Bản tin thị trường – ngày 25/8/2020

Tiêu điểm:

Người dân phải ở nhà, lợi nhuận các hãng mỳ gói châu Á tăng vọt

Các công ty sản xuất mì gói ở châu Á là đối tượng hiếm hoi hưởng lợi trong mùa dịch này, khi người dân buộc phải ở nhà do các lệnh hạn chế đi lại.

Tingyi Holding – hãng mì gói hàng đầu của Trung Quốc với thương hiệu Master Kong nổi tiếng, ăn nên làm ra trong sáu tháng đầu năm nay. Doanh thu tăng 8% đạt 32,93 tỷ nhân dân tệ, khoảng 4,76 tỷ USD, trong khi lợi nhuận tăng 58,4% và đạt kỷ lục 2,38 tỷ nhân dân tệ. Chủ tịch Wei Hong-ming gọi kết quả kinh doanh này là “tìm lại vinh quang” khi doanh số và lợi nhuận tăng ở mức cao kỷ lục với hai con số. Thành công của Tingyi là “đáp ứng nhu cầu gia tăng mẽ lượng mì gói tiêu thụ trong suốt mùa dịch”.

Anne Ling, chuyên gia phân tích thuộc hãng tư vấn Jefferies Hong Kong, dự báo rằng lợi nhuận ròng của công ty có thể đạt 4.244 tỷ tệ, cao hơn dự báo 3.441 tỷ tệ trước đó. Bà Ling đưa ra các nguyên nhân: khả năng giữ vững và duy trì thị phần, đưa ra sản phẩm mì gói cao cấp trong suốt mùa dịch.

Các công ty đánh giá tín dụng cũng cho điểm cao sức khỏe tài chính của Tingyi và dự báo tình hình này sẽ duy trì trong 2-3 năm đến. S&P Global Ratings nâng từ mức trung bình lên khả quan với điểm BBB-plus. Riêng Moody’s cho điểm Baa1.

Uni-President China Holdings, đối thủ của Tingyi, cũng đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu mảng thực phẩm – với mì gói là chủ lực – tăng 22% đạt 5,21 tỷ tệ, trong khi lợi nhuận tăng 30% đạt hơn 448 tỷ tệ.

Trung Quốc là nơi tiêu thụ mì gói lớn nhất thế giới với 41,45 tỷ gói trong năm 2019 – chiếm gần 40% sức tiêu thụ toàn cầu, theo số liệu trong tháng 5 vừa rồi của Hiệp hội mì gói thế giới (WINA).

Hãng Indofood CBP Sukses Makmur của Indonesia cũng ghi nhận mì gói là động lực tăng trưởng của họ với doanh số tăng 6,3% và lợi nhuận 22,6% trong sáu tháng đầu năm. Hãng này nói lợi nhuận cao do giá bột mì giảm nhưng giá mì gói lại tăng.

Tại Nhật Bản, hãng Nissin Food ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý 2 tăng gấp đôi, đạt hơn 12 tỷ yen – khoảng 114,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của hãng Toyo Suisan – đối thủ của Nissin – tăng 76%, đạt 8,4 tỷ yen. Cả hai hãng đạt tăng trưởng doanh thu ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Nisin xuất sang châu Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Còn hãng Toyo Suisan có ưu thế ở Hoa Kỳ và Mexico.

Riêng thương hiệu Nongshim của Hàn Quốc có doanh số tăng hơn 17% trong sáu tháng đầu năm, đạt 1,13 tỷ USD. Doanh số thị trường trong nước của hãng tăng 12%, trong khi thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng 34%.

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở ngưỡng 55,15 – 56,20 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở ngưỡng 1,05 triệu đồng/lượng, thu hẹp 150.000 đồng/lượng so với phiên trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, hiện giá vàng giao ngay trên Kitco đang được giao dịch quanh mức 1.934,1 USD/ounce, giảm 8,3 USD, tương đương 0,43% giá trị so với chốt phiên trước.

2/Hôm nay, giá lúa và gạo ở ĐBSCL đều tăng do thị trường xuất khẩu đang tốt, cùng với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1/8, đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo. Cụ thể tại Cần Thơ và Hậu Giang, nông dân bán lúa tươi tại ruộng với giá từ 5.500 đồng – 6.500 đồng/kg (tùy theo giống lúa), tăng khoảng 400 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Đáng chú ý hơn, nhiều nông dân và vựa lúa đã trúng lớn khi trữ lúa thơm Jasmine 85, vì giá lúa đã vọt tăng từ 7.500 đồng/kg lên 8.200 đồng/kg.

3/ Nhu cầu cao sản lượng giảm, khiến giá cam miền Tây đang được bán tại TP.HCM tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Sáng nay, tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP.HCM, cam từ miền Tây nhập về tăng giá mạnh với mức bán lẻ cho người tiêu dùng dao động trong khoảng 35.000 – 70.000 đồng/kg tùy từng loại, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

4/ Bộ Công Thương phê duyệt danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2019. Trên cơ sở đề xuất của 55 cơ quan, tổ chức, Bộ Công Thương đã xét chọn được 268 “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”. Đây là hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

5/Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng giày dép của Việt Nam ra thị trường nước ngoài trong tháng 8/2020 ước tính đạt 1,305 tỷ USD, giảm mạnh 17,29% so với tháng 8/2019. Cộng dồn 8 tháng đầu năm, thì kim ngạch xuất khẩu giầy dép các loại đạt 10,8 tỷ USD, vẫn giảm 9,46% so với cùng kỳ năm 2019.

6/Công ty dầu khí quốc doanh Pertamina của Indonesia đã ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục 767,92 triệu USD trong nửa đầu năm nay do giá dầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu. Cụ thể, báo cáo tài chính mới nhất của Pertamina cho thấy kết quả hoạt động trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2020 của công ty đã đảo ngược so với mức lợi nhuận 659,96 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, Pertamina đã theo chân các công ty dầu khí lớn khác trên thế giới, như BP của Anh, Aramco của Saudi Arabia và Chevron của Mỹ, trong việc ghi nhận những khoản lỗ khổng lồ trong nửa đầu năm nay do đại dịch Covid-19.

7/Microsoft gặp khó trong việc đàm phán về TikTok khi các nhà đầu tư của ByteDance đang tìm cách nhảy vào thương vụ mua lại cổ phần của ứng dụng này. Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho ByteDance, phải bán đi các cổ phần tại Mỹ của TikTok, vì lý do an ninh dữ liệu. Do đó, ByteDance đã phải đàm phán bán lại cổ phần trong mảng hoạt động tại Bắc Mỹ, Úc và New Zealand của TikTok cho các công ty như Microsoft Corp và Oracle Corp. Tuy nhiên, ByteDance không dễ dàng nhường TikTok cho nước ngoài. Ngoài việc kiện chính quyền Trump, thì một số nhà đầu tư, đang có cổ phần trong ByteDance, bao gồm cả General Atlantic của Mỹ, đang cạnh tranh để sở hữu một số cổ phần lớn trong khối tài sản của TikTok. Theo kế hoạch tái cơ cấu này, thì Microsoft hoặc Oracle có thể chỉ nhận được một lượng cổ phần ít ỏi trong khối tài sản của TikTok, ước tính trị giá từ 25 tỷ đến 30 tỷ USD.

8/ Ngành bán lẻ của Australia đã chứng kiến sự sụp đổ của nhiều thương hiệu đình đám trong và ngoài nước. Mới đây nhất, tập đoàn Mosaic Brands, chủ sở hữu các thương hiệu thời trang đình đám nội địa như Rivers, Millers, Katies, Noni B và Crossroads, đã công bố kết quả kinh doanh năm tài chính 2019-2020 với một khoảng lỗ lên tới 45,8 triệu AUD (32,5 triệu USD).

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng hé lộ dự định đóng cửa khoảng 500 cửa hàng kinh doanh bán lẻ trên phạm vi cả nước trong vòng hai năm tới, dẫn đến việc hàng ngàn việc làm bị đe dọa. Trong khi đó, hãng thời trang Jeanswest tự nguyện tham gia vào chế độ quản trị tự nguyện và gã khổng lồ công nghệ Bose tiết lộ họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng ở Australia và 119 cửa hàng khác trên toàn cầu.

9/ Tập đoàn Thyssenkrupp của Đức sẽ chọn Hà Nội làm nơi đặt trụ sở chính cho bộ phận xi măng khu vực châu Á Thái Bình Dương, thay vì địa điểm trước đây là Singapore. Phía ThyssenKrup nhận định, “Việt Nam là thủ phủ cho hoạt động kinh doanh xi măng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” của Tập đoàn và một trong những “trung tâm kỹ thuật nhà máy xi măng lớn nhất” của Công ty. Dù sẽ chuyển trụ sở chính sang Việt Nam nhưng ThyssenKrup vẫn giữ các văn phòng tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Ricky Hồ-Lê Hiếu/BSA (tổng hợp)

Bản tin Thế giới – ngày 25/08/2020