Bản tin thị trường – ngày 9/9/2020

Đường Sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình, Phường Bến Nghé, quận 1 - Ảnh: kyluc.vn
Tiêu điểm:
Sách giả lộng hành và chuyện làm giàu từ sách giả
19 cuốn sách bán ra, thì có 18 cuốn sách là giả.
Đó là kết luận của First News – Trí Việt sau khi phát hiện các đầu sách của công ty có đến 18 nơi lậu. Đó là những tựa sách bán rất chạy như: Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, bộ 16 cuốn Hạt giống tâm hồn, Đi tìm lẽ sống, Bí mật may mắn, Hành trình về phương Đông…
Nhiều tựa sách này được bán trên các gian hàng của sàn thương mại điện tử Lazada.
First News – Trí Việt đã hành động. Ngày 4/9 vừa rồi, First News – Trí Việt nộp đơn khởi kiện Lazada thuộc Công ty Recess – Alibaba) lên Tòa án Nhân dân Q1, TP.HCM. Trong đơn kiện, nguyên đơn yêu cầu bị đơn “tháo gỡ ngay toàn bộ thông tin liên quan của các gian hàng bán sách giả bị phát hiện; có biện pháp quản lý, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn thương mại điện tử Lazada và buộc các nhà sách, gian hàng bán sách phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của các quyển sách đang được mua bán”.
Về mức thiệt hại, NXB này cho biết trong buổi họp báo sáng nay 9/9: “Chưa thể thống kê vì quá lớn!”
CEO Nguyễn Văn Phước nói doanh thu của công ty có thể tăng hàng chục lần nếu không có nạn sách giả trong 15 năm qua. Ông nói các nhà xuất bản Việt Nam có thể đạt doanh thu hàng năm hàng trăm tỷ đồng nếu nạn ăn cắp bản quyền được dẹp bỏ. “Riêng 10.000 cuốn sách giả chúng tôi từng phát hiện của nhà in Huy Thi năm 2011 đã trị giá hơn 1 tỷ đồng”, ông Phước nói.
Chuyện First News – Trí Việt đơn thân độc mã “đi rình” mấy tay làm sách lậu từ Nam ra Bắc dây dưa nhiều năm rồi. Bắt quả tang tại trận, mời cơ quan chức năng đến lấy vi bằng làm chứng… rồi cũng chả ăn thua. Giờ chuyện ăn cắp bản quyền trí tuệ diễn ra ngay trên một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất trong khu vực.
Còn nhà văn Trang Hạ kể câu chuyện ăn cắp trí tuệ công khai mà bà gặp phải. Nhà văn kể là mình được mời đến sự kiện ký sách tại phố sách Đinh Lễ. Bà đã liên hệ và trao đổi với chủ cửa hàng sách “xin phép ngày đó, buổi đó mượn địa điểm cửa hàng để ký sách và giao lưu cùng người đọc”. Chủ tiệm đó rất vui vẻ.
Hôm ký sách, đau đớn thay, cửa hàng đã nhập về 500 cuốn sách giả của mình để bán. Sách giả được tác giả ký tại sự kiện của chính tác giả, ai dám nghi ngờ”, Trang Hạ viết trên trang cá nhân.
Nhà văn cầm cuốn đầu tiên ký, nhận ra ngay sách giả và chỉ ký duy nhất một cuốn. “Tất nhiên dù mình từ chối ký, 499 cuốn sách giả ấy sau này vẫn nằm trên giá sách của hàng trăm độc giả khác. Người bán sách ấy đã mua mấy căn nhà mới, hẳn là nhà thật và tiền mặt”, nhà văn kể.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,55 – 56,30 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát hôm qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra tiếp tục được thu hẹp xuống còn 750.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm này, giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch quanh mức 1926,3 USD/ounce, giảm 9 USD, tương đương 0,45% giá trị so với khi chốt phiên trước.
2/ Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) thông báo sẽ hỗ trợ khoảng 2 triệu người lao động dệt may ở Việt Nam và sáu nước khác, gồm Bangladesh, Indonesia, Campuchia, Lào, Ethiopia và Madagascar, nhằm giúp họ vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, gói hỗ trợ của Đức này được triển khai trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ khẩn cấp do Covid-19 của BMZ, bao gồm việc chính phủ Đức sẽ chi 14,5 triệu euro để hỗ trợ 7 nước đang đặc biệt gặp khó khăn do đại dịch nhằm giúp ổn định ngành dệt may ở những nước này, qua đó hỗ trợ cho khoảng 2 triệu người lao động đang làm việc trong lĩnh vực dệt may.
Các lao động dệt may tại một nhà máy ở Hà Nôi – Ảnh” baodansinh
3/ Thừa Thiên – Huế sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi, da giày tại một khu công nghiệp (KCN) chuyên dệt may để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp này. Các dự án kêu gọi đầu tư bao gồm sản xuất phụ liệu ngành may như: cúc, khóa kéo, băng chun,..; dự án sản xuất các phụ tùng đặc thù của ngành dệt may như: lược, lamen, dây go (cho ngành dệt); khuyên, nồi, suốt sắt,…(cho ngành kéo sợi); chân bàn máy khâu, máy cắt, máy kiểm vải,…(cho ngành may). Đặc biệt, đến năm 2025 sản lượng sợi đạt trên 150.000 tấn sợi/năm và trên 45 triệu mét vải/năm.
Ngành dệt may tỉnh Thừa Thiên – Huế có năng lực sản xuất hơn 500 triệu sản phẩm may mặc và 100.000 tấn sợi/năm, là địa phương có quy mô lớn nhất trong các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đóng góp khoảng 42,6% giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may và khoảng 41,6% tổng giá trị xuất khẩu dệt may của khu vực.
4/ Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, giá dầu rớt xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6 trong bối cảnh xuất hiện lo ngại ngày một lớn về nhu cầu tụt giảm do đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh. Dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) giảm 3.01 USD, tương đương mức giảm 7,6%, xuống còn 36,76 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, dầu WTI có thời điểm rớt xuống chỉ còn 36,13 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 15/6/2020. Dầu Brent cũng có phiêm giảm giá mạnh, mất 5,3%, xuống còn 39,78 USD/thùng, cũng là mức giá thấp nhất kể từ tháng 6.
5/ Ngành nông nghiệp Hà Nội đầu tư lai tạo giống bò Wagyu. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, sản phẩm thịt bò Wagyu đã chính thức ra lò với chất lượng ưu việt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, bò lai Wagyu dù mới nuôi 24,5 tháng tuổi trong điều kiện chưa có quy trình chuẩn nuôi nhưng đã cho kết quả sau mổ khảo sát khá ấn tượng. Hiện tại thì giá trung bình của một bê lai Wagyu là 17 triệu đồng/con, với lợi nhuận cho người nuôi dao động từ 35 triệu đồng/con.
Một trang trại chăn nuôi bò Úc tại Việt Nam – Ảnh: hoaphat
6/ Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay, tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt qua làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua. Trong 6 tháng đầu năm nay, tuy nền kinh tế toàn cầu đã bị tác động bởi Covid-19 nhưng nhờ vào hàng loạt hợp đồng xuất khẩu đã ký và đang triển khai, thì doanh thu xuất khẩu của Vinamilk đã cán mốc 2.451 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ 2019, đóng góp tích cực vào kết quả chung của Công ty. Sữa bột hiện là sản phẩm đóng góp lớn nhất trong doanh thu xuất khẩu của Vinamilk. Tổng kim ngạch xuất khẩu tính đến nay đã đạt 2,2 tỷ USD, với 54 quốc gia.
7/ Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast vừa công bố kết quả kinh doanh tóm tắt nửa đầu năm 2020 với khoản lỗ ròng lên tới 6.591 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, khoản lỗ năm nay đã cao hơn 4 lần (cùng kỳ lỗ 1.570 tỷ). Kết quả kinh doanh này cho thấy phần lớn số lỗ ở bộ phận sản xuất, bao gồm VinFast và Vinsmart, ghi nhận trên báo cáo tài chính bán niên 2020 của Vingroup đều đến từ doanh nghiệp sản xuất xe điện và xe hơi này.
8/ Hãng dược AstraZeneca công bố đã tạm ngưng việc nghiên cứu thử nghiệm vaccine Covid-19 sau khi một người tham gia vào cuộc thử nghiệm lâm sàng này đã bị bệnh. Theo Bloomberg, vaccine mà AstraZeneca đang phát triển, với các nghiên cứu viên thuộc Đại học Oxford, được coi như một trong những ứng cử viên hàng đầu để đưa ra thị trường. Quyết định tạm ngưng này không khỏi khiến các nhà đầu tư trên các thị trường tài chính thất vọng và cổ phiếu của AstraZeneca đã tụt giảm nghiêm trọng, đến 8,3%.
9/ Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không dân dụng toàn cầu gặp khó khăn. Hội đồng Sân bay Quốc tế ước tính doanh thu của các sân bay sụt giảm tới 60% do dịch bệnh.
Ước tính thiệt hại từ đại dịch Covid-19 đối với doanh thu sân bay toàn cầu 2020 – Ảnh: Inforgraphics
10/ Được chính phủ ‘bật đèn xanh’, hàng loạt công ty Nhật Bản muốn chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Theo Nikkei Asian Review, chính phủ Nhật Bản đã tung ra chương trình trị giá 220 tỷ yên (2,07 tỷ USD) trong năm tài chính 2020 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nội địa. Sau khi vòng đầu tiên kết thúc vào tháng 6, thì chính phủ đã phê duyệt 57 dự án với tổng giá trị 57,4 tỷ yên, chiếm hơn một nửa trong số 90 số đơn đăng ký từ các công ty. Ở vòng thứ 2, kết thúc vào tháng 7, thì số lượng công ty quan tâm tới chương trình trên tăng vọt, lên tới 1.670 công ty, tương ứng với khoản ngân sách 1.760 tỷ yen, cao gấp 11 lần số tiền còn lại trong ngân sách.
11/ ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng TikTok, đang thưởng các khoản tiền mặt cho hơn 60.000 nhân viên trên toàn thế giới mặc cho bối cảnh công ty này đang phải đối mặt với những lệnh cấm ở Mỹ. Cụ thể, ByteDance nói với các nhân viên phù hợp rằng họ sẽ được nhận một khoản tiền thưởng tương đương một nửa tháng lương. Theo một nguồn tin nội bộ, ByteDance cho biết khoản tiền thưởng là để “cảm ơn nỗ lực và sự tận tâm của mọi người” giữa lúc ByteDance phải đối mặt với cả những áp lực từ dịch bệnh COVID-19 và các vấn đề liên quan đến chính trị.
12/ Samsung SK Hynix và LG sẽ ngừng cung cấp màn hình smartphone và linh kiện bán dẫn cho Huawei từ ngày 15/9 tới nhằm tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ – tờ Chosun Biz của Hàn Quốc đưa tin.
Mành hình smartphone mà Samsung và LG cung cấp cho Huawei nằm trong phân khúc cao cấp đòi hỏi phải có các con chip cần thiết để hoạt động. Loại chip này lại có yếu tố sở hữu trí tuệ Mỹ nên nằm trong danh sách bị cấm bán cho Huawei.

Lê Hiếu – Ricky Hồ / BSA

Bản tin thế giới – ngày 9/9/2020