Bản tin thị trường – ngày 20/8/2020

Cục Bảo vệ Thực vật khuyến cáo doanh nghiệp không nên để “bị mượn” mã số xuất khẩu - Ảnh: Báo Hải Quan
Tiêu điểm:
Xoài Mỹ Xương bị mượn mã số xuất khẩu
Ông Võ Việt Hưng – Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương ở Đồng Tháp – cho biết hai mã vùng trồng của Mỹ Xương bị loại khỏi danh sách cập nhập trên trang mạng của Cục Bảo vệ Thực vật. Ông khẳng định chưa có sai phạm gì và chưa từng xuất lô hàng nào đi Trung Quốc.
Cuối tháng 6 vừa qua, Hải quan Trung Quốc thông báo khoảng 3.300 tấn thuộc 220 lô xoài nhập từ Việt Nam trong giai đoạn 2019  – 2020 có nhiều vi phạm: nhiễm sâu gây hại, thông tin trên bao bì và giấy chứng nhận không khớp nhau, trong đó có nhiều lô gắn các mã số của Mỹ Xương. Phía Trung Quốc yêu cầu ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng có vi phạm và liên quan để phối hợp điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết Cục đã điều tra và phát hiện các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mượn mã của nhau để xuất khẩu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam mà còn gây khó cho các bên với những lô hàng xuất khẩu tới.
Để tình trạng này không tiếp diễn, ông Hiếu cho hay, Cục đã và đang tập huấn, tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân và địa phương xuất khẩu về quy định của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc; chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật giám sát những mã số mà Cục Bảo vệ thực vật đã cấp.
Đặc biệt, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu địa phương phải có cơ chế giám sát, khi xuất khẩu phải báo về cơ quan kiểm dịch để doanh nghiệp khác không thể lấy lô hàng khác rồi mượn mã số. Như vậy, lô hàng mượn mã số sẽ không thể hoàn tất thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu và không thể thông quan.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam. Hiện có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vải, mít, măng cụt, chuối, dưa hấu.
1/ Tiếp nối đà từ phiên trước, giá vàng trong nước sáng nay giảm mạnh trong bối cảnh giá kim loại quý trên thị trường thế giới cũng đang mất đà. Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 54,75 – 56,15 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 1,2 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán so với hôm trước. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn đang ở ngưỡng 1,6 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, thì hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.937,5 USD/ounce, giảm tới 62,8 USD, tương đương 3,14% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Các đơn vị trong lĩnh vực thuế, ngân hàng, điện lực,…tại TP.HCM đã triển khai nhiều gói hỗ trợ đến đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch, với tổng số tiền hơn 6.652 tỷ đồng. Theo Báo cáo số 157 về tình hình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và sau dịch Covid-19 của UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM đã áp dụng miễn, giảm và giãn thuế do ảnh hưởng từ đại dịch theo Nghị định số 41/2020 với 255.904 doanh nghiệp và 43.778 cá nhân. Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố triển khai hỗ trợ 67.603 người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, với tổng số tiền xấp xỷ 70 tỷ đồng.
3/ Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt gần 485,3 triệu tấn, trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt hơn 13,9 triệu Teus, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 8/2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt gần 57,3 triệu Teus, tăng 2%, trong đó, hàng container đạt hơn 1,7 triệu Teus, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
4/ Theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của Tập đoàn Dabaco Việt Nam, tập đoàn này đạt doanh thu 2.290 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 401 tỷ đồng, cao gấp 54 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế nửa đầu năm, Dabaco ghi nhận doanh thu 4.758 tỷ đồng, tăng hơn 38%, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng gấp 28 lần con số nửa đầu năm ngoái.
Cũng được hưởng lợi từ giá heo tăng, Công ty Cổ phần Nông súc sản Đồng Nai (Dolico) ghi nhận doanh thu 169 tỷ đồng, bằng 77% kế hoạch năm. Lãi trước thuế và sau thuế lần lượt đạt gần 83 tỷ đồng và 70 tỷ đồng, vượt 97% và 103% kế hoạch cả năm.
Tương tự, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco lãi sau thuế trên 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 20 tỷ đồng.
Giá thị trường thịt heo đang ở mức cao. Vì thế, các chuyên gia nói doanh nghiệp nào có nguồn cung lớn sẽ có doanh thu và lợi nhuận cao.
Do vậy, dù không công bố lợi nhuận 6 tháng qua, song Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chắc chắn lãi lớn. Số liệu tháng 6 cho thấy doanh nghiệp này có đàn heo 2,6 triệu con. Mỗi ngày, CP bán ra thị trường 16.000 – 17.000 heo thương phẩm, cao điểm có khi lên 25.000 con.
5/ Tính đến giữa tháng 7/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN đạt 73,1 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất là: Thái Lan giảm 33,2%; Singapore tăng 3,3%, Malaysia giảm 31,3%; so với năm trước. Trong đó, Singapore nổi bật trên bức tranh xuất khẩu cá tra sang khu vực này.
6/ ‘Nhà giàu’ Kuwait hết tiền trả lương viên chức nhà nước. Hôm qua, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Kuwait Barak Al-Sheetan cho biết trong kho bạc của nước này hiện chỉ còn khoảng 6,6 tỉ USD và không đủ để chi trả lương cho viên chức nhà nước sau thời điểm tháng 9. Theo ông Al-Sheetan, chính phủ Kuwait thời gian gần đây rút khoảng 5,1 tỉ USD/tháng từ Quỹ Dự trữ Quốc gia, đồng nghĩa với việc ngân khố của nước này sẽ cạn kiệt nếu như giá dầu không được cải thiện và Kuwait không thể vay mượn tiền trên thị trường quốc tế và nội địa.
7/ Tạp chí The Australian Financial Review đưa tin: Australia sẽ không chấp thuận đề xuất của công ty Trung Quốc Mengniu Dairy về việc mua lại một số nhãn hiệu sữa nổi tiếng nhất của Australia hiện do hãng Kirin Holdings của Nhật Bản. Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Austraila xấu đi nghiêm trọng sau khi Canberra kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19 và chỉ trích luật an ninh quốc gia tại Hong Kong
8/ Trung Quốc báo giá vaccine cao nhất thế giới, gấp 18 lần Anh và gấp 7 lần Hoa Kỳ. Hãng dược nhà nước SinoPharm của Trung Quốc đang thử nghiệm 2 loại vaccine ngừa Covid-19 và giá dự kiến của chúng cao hơn nhiều so với các loại vaccine trên thế giới. Trong khi đó, các gã khổng lồ dược phẩm khác như AstraZeneca của Anh – Thụy Điển và Johnson & Johnson của Hoa Kỳ vẫn trung thành với nguyên tắc áp giá phi lợi nhuận đối với vaccine đại dịch và báo giá thấp cho vaccine của mình.
9/ Nền tảng đặt phòng trực tuyến hàng đầu thế giới Airbnb vừa bất ngờ cho biết, công ty này đã đệ đơn xin IPO, Phát hành công khai lần đầu, lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ. Kế hoạch IPO diễn ra giữa lúc hoạt động kinh doanh của Airbnb rơi vào thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19. Dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch, lưu trú toàn cầu, với tổng thiệt hại lên tới 330 tỷ USD. Airbnb đã phải cắt giảm gần 1/4 số nhân viên vào tháng 5 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện công ty này được định giá khoảng 18 tỷ USD sau vòng gọi vốn hồi tháng 4, giảm gần một nửa so với giai đoạn đỉnh cao cách đây 3 năm.
10/ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa ngày cho biết Chính phủ nước này đã phải tạm hoãn việc thực hiện dự án di dời thủ đô đến đảo Borneo trị giá 33 tỷ USD để đối phó với đại dịch Covid-19.
Đây là một dự án đầy tham vọng của Tổng thống Jokowi trong nhiệm kỳ thứ hai. Theo ông Monoarfa, hiện nay Chính phủ đang đặt ưu tiên số một là phục hồi nền kinh tế và vượt qua đại dịch. Khi tình hình được cải thiện, chỉ khi đó mới quyết định triển khai dự án dời thủ đô.
Dự án xây dựng thủ đô mới theo kế hoạch sẽ được khởi công vào năm 2021, với việc xây cung điện nhà nước và các tòa nhà  của các cơ quan chính phủ cùng, nâng cấp sân bay, cảng biển…
10/ Apple trở thành công ty Hoa Kỳ đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ USD giá trị thị trường. Cụ thể, vào ngày 18/8 (giờ địa phương), Apple đã vượt mốc này trong phiên giao dịch sáng trên thị trường chứng khoán. Trước đó, hồi tháng 3/2018, Apple cũng là tập đoàn lớn đầu tiên đạt mốc 1.000 tỷ USD giá trị thị trường. Phố Wall dự đoán nhà sản xuất iPhone sẽ là hãng đầu tiên vượt mốc 2.000 tỷ.
11/ Bắt đầu từ ngày 3/9/2020 sắp tới, các cá nhân và công ty Đài Loan bị nghiêm cấm phát bất cứ dịch vụ video streaming nào của Tencent và nền tảng iQiyi của Baidu. Nếu vi phạm sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng Đài tệ, khoảng 170.000 USD. iQiyi hiện có khoản 6 triệu khách đăng ký dịch vụ tại Đài Loan.
Các dịch vụ streaming của WeTV và iQiyi sẽ bị cấm từ ngày 3/9/2020 sắp tới tại Đài Loan – Ảnh: Taiwan News
Cả hai hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc bị cấm phát video streaming tại Đài Loan. Nhưng họ bèn tìm cách hợp tác với các công ty Đài Loan để xâm nhập thị trường giải trí ở đây.
Trong khi đó, iQiyi – được xem là Netflix của Trung Quốc – đang bị Hoa Kỳ điều tra về gian lận kế toán khi tham gia yết tên trên thị trường chứng khoán Nasdaq từ tháng 3/2018.
Tại Việt Nam, dịch vụ WeTV của Tencent và iQiyi của Baidu bán subscription các chương trình giải trí tiếng Việt với giá chỉ từ 25.000 – 49.000 đồng/tháng từ tháng 7 năm ngoái.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA (Tổng hợp)

Bản tin thế giới – ngày 20/08/2020