hoạch tuyển thêm 100.000 nhân viên cho các chi nhánh ở Mỹ và Canada. Các hạn chế đi lại buộc người dân phải ở nhà, khiến mua sắm trực tuyến gia tăng và thúc đẩy tăng trưởng doanh số của trang thương mại điện tử.

Amazon là đốm sáng hiếm hoi trong mùa dịch ảm đạm khi phần lớn các công ty lỗ lớn, đóng cửa hoặc phá sản. Không tính số nhân viên thời vụ, tổng số lao động toàn cầu của Amazon sẽ chạm mốc một triệu người sau khi bao gồm cả 100.000 vị trí nhà kho mới và 33.000 vị trí đang được tuyển dụng cho các bộ phận khác của công ty. Chỉ riêng tại Mỹ, sau khi những vị trí trống được lấp đầy, Amazon sẽ có hơn khoảng 700.000 nhân viên.

Những công việc và vị trí mới này sẽ có mức lương tối thiểu là 15 USD một giờ và bao gồm các lợi ích và khoản tiền thưởng lên tới 1.000 USD tại một số chi nhánh.

Amazon hiện chiếm hơn 1/3 doanh số bán hàng trực tuyến của Mỹ. Trong thời gian dịch đạt đỉnh điểm, sàn thương mại điện tử này ghi nhận doanh thu quý 2 đạt 88,9 tỷ USD, lợi nhuận đạt mức 5,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này giúp cổ phiếu của Amazon tăng gần 80% trong năm nay, góp phần đưa mức vốn hóa trên thị trường của hãng đạt 1.600 tỷ USD, chỉ đứng sau Apple.

Theo công ty tư vấn logistics MWPVL International, Amazon có hơn 600 cơ sở hoạt động ở Mỹ. Trong tám tháng đầu năm, Amazon đã mở thêm 75 chi nhánh ở Canada và Mỹ. Và chỉ trong tháng này, hãng sẽ mở thêm 100 trung tâm, bao gồm trung tâm quản lý, trạm giao hàng, trung tâm phân loại và các trung tâm chức năng khác.

1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 56,05 – 56,55 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra được thu hẹp xuống còn 500.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giớ trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1955,8 USD/ounce, tăng nhẹ 0,2 USD, tương đương 0,01% giá trị so với chốt phiên trước.

2/ Chiều 16/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (huyện Mang Yang, Gia Lai) tổ chức công bố xuất khẩu lô hàng chanh leo đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador. Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ. 

Dự kiến ngày 17/9, tại trụ sở Cty Vina T&T (tỉnh Bến Tre), Bộ sẽ tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Trước đó, Vina T&T cũng xuất một container bưởi sang châu Âu.

3/ Công ty trách nhiệm hữu hạn Mạng lưới Thông minh (SmartNet) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) để triển khai các hoạt động hợp tác song phương về ví điện tử, kiều hối và các dịch vụ khác. Việc kết nối này sẽ khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, khách hàng có thể liên kết nạp tiền/rút tiền thông qua tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ nội địa mở tại LienVietPostBank với ví điện tử SmartPay.

4/ Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 111,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 44,1 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 67 tỷ USD, tăng 8,9%. Nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay là 22,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 trên thế giới của Trung Quốc .

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 – Ảnh: baochinhphu

5/ Vingroup tung app thương mại điện tử mới, nhắm thẳng đến các chủ tiệm tạp hóa. Ứng dụng Vinshop thuộc tập đoàn One Mount Group và được giới thiệu là “ứng dụng đặt hàng giá tốt nhất dành cho các chủ tiệm tạp hóa”. Cũng theo giới thiệu trên các kho ứng dụng trực tuyến, VinShop là ứng dụng thuộc Tập đoàn One Mount Group dành cho các chủ tiệm tạp hóa và đối tác. Theo đó các chủ tiệm tạp hóa thông qua ứng dụng này có thể đặt hàng giá tốt với các ưu đãi, đảm bảo chất lượng từ nhà cung cấp.

6/ Việt Nam sẽ mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ đi Quảng Châu, Đài Loan – Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc từ 18/9. Và từ ngày 22/9, mở lại các đường bay từ Việt Nam đi Campuchia và Lào. Các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam phải phân bổ đều các ngày trong tuần, tối đa hai chuyến hạ cánh mỗi ngày từ một sân bay.

7/ Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thịt từ nhà máy gia cầm OK Foods ở Fort Smith, Arkansas ở Mỹ sau khi ghi nhận một số công nhân của hãng này dương tính với Covid-19. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhà máy ở bang Arkansas đã không đủ điều kiện để vận chuyển sản phẩm đến Trung Quốc từ ngày 13/9. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, 234 công nhân của nhà máy đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trung Quốc cũng vừa thông báo họ đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm thịt heo từ Đức sau khi nước châu Âu này xác nhận trường hợp nhiễm dịch tả heo châu Phi (ASF) đầu tiên.

 8/ Tập đoàn Charoen Pokphand Group (CP) của Thái Lan mới đây tuyên bố sẽ thiết lập một doanh nghiệp chuyên về thịt heo tại Trung Quốc với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 4,1 tỷ USD. Thịt heo là một phần không thể thiếu trên bàn ăn ở Trung Quốc – quốc gia có thị trường thịt heo lớn nhất thế giới năm 2019, ước tính trị giá gần 200 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi (ASF) cùng lũ lụt nghiêm trọng quốc gia thiếu thịt heo trầm trọng. Nắm bắt được thời cơ, Chia Tai Investment, công ty con của Chaeroen Pokphand Foods, đơn vị chế biến thực phẩm của CP Group sẽ mua lại 43 công ty hoạt động trong các lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, giết mổ và chế biến thực phẩm heo, trị giá khoảng 4,1 tỷ USD tại Trung Quốc.

9/ Hãng thời trang Thụy Điển H&M hôm 15/9 cho biết đã cắt quan hệ với một nhà sản xuất sợi Trung Quốc vì lo ngại “lao động cưỡng bức” liên quan đến người thiểu số ở Tân Cương – báo Công An Nhân Dân dẫn các hãng tin nước ngoài. Hồi tháng 3, Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI) nêu rõ H&M là một trong những công ty ngoại quốc được cho là đã hưởng lợi ở một mức độ nào đó từ việc sử dụng lao động cưỡng bức thông qua mối quan hệ của họ với nhà máy sản xuất sợi nhuộm Huafu ở An Huy. H&M khẳng định họ sẽ không còn hợp tác với bất kỳ nhà máy may mặc nào trong khu vực và sẽ không còn lấy nguồn cung cấp bông từ Tân Cương, khu vực trồng bông lớn nhất của Trung Quốc.

Một cửa hàng của H&M tại Trung Quốc – Ảnh: businessoffashion

10/ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tuyên bố Mỹ đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế qua hành động áp hàng tỷ USD tiền thuế lên các hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc trong cuộc thương chiến kéo dài hai năm qua với Bắc Kinh. Trong khi đó, Bắc Kinh đã nhanh chóng kêu gọi Washington tôn trọng phán quyết của WTO.

Lê Hiếu – Ricky Hồ / BSA

Bản tin thế giới – ngày 16/9/2020