Bản tin thị trường – ngày 5/1/2021

Indonesia nhận được ba triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ hãng dược Sinovac của Trung Quốc. Nước này đã đặt mua gần 230 triệu vaccine từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh: Reuters
Tiêu điểm:
ASEAN với chiến lược vaccine ngừa Covid-19 thúc đẩy hồi phục kinh tế

Tuần tới, Indonesia sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người trưởng thành trong độ tuổi lao động từ 18-59 tuổi ngay sau khi hoàn thành tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên công vụ. Như vậy, sau Singapore thì Indonesia là một nước châu Á hiếm hoi tiến hành tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid.

Xem thêm chi tiết tại link:

ASEAN với chiến lược vaccine ngừa Covid-19 thúc đẩy hồi phục kinh tế
1/ Cục trưởng Cục Ngân sách của Thái Lan Dechapiwat Na Songkhla khẳng định chính phủ Thái Lan có đủ ngân sách để khắc phục hậu quả kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Cục Ngân sách nói Chính phủ Thái Lan hiện vẫn còn hơn 600 tỷ baht, khoảng 20 tỷ USD, từ khoản ngân sách dự phòng trung ương của tài khoá trước và gói hỗ trợ kinh tế 1.000 tỷ baht được đưa ra năm 2019. Ngoài ra, Chánh văn phòng Quản lý nợ công Patricia Mongkhonvanit cho biết Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vẫn còn khoảng 400 tỷ baht (hơn 13 tỷ USD) từ gói hỗ trợ kinh tế 1.000 tỷ baht khắc phục hậu quả của dịch Covid. Theo sắc lệnh ban hành gói hỗ trợ kinh tế này, chính phủ đã phân bổ 370 tỷ baht, trong đó có 348 tỷ baht dành cho phục hồi kinh tế-xã hội.
Thống kê mới nhất cho thấy hơn 100.000 lao động Thái Lan đã mất việc hoặc bị đình chỉ công việc do hơn 6.000 doanh nghiệp ở 28 tỉnh phải đóng cửa sau đợt bùng phát mới ở chợ hải sản tỉnh Samut Sakhon.
2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,35- 56,90 triệu đồng/lượng, tăng tiếp tới 450.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với trước kỳ nghỉ lễ, chênh lệch hai đầu 550.000 đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1940,3 USD/ounce.
3/ Theo các thương nhân kinh doanh lúa gạo, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới đã tăng khoảng 7 USD/tấn, nâng giá gạo của Việt Nam lên mức cao nhất 505 USD/tấn, là mức cao kỷ lục từ năm 2011 trở lại đây. Nguồn cung lúa gạo giảm, trong khi Philippines tiếp tục mua vào đã nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần đầu năm mới 2021 lên mức cao nhất trong 9 năm qua. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 sẽ còn tiếp tục tăng trưởng do những tác động tích cực từ thị trường cùng hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đi vào thực thi. Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 ước tính đạt trên 6 triệu tấn, trị giá 3,05 tỷ USD, giảm khoảng 3% về lượng so với cùng kỳ, nhưng lại tăng gần 10% về trị giá do giá gạo đã được cải thiện theo chiều hướng tăng lên.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.
4/ Theo Reuters, lần đầu tiên trong nhiều thập niên Việt Nam đã nhập khẩu gạo từ Ấn Độ sau khi giá gạo tại nội địa tăng lên mức cao nhất trong 9 năm và nguồn cung gạo nội địa đang có những hạn chế. Việc Việt Nam nhập khẩu gạo lần này cho thấy tình hình chung nguồn cung gạo tại nhiều nước châu Á đang có nhiều thiếu hụt. Nguồn cung gạo tại châu Á đã thiếu đến mức mà nhiều nước xuất khẩu gạo truyền thống như Thái Lan hay Việt Nam đã phải nhập gạo từ Ấn Độ. Hiện Ấn Độ hiện đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, trong khi Việt Nam đứng thứ ba. Theo một nhà kinh doanh gạo tại TP.HCM, gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu được dùng để làm thức ăn gia súc và dùng trong ngành công nghiệp sản xuất đồ uống.
5/ Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ đã đóng điện thành công và hòa lưới điện quốc gia sau 7 tháng khởi công. Đây là dự án nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định. Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch (thuộc BCG Energy) khởi công xây dựng tại xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vào ngày 29/5/2020 với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 380 ha. Chỉ trong vòng 7 tháng thi công kể từ ngày 29/5/2020, đến ngày 31/12/2020, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đã đưa vào khai thác thương mại 216 MW trên tổng công suất 330 MW. Khi nhà máy đi vào hoạt động toàn bộ, ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.
6/ Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và thông tin từ freshplaza.com, quy mô thị trường của sầu riêng toàn cầu sẽ đạt 28,6 tỷ USD vào năm 2025 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,2% trong giai đoạn năm 2019 – 2025. Sự tăng trưởng của thị trường trái cây sầu riêng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng về ẩm thực, cùng với sự mở rộng của ngành du lịch. Ngoài ra, nhận thức về lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng đối với trái sầu riêng được nâng cao cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu. Ăn sầu riêng giúp kiểm soát lượng đường và giảm nguy cơ ung thư do có đặc tính chống oxy hóa, chống trầm cảm và chống lão hóa. Trong số các sản phẩm làm từ trái sầu riêng, sản phẩm bột và sầu riêng dạng nhuyễn cấp đông chiếm thị phần lớn. Trong năm 2018 các sản phẩm này chiếm 70% trong số các sản phẩm được làm từ trái sầu riêng.
7/ Sau nhiều năm đối mặt với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp kinh niên, lần đầu tiên trong lịch sử, dân số Hàn Quốc đã có mức tăng trưởng âm. Theo số liệu điều tra dân số mới nhất được công bố vào cuối tuần trước, đến cuối năm 2020, Hàn Quốc hiện có 51.829.023 người – ít hơn 20.000 so với các dự báo chính thức trước đó. Dân số của Hàn Quốc đã tăng hàng năm trong suốt thập kỷ trước, mặc dù tốc độ tăng đã giảm từ 1.49% vào năm 2010 xuống 0.05% vào năm 2019. Ước tính chính quyền thành phố Seoul đã chi khoảng 185 nghìn tỷ won (171 tỉ USD) trong 14 năm qua cho các biện pháp kích thích tăng trưởng dân số. Gần đây, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã công bố các sáng kiến nhằm động viên các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn – bao gồm khoản hỗ trợ 1 triệu won cho phụ nữ mang thai và trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
8/ Theo Bloomberg, Gojek đang thảo luận việc sáp nhập với hãng thương mại điện tử Tokopedia, để sau đó tiến hành IPO liên minh này. Hai startup giá trị nhất Indonesia đã ký một bản điều khoản chi tiết về việc thẩm định công việc kinh doanh của nhau. Cả hai bên đều nhận thấy tiềm năng hợp tác và mong muốn hoàn tất thỏa thuận sớm nhất có thể trong vài tháng tới. Nếu hợp nhất, hai doanh nghiệp này sẽ tạo ra một “gã khổng lồ” internet của Indonesia với vốn hóa trị giá tổng cộng 18 tỷ USD. Trong đó, Gojek được định giá khoảng 10,5 tỷ USD. Hoạt động của doanh nghiệp này sẽ mở rộng từ gọi xe, thanh toán, giao hàng trực tuyến cho đến thương mại điện tử. Thương vụ sáp nhập này cũng có thể vấp phải ít sự phản đối hơn so với thương vụ sáp nhập với Grab trước đó.

9/ Từ tháng 4/2021, Nhật Bản sẽ hỗ trợ lao động chuyển việc làm sang ngành điều dưỡng, làm việc tại các cơ sở phúc lợi xã hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến nguồn lao động của ngành này bị thiếu hụt lớn. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo để có được chứng chỉ lao động, sinh hoạt phí, cùng với khoản vay 200.000 yên (khoảng 1.900 USD) trước khi chính thức bắt đầu công việc. Theo Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, đây là lần đầu tiên chính phủ áp dụng chính sách miễn bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhằm khuyến khích tái tuyển dụng cho các ngành thiếu nguồn lao động. Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu chuyển đổi được 22.000 lao động từ các ngành khác sang làm việc trong ngành điều dưỡng và phúc lợi.
10/ Cơ quan an toàn thực phẩm của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã đình chỉ việc nhập khẩu sản phẩm và thịt gia cầm một số khu vực ở Đức, Ba Lan và Nhật Bản do dịch cúm gia cầm. Trung tâm An toàn Thực phẩm (CFS) thuộc Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hong Kong cho biết quyết định được đưa ra dựa trên các thông báo của Tổ chức Thú y Thế giới (OEI) về ổ dịch cúm gia cầm H5N8 tại những khu vực này. Việc dịch cúm gia cầm đang lây lan nhanh chóng ở châu Âu có nguy cơ đẩy ngành chăn nuôi gia cầm của châu lục này rơi vào tình trạng đáng báo động khi các đợt bùng phát trước đó đã khiến hàng chục triệu con gia cầm bị tiêu hủy.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
ASEAN với chiến lược vaccine ngừa Covid-19 thúc đẩy hồi phục kinh tế