Bản tin thị trường, từ 1-7/7/2023

Bà Vũ Kim Anh, PGĐ Trung tâm BSA cùng các doanh nghiệp khảo sát tại 1 chợ đầu mối của Thái Lan

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

1.    Đức tiêu thụ thịt ở mức thấp kỷ lục
Người Đức nổi tiếng yêu xúc xích và thịt nướng, nhưng họ đã dần ăn ít thịt hơn trong vài năm qua. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Đức cho thấy mức tiêu thụ thịt giảm xuống còn 52 kg/người vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 1989 – khi số liệu bắt đầu được ghi nhận. Con số này 5 năm trước là 61kg. Những lo lắng về phúc lợi động vật, biến đổi khí hậu và giá cả cao hơn dường như đã khiến người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế thịt trong bữa ăn. Theo Bộ Nông nghiệp, hiện có khoảng 10% người Đức ăn chay, con số này năm 2018 là 6%. Bộ Nông nghiệp Đức đang nghiên cứu chiến lược dinh dưỡng giúp người Đức ăn uống lành mạnh hơn và dự định sẽ công bố chiến lược này vào cuối năm 2023. Kể hoạch này nhằm khuyến khích người dân tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều thực vật hơn.
Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir cũng là người ăn chay. Mặc dù đã lựa chọn ăn chay khi còn là một thiếu niên do những lo ngại đối với động vật, ông Ozdemir vẫn nhận thấy vai trò của ngành công nghiệp thịt. Theo ông Ozdemir, điều quan trọng là cải cách sản xuất thịt gắn liên với các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Sebastian Joy, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ ProVeg International, thị trường các sản phẩm thay thế thịt đang phát triển cũng đóng vai trò quan trọng. “Bạn vẫn có thể ăn bánh mì kẹp thịt, thịt nướng, xúc xích, nhưng bạn không cần phải giết động vật để lấy nó,” ông cho hay.
Nhưng không phải người Đức nào cũng cảm thấy lạc quan về tương lai mọi người sử dụng ít thịt hơn. Truyền thông Đức gần đây đưa tin rằng, Hiệp hội Dinh dưỡng Đức (DGE), cơ quan tư vấn cho chính phủ về các biện pháp thúc đẩy ăn uống lành mạnh, đang lên kế hoạch khuyến nghị chỉ 10 gram thịt mỗi ngày. Sau khi Mạng xã hội dậy sóng về thông tin này, DGE cho biết tranh cãi chỉ là hiểu lầm nhưng cuộc tranh luận chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một cuộc khảo sát gần đây của nhật báo nổi tiếng Bild cho thấy 57% người Đức kiên quyết phản đối việc nhà nước thực hiện các biện pháp giảm tiêu thụ thịt.
Nguồn: https://toquoc.vn/duc-tieu-thu-thit-o-muc-thap-ky-luc-chuyen-gi-dang-xay-ra-o-nen-kinh-te-lon-nhat-chau-au-20230628232231556.htm
2.    Singapore yêu cầu dán nhãn hàm lượng đường với trà sữa
Theo hướng dẫn từ Bộ Y tế Singapore ngày 30/6, các cửa hàng đồ uống phải công bố hàm lượng đường với cả các loại topping (nguyên liệu đi kèm) như trân châu, thạch hay kem đá xay. Quy định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12, CNA đưa tin. Các loại đồ uống cần tuân thủ quy định mới bao gồm sản phẩm được pha chế trực tiếp tại quán cà phê, nước hoa quả tươi và trà sữa trân châu. Thực đơn và quảng cáo – cả trực tuyến lẫn tại cửa hàng – đều cần chứa thông tin trên. Bộ Y tế Singapore cho biết động thái trên là một phần của “chiến lược dài hạn nhằm định hình hành vi người tiêu dùng, hướng đến giảm lượng đường tiêu thụ trong dân số”, theo CNA.
Thang hàm lượng đường của Singapore bao gồm bốn cấp độ từ thấp đến cao: A (không quá 1%, màu xanh lá cây đậm), B (không quá 5%, màu xanh lá cây nhạt), C (không quá 10%, màu cam) và D (trên 10%, màu đỏ). Các mặt hàng ở mức C và mức D buộc phải dán nhãn. Riêng mức D bị cấm quảng cáo. Trong khi đó, các cửa hàng có thể lựa chọn công bố hoặc không nếu hàm lượng đường của sản phẩm ở mức A hoặc B. Những cửa hàng không tuân thủ quy định mới có thể bị phạt tới 1.000 dollar Singapore (khoảng 740 USD). Nếu phạm tội nhiều lần, mức phạt có thể lên tới 2.000 dollar Singapore (khoảng 1.480 USD).
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/noi-yeu-cau-dan-nhan-ham-luong-duong-voi-tra-sua-post1444200.html
3.    Unilever tham vọng tăng thị phần ngành kem ở Việt Nam
Sau nhiều năm bị các đối thủ trong nước vượt mặt, Unilever vừa đưa thương hiệu kem lớn nhất về Việt Nam, với kỳ vọng chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc cao cấp. Thương hiệu kem Magnum vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam. Đây là dòng kem cao cấp đã có mặt tại hơn 80 thị trường và đóng góp lớn nhất cho ngành hàng kem của Unilever trên toàn cầu. ông Abhijit Kulkarni – Giám đốc ngành hàng kem Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam của Unilever – cho hay đây là bước đi chiến lược để tập đoàn gia tăng thị phần ở Việt Nam. Theo ông, mặc dù Unilever là nhà sản xuất kem lớn nhất thế giới, quy mô kinh doanh trong lĩnh vực này ở Việt Nam còn nhỏ, bởi sự lớn mạnh của các đối thủ trong nước.
Unilever gia nhập thị trường kem Việt Nam từ năm 1997 với nhà máy Wall’s được đầu tư 22 triệu USD tại TP.HCM. Đây được xem là nhà máy kem lớn nhất Việt Nam thời điểm đó. Tuy nhiên, Wall’s đã phải rút khỏi thị trường năm 2003 và bán nhà máy lại cho Kido. Sự trở lại của Wall’s sau này cùng sự gia nhập của nhiều tên tuổi khác đã làm thị trường kem trong nước trở nên sôi động hơn. Theo số liệu gần nhất được công bố của Euromonitor, doanh số bán kem năm 2020 ở Việt Nam đạt 3.793 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019. Các năm trước đó, thị trường luôn tăng trưởng hai chữ số. Tuy nhiên, thị phần của 3 doanh nghiệp lớn gồm Kido, Unilever và Vinamilk đã lên đến 64%. Điều đáng nói, dù Unilever giữ được đà tăng liên tục suốt giai đoạn 2016-2020, tập đoàn này mới chiếm được khoảng 10-11% thị phần, chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với Vinamilk. Đến năm 2023, dữ liệu từ Euromonitor ghi nhận Kido đã nắm giữ 44,5% thị trường kem, trong đó chỉ riêng Merino và Celano đã chiếm lần lượt 24,2% và 19,2% thị phần, cao hơn con số của toàn ngành hàng kem của Unilever và Vinamilk.
Trước khi Magnum xuất hiện, Unilever có 3 nhãn hiệu được biết đến nhiều ở Việt Nam là Cornetto, Paddle Pop và Wall’s. Ông Abhijit Kulkarni nhấn mạnh Magnum sẽ là động lực tăng trưởng lớn trong thời gian tới của tập đoàn tại Việt Nam. Ở Việt Nam, ông đánh giá tỷ trọng tiêu thụ kem trong thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp. Điều đó có nghĩa là dư địa tăng trưởng còn lớn, và ông cho rằng các thương hiệu cao cấp sẽ dẫn đầu sự tăng trưởng này. Trên thực tế, 10 thương hiệu kem phổ biến nhất ở Việt Nam tính đến năm 2020 theo thống kê của Euromonitor đều thuộc phân khúc trung cấp và bình dân. Thị trường kem cao cấp chưa có nhiều tên tuổi lớn hay chiếm thị phần cao.
Nguồn: https://zingnews.vn/unilever-tham-vong-tang-thi-phan-nganh-kem-o-viet-nam-post1444535.html
4.    Giấc mơ Bắc tiến dang dở của các chuỗi cà phê
TP.HCM từ lâu đã trở thành điểm đến hàng đầu cho các chuỗi đồ uống. Ngay cả với những ông lớn đến từ nước ngoài như Café Amazon (Thái Lan), %Arabica (Nhật Bản) hay điển hình nhất là Starbucks (Mỹ), thị trường phía Nam luôn được đánh giá là nơi phù hợp để đặt những viên gạch đầu tiên. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân khách quan từ thói quen tiêu dùng, khí hậu cho đến văn hóa, Hà Nội không phải thị trường có thể dễ dàng chinh phục và là thử thách cho các chuỗi đồ uống mong muốn mở rộng quy mô lẫn tầm ảnh hưởng mang phạm vi cả nước. Chỉ đến vài năm trở lại đây, làn sóng Bắc tiến của các chuỗi đồ uống mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đằng sau sự thành công của những cái tên như Phúc Long, Trung Nguyên hay Starbucks, không ít chuỗi trà và cà phê đã phải ngậm ngùi chia tay thị trường Hà Nội do kết quả không như mong đợi. Điển hình ngay đầu năm 2023, chuỗi Chuk Tea & Coffee (tiền thân là Chuk Chuk) đã quyết định đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Hà Nội và rút lui sau thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm. Cách đây nhiều năm, một thương hiệu cà phê đình đám khác là Passio cũng phải rút lui khỏi thị trường Hà Nội. Cho dù đã mở rộng lên 100 cửa hàng tính đến nay nhưng chuỗi này không đặt bất kỳ chi nhánh nào tại Hà Nội. Tương tự, với những ông lớn khác đang “làm mưa làm gió” tại TP.HCM như Guta (sở hữu 97 điểm bán) hay Café Amazon (sở hữu 20 cửa hàng gồm 16 cửa hàng tại TP.HCM), kế hoạch tiến ra thị trường Hà Nội vẫn bị còn bỏ ngỏ.
Nguồn: https://zingnews.vn/giac-mo-bac-tien-dang-do-cua-cac-chuoi-ca-phe-post1443883.html
5.    Thương hiệu nội ngoại chìm nổi theo chuỗi cà phê và ẩm thực
Sau suy kiệt bởi 2 năm đại dịch Covid, thị trường thực phẩm – đồ uống (F&B) đang tiếp tục chứng kiến việc đóng cửa hàng hàng loạt hoặc thay đổi nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người thắt chặt chi tiêu… Đáng chú ý là thương hiệu ngoại như Auntie Anne’s (Mỹ), Mellower Coffee (Trung Quốc),… gần đây đã nối đuôi những thương hiệu cà phê nước ngoài trước đó rời bỏ thị trường 100 triệu dân này. Việc thu hẹp kinh doanh, thay đổi chủ đầu tư, thậm chí là đóng cửa rút khỏi thị trường ở mỗi thương hiệu, chuỗi cửa hàng, quán ăn, nhà hàng đều có lý do riêng và tùy theo mô hình hoạt động, chiến lược của doanh nghiệp. Tuy nhiên tựu chung phần lớn là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài,…Với dân số gần 100 triệu dân, đa số là người trẻ và nền kinh tế đang phát triển ổn định, Việt Nam được các thương hiệu đánh giá là thị trường đầy tiềm năng để khai thác. Tuy nhiên, cứ mang cả mô hình ở bản xứ vào thị trường Việt Nam kinh doanh chưa hẳn là thành công.
Tuy nhiên, không chỉ là các thương hiệu ngoại hoặc các quán cao cấp, tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hàng ẩm thực nhà hàng, ăn uống nói chung đang trong bối cảnh khó khăn do suy thoái kinh tế. Theo các chuyên gia trong ngành F&B, kinh doanh nhà hàng có những thay đổi quá nhanh trong thời gian qua. Từ năm 2022, sau Covid-19, thị trường F&B bất ngờ ghi nhận tăng trưởng nóng, gần như nhà hàng nào cũng đông khách, phải đặt bàn trước… Thế nhưng sang quí cuối năm 2022, đáng lẽ vào mùa lễ hội, chi tiêu cho ăn uống ngoài phải tăng do dịp doanh nghiệp tổng kết cuối năm, người dân đi du lịch… Thế nhưng, ghi nhận cho thấy, doanh số các nhà hàng giảm sút trầm trọng từ đó đến nay.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/thuong-hieu-noi-ngoai-chim-noi-theo-chuoi-ca-phe-va-am-thuc/

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Du khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng mạnh
Đầu tháng 7/2023, số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, số lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam ước tính trong tháng 6/2023 là 284.350 lượt, lũy kế 6 tháng đầu năm là 1.602.183 lượt. Đây là quốc gia dẫn đầu số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, cao hơn gần 50% so với thị trường từ Trung Quốc. Một yếu tố khiến số lượng lớn người dân Hàn Quốc chọn Việt Nam là điểm đến du lịch là bởi xu hướng du lịch mới, được gọi là “Longcation”. Thuật ngữ này đề cập đến một kỳ nghỉ dài ngày với nhịp độ chậm, trong đó khách du lịch thường ở trong một quốc gia, thành phố duy nhất trong suốt chuyến đi. Trước đại dịch, du khách Hàn Quốc lần đầu đến Việt Nam thường chọn Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh là điểm đến. Hiện nay, họ thường đặt vé máy bay thẳng đến Đà Nẵng, Phú Quốc hoặc Nha Trang. Cả ba đều là các điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng, cách xa sự ồn ào, náo nhiệt của các thành phố lớn.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ, Việt Nam đã đẩy mạnh việc quảng bá, tiếp thị du lịch tới khách hàng Hàn Quốc thông qua nhiều chiến dịch truyền thông. Các chương trình truyền hình thực tế hút khách tại Hàn Quốc nhiều lần nhắc đến Việt Nam. Đây là yếu tố thúc đẩy người Hàn đến Việt Nam du lịch. Hiện khách Hàn Quốc chủ yếu đi du lịch tự túc hoặc đặt qua các công ty Hàn Quốc có đại diện tại Việt Nam. Các công ty du lịch Việt khó đón được khách Hàn. Nếu khách Hàn mua tour tại Việt Nam, họ chủ yếu mua các tour trong ngày, nhỏ lẻ.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/du-khach-han-quoc-den-viet-nam-tang-manh-co-hoi-phuc-hoi-du-lich-a615409.html
2.    DIFF và tiềm năng của Việt Nam trở thành thành điểm đến pháo hoa mới của thế giới
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, với mục đích tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành thành phố của sự kiện và lễ hội. Từ chỗ không có khán đài (năm 2008), đến năm 2009, khán đài dành cho người xem đã được lắp đặt với 6.000 chỗ ngồi và sau đó mở rộng lên gần 17.000 chỗ ngồi. Nhờ hành trình thăng hoa hơn một thập kỷ của DIFF mà đến nay Đà Nẵng được thế giới biết đến là “thủ đô pháo hoa của Việt Nam”. Cứ đến mỗi dịp hè, khi diễn ra Lễ hội pháo hoa, thành phố bên sông Hàn như lột xác, trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn bậc nhất cả nước. DIFF là một trong những lý do khiến lượng khách đổ về Đà Nẵng không ngừng tăng lên theo mỗi năm. Từ năm đầu tiên tổ chức với hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch và doanh thu hơn 810 tỷ đồng, sau hơn 10 năm, Đà Nẵng đã đón được 8,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 31.000 tỷ đồng, tăng gấp 38 lần.
Thống kê cho thấy, lượng khách lưu trú trong bốn đêm thi pháo hoa vừa qua đạt gần 240.000. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 83.000 người, khách nội địa là gần 158.000 người. Công suất buồng phòng khách sạn toàn TP đạt khoảng 70%. Đà Nẵng dự báo lượng du khách lưu trú đêm chung kết diễn ra tối 8/7 tới sẽ là khoảng hơn 63.000 người. Trong đó khoảng 19.000 khách quốc tế. Công suất buồng phòng toàn TP đêm 8/7 dự kiến đạt khoảng 75%. Những con số biết nói đã và đang chứng minh Lễ hội pháo hoa không chỉ là những màn trình diễn thoả mãn thị giác, mà còn trở thành một biểu tượng thành công của Đà Nẵng. Và theo nhiều chuyên gia, nếu được đầu tư bài bản hơn, với khán đài quy mô lớn hiện đại hơn, cùng “hệ sinh thái pháo hoa” gồm nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, chắc chắn, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng sẽ còn làm nên tên tuổi không chỉ cho thành phố sông Hàn, mà còn biến Việt Nam thành một “điểm đến pháo hoa mới” của thế giới.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/diff-lieu-co-the-bien-viet-nam-thanh-diem-den-phao-hoa-moi-cua-the-gioi-20230705114530853.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1.    Doanh nghiệp giảm giá, tiếp sức người tiêu dùng
Trước thời điểm bước sang tháng 7/2023, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh đã công bố hoạt động khuyến mãi, giảm giá dành cho đa dạng nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm. Theo các đơn vị này, với bối cảnh kinh tế đang phục hồi và phát triển, tiếp sức người tiêu dùng và san sẻ gánh nặng chi tiêu cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2023, Công ty Acecook Việt Nam thực hiện khuyến mãi, giảm giá đối mới sản phẩm mì gói nhãn hiệu Hảo Hảo và phở Đệ Nhất
Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều nhà bán lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như LOTTE Mart cũng triển khai chương trình khuyến mãi “Ẩm thực và gia đình” mang đến cho khách hàng cơ hội mua sắm sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất, kéo dài từ nay đến ngày 11/7/2023. Tương tự, tại trung tâm MM Mega Market tổ chức đại tiệc mua sắm siêu khuyến mãi “Sale sập dàn” mang đến hàng loạt ưu đãi lớn cho hơn 2.000 mặt hàng. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đang chạy chương trình khuyến mãi “Gia đình Việt – Đại sứ xanh” từ nay đến ngày 12/7/2023.
Nguồn: https://bnews.vn/doanh-nghiep-giam-gia-tiep-suc-nguoi-tieu-dung/297403.html
2.    Bốn đặc trưng mới của người tiêu dùng Việt Nam
Bối cảnh thị trường nội địa Việt Nam, trước hết phải kể đến dân số đang ở mức 100 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng đông – khả dĩ chiếm đến nửa dân số vào năm 2035, theo McKinsey. Nhưng một điều quan trọng cần được lưu tâm là chỉ số lạc quan ở người tiêu dùng Việt rất cao. Họ đang thúc đẩy việc mua hàng hóa cao cấp, đồng thời tìm kiếm những giá trị tốt hơn, bất chấp kinh tế trong nước cũng như trên thế giới đang đứng trước nhiều thách thức. Với đặc điểm này cùng với dự báo tăng trưởng giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam chỉ vào khoảng 9-10% (so với 14% năm 2022), thiết nghĩ, việc nhận diện và cập nhật thị trường nội địa là rất cần thiết.
Sự tăng trưởng tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay có thể dựa trên ba cột trụ: (i) tỷ lệ người lạc quan tăng cao, (ii) tầng lớp trung lưu tăng nhanh và (iii) địa bàn tiêu dùng chính không còn tập trung nơi các thành phố lớn mà mở rộng ra các thành phố nhỏ và vùng nông thôn. Khảo sát của Công ty tư vấn McKinsey cho thấy người tiêu dùng trung lưu ở trong nước nhìn chung lạc quan nhất thế giới – một tâm lý dường như ngày càng thịnh hành từ khi đất nước thoát khỏi thời kỳ suy thoái và hạn chế kinh tế. Với tất cả sự lạc quan, người tiêu dùng Việt Nam ở trong nước trở nên sáng suốt hơn và có ý thức hơn về giá trị của mặt hàng. Bởi lẽ họ cũng ý thức rằng thu nhập và tiết kiệm sẽ giảm, giá cả sẽ tăng, lo ngại lạm phát, thiếu xăng, giá nhiên liệu tăng cao cùng những áp lực tài chính. Tất cả những điều này thúc đẩy họ chuyển sang các lựa chọn mua sắm sáng suốt.
Người tiêu dùng Việt ngày càng tinh tế và đang phát triển rõ nét theo cả bốn hướng: (1) ý thức hơn về giá trị, (2) thích các nền tảng đa kênh, (3) ít trung thành với thương hiệu và cửa hàng, đồng thời với (4) tìm kiếm mục đích trong những thứ họ mua. Điều này có thể được nắm bắt trong một khuôn khổ gọi là “bốn không”, gồm: không chính thống (zero mainstream), không ranh giới (zero boundaries), không trung thành (zero loyalty) và nhắm vào các mục đích của tiêu dùng (net zero). Trước thực tế của thị trường tiêu dùng nội địa và để tận dụng tinh thần lạc quan hiện hữu nơi người tiêu dùng, các công ty đang có sự chuyển đổi sang những mô hình phát triển mới với những kênh phân phối phù hợp, định hình một số sản phẩm cao cấp thu hút giới trung lưu và giới trẻ, mở rộng phân phối đến các thành phần dân cư. Thêm nữa, các công ty, các thương hiệu, nhãn hiệu cũng đặc biệt quan tâm đưa ý nghĩa vào các sản phẩm, dịch vụ, bởi người tiêu dùng đang tìm kiếm những sản phẩm tốt cho sức khỏe, không làm hại môi trường và thích mua những sản phẩm có dấu ấn địa phương.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/bon-dac-trung-moi-cua-nguoi-tieu-dung-viet-nam/

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

  1. Louis Vuitton kết hợp cùng thương hiệu mới để thu hút giới trẻ Trung Quốc
Mua sách tặng túi vải Louis Vuitton đang là hoạt động thu hút sự chú ý ở Trung Quốc. Theo Jingdaily, từ 25/6 đến 9/7, nhà mốt xa xỉ hợp tác với 3 cửa hàng là Plusone, Metal Hands và Manner để bày bán sách. Khách hàng có cơ hội được nhận túi tote của thương hiệu Pháp và thưởng thức cà phê nếu mua ít nhất 2 cuốn sách từ nhãn hàng. Hashtag “hiệu sách LV” thu hút hơn 168.800 lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc. Đồng thời, theo công ty truyền thông Sohu (TQ), giới trẻ xứ tỷ dân xếp hàng dài để có cơ hội sở hữu túi tote.
Trong hoạt động lần này, Louis Vuitton hợp tác với 3 cửa hàng cà phê. Mỗi địa điểm theo một chủ đề màu sắc khác nhau với kiểu túi vải tương ứng. Cửa hàng LV x Plusone theo tông vàng, LV x Manner chọn chủ đề xanh lam và LV x Metal Hands lấy tông đỏ làm chủ đạo. Điều này đã khiến nhiều bạn trẻ quyết định đi đến cả 3 địa điểm để sưu tầm đủ các màu sắc của túi tote. Hành động này được truyền thông xứ tỷ dân cho là “tiêu dùng bốc đồng”. Bởi khách hàng được tặng túi khi mua 2 cuốn sách. Theo người tiêu dùng, cuốn rẻ nhất có giá 290 tệ. Nói cách khác, nếu khách hàng muốn sưu tầm đủ 3 màu của túi, họ phải chi ít nhất 1.740 tệ. Sự kiện kéo dài đến 9/7, nhưng hiện tại, các cuốn sách đã được bán hết.
Sohu nhận định hoạt động của Louis Vuitton giúp nhiều bên có lợi nhuận và khơi dậy sự quan tâm của giới trẻ đối với thương hiệu xa xỉ. Việc các nhà mốt xa xỉ hợp tác với thương hiệu mới đang trở nên phổ biến hơn. Vào tháng 5, Fendi và Heytea hợp tác với nhau. Trong thời gian diễn ra sự kiện, khách hàng mua 2 cốc đồ uống của Heytea sẽ được tặng phụ kiện phiên bản giới hạn. Ngay khi các sản phẩm được tung ra, đơn hàng bùng nổ và các sản phẩm nhanh chóng hết hàng. Có thể thấy, dù còn nhiều ý kiến tranh cãi về sự ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu, nhưng các chiến dịch của Louis Vuitton, Fendi đã rất thành công trong việc thu hút sự chú ý của nhóm người tiêu dùng Gen Z Trung Quốc.
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/gioi-tre-trung-quoc-bat-chap-de-co-tui-louis-vuitton-voi-gia-re-post1444802.html
  1. Sự vươn mình của mỹ phẩm nội địa Trung Quốc
Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc không còn bị coi là “lựa chọn thay thế giá rẻ”, mà giờ đã được coi là sản phẩm cao cấp ở nước này. Các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc, hay còn gọi là “C-beauty”, đã chứng kiến doanh số bán hàng của họ tăng 51% từ năm 2017 đến năm 2022, vượt xa mức tăng trưởng 42% của thị trường chung. Ông Yang Hu, quản lý cấp cao tại Euromonitor cho biết những thương hiệu này có tiềm năng kéo dài vòng đời sản phẩm và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Năm 2022, thị trường chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân của Trung Quốc trị giá 78,9 tỷ USD. Trong đó, phân khúc chăm sóc da trị giá 41 tỷ USD và mỹ phẩm trị giá 8,2 tỷ USD. Các thương hiệu làm đẹp Trung Quốc chiếm 28% doanh số bán lẻ trong số 20 thương hiệu hàng đầu được bán tại Trung Quốc, tăng từ 14% vào năm 2017.
Trong khi các thương hiệu quốc tế như L’Oreal Paris, Estee Lauder, Yves Saint Laurent và Christian Dior vẫn thống trị thị trường, nỗ lực cá nhân hóa và phát triển sản phẩm đã giúp các thương hiệu nội địa dần bắt kịp. Theo báo cáo của Euromonitor, các công ty nội địa như Jala và Proya đã cho thấy tiềm năng thông qua các chiến lược tiếp thị và phát triển sản phẩm mới nhắm vào thế hệ trẻ. Trong khi đó, các thương hiệu mới nổi như Winona và Florasis cũng đã thúc đẩy đổi mới thành phần và mẫu mã sản phẩm. Thương mại điện tử cũng góp phần vào sự phát triển của các thương hiệu Trung Quốc. Phần lớn doanh số bán hàng của họ được tạo ra thông qua các nền tảng trực tuyến và quảng cáo trên mạng của người nổi tiếng.
Các nền tảng thương mại điện tử như AliExpress và Shein cũng đã cho phép các thương hiệu Trung Quốc giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ nhận diện thương hiệu trên toàn cầu còn thua xa các thương hiệu của Hàn Quốc và Nhật Bản. Để giải quyết thách thức này, một số công ty Trung Quốc đã cố gắng thu hút người tiêu dùng quốc tế bằng cách đưa ra mức giá phải chăng và lựa chọn đa dạng.
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/my-pham-noi-dia-trung-quoc-khong-con-la-hang-an-theo-post1444639.html

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

  1. Nhật Bản vẫn đứng thứ hai thế giới về rác thải nhựa
Các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi ni-lông, không dễ phân hủy một khi chúng được thải ra biển hoặc sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, từ tháng 7/2020, chính phủ Nhật bắt buộc tất cả các nhà bán lẻ phải tính phí túi nhựa. Theo Hiệp hội chuỗi cửa hàng Nhật Bản, tỷ lệ người mua sắm từ chối sử dụng túi nhựa khi thanh toán tại các siêu thị ở Nhật Bản đạt 80,26% trong năm tài chính 2021, tăng mạnh so với mức 57,21% trong năm tài chính 2019, trước khi các khoản phí được áp dụng. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi trung tâm nghiên cứu kinh tế JCER cho thấy tổng số túi nhựa được phân phối tại Nhật Bản vào năm 2019 là khoảng 197.160 tấn. Con số này giảm một nửa xuống còn 100.410 tấn vào năm 2021. Theo một cuộc khảo sát dư luận do Văn phòng Nội các tiến hành vào mùa Thu năm ngoái, 60% người dân cho biết họ “đã nhận thức rõ hơn về nhu cầu giảm thiểu rác thải nhựa và có hành động phù hợp” kể từ khi các khoản phí đối với túi nhựa được đưa ra. Ông Tsutomu Mizutani, người đứng đầu văn phòng thúc đẩy tái chế tại Bộ Môi trường, cho biết, nhận thức của mọi người về vấn đề rác thải nhựa ngày càng tăng chứng tỏ sự thay đổi trong quy định đã có hiệu quả ở một mức độ nào đó.
Tuy nhiên, lượng chất thải nhựa được sản xuất trong nước lên tới 8,24 triệu tấn vào năm 2021. Túi nhựa chỉ chiếm 1,2% trong tổng số này. Về vấn đề này, chính phủ Nhật đã thực hiện một loạt biện pháp giảm thiểu chất thải bổ sung. Vào tháng 4 năm ngoái, chính phủ Nhật đã bắt buộc các nhà điều hành doanh nghiệp phải giảm thiểu chất thải từ 12 sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao gồm thìa, nĩa và các đồ dùng do khách sạn cung cấp, đồng thời thúc đẩy việc giới thiệu các loại nhựa ít gây hại môi trường. Tuy nhiên, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, khối lượng rác thải hộp và bao bì nhựa tính theo đầu người ở Nhật Bản đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Một tổ chức quốc tế thậm chí đã ước tính rằng nếu không thực hiện các biện pháp hiệu quả, lượng rác thải nhựa được tạo ra trên toàn thế giới vào năm 2060 sẽ lên tới 1,014 tỷ tấn, gấp khoảng ba lần so với năm 2019.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-van-dung-thu-hai-the-gioi-ve-rac-thai-nhua-20230704185923037.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Mỹ – Trung cạnh tranh về AI
Theo Reuters, từ tháng 10 năm ngoái, Washington đã ban hành một loạt quy định với mục đích đóng băng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong lúc Mỹ rót hàng tỉ USD cho ngành chip của mình. Một trong số quy định nói trên hạn chế bán sang Trung Quốc những loại chip đem lại sức mạnh điện toán cần thiết để tạo ra các công nghệ AI tương tự ChatGPT. Tuân theo các quy định trên, Nvidia đã tạo ra chip H800 dành riêng cho thị trường Trung Quốc (thay cho loại A800). Và chỉ với H800 mà các công ty lớn của Trung Quốc như Tencent đã lên kế hoạch cắt giảm hơn phân nửa thời gian họ cần để huấn luyện những hệ thống AI khổng lồ – theo Reuters đưa tin hồi tháng trước.
Không chỉ vậy, theo hãng tin Bloomberg, giới khoa học, lập trình và cả tỉ phú công nghệ ở Trung Quốc đang dốc sức cạnh tranh với những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Google và Microsoft trong cuộc đua AI. Hiện thời đầu tư cho AI của Mỹ vượt xa Trung Quốc – lần lượt là 26,6 tỉ USD (trong một năm tính tới giữa tháng 6 vừa qua) và 4 tỉ USD, dựa theo dữ liệu của Công ty Tư vấn Preqin. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cho công nghệ AI ở Trung Quốc năm nay dự tính vươn lên khoảng 15 tỉ USD – hãng tin Bloomberg cho biết. Chỉ vài tháng sau khi ChatGPT chào sân, những “ông lớn” Trung Quốc là Baidu, SenseTime, Alibaba… đã giới thiệu những công cụ AI của riêng mình. “Đây là một cuộc chạy đua ở cả Mỹ và Trung Quốc, nhắm tới một thị trường tiềm năng lên tới 800 tỉ USD trên toàn cầu trong thập kỷ tiếp theo” – ông Daniel Ives, nhà phân tích cấp cao tại Công ty Wedbush Securities, nhận định.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-trung-canh-tranh-ve-ai-20230629220909293.htm
2.    Trung Quốc hạn chế xuất khẩu 2 kim loại dùng trong sản xuất chip
Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, kể từ ngày 1/8 tới, nước này sẽ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các kim loại gali và germani. Theo đó, việc xuất khẩu gali và germani bắt buộc phải có giấy phép, trong đó khai báo rõ mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu. Văn bản hướng dẫn của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ việc ban hành các biện pháp này là nhằm “bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”. Giới chuyên gia đánh giá quy định này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời có thể gây thêm gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Paul Triolo – Phó Chủ tịch cấp cao của công ty nghiên cứu chiến lược Albright Stonebridge tại Mỹ – cho rằng quy định mới của Trung Quốc ảnh hưởng đến các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn và quốc phòng của Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ lo ngại về biện pháp hạn chế mới của Trung Quốc, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng bất kỳ sự mở rộng kiểm soát nào đối với các vật liệu như lithium đều sẽ “gây ra vấn đề”.
Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn gali và germani trên thế giới. Theo số liệu của hải quan, trong năm 2022, đối tác nhập khẩu gali hàng đầu của Trung Quốc là Nhật Bản, Đức và Hà Lan. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu hàng đầu germani là Nhật Bản, Pháp, Đức và Mỹ. Theo các nguồn thạo tin, Bộ Thương mại Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc gặp với các doanh nghiệp sản xuất hai loại kim loại nói trên vào ngày 6/7 để thảo luận về các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Biện pháp kiểm soát của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Washington cân nhắc những hạn chế mới về xuất khẩu vi mạch công nghệ cao sang Trung Quốc.
Nguồn: https://bnews.vn/doanh-nghiep-ung-pho-khi-trung-quoc-han-che-xuat-khau-2-kim-loai-voi-san-xuat-chip/298158.html
3.    Tập đoàn Midea tập trung nhiều hơn vào robot, năng lượng mới cho lĩnh vực thiết bị gia dụng
‘Tập đoàn Midea sẽ chú trọng hơn vào các lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn như robot, hệ thống điện và năng lượng mới, để biến lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng lớn thứ hai của tập đoàn khi ngành thiết bị gia dụng đạt đến mức ổn định’ theo ông Fang Hongbo – chủ tịch của thương hiệu thiết bị gia dụng và điều hòa không khí hàng đầu Trung Quốc cho biết. Năm ngoái, Midea đã thu về gần 90 tỷ CNY (13 tỷ USD) trong các giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp từ ba lĩnh vực mới nổi này, tăng 20% so với năm trước. Trong đó lĩnh vực thiết bị gia dụng chiếm 70% doanh thu của công ty, đã bước vào giai đoạn chín muồi và Midea cần đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình.
Midea đã hoàn tất việc tiếp quản nhà sản xuất robot công nghiệp Kuka của Đức vào tháng 11 năm ngoái và công ty hiện đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng dấu ấn của mình tại Trung Quốc. Khi Midea thực hiện khoản đầu tư đầu tiên vào Kuka vài năm trước, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Kuka chỉ chiếm khoảng 7% tổng doanh thu, con số này đã tăng lên 23% vào năm ngoái và có khả năng sẽ tăng lên từ 25% đến 28% trong năm nay. Ngoài ra, là công ty mới trong lĩnh vực phụ tùng xe năng lượng mới và lưu trữ năng lượng, Midea đang theo đuổi chiến lược vừa ‘hoạt động độc lập’ vừa ‘tăng trưởng bằng cách mua lại tài sản’. Điều này sẽ giải quyết cạnh tranh thông qua mua lại và bằng cách tư nhân hóa các công ty sau này. Ví dụ: công ty đã mua phần lớn cổ phần của các công ty trong ngành như Hiconics Eco-energy Technology và Shenzhen Clou Electronics, cả hai đều giao dịch trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chu-tich-midea-tap-trung-nhieu-hon-vao-robot-nang-luong-moi-cho-linh-vuc-thiet-bi-gia-dung-a614881.html
4.    Hãng xe điện Great Wall Motor của Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt Nam
Great Wall Motor (GWM) loan báo rằng sẽ mở bán tại Việt Nam mẫu xe hybrid Haval H6 vào tháng 8-2023 và sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp các loại xe chạy bằng năng lượng mới tại Việt Nam vào năm 2025. GWM là ví dụ mới nhất cho nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam của các hãng xe điện Trung Quốc. Những chiếc Haval H6 ban đầu của GWM sẽ được nhập từ phân xưởng của GWM ở tỉnh Rayong của Thái Lan. Việt Nam là thị trường xe hơi lớn thư tư tại ASEAN sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia – theo dữ liệu về doanh số bán xe năm 2022 do Liên đoàn xe hơi ASEAN công bố.
Bước vào thị trường Việt Nam là nỗ lực mới nhất của GWM nhằm mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Hiện hãng xe đã có mặt tại Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Philippines và Brunei, đồng thời có kế hoạch mở rộng sang các nước còn lại của ASEAN như Singapore và Indonesia. Thị trường xe điện Việt Nam cũng đang sôi động với các mẫu xe điện của Trung Quốc. Cuối tháng 6, TMT Motors chính thức “chào sân” xe điện mini Trung Quốc Wuling Hongguang tới khách hàng Việt Nam với giá thấp nhất 239 triệu đồng/chiếc. Tại triển lãm xe hơi Saigon Autotech & Accessories 2023 tại TP.HCM vào tháng 5 vừa rồi, mẫu xe điện Zhidou A01 có kích thước “siêu nhỏ”, chạy tốc độ tối đa chỉ khoảng 50 kmh sẽ bán chính thức tại Việt Nam trong quý 3-2023 với mức giá hơn 100 triệu đồng/chiếc.
Nguồn: https://bsamedia.vn/hang-xe-dien-great-wall-motor-cua-trung-quoc-xam-nhap-thi-truong-viet-nam/
5.    Triển lãm hàng đầu ngành cơ khí MTA Vietnam 2023 chính thức trở lại
Triển lãm MTA Vietnam 2023 – Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 04 – 7 tháng 07 sắp tới. Sự kiện mở ra cơ hội vàng để doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hội nhập thương mại thế giới, bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành. Triển lãm đánh dấu một trở lại hoành tráng bằng sự tham gia đông đảo của hơn 400+ doanh nghiệp từ 20+ quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Ý, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt, MTA Vietnam 2023 vinh dự đón chào 14+ nhóm gian hàng quốc tế đến trưng bày trên tổng diện tích lên đến 13,200m2. Trong 4 ngày triển lãm, MTA Vietnam dự kiến thu hút hơn 12,000 cá nhân và các đoàn tham quan chuyên ngành đến từ nhiều lĩnh vực trong ngành cơ khí, chế tạo tại Việt Nam.
Với chủ đề “Đón đầu làn sóng tương lai”, MTA Vietnam sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực và có tính ứng dụng cao về tự động hóa nói chung, cũng như ứng dụng robot trong sản xuất nói riêng. Hàng nghìn máy móc, thiết bị và giải pháp tiên tiến nhất cho ngành cơ khí, chế tạo sẽ được trưng bày, bên cạnh chuỗi chương trình hội thảo chuyên sâu do các tổ chức, chuyên gia hàng đầu trong ngành kiến tạo. Đặc biệt, tại khu vực VINRA – địa điểm trưng bày mới dành cho các sáng tạo đột phá về Tự động hóa sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như cuộc thi tranh tài “MTA Robot Challenge”, trưng bày công nghệ in 3D, hội thảo quốc tế về Tự động hóa,…
Nguồn: https://toquoc.vn/trien-lam-hang-dau-nganh-co-khi-mta-vietnam-2023-chinh-thuc-tro-lai-20230630162818501.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1.    Công ty Hàn Quốc tăng cường các khoản đầu tư lớn vào Việt Nam
Theo Korea Times, các công ty bán lẻ Hàn Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam, nơi có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, các lãnh đạo của một số công ty Hàn Quốc cho biết. Lotte Group, một trong hai gã khổng lồ bán lẻ hàng đầu tại Hàn Quốc cùng với Shinsegae, đang có những hoạt động tích cực nhất trong bối cảnh này. Công ty hiện có 20 công ty thành viên hoạt động tại Việt Nam, bao gồm Lotte GRS, Lotte Shopping và Lotte Culture Works. Được biết, Lotte Shopping chuẩn bị khai trương tổ hợp Lotte Mall West Lake Hanoi với tổng số vốn đầu tư triệu USD, tại Hà Nội vào tháng 8 tới. Gã khổng lồ bán lẻ này cũng đang đầu tư khoảng 900 triệu USD để thành lập Thủ Thiêm Eco Smart City, đây là khu phức hợp bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng, nhà ở và rạp chiếu phim. Trong khi đó, Shinsegae có kế hoạch mở cửa hàng Emart thứ ba tại Việt Nam theo hợp đồng nhượng quyền chính với Tập đoàn THACO trong nửa cuối năm nay. GS Retail đã mở hơn 200 cửa hàng tiện lợi GS25 tại quốc gia Đông Nam Á này. Liên doanh địa phương của công ty dự kiến sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bằng cách ký kết hợp đồng đầu tư với Tổ chức Tài chính Quốc tế.
Theo Reuters, công ty điện tử Hàn Quốc LG Innotek sẽ tăng đầu tư vào nhà máy tại thành phố cảng Hải Phòng lên 1 tỷ USD trong hai năm tới. Động thái này sẽ đưa tổng vốn đầu tư của công ty vào Việt Nam lên khoảng 2 tỷ USD. Thông báo này được đưa ra sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vào tuần trước. Tại Diễn đàn doanh nghiệp hai nước ngày 23/6, hơn 100 công ty Hàn Quốc và Việt Nam đã trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác. Với những động thái gần đây của các doanh nghiệp Hàn Quốc, thời gian tới vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, lên tới cả tỷ USD.
Nguồn: https://toquoc.vn/rot-nhung-khoan-dau-tu-bom-tan-tap-doan-han-quoc-nhan-dinh-khong-co-diem-den-nao-tot-hon-viet-nam-20230703114036521.htm

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1.    Tiền Giang phát triển cây ăn trái thành ngành hàng chiến lược
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang định hướng phát triển cây ăn trái thành ngành hàng chiến lược hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị tăng thêm, giúp đổi mới nông nghiệp – nông thôn – nông dân và xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn. Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển các nhóm cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh, nhu cầu tiêu dùng lớn, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như: thanh long Chợ Gạo, khóm Tân Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc… theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh mang tính hàng hóa giá trị cao.
Hiện nay, tỉnh đã hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sầu riêng có diện tích 17.650 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 278.000 tấn trái; vùng chuyên canh thanh long có diện tích 8.900 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 260.000 tấn trái, vùng chuyên canh bưởi có diện tích 4.730 ha, sản lượng mỗi năm trên 86.000 tấn trái, vùng chuyên canh khóm có diện tích 14.460 ha, cho sản lượng mỗi năm trên 250.000 tấn trái… Các loại trái cây chủ lực của tỉnh đều là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao. Ước tính, khoảng 70% sản lượng trái cây tươi Tiền Giang xuất khẩu qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Xuất khẩu chính ngạch trái cây tươi, trái cây chế biến qua đường chính ngạch còn chiếm tỷ lệ nhỏ.
Theo thống kê, tỉnh hiện có 54 hợp tác xã thu hút gần 19.000 thành viên, 23 tổ hợp tác với gần 1.000 thành viên hoạt động trên lĩnh vực chuyên canh cây ăn trái đặc sản của địa phương. Các hợp tác xã trên đi đầu trong việc tập hợp nông dân, chuyển giao quy trình canh tác an toàn, truy xuất nguồn gốc theo hướng GAP liên kết sản xuất – tiêu thụ – xuất khẩu trái cây với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 271 mã số, diện tích 20.050,5 ha vườn cây ăn trái. Trong đó, có 175 mã số, diện tích 18.898,8 ha, với 07 chủng loại cây trồng là mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn, sầu riêng được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện nay, tỉnh còn 204 hồ sơ với gần 8.900 ha vườn sầu riêng đang chờ cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là hướng đi tích cực của địa phương nhằm phát triển bền vững các vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu trong thời kỳ mới.
Nguồn: https://bnews.vn/tien-giang-phat-trien-cay-an-trai-thanh-nganh-hang-chien-luoc/298132.html
2.    Thí điểm lắp đặt nhật ký khai thác điện tử cho tàu cá
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, ngành thủy sản tỉnh Bình Định đang thực hiện thí điểm để có cơ cở đánh giá thiết bị nhật ký khai thác điện tử lắp đặt cho các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh, từ đó tham mưu UBND tỉnh quyết định chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu tỉnh đặt ra. Năm nay, tỉnh Bình Ðịnh thí điểm lắp đặt 100 thiết bị nhật ký khai thác điện tử cho các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh. Hiện nay, bước đầu cả 2 hệ thống nhật ký khai thác điện tử của Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học (Viện ứng dụng công nghệ, Hà Nội) và Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt (Bà Rịa – Vũng Tàu) đang thử nghiệm đều thể hiện nhiều tín hiệu khả quan với những ưu thế riêng. Việc ghi nhật ký khai thác điện tử tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân, giúp tiết kiệm thời gian khi ghi chép bằng giấy trong quá trình khai thác và có thể truy xuất lại khi cần thiết; giảm sự sai lệch giữa sản lượng đánh bắt và sản lượng khai báo; chuyển dữ liệu nhanh chóng về các cơ quan quản lý phục vụ cho công tác thu thập, tổng hợp số liệu kịp thời để báo cáo.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với việc thí điểm, Sở đề xuất Cục Thủy sản (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tham mưu Bộ sớm ban hành Tiêu chuẩn, Quy chuẩn thiết bị nhật ký khai thác điện tử; tổ chức lựa chọn, công bố đơn vị đủ điều kiện cung cấp thiết bị nhật ký điện tử. Đồng thời, Cục Thủy sản sớm có văn bản hướng dẫn về thiết bị nhật ký điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử triển khai đồng bộ trên toàn quốc; tổ chức các lớp tập huấn và đào tạo cán bộ chuyên môn về quản lý thiết bị nhật ký điện tử và thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử
Nguồn:  https://bnews.vn/thi-diem-lap-dat-nhat-ky-khai-thac-dien-tu-cho-tau-ca/298131.html
3.    Nguồn cung đậu tương từ Mỹ giảm và tác động tới ngành chăn nuôi Việt Nam
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tuần trước đã gây bất ngờ cho thị trường, khi công bố ước tính diện tích canh tác đậu tương năm nay của nước này ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong báo cáo Diện tích gieo trồng (Acreage 2023) được công bố vào đêm ngày 30/06, USDA ước tính diện tích trồng đậu tương năm nay của Mỹ ở mức 33,79 triệu héc-ta, giảm khoảng 6% so với một năm trước. Đáng chú ý, con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 35,48 triệu héc-ta dự đoán trung bình của thị trường trước khi báo cáo được công bố. Trong bối cảnh mùa vụ tại Mỹ vừa trải qua ảnh hưởng bởi đợt hạn hán từ cuối tháng 05, việc diện tích gieo trồng thấp hơn kỳ vọng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề về nguồn cung của nhà xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai toàn cầu này.
Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Khoảng 70% trong số này được sử dụng cho hoạt động ép dầu để sản xuất khô đậu tương – thành phần chính trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi. Phần lớn nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại nước ta vẫn được đáp ứng bởi nguồn hàng nhập khẩu. Theo số liệu sơ bộ từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, nước ta nhập khẩu 1,84 triệu tấn đậu tương trong năm 2022, trong đó Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 2 với 594,791 tấn. Với việc nguồn nguyên liệu thô chủ yếu được cung cấp từ nước ngoài, không khó để có thể thấy rằng ngành chăn nuôi ở Việt Nam rất dễ bị tổn thương mỗi khi thị trường hàng hóa quốc tế có sự biến động mạnh. Do năng lực sản xuất đậu tương nội địa còn hạn chế, việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ không thể đạt được trong một sớm một chiều. Thay vào đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cần hướng tới giải pháp thay đổi linh hoạt nguồn cung nhằm giảm bớt áp lực chi phí.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/nguon-cung-dau-tuong-tu-my-va-tac-dong-toi-nganh-chan-nuoi-viet-nam-20230705105314664.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Chậm triển khai trung tâm logistics, điệp khúc nông sản ùn ứ “đến hẹn lại lên”
Xây dựng trung tâm logistics hiện đại, đồng bộ để tối ưu hóa năng lực thông quan, xứng đáng với tiềm năng thế mạnh là mục tiêu lâu dài của tỉnh Lạng Sơn. Trước mắt, một số DN trên địa bàn đã có phương án xin mở rộng khu vực bến bãi xuất nhập khẩu, để câu chuyện ùn ứ nông sản không trở thành điệp khúc “đến hẹn lại lên”. Vào thời điểm thu hoạch nông sản, xe chở hàng từ khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL, miền Trung… thường dồn về khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, gây ùn ứ cục bộ trên quốc lộ 1A.
Hiện mọi thủ tục xuất – nhập khẩu hàng hóa thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn bao gồm thủ tục hải quan và biên phòng. Đây chính là nguyên nhân khiến khu vực này luôn tập trung lượng lớn phương tiện, hàng hóa. Trong Dự thảo “Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2023-2030, tầm nhìn 2050”, có đề cập đến một khu trung chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện Cao Lộc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị khoảng 4 km. Hiện khu trung chuyển này đang được đầu tư xây dựng và khi hoàn thành, được kì vọng sẽ tạo ra hệ sinh thái logistics hoàn chỉnh, quy mô với đầy đủ các chức năng, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa xuất khẩu, hạn chế việc nông sản xuất khẩu bị ép giá…
Trong thời điểm hàng hóa nông sản xuất khẩu dồn về khu vực các cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra một số giải pháp mang tính tạm thời, như sắp xếp, điều tiết xe, thông báo tình hình xuất nhập khẩu tới các DN, địa phương có vùng trồng nông sản để chủ động cân đối nguồn hàng… Dù vậy, giải pháp căn cơ vẫn là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/cham-trien-khai-trung-tam-logistics-diep-khuc-nong-san-un-u-den-hen-lai-len-post1029273.vov
2.    Thách thức ngành cà phê trước quy định mới của EU
Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội với ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Hiện tỷ lệ phá rừng để sản xuất cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%. Việt Nam cũng đã cấm khai thác rừng tự nhiên từ năm 2016. Với diện tích cà phê hơn 700.000 ha, cho sản lượng hơn 1,8 triệu tấn, nông dân không mở rộng diện tích, chỉ tái canh trên diện tích sẵn có nên luật cấm của EU không đáng ngại với cà phê Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc, yêu cầu của phía EU là 100% sản phẩm cà phê xuất khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn để xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Một hội nghị bàn thảo về sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của EU vừa được tổ chức tại Hà Nội. Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu tiên đề xuất khung kế hoạch hành động cấp quốc gia cho ngành cà phê nhằm đáp ứng quy định mới của EU, trong đó nhấn mạnh đến việc thành lập nhóm đối tác công tư hỗ trợ cho các ngành hàng theo hướng minh bạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Hiện tại, đại diện EU cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện để giải quyết các thách thức về môi trường một cách hiệu quả hơn, không chỉ sản xuất các sản phẩm an toàn, giảm phát thải khí nhà kính, mà còn nâng cao sinh kế cho các nông hộ, đặc biệt là các nông hộ cà phê tại những khu vực rủi ro cao.
Thực tế tại Tây Nguyên trong những năm vừa qua, mô hình cà phê cảnh quan – một trong những mô hình được cho là đáp ứng với những quy định của EU, đã được triển khai. Đây là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp giảm 17% lượng nước tưới và 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Đó cũng chính là hướng đi bền vững giúp nông dân trồng cà phê thích ứng với xu thế thị trường. Sau 5 năm thực hiện, chi phí sản xuất cà phê cảnh quan đã giảm được 11% so với cách trồng truyền thống. Sản lượng cà phê cảnh quan lại cao hơn, lên tới 3,5 tấn/hecta. Giá cà phê cảnh quan cũng cao hơn nhiều so với cà phê sản xuất truyền thống. Không những thế, nông dân còn có thêm thu nhập từ các loại cây trồng đan xen.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/thach-thuc-nganh-ca-phe-truoc-quy-dinh-moi-cua-eu-20230701095623834.htm
3.    Xuất khẩu gạo dự báo lập kỷ lục 4 tỷ USD
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang liên tiếp nhận các đơn hàng lớn trong nhiều tháng qua. Doanh nghiệp dù đã vét sạch kho cũng không đủ đáp ứng. Với tình hình này, dự báo đến hết năm nay xuất khẩu gạo có thể lập kỷ lục trên 4 tỷ USD. Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – cho biết, xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi chỉ trong vòng nửa năm đã đạt được kim ngạch 2,4 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu gạo thơm và gạo có chất lượng vào các thị trường ngách nên trị giá thu được rất cao. Xuất khẩu gạo trong 6 tháng ước tăng 22,2% về lượng nhưng tăng tới 34,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng – cho biết, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì El Nino khiến năng suất giảm. Trong khi đó, chiến sự Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng. Theo ông Đôn, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua nhưng nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ. Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) – cho biết, các nước trên thế giới đang rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực. Trong các hội nghị quốc tế, các nước đều đặt vấn đề hợp tác lương thực với Việt Nam. Hiện nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Philippines đạt hơn 772 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia và một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến.
Nguồn: https://tienphong.vn/vet-sach-kho-gao-khong-du-xuat-khau-du-bao-lap-ky-luc-4-ty-usd-post1548454.tpo
4.    Vải thiều Bắc Giang đổ bộ các chuỗi siêu thị tại bờ Tây nước Mỹ
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, gần 20 tấn vải thiều tươi được vận chuyển theo đường biển đã nhập khẩu thành công vào Mỹ, chính thức được phân phối, bày bán tại hệ thống siêu thị Safeway và Albertsons ở các tiểu bang bờ Tây, trong đó có Washington, Oregon và California từ ngày 30/6. Đây là nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp để đưa được trái vải tươi của Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Mỹ, đặc biệt là tại các bang bờ Tây của quốc gia này. Đáng chú ý, Safeway và Albertsons đều là những hệ thống siêu thị lớn tại bờ Tây, trong đó Safeway có 913 cửa hàng, Albertsons có trên 300 cửa hàng. Quả vải thiều Việt Nam lên kệ siêu thị, được niêm yết với giá 3,99 USD/pint (0,47kg), tương đương 200.000 đồng/kg.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, ngoài Mỹ, vải thiều của tỉnh này còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Úc, Dubai và một số nước ở Đông Nam Á. Tính đến ngày 2/7, tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu năm 2023 của tỉnh lên tới trên 91.000 tấn, tăng 120% so với năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Úc ghi nhận mức tăng đột biến 376,5%; các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản có mức tăng lần lượt là 121% và 108,2%; xuất sang Mỹ và một số thị trường khác ghi nhận mức tăng hai con số.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vai-thieu-bac-giang-do-bo-cac-chuoi-sieu-thi-tai-bo-tay-nuoc-my-2161159.html
5.    Việt Nam xuất khẩu trên 6,4 tỷ USD hàng lâm sản trong 6 tháng đầu năm
Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Với giá trị trên, xuất khẩu lâm sản đạt 36% so với kế hoạch đặt ra; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ 5,96 tỷ USD, giảm 29 %; lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%. Theo đó, giá trị xuất siêu ước đạt 5,32 tỷ USD, tương đương 70% so với cùng kỳ 2022. Theo Cục Lâm nghiệp, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8,806 triệu m3, tương đương 40% kế hoạch năm 2023, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Việc cấp chứng chỉ rừng đạt khoảng 29.500 ha (đạt 29,5% kế hoạch năm 2023) và 30.000 ha đã đánh giá xong, chờ cấp chứng chỉ, nâng tổng số diện tích rừng có chứng chỉ lên 438,5 ha trên 32 tỉnh trong cả nước.
Cùng với khai thác, ngành đã chuẩn bị được khoảng 600 triệu cây giống các loại phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2023. Diện tích rừng trồng mới tập trung nửa đầu năm đạt khoảng 124.000 ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; chăm sóc rừng trồng đạt 384.700 ha, tăng 1,2%; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 108.679 ha, tăng 11,7%; trồng cây phân tán khoảng 45,9 triệu cây, tăng trên 5%.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/6-thang-viet-nam-xuat-khau-tren-64-ty-usd-hang-lam-san-20230704181228081.htm
6.    Xuất khẩu hồ tiêu vẫn thiếu vắng các tín hiệu tích cực
Tính chung 6 tháng năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 156 nghìn tấn, trị giá 498 triệu USD, tăng 26,6% về lượng, nhưng giảm 11% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.184 USD/tấn, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường trong nước, tháng 6/2023, giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối tháng 5/2023 do nhu cầu từ Trung Quốc giảm. Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc thu mua liên tục từ đầu năm đến nay (đạt gần 50 ngàn tấn) cho thấy có thể nguồn hàng dự trữ đã được Trung Quốc mua gần đủ nên họ chưa cần thiết mua thêm. Bên cạnh đó, việc EU đưa ra quyết định không nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản được trồng trên đất từ phá rừng cũng tác động tiêu cực lên giá hồ tiêu. Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường EU và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới khi tình hình khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang tiếp diễn.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-ho-tieu-van-thieu-vang-cac-tin-hieu-tich-cuc-260967.html
7.    Xuất khẩu thêm lo khi tập đoàn đa quốc gia xây nhà máy ở Ấn Độ, Mexico
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm. Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%… Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%…
Theo Bộ Công Thương, dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; khủng hoảng năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn; căng thẳng chính trị, xu đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng hệ lụy nhất định tới tăng trưởng của các đối tác thương mại của Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương chỉ ra lo ngại về xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam). “Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này”, Bộ Công Thương chỉ ra lo ngại.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/xuat-khau-them-lo-khi-tap-doan-da-quoc-gia-xay-nha-may-o-an-do-mexico-1093650.html
8.    Các mặt hàng nông sản của Thái Lan cạnh tranh với Việt Nam bị đe dọa về nguồn cung
Tại xứ chùa Vàng, Thái Lan đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để đối phó với hạn hán có thể kéo dài nhiều năm và siết chặt nguồn cung đường và gạo toàn cầu. Theo các quan chức Chính phủ Thái Lan, lượng mưa trên toàn quốc có thể thấp hơn 10% so với mức trung bình hàng năm trong mùa gió mùa này và sự khởi đầu của hiện tượng thời tiết El Niño có thể làm giảm lượng trong vòng 2 năm tới. Các nhà chức trách cảnh báo Thái Lan sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán trên diện rộng từ đầu năm 2024. Những tình trạng đáng báo động này đã khiến chính quyền Thái Lan yêu cầu nông dân chỉ trồng lúa trong một vụ duy nhất để tiết kiệm nước và các nhà sản xuất đường cũng đang chứng kiến sản lượng giảm lần đầu tiên trong vòng 3 năm. Hạn hán cũng sẽ thúc đẩy lạm phát tại quốc gia này khi giá rau, thực phẩm tươi sống và thịt đều trở nên đắt đỏ hơn do sản lượng thu hoạch giảm và thức ăn chăn nuôi đắt đỏ hơn.
Tác động toàn cầu lớn hơn từ lượng mưa dưới mức trung bình ở Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến các loại cây trồng như đường và cao su, thậm chí có thể đe dọa đến vị trí nhà cung cấp gạo lớn thứ hai thế giới của quốc gia này. Các lô hàng đã giảm một phần ba xuống còn 7,6 triệu tấn vào năm 2019, năm đầu tiên của El Niño trước đó. Mía là một loại cây trồng bền vững, nhưng các nhà máy xay xát của quốc gia đã dự báo sản lượng sẽ giảm. Điều đó sẽ cắt giảm nguồn cung cho thị trường thế giới và tiếp tục thúc đẩy giá đường tinh luyện đang dao động quanh mức cao nhất trong thập kỷ. Cả nước sản xuất khoảng 11 triệu tấn đường trong niên vụ 2022-2023 và ước tính đã xuất khẩu khoảng 80% sản lượng.
Nguồn: https://markettimes.vn/mat-hang-thai-lan-canh-tranh-voi-viet-nam-bat-ngo-bi-de-doa-ve-nguon-cung-vi-tri-nha-cung-cap-lon-thu-2-the-gioi-lung-lay-33184.html
9.    Indonesia tiếp tục là thị trường tiềm năng lớn của hàng hóa Việt Nam
Indonesia là thị trường lớn nhất ASEAN với hơn 270 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu có quy mô ngày càng tăng, là thị trường có nhiều dư địa cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 5/2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 392,07 triệu USD, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt 2,07 tỷ USD, tăng 7,68% so với 5 tháng năm 2022. Trong số 10 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Indonesia (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu) trong 5 tháng đầu năm 2023 có 6/10 mặt hàng có giá trị đáng kể, đáng kể như mặt hàng gạo (tăng 16 lần, đạt 181,36 triệu USD), cà phê (tăng 185%, đạt 76,22 triệu USD), điện thoại các loại và linh kiện (tăng 79,78%, đạt 161,34 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 79,7%, đạt185,19 triệu USD), …
Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, so với nhiều thị trường trong ASEAN, thời gian tới Indonesia được đánh giá tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của hàng hóa Việt Nam. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng thách thức trong việc tiếp cận thị trường Indonesia cũng không ít. Đây là thị trường mang tính bảo hộ cao với nhiều hàng rào phi thuế quan, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (để tự chủ về lương thực, thực phẩm, giảm nhu cầu nhập khẩu nông lâm sản từ nước khác). Một điểm mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý, dù không phải là một nhà nước Hồi giáo, nhưng Indonesia là quốc gia có đa số tín đồ Hồi giáo, chiếm 86,1% dân cư, do đó chứng nhận Halal được xem như giấy thông hành của sản phẩm cho người tiêu dùng Hồi giáo. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc SNI để việc mở rộng thị phần đạt kết quả cao, tạo sự khác biệt cạnh tranh hiệu quả tại thị trường này.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/indonesia-tiep-tuc-la-thi-truong-tiem-nang-lon-cua-hang-hoa-viet-nam-107002.htm

BSA Media