Bản tin thị trường, từ 22-28/6/2023

Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế
1. Mỹ lần đầu tiên cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (thịt cell-based)
Hôm 21-6, hai công ty khởi nghiệp (startup) Upside Foods và Good Meat xác nhận là đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cấp phép sản xuất và bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Đây là hai công ty đầu tiên hoàn thành quy trình nhiều bước để xin được loại giấy phép này ở Mỹ. Hồi tháng 11 năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chứng nhận thịt ức gà do Upside Foods nuôi trồng trong phòng thí nghiệm là an toàn để tiêu thụ. Đến tháng 3 năm nay, Good Meat cũng nhận được chứng nhận tương tự từ FDA. Với các giấy phép và chứng nhận đó, Mỹ sẽ thành nước thứ hai trên thế giới, sau Singapore, cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Upside Foods và Good Meat có kế hoạch phục vụ sản phẩm của doanh nghiệp tại các nhà hàng cao cấp trước khi mở rộng quy mô sản xuất để đạt được chi phí thấp hơn và cung cấp cho cho các cửa hàng và siêu thị thực phẩm. Thịt gà của Upside Foods sẽ được bán đầu tiên tại Bar Crenn, nhà hàng của đầu bếp 3 sao Michelin, Dominique Crenn ở thành phố San Francisco. Trong khi đó, Good Meat sẽ bán lô thịt gà đầu tiên cho chuỗi nhà hàng của José Andrés Group. Cả hai công ty cho biết vẫn đang xác định mốc thời gian chính xác để cung cấp các sản phẩm thịt gà ra thị trường rộng lớn hơn.
Uma Valeti, CEO của Upside Foods, thừa nhận trong thời kỳ ban đầu, thịt gà nuôi cấy sẽ được bán với giá đắt đỏ nhưng giá sẽ gảm dần theo thời gian. Ông kỳ vọng giá thịt gà nuôi cấy sẽ ngang bằng với giá thịt gà nuôi truyền thống trong vòng 5-15 năm tới, tùy theo nhu cầu của thị trường. Hiện cơ sở thịt gà nuôi cấy của Upside Foods có thể sản xuất 22,7 tấn thịt mỗi năm. Công ty có kế hoạch mở rộng công suất lên 181 tấn/năm. Người phát ngôn của Good Meat cho biết, giá các sản phẩm của công ty sẽ tương tự như giá bán các món thịt gà truyền thống tại các nhà hàng cao cấp. Công ty sẵn sàng chịu thua lỗ để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Các công ty sản xuất thịt nuôi cấy hy vọng sản phẩm sẽ cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn cho những người ăn thịt muốn tìm kiếm một sự lựa chọn nhân đạo và thân thiện với môi trường hơn cho khẩu phần thịt hàng ngày. Nhà sản xuất cũng nhắm đến những người có thể không hài lòng với các sản phẩm “thịt thực vật” đã có trên thị trường. Ngành công nghiệp thịt nuôi cấy đang bắt đầu nóng lên. Theo Grand View Research, thị trường thịt nuôi cấy được định giá 246,9 triệu đô la vào năm ngoái và dự kiến tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 51,6% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/my-lan-dau-tien-cho-phep-ban-thit-nuoi-cay-trong-phong-thi-nghiem/
Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế
1. Sữa đặc Ông Thọ của Vinamilk tiếp tục chinh phục thị trường Trung Quốc
Trong hơn 1.000 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia Hội chợ quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần thứ 18 (CISMEF 2023) diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc) từ ngày 27-30/6, Vinamilk là đơn vị duy nhất chỉ trưng bày và giới thiệu 1 sản phẩm, đó là sữa đặc Ông Thọ. CISMEF tổ chức thường niên từ năm 2003. Năm nay, hội chợ thu hút 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, Việt Nam, Đức, Hy Lạp, Canada, Brazil, Argentina, Malaysia, Thái Lan… Các đối tác kinh doanh, khách hàng tiềm năng đến gian hàng của Vinamilk để tham quan, gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu về sản phẩm, còn khách tham quan thì trải nghiệm các thức uống được pha chế từ sữa đặc Ông Thọ, như trà sữa, cà phê sữa Việt Nam – thức uống đang được giới trẻ Trung Quốc yêu thích.
Tại Trung Quốc, sữa đặc Ông Thọ có mặt từ năm 2020. Mặc dù có mặt ngay thời điểm bị ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19, nhưng mặt hàng này vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục xuất khẩu Trung Quốc của công ty. Doanh thu lũy kế đến nay đạt hơn 4,1 triệu USD, ghi nhận mức độ tăng trưởng hơn 5 lần trong giai đoạn trước dịch COVID-19 (2020-2021) và 14% trong giai đoạn 2021-2022. Tại Quảng Châu, sữa đặc Ông Thọ – sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam đạt được 3 sao về vị ngon từ giải thưởng quốc tế The Superior Taste Award 2023 (Vị ngon thượng hạng 2023) – đang được đưa vào đa dạng các kênh phân phối khác nhau, như kênh bán sỉ, nhà hàng, quán trà sữa, cà phê, hay được người tiêu dùng mua để chế biến các món ăn, thức uống tại nhà.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/sua-dac-ong-tho-cua-vinamilk-tiep-tuc-chinh-phuc-thi-truong-trung-quoc-102230628102413362.htm

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Trào lưu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các chuyến du lịch
Những chuyến đi với “bạn đồng hành” AI đang là trào lưu trải nghiệm du lịch của giới trẻ hiện nay. Việc tận dụng AI đúng cách giúp hành trình du lịch nhiều trải nghiệm thú vị, “nhàn tênh” và có thêm thời gian tận hưởng cuộc vui. Theo thạc sĩ Bùi Văn Niên – giảng viên khoa Du lịch Đại học Đại Nam, trong thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo có tác động sâu rộng, khiến diện mạo của nền kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch biến đổi theo chiều hướng tích cực. Đối với du khách, AI hỗ trợ tốt trong tìm kiếm thông tin, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ – phần chuẩn bị quan trọng cho chuyến đi. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp du lịch, AI giúp ích trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Từ sự hỗ trợ của AI, doanh nghiệp có thể đưa ra dự báo về xu hướng du lịch trong tương lai như thị hiếu du khách, xu hướng ẩm thực, xu hướng trải nghiệm… Thêm vào đó, AI cũng giúp doanh nghiệp du lịch thuận tiện hơn khi chăm sóc khách hàng.
Vị chuyên gia nhận định AI sẽ khiến diện mạo ngành du lịch thay đổi nhanh chóng. Nếu các công ty du lịch biết cách tận dụng tốt nguồn dữ liệu từ hành vi khách hàng, họ có thể điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp, đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, khiến du khách chấp nhận “móc hầu bao”. Trên thực tế, ở bối cảnh du lịch toàn cầu, khách du lịch ngày càng sử dụng công nghệ nhiều hơn. Theo đó, 74% du khách sử dụng Internet để lên kế hoạch chuyến đi (Google Travel). Hơn 45% người sử dụng điện thoại thông minh để đặt các kỳ nghỉ (TripAdvisor). Hơn 36% khách hàng có thể chi trả nhiều hơn nếu giao dịch dễ dàng và tương tác tốt. Khoảng 80% khách hàng thích tự mình tìm hiểu thông tin… Nhiều doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng AI để tìm kiếm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/khoac-ba-lo-len-va-di-du-lich-cung-ai-post1441979.html
2. Khách đoàn Việt Nam đổ về Thái Lan dịp hè vì chi phí rẻ hơn trong nước
Theo các đơn vị lữ hành, khách đoàn MICE là nguồn doanh thu lớn trong dịp hè. Hàng năm, các điểm đến ven biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng… được nhiều công ty, doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, xu hướng năm nay có phần thay đổi khi ngày càng nhiều đơn vị lựa chọn “xuất ngoại” cho chuyến du lịch hè. Ông Andy Tuấn Anh, Giám đốc khách đoàn Viettourist, cho biết các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều công ty, doanh nghiệp khi tổ chức chương trình du lịch kết hợp team building. “Với mức giá chỉ từ 4 triệu đồng/người, các đơn vị hoàn toàn có thể lựa chọn địa điểm tổ chức du lịch MICE ở nước ngoài. Mức giá này thậm chí còn thấp hơn so với một số điểm đến nội địa”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Lý giải cho điều này, vị giám đốc cho hay tính chất của tour khách đoàn phụ thuộc phần lớn vào việc di chuyển, do không thể book sớm như khách lẻ nên chi phí di chuyển rất cao. Bên cạnh chi phí di chuyển, giá dịch vụ cũng là một trong những yếu tố quyết định giá tour. Theo ông Tuấn Anh, đây là điểm mạnh, tạo được sự cạnh tranh của thị trường du lịch Thái Lan với nhóm khách đoàn. Ngoài ra, các đơn vị khi tổ chức du lịch Thái Lan không cần xin visa cho nhân viên, đảm bảo đúng kế hoạch và còn tiết kiệm khá nhiều chi phí.
Ghi nhận tại một số đơn vị lữ hành, lượng khách MICE đặt tour du lịch quốc tế cho hè này đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bà Trần Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Khối Kinh doanh Du lịch Khách đoàn Vietravel, đơn vị ghi nhận có 494 doanh nghiệp đăng ký tour trong giai đoạn hè, 26.609 lượt khách MICE đã khởi hành đi tour du lịch trong nước và quốc tế, chiếm 46% kế hoạch hè của công ty. Trong đó, nhiều đoàn khách công ty, doanh nghiệp tổ chức du lịch kết hợp chương trình hội nghị, đào tạo tại châu Âu, Singapore, team building và gala tại Thái Lan, Hàn Quốc. Tương tự, bà Trần Phương Linh, Giám đốc Truyền thông và Công nghệ Thông tin của BenThanh Tourist, cho biết thị trường du lịch MICE outbound tăng trưởng 50% trong hè này. Tuy nhiên, với khách MICE nội địa lại giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/khach-doan-do-ve-thai-lan-dip-he-vi-re-hon-trong-nuoc-post1441527.html
3. Visa 90 ngày – kỳ vọng sẽ là đòn bẩy tăng khách quốc tế
Chính sách visa mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn vừa được Quốc hội thông qua, trong đó nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày. Nhiều công ty lữ hành kỳ vọng chính sách mới này sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển, tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và phát triển kinh tế du lịch bền vững trong thời gian tới. Luật có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, cho phép các đơn vị hoạt động trong ngành Du lịch có những bước chuẩn bị kịp thời, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển ngành và đóng góp vào mục tiêu đưa du lịch Việt Nam sớm trở thành trung tâm du lịch khu vực và quốc tế.
Ghi nhận ý kiến nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhiều điểm mới mở ra cơ hội kinh doanh cho cộng đồng công ty lữ hành. Điển hình, chính sách mới này sẽ nâng cao tính cạnh tranh khi du khách lựa chọn điểm đến, góp phần quyết định mở rộng thị trường và gia tăng số lượng khách đến Việt Nam. Đơn vị hoạt động trong ngành du lịch có thêm cơ hội mở rộng hợp tác với đối tác quốc tế như: công ty du lịch, hãng hàng không, khách sạn… ở các quốc gia khác và mang lại lợi ích lâu dài.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/visa-90-ngay-ky-vong-se-la-don-bay-tang-khach-quoc-te/871813.vnp

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Amazon hứa rót thêm 15 tỷ USD vào Ấn Độ
Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy trong cuộc họp hôm 23/6 khẳng định với Thủ tướng Narendra Modi rằng công ty ông sẽ đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Ấn Độ với số vốn khổng lồ. Khoản đầu tư mới sẽ đưa tổng vốn đầu tư đa lĩnh vực của gã khổng lồ thương mại điện tử vào Ấn Độ lên 26 tỷ vào năm 2030, theo Reuters. Thông báo này được đưa ra sau khi đơn vị điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS) tháng trước tuyên bố sẽ đầu tư 1,06 nghìn tỷ rupee (13 tỷ USD) vào Ấn Độ đến cuối năm 2030, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực điện toán đám mây. Khoản đầu tư trên sẽ được chi xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như hỗ trợ hơn 100.000 việc làm toàn thời gian mỗi năm tại Ấn Độ.
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/amazon-hua-rot-them-15-ty-usd-vao-an-do-post1442550.html
2. Hàn Quốc trang bị máy bán vàng tự động do nhu cầu tăng cao
Đầu tư vào vàng bạc từ lâu đã được coi là một hàng rào chống lại lạm phát và là một kho lưu trữ giá trị hơn so với tiền tệ. Việc tiếp cận để mua các loại kim loại quý vốn là một thách thức và thường liên quan đến một đại lý vàng bạc. Đôi khi các đại lý trực tuyến cũng cần mất hàng tuần để nhận được hàng. Cửa hàng tiện lợi GS Retail của Hàn Quốc, với 10.000 địa điểm trên khắp quốc gia, đã hiểu được nhu cầu tăng cao về kim loại này và muốn tăng cường khả năng tiếp cận. Theo UPI News Korea, công ty đã tung ra các máy bán vàng miếng với năm kích cỡ, trọng lượng từ 0,13 ounce đến 1,3 ounce. GS đã triển khai 29 máy bán vàng miếng với kế hoạch tăng lên 50 máy vào cuối năm nay.
Sự kết hợp của các cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu cùng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát dai dẳng và đồng tiền mất giá đã dẫn đến nhu cầu vàng tăng cao trong quý đầu tiên của năm. Ngay cả các ngân hàng trung ương cũng đang tích cực mua vào. Không chỉ riêng Hàn Quốc, nhiều quốc gia cũng đang tăng mạnh tích trữ vàng. Chia sẻ trên Kitco News, ông George Milling-Stanley – Chiến lược gia trưởng về vàng tại State Street Global Advisors dự báo, nhu cầu trang sức ngày càng tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho giá vàng từ giờ đến cuối năm 2023. Bên cạnh đó, một số ngân hàng trung ương mua vào vàng sẽ góp phần giúp thị trường vàng sôi động trở lại.
Nguồn: https://markettimes.vn/doc-la-ban-vang-mot-quoc-gia-chau-a-trang-bi-may-ban-vang-tu-dong-do-nhu-cau-tang-cao-mua-vang-gio-nhanh-nhu-mua-1-chai-nuoc-32386.html
3. PharmGen Science bắt tay Medicare thâm nhập thị trường Việt Nam
PharmGen Science, nhà phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc), vừa đạt được thỏa thuận đặt hàng trị giá 1 triệu USD để cung cấp thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thiết bị y tế cho Medicare, nhà phân phối sản phẩm y tế Việt Nam với khoảng 6.000 khách hàng. PharmGen Science sản xuất nhiều loại thuốc khác nhau như Vardipine Tab, sản phẩm dùng cho bệnh tim mạch và Nephris-S Tab, thuốc điều trị bệnh thận. Công ty cũng sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19, các sản phẩm dành cho da và các chất bổ sung, tăng cường sức khỏe bao gồm men vi sinh và vitamin tổng hợp.
Trước tiên, Pharmgen Science có kế hoạch xuất khẩu thực phẩm chức năng và mỹ phẩm vào thị trường Việt Nam thông qua Medicare. Tiếp đó, doanh nghiệp này sẽ mở rộng các mặt hàng sang thiết bị y tế và thuốc. Pharmgen Science kỳ vọng sẽ tăng doanh thu thêm khoảng 1 triệu USD trong năm nay thông qua hợp đồng xuất khẩu này.  PharmGen Science cũng cho biết sẽ mở văn phòng liên lạc tại Việt Nam vào tháng 7 tới. Đây cũng là lần đầu tiên công ty vận hành văn phòng đầu tiên ở nước ngoài kể từ khi thành lập. Văn phòng liên lạc tại Việt Nam trong tương lai sẽ đảm nhận vai trò mở rộng mạng lưới xuất khẩu sang các nước lân cận, đồng thời tiếp thị PharmGen Science và các sản phẩm liên quan của các công ty.
Nguồn: https://bnews.vn/pharmgen-science-bat-tay-medicare-tham-nhap-thi-truong-viet-nam/295640.html
4. Doanh nghiệp nội cần thay đổi để chiếm lĩnh thị trường đồ chơi trẻ em có giá trị hàng tỷ USD
Với quy mô thị trường lên tới hơn 7 tỷ USD/năm, tỷ lệ trẻ em từ 0-14 tuổi chiếm gần 40% trong số 100 triệu dân, cộng với mức sống đang được nâng cao, thị trường đồ chơi Việt Nam đang đón nhận sự gia tăng của các thương hiệu đồ chơi trên thế giới. Đánh giá về quy mô thị trường đồ trẻ em ở khu vực Đông Nam Á, Công ty nghiên cứu thị trường Grand View Research cho rằng, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất. Trong đó, 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi. Đây là phân khúc thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm mẹ và bé, đồ chơi trẻ em đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa khai thác hết. Trong khi đó, theo đánh giá của giới chuyên gia, tham gia thị trường đồ chơi của Việt Nam những năm qua vẫn nổi lên một số tên tuổi lớn trong nước như: Công ty Nhựa Chợ Lớn, Công ty Thiết bị Đồ chơi Giáo dục Văn Minh, Công ty ANTONA, Nhựa Long Thủy, LHT, Đại Đồng Tiến… Tuy nhiên, những sản phẩm của các doanh nghiệp này vẫn đang thiếu chỗ đứng trên thị trường đồ chơi trẻ em, và thị trường này vẫn đang bị chi phối mạnh bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường FTA, đồ chơi có xuất xứ trong nước rất được các bà mẹ quan tâm. Có đến 52% bà mẹ được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn đồ chơi sản xuất trong nước. Đây là cơ hội tốt cho các công ty trong nước, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nếu không muốn bị loại khỏi thị trường. Bên cạnh đó, thị trường đồ chơi Việt Nam cũng chứng kiến một sự chuyển giao thế hệ. Hơn 70% bà mẹ đang ở dưới 40 tuổi, am hiểu công nghệ và nắm bắt xu hướng. Các bậc phụ huynh giờ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng. Những loại đồ chơi mà doanh nghiệp lựa chọn không những phải đảm bảo đúng yếu tố “thông minh” mà còn phải đạt tiêu chuẩn về màu sắc, mẫu mã, kích thước. Đặc biệt là đa dạng sản phẩm để các bậc phụ huynh có thể tùy ý lựa chọn theo sở thích và túi tiền của mình. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các thị trường ngách mà các sản phẩm nhập khẩu cũng như các công ty nước ngoài chưa nắm giữ để phát triển. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nghiên cứu đối thủ để tìm ra những ưu nhược điểm của họ và so sánh với mình để dần cải thiện song song với phát huy điểm mạnh mà mình có.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/doanh-nghiep-noi-can-thay-doi-de-chiem-linh-thi-truong-co-gia-tri-hang-ty-usd-1093379.html
5. WinMart khởi động tuần lễ quảng bá thực phẩm Hàn Quốc toàn Hà Nội
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam, ngày 23/6/2023, tại Diễn đàn Vietnam – Korea Business Forum, WinCommerce và đối tác Evergood đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) trước sự chứng kiến của lãnh đạo 2 Chính phủ. Tiếp đó, ngày 24/06/2023, “Lễ hội Hàn Quốc 2023 – K-Food Festival 2023” giới thiệu sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc được ra mắt tại WinMart Royal City (TP. Hà Nội) thu hút đông đảo người dân Thủ đô đến mua sắm.
Chương trình “Lễ hội Hàn Quốc 2023 – K-Food Festival 2023” được tổ chức từ ngày 19/06 – 28/06/2023 tại hơn 1.000 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ trên địa bàn Hà Nội, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nội địa Hàn Quốc tới người tiêu dùng Việt Nam. Trong khuôn khổ diễn ra chương trình, WinCommerce phối hợp cùng Tổng công ty Phân phối Nông thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc (aT) tổ chức chuyến tham quan tại siêu thị WinMart Royal City với sự tham dự của ông Chung Hwang-keun, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc và ông Yang Ju Pil, Cục trưởng Cục thực phẩm Hàn Quốc.
Nguồn: https://toquoc.vn/winmart-khoi-dong-tuan-le-quang-ba-thuc-pham-han-quoc-toan-ha-noi-20230626144319275.htm
6. Startup nông nghiệp FoodMap của Việt Nam gọi vốn được 1 triệu USD
Mới đây, startup nông nghiệp FoodMap đã huy động được 1 triệu USD trong một vòng gọi vốn cầu nối để tài trợ cho việc mở rộng thị trường mới. Giám đốc điều hành Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết các nhà đầu tư hiện tại đã tham gia vào vòng này bao gồm Vulpes Investment Management, Beenext và Wavemaker Partners. Một công ty Singapore cũng tham gia với tư cách là nhà đầu tư mới. Vòng tài trợ mới nhất nâng tổng số tiền tài trợ của công ty lên 4,5 triệu USD kể từ khi ông Phạm Ngọc Anh Tùng thành lập vào năm 2020.
FoodMap kết nối nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ với người tiêu dùng, cung cấp tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc nông sản. Công ty cũng vận hành nền tảng thương mại điện tử công nghệ nông nghiệp duy nhất tại Việt Nam, kết nối trực tiếp nông dân và nhà sản xuất thực phẩm với khách hàng trên cơ sở giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2C). Đến năm 2022, FoodMap đã cung cấp sản phẩm của hơn 300 nông dân và nhà sản xuất trên khắp Việt Nam. Công ty tuyên bố đã phục vụ 100.000 khách hàng B2C và B2B cho đến nay. Mới đây, FoodMap đã bắt tay với các nhà thương mại điện tử như Shopee, Lazada để giới thiệu dự án Tôn vinh nông sản Việt. Dự án hỗ trợ người trồng tạo ra hoạt động kinh doanh lâu dài, nâng cao giá trị thương hiệu và hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/khoi-nghiep/startup-nong-nghiep-foodmap-cua-viet-nam-goi-von-duoc-1-trieu-usd-1093507.html
7. Dàn KOL TikTok livestream bán hết 23 tấn vải thiều Bắc Giang, 10 phút bán sạch mỳ Chũ, thịt gác bếp
Sáng 24/6 tại xã Hồng Giang thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, UBND của tỉnh này đã quy tụ được hơn 40 người có ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng TikTok thực hiện livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như vải thiều, mỳ chũ, tương La, đông trùng hạ thảo… Theo thống kê được đưa trên Báo Bắc Giang, trong vòng 4 tiếng các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút tổng cộng gần 1,7 triệu lượt xem. 5.182 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm 23 tấn vải thiều. Ngoài ra, mỳ chũ và thịt gác bếp đã hết hàng chỉ sau 10 phút livestream. Hoạt động livestream này nằm trong chương trình quảng bá du lịch và các đặc sản tại Bắc Giang, do TikTok phối hợp với Công ty cổ phần Sáng tạo nghệ thuật và sự kiện Sun Bright tổ chức.
Dù mới ra mắt cuối tháng 4/2022, TikTok Shop đã vượt qua Tiki để trở thành nền tảng TMĐT phổ biến thứ ba Việt Nam sau Shopee và Lazada, theo bảng xếp hạng năm 2022 do Reputa công bố. Dữ liệu từ YouNet ECI cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, lưu lượng truy cập vào trang quản lý gian hàng trên website của TikTok Shop tăng vọt 282%, đạt 4,2 triệu lượt truy cập/tháng. Như vậy, TikTok Shop hiện đã vượt Lazada để trở thành sàn TMĐT có số lượng nhà bán hàng hoạt động trong tháng cao thứ 2 thị trường, chỉ sau Shopee. Đáng chú ý, một tính năng mới được “mở khóa” trên TikTok Shop là bán đồ tươi. Trước đây người bán chỉ có thể bán được đồ bảo quản trên 15 ngày. Bây giờ, TikTok có thể xử lý được cả những món cần giao trong vòng 3 ngày, hoặc thậm chí 24 giờ, mở ra cơ hội lớn giúp tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Nguồn: https://markettimes.vn/dan-kol-tiktok-livestream-ban-het-23-tan-vai-thieu-bac-giang-10-phut-ban-sach-my-chu-thit-gac-bep-4-tieng-chot-hon-5-100-don-hang-thu-ve-hon-1-ty-dong-32461.html

Nhóm tin về ngành thời trang – làm đẹp

1. Nike có dấu hiệu hết thời ở Trung Quốc
Qua một báo cáo của cộng đồng đầu tư Seeking Alpha, Nike có thể không đạt được mục tiêu dài hạn là tăng trưởng doanh số. Nguyên nhân được cho là do việc tẩy chay các thương hiệu đến từ phương Tây của khách hàng địa phương. Ngoài ra, Nike phải cạnh tranh của loạt nhãn hàng nội địa tại Trung Quốc. Jing Daily chỉ ra rằng 17% doanh số bán hàng toàn cầu của “gã khổng lồ” có trụ sở tại Mỹ đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, thương hiệu này đối mặt với phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng địa phương sau khi có lập trường phản đối bông sản xuất tại Tân Cương vào tháng 3/2021. Đây là một trong những sự kiện ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhãn hàng.
Năm 2022, các đối thủ cạnh tranh của Nike là Li-Ning và Anta đã đạt mức tăng trưởng doanh số hàng quý từ 15% trở lên. Ngoài ra, mức tăng trưởng doanh số bán hàng tại Trung Quốc của Nike vẫn âm, giảm tới 24% trong quý 2 năm 2022. Các nhà phân tích đang khuyên nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu của Nike. Họ nhận thấy thương hiệu khó đạt được mục tiêu tăng trưởng do những dấu hiệu không khả quan của nhãn hàng ở Trung Quốc. Với những dấu hiệu trên, Jing Daily đặt ra câu hỏi liệu chương tăng trưởng của Nike tại Trung Quốc sắp kết thúc?
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/nike-co-dau-hieu-het-thoi-o-trung-quoc-post1441814.html
2. Shein cố rũ bỏ mác ‘công ty Trung Quốc’
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), hãng bán lẻ thời trang số 1 tại Mỹ theo thị phần là Shein, vốn đến từ Trung Quốc, đang cố gắng dùng mọi cách để gỡ bỏ hình ảnh nguồn gốc của mình trong con mắt những nhà làm luật. Trước nguy cơ bị nhắm tới như Tiktok hay Huawei trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện nay, Shein đang cố gắng rũ bỏ nguồn gốc Trung Quốc của mình, chi hàng chục triệu USD thuê các nhà thiết kế nổi tiếng, nâng cao tiêu chuẩn các nhà máy cũng như giảm khí thải nhà kính nhằm tránh lâm vào vết xe đổ của các tập đoàn Trung Quốc trước đó. Thế nhưng theo WSJ, dù có chi tiền đánh bóng tên tuổi thế nào thì Shein vẫn không thể tách rời khỏi Trung Quốc mà ví dụ điển hình nhất là nguồn gốc các nguyên vật liệu sản phẩm của hãng. Bất chấp những tuyên bố hùng hồn, Shein vẫn không thể đưa ra được các bằng chứng rõ ràng về nguồn gốc nguyên liệu may mặc của mình, hay thậm chí là thiết kế một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng cho mảng này.
Kể từ khi chuyển trụ sở chính từ Trung Quốc sang Singapore nhằm “tẩy trắng” thương hiệu trước các nhà chức trách Mỹ, Shein cũng bắt đầu xây dựng bộ phận phát triển bền vững vì môi trường, xã hội (ESG) của mình vào năm 2021 cho phù hợp các tiêu chuẩn Phương Tây cũng như giải quyết các vụ bê bối. Dẫu vậy, nghiên cứu của tổ chức Remake trong mảng phát triển bền vững của ngành thời trang nhanh cho thấy Shein hiện đang là hãng thời trang nhánh ít minh bạch nhất của ngành. Mặc dù động thái thành lập ESG của Shein được Remake hoan nghênh nhưng theo giám đốc Becca Coughlan của tổ chức, vấn đề trách nhiệm với xã hội và môi trường trong các báo cáo của Shein yếu kém hơn nhiều so với những đối thủ tương đương trong ngành. Theo bảng xếp hạng trách nhiệm xã hội của Remake, Shein chỉ đạt 9/150 điểm, kém hơn cả H&M (32 điểm) và Inditex-Zara (18 điểm).
Tương tự như những hãng thời trang nhanh khác, Shein tận dụng sợi Polyester từ dầu mỏ có giá rẻ chỉ bằng một nửa sợi Cotton để làm nên ưu thế của mình. Khoảng 64% sản phẩm của hãng làm bằng sợi Polyester trong khi chỉ có 10% là Cotton. Chính điều này đã khiến những báo cáo về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường của Shein trở nên lố bịch trong mắt các nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Tệ hơn, một startup ngành bán lẻ mới trỗi dậy tại Mỹ là Temu, có công ty mẹ là PDD tại Trung Quốc được cho là đang vượt mặt Shein ở Mỹ, thậm chí còn chẳng thèm công bố báo cáo trách nhiệm xã hội của mình. Chính những điều này khiến Shein và Temu đang trở thành cái gai trong mắt các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi doanh nghiệp Trung Quốc kiếm lời từ người tiêu dùng nước này nhưng lại không có động thái trách nhiệm tương đương.
Nguồn: https://markettimes.vn/the-kho-cua-vua-thoi-trang-nhanh-moi-noi-shein-co-ru-bo-mac-cong-ty-trung-quoc-nhung-van-khien-phuong-tay-nong-mat-32160.html

Nhóm tin về xu hướng xanh – bền vững

1. Doanh nghiệp góp ý cho dự thảo chính sách về chi phí tái chế sản phẩm, bao bì
Sáng 28/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm EPR của nhà sản xuất, nhập khẩu. Từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường. Theo đó, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Để có đủ căn cứ cho doanh nghiệp đóng tiền, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.
Hiện Dự thảo về định mức chi phí tái chế (Fs) bao bì đang được xây dựng, song nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng định mức đang quá cao có thể làm tăng áp lực chi phí sản xuất và giá bán hàng hóa. Cụ thể, mới đây 14 hiệp hội doanh nghiệp có văn bản ký gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên Hội đồng EPR Quốc gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý với Dự thảo này. Theo văn bản kiến nghị, công thức tính Fs như trong dự thảo hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì. Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Ngoài ra, định mức Fs rất cao như đề xuất có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa. Từ đó, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, nếu tính định mức Fs như trong dự thảo thì 1 lon bia sẽ phải tính thêm 41 đồng, chai bia tăng thêm 51 đồng. Điều này dẫn đến việc giá vốn hàng hóa sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến tâm lý khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất. Theo khảo sát với doanh nghiệp trong Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, thực tế chỉ có 61% doanh nghiệp mới tiếp cận ở mức thông tin. Trong khi đó có 70% doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện, 80% doanh nghiệp khó khăn khi phải chuẩn bị cả nguồn lực cả chi phí và hệ thống để tái chế.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/moi-chai-bia-sap-phai-tinh-them-51-dong-chi-phi-tai-che-a614680.html

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. AI hỗ trợ bệnh nhân mất trí nhớ tại Nhật Bản
Nói chuyện với những người ở viện dưỡng lão là một cách quan trọng để giảm bớt căng thẳng cho họ. Đặc biệt, những người mắc chứng mất trí nhớ có thể bị lo âu, hoảng loạn và việc trấn tĩnh họ luôn là một thách thức. Tuy nhiên, nhân viên tại các cơ sở như vậy thường phục vụ nhiều người cùng một lúc, từ giúp họ ăn uống, tắm rửa đến ghi chép sổ sách. Các nhân viên này thường thiếu thời gian để trò chuyện, gắn bó với bệnh nhân. Từ thực trạng đó, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng tại Nhật Bản đang sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm bớt căng thẳng và các triệu chứng khác ở bệnh nhân sa sút trí tuệ. Thay vì tuân theo kịch bản, robot của công ty The Harmony sử dụng AI để điều khiển cuộc trò chuyện. Bot sẽ tiếp tục hỏi những câu hỏi tiếp theo về một chủ đề nếu bệnh nhân có vẻ hưởng ứng. Nếu không, robot sẽ tự động chuyển sang chủ đề khác.
Ban đầu, The Harmony thử nghiệm một robot đàm thoại có sẵn, họ phát hiện ra rằng một AI tiêu chuẩn không thể trò chuyện với bệnh nhân sa sút trí tuệ. Mức độ tiếng ồn xung quanh cao tại các cơ sở chăm sóc, chẳng hạn như âm nhạc và TV, cũng gây ra vấn đề đối với các hệ thống yêu cầu nhận dạng giọng nói chính xác. Ông Kazuya Takahashi, Giám đốc điều hành của The Harmony đã quyết định để công ty tạo ra robot của riêng mình bằng AI. The Harmony đã thuê 5 kỹ sư từ các công ty công nghệ thông tin và bắt đầu phát triển dịch vụ này vào năm 2019. Nhóm đã kết hợp phản hồi từ Takahashi, người cũng là nhân viên chăm sóc và thử nghiệm rô-bốt ở cả trong và ngoài viện dưỡng lão. Cuối cùng, phải mất bốn năm để hoàn thành robot trò chuyện Dai-chan, với chi phí 200 triệu yên (1,4 triệu USD theo tỷ giá hiện tại).
Nguồn:  https://viettimes.vn/ai-ho-tro-benh-nhan-mat-tri-nho-tai-nhat-ban-post167642.html
2. Tập đoàn Nhật JIC mua lại JSR nhằm củng cố chuỗi cung ứng chip
Ngày 26/6, JSR – công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Nhật Bản thông báo Tập đoàn đầu tư Nhật Bản (JIC) – quỹ đầu tư được chính phủ nước này hậu thuẫn, sẽ mua lại JSR với giá 900 tỷ yen (6,3 tỷ USD), như một phần trong nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng chip. Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành JSR Eric Johnson xác nhận việc sáp nhập, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu và phát triển cũng như mở rộng quy mô của JSR để tăng tính cạnh tranh trên toàn cầu. Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh Tokyo đang nỗ lực đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng chip – bộ phận đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế hiện đại.
Theo Bloomberg, JSR là công ty dẫn dầu thị trường trong lĩnh vực sản xuất vật liệu, trong đó chiếm 30% thị phần toàn cầu về chất cản quang để hình thành mạch – yếu tố trung tâm trong dây chuyền sản xuất chất bán dẫn. Ngoài ra, JSR cùng với hai công ty Nhật Bản khác gần như “thống trị” hoàn toàn việc sản xuất hai thành phần quan trọng được sử dụng để sản xuất màn hình và chip.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-tap-doan-jic-mua-lai-jsr-nham-cung-co-chuoi-cung-ung-chip/871412.vnp
3. Apple đang ở “cửa trên” với điện thoại Android tại Đông Nam Á
Theo Counterpoint Research, doanh số iPhone tại thị trường Đông Nam Á đã tăng 18% trong quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là ở Indonesia và Việt Nam, nhu cầu iPhone rất cao, ngay cả khi smartphone đã đạt đến điểm bão hòa ở những nơi khác trên khắp Đông Nam Á.  Những người trẻ tuổi đã chuyển từ Android sang iOS trong 12 tháng qua cho biết họ bị thu hút bởi thiết kế và máy ảnh tuyệt vời của iPhone cũng như hệ điều hành trực quan. Họ cho biết sẽ tiếp tục mua iPhone miễn là chất lượng của thương hiệu được giữ vững.
Trong lịch sử, Apple đã gặp khó khăn ở Đông Nam Á. Tại Indonesia – quốc gia lớn thứ 4 trên thế giới – các công ty Trung Quốc như Oppo, Vivo, Xiaomi và Realme đã thống trị doanh số bán smartphone, với những chiếc điện thoại Android cao cấp có giá chỉ 500 USD. Các thương hiệu Trung Quốc đã làm tốt hơn nhiều so với Apple trong việc bản địa hóa hoạt động tiếp thị của họ, cũng như tạo thiện cảm với cộng đồng địa phương thông qua các sáng kiến tạo việc làm và cứu trợ thiên tai. Nhưng giờ đây Apple đã và đang đạt được những bước tiến mới nhờ sức mạnh của chất lượng sản phẩm và sự giàu có ngày càng tăng của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Glen Cordoza, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint, nói rằng mức độ phổ biến của Apple trong khu vực đã được thúc đẩy nhờ iPhone 13 và 14, cũng như nhận thức của người tiêu dùng rằng Apple sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.
Nguồn: https://markettimes.vn/apple-dang-o-cua-tren-voi-dien-thoai-android-khi-nguoi-dan-tai-dong-nam-a-ngay-cang-giau-co-chi-thich-dung-iphone-32127.html
4. IBM chi 4,6 tỷ USD tiền mặt mua một hãng phần mềm
Ngày 26/6, IBM cho biết sẽ mua lại nền tảng quản lý chi tiêu Apptio với giá 4,6 tỷ USD. Đây là thương vụ mới nhất nhằm củng cố năng lực đám mây và tự động hóa của hãng. Thương vụ dự kiến khép lại vào nửa sau năm 2023 và diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp đều cắt giảm ngân sách công nghệ do điều kiện kinh tế vĩ mô. Bản thân IBM cũng sa thải 3.900 nhân sự vào đầu năm nay và doanh thu quý đầu chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mua lại Apptio – công ty SaaS với hơn 1.500 khách hàng và quan hệ đối tác với những “ông lớn” như AWS, Salesforce – sẽ mang lại lợi ích cho bộ phận Red Hat, danh mục AI và bộ phận tư vấn của IBM. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Phó Chủ tịch Rob Thomas cho biết, trong tương lai IBM sẽ tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực phần mềm và tư vấn.
IBM, công ty có lịch sử trăm tuổi, đang định hướng lại để tập trung vào AI và dịch vụ dựa trên đám mây. Năm 2019, hãng mua nhà cung cấp phần mềm Red Hat với giá 34 tỷ USD, đánh dấu thương vụ lớn nhất từ trước tới nay của mình. Hai năm sau, bộ phận data center và hạ tầng IT Kyndryl Holdings được tách riêng. Năm 2022, công ty đã bán một số tài sản trong mảng phân tích và dữ liệu y tế.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ibm-chi-4-6-ty-usd-tien-mat-mua-mot-hang-phan-mem-2158682.html
5. Thị trường ô tô điện Trung Quốc bước vào giai đoạn ổn định
Thị trường xe điện lớn nhất thế giới có vẻ đã bước qua giai đoạn xô bồ ban đầu. Ngành công nghiệp bùng nổ ở Trung Quốc – vốn được hỗ trợ nhờ trợ cấp chính phủ hơn 1 thập kỷ trước – hiện bao gồm khoảng 100 nhà sản xuất đang tung ra các mẫu xe plug-in hybrid và xe thuần điện. Con số này đã giảm mạnh so với mức 500 nhà sản xuất vào năm 2019 nhưng người ta tin rằng đây vẫn chưa phải điểm kết của thị trường. Thị trường này đang dần loại bỏ những cái tên không đủ thực lực. Những người chiến thắng lớn nhất, như BYD, Tesla đang củng cố quyền lực của họ. BYD đã khẳng định vị thế mạnh mẽ trong 2 năm qua. Hơn 1/3 xe NEV bán ở Trung Quốc đến từ công ty này, tăng từ mức dưới 15% vào cuối năm 2020 khi thị trường xe năng lượng sạch lần đầu tiên bán đều đặn hơn 100.000 xe mỗi tháng. Sự mạnh mẽ này đang chèn ép ngay cả đối thủ đứng thứ 2 thị trường là Tesla. Hãng này hiện chỉ còn chiếm khoảng 11% thị phần, đồng nghĩa thị phần của 2 “ông lớn” này đã chiếm đến gần 1 nửa thị trường.
Theo Wang Hanyang, một nhà phân tích tại 86Ressearch (Thượng Hải), 80% các công ty khởi nghiệp về xe sử dụng năng lượng mới đã và đang rời khỏi thị trường. Hiện tại, thị phần theo doanh số của 4 công ty dẫn đầu đã tăng lên 60% trong quý đầu tiên của năm 2023, so với 44% cùng kỳ 3 năm trước. Trung Quốc quyết định kéo dài thời gian giảm thuế cho người mua xe sử dụng năng lượng mới đến năm 2027 nhưng sẽ không tiếp tục hỗ trợ các nhà sản xuất gặp khó khăn. Xin Guobin, một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho hay các vụ hợp nhất, cơ chế quản lý tốt hơn sẽ giúp các thương hiệu còn lại có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Nguồn: https://markettimes.vn/co-phai-bong-bong-o-to-dien-trung-quoc-da-vo-32536.html
6. Từ 1/7, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức được giảm phí trước bạ 50%
Theo Nghị định 41/2003/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2023, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức được giảm 50% lệ phí trước bạ hiện hành và kéo dài tới ngày 31/12/2023. Cụ thể, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô, rơ mooc hoặc sơ mi rơ mooc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày Nghị định 41/NĐ-CP có hiệu lực thi hành hết ngày 31/12/2023 chỉ còn bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP; các nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Việc giảm lệ phí trước bạ 50% cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được chờ mong là giúp “giải cứu” thị trường ô tô trong nước khi đang gặp nhiều khó khăn, doanh số liên tục sụt giảm. Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ghi nhận doanh số bán hàng tháng 5/2023 của các thành viên chỉ đạt 20.726 xe, bao gồm xe 14.483 du lịch, 6.096 xe thương mại và 147 xe chuyên dụng. Với kết quả này, toàn thị trường giảm 8% so với tháng 4/2023, giảm 53% so với tháng 5/2022. Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 8%; xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng trước. Trước những tác động tích cực của việc giảm lệ phí trước bạ 50% ở 2 lần trước đó, nhiều người kì vọng đây sẽ là yếu tố được kỳ vọng kích thích sức mua của khách hàng, qua đó vực dậy doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam trong phần còn lại của năm 2023.
Nguồn: https://baodautu.vn/tu-17-o-to-san-xuat-lap-rap-trong-nuoc-chinh-thuc-duoc-giam-phi-truoc-ba-50-d192849.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Năng lượng tái tạo ở Châu Á bộc lộ bất cập khi thời tiết nắng nóng kỷ lục
Công suất năng lượng xanh ở châu Á đã tăng 12% vào năm 2022, tốc độ nhanh nhất trong số các khu vực chính, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế. Công ty tư vấn Wood Mackenzie dự đoán tỷ lệ năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện trong tổng công suất cung cấp điện của châu Á sẽ tăng gấp đôi so với mức của năm 2011 lên 28% trong năm nay. Phần lớn sự tăng trưởng đó đến từ gió và mặt trời, kết hợp lại sẽ chiếm 14% trong tổng số, từ mức chỉ 1% vào năm 2011. Tuy nhiên nắng nóng kỷ lục trên khắp châu Á đang đặt ra thử thách cho lĩnh vực năng lượng tái tạo đang tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực, làm nổi bật nhu cầu cung cấp dự phòng, nâng cấp hệ thống truyền tải và cải cách thuế quan để đảm bảo độ tin cậy và ngăn chặn sự chậm lại trong việc sử dụng năng lượng xanh. Nhiều khu vực ở châu Á bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đã phải đối mặt với tình trạng mất điện trong những tuần gần đây do nắng nóng gay gắt, và tình trạng này có thể sẽ còn tiếp diễn.
Công ty tư vấn Rystad cho biết tại Trung Quốc, nơi năng lượng tái tạo chiếm khoảng một nửa tổng công suất cung cấp điện, các nhà chức trách đã duy trì các nhà máy đốt than và khí đốt dự phòng để đáp ứng nhu cầu và lượng tiêu thụ tăng đột biến do nắng nóng sớm. Rajasthan, bang sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu của Ấn Độ, đã nhận được “cảnh báo sớm” về những thách thức kỹ thuật có thể phát sinh khi việc sử dụng năng lượng tái tạo tăng lên, một quan chức của Bộ Điện lực liên bang cho biết. Cải thiện độ tin cậy của lưới điện sẽ liên quan đến việc nâng cấp tốn kém. Chỉ riêng việc cải thiện mạng lưới truyền tải và phân phối ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể sẽ tiêu tốn ít nhất 2 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết.
Lauri Myllyvirta, nhà phân tích hàng đầu thuộc Trung tâm nghiên cứu của tập đoàn Clean Energy and Air cho biết việc phần lớn các nước châu Á chưa có cấu trúc biểu phí (các quy tắc và thủ tục xác định cách tính phí) để khuyến khích vận hành các nhà máy điện chạy bằng than hoặc khí đốt chỉ trong vài giờ cao điểm mỗi ngày có thể thúc đẩy các nhà vận hành lưới điện vận hành các nhà máy nhiên liệu hóa thạch càng nhiều càng tốt. Trung Quốc và Ấn Độ đang xem xét các cách để khuyến khích việc linh hoạt trong cung cấp và tiêu thụ điện. Ấn Độ hôm thứ Sáu (16/6) cho biết họ sẽ cắt giảm thuế điện vào ban ngày, khi có điện mặt trời và tăng chúng vào giờ cao điểm ban đêm kể từ tháng 4 năm 2024. Ngoài ra, việc phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua ở một số nước đã bộc lộ một số bất cập. Ví dụ những nơi có thể cung cấp nhiều năng lượng tái tạo có thể nằm xa nơi cần nhiều điện nhất, dẫn tới sự căng thẳng cho hệ thống chuyển tải điện.
Nguồn:  https://markettimes.vn/nang-luong-tai-tao-o-chau-a-boc-lo-bat-cap-khi-thoi-tiet-nang-nong-ky-luc-32416.html
2. Nga đang vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc
Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Saudi Arabia đã dần mất thị phần dầu lửa tại Trung Quốc – thị trường năng lượng lớn nhất thế giới – do Nga liên tục bán dầu với giá giảm sâu. Bên cạnh đó, việc vương quốc Ả Rập này cắt giảm sản lượng vào đầu tháng 6 đã không mang lại kết quả như mong đợi trong việc đẩy giá dầu tăng lên nhằm bù đắp so sự sụt giảm về nhu cầu. Các nhà phân tích và giới đầu tư đang lo ngại tình hình căng thẳng có thể phá vỡ liên minh vốn mong manh giữa Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) do Saudi Arabia dẫn dầu.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến giành thị phần tại Trung Quốc là một trong những nguồn cơn gây ra căng thẳng giữa hai cường quốc sản xuất dầu mỏ. Hồi tháng 4, trong một khoảng thời gian ngắn, Nga đã vượt qua Saudi Arabia về xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc, trước khi Saudi Arabia giành lại vị trí này. Giờ đây, vị thế của hai bên đã cân bằng trở lại. Giới phân tích cho rằng tất cả tín hiệu giờ đây đều cho thấy Nga sẽ sớm vượt lên dẫn đầu và kéo dài vị thế này trong nhiều tháng tới. Cụ thể, dầu Nga hiện chiếm khoảng 14% nguồn cung dầu của Trung Quốc, tăng từ 8,8% trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra – theo công ty cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler. Trong khi đó, từ tháng 3-5/2023, thị phần của Saudi Arabia đã giảm xuống còn 14,5%. Việc đảo ngôi dẫn đầu tại Ấn Độ thậm chí còn kịch tích hơn khi Saudi Arabia hiện chỉ còn nắm giữ 13% thị phần, giảm từ 20% so với trước chiến tranh Ukraine. Trong khi đó, Nga hiện chiếm khoảng 40% nhập khẩu dầu của Ấn Độ, tăng từ mức chỉ 3% trước chiến tranh – theo Kpler.
Dầu giá rẻ Nga ngập tràn đã gây áp lực với giá dầu toàn cầu, gây ảnh hưởng lớn tới khả năng tài chính của Saudi Arabia trong việc thực hiện kế hoạch kinh tế trong nước. Việc mất thị phần, cộng với giá dầu giảm, gây tác động “kép” tới vương quốc Ả Rập này. Trong một động thái bất ngờ vào đầu tháng này, Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, sau khi đã cắt giảm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 9 năm ngoái. Động thái này được cho là nhằm đẩy giá dầu tăng lên. Tuy nhiên, giá dầu gần như không biến động. Giá dầu Brent hiện vẫn dao động quanh mức 75 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức 81 USD mà Saudi Arabia cần để cân bằng ngân sách của mình – theo các nhà phân tích.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ban-dau-cho-trung-quoc-saudi-arabia-sap-mat-vi-tri-so-1-vao-tay-nga.htm

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. K-pop đi trước, dòng tiền theo sau vào Mỹ
Giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ không thể thoát khỏi cơn lốc văn hóa Hàn Quốc – âm nhạc, phim ảnh, truyền hình và thậm chí là thực phẩm. Từ khi BTS lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard vào năm 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hàn Quốc vào Mỹ đã tăng mạnh. Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy FDI của Hàn Quốc trong năm 2021 đạt mức kỷ lục 72,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước, trải rộng trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tài chính, kinh doanh, bất động sản và dịch vụ kỹ thuật. Kể từ năm 2016, khi BTS bắt đầu củng cố những ảnh hưởng ở Mỹ, FDI của Hàn Quốc vào nước này đã tăng vọt hơn 70%. Làn sóng đầu tư Hàn Quốc cũng dễ hiểu khi các công ty Hàn Quốc buộc phải mở rộng ra nước ngoài. Thị trường nội địa bị lấn át bởi các đối thủ nặng ký là Trung Quốc và Nhật Bản. Già hóa, thu hẹp dân số và tỷ lệ sinh giảm cũng đang đẩy Hàn Quốc vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và tập đoàn Hàn Quốc SK Group năm 2022 đã công bố cam kết trị giá 22 tỷ USD đầu tư vào công nghệ Mỹ, bao gồm bán dẫn, năng lượng tái tạo và dược phẩm. Khoảng 15 tỷ USD trong cam kết đó sẽ đổ vào ngành công nghiệp bán dẫn, trùng khớp với Đạo luật CHIPS nhằm đưa chuỗi cung ứng chip vào đất Mỹ. Các ưu đãi đi kèm CHIPS và Đạo luật Giảm lạm phát khiến sản xuất bán dẫn và xe hơi trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bước tiến quan trọng nhất gần đây là kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện Huyndai tại Savannah, Georgia, có quy mô gấp ba lần nhà máy Alabama hiện có. Khoản đầu tư 5,5 tỷ USD của Hyundai là dự án phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử Georgia, đồng thời thu hút nhiều nhà cung cấp phụ tùng thành lập cơ sở gần đó.
Nguồn: https://lifestyle.zingnews.vn/k-pop-di-truoc-dong-tien-theo-sau-vao-my-post1443160.html
2. Hơn 130 doanh nghiệp Ấn Độ đến Đồng Tháp tìm cơ hội đầu tư
Chiều 28/6, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh đã phối hợp cùng Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM tổ chức “Hội nghị Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023” nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá, đây là sự kiện quan trọng khi Đồng Tháp đón trên 130 doanh nghiệp Ấn Độ về tham dự các hoạt động giao lưu, kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực như: Thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch và công nghệ thông tin. Các lĩnh vực này cũng là thế mạnh của Đồng Tháp để mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Về phía đối tác, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM cho biết, tỉnh Đồng Tháp đã nhận được khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD của Ấn Độ để xây dựng nhà máy sản xuất dầu cám gạo và chế biến thực phẩm. Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa riêng tỉnh Đồng Tháp và Ấn Độ năm 2022 đạt 18,13 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,65 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 7,48 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đồng Tháp sang Ấn Độ là thủy sản, giày da, collagen. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là dược phẩm, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dệt may và máy móc, thiết bị.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp, tổ chức Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp trao 3 biên bản ghi nhớ trong hợp tác đầu tư. Cùng dịp này, tỉnh Đồng Tháp cũng tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm xuất khẩu tỉnh Đồng Tháp và khu triển lãm giới thiệu các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp đang mời gọi đầu tư…
Nguồn: https://mekongasean.vn/hon-130-doanh-nghiep-an-do-den-dong-thap-tim-co-hoi-dau-tu-post23493.html

Nhóm tin về nông nghiệp – thủy sản – chăn nuôi

1. Đưa trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố đến với người dân Thủ đô
Ngày 23/6, tại Trung tâm Thương mại Mê Linh Plaza, quận Hà Đông (Hà Nội) đã diễn ra Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, thu hút 15 tỉnh, thành phố tham gia. Với quy mô trên 70 gian hàng, của trên 45 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội và 15 tỉnh, thành gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam… tham gia. Tại Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố người dân Thủ đô sẽ được thưởng thức các sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ như vải thiều Bắc Giang, Hải Dương; xoài, mận, bơ Sơn La, nông sản đặc sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP…
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sự kiện này có ý nghĩa thiết thực trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội, đồng thời giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, có thêm nhiều lựa chọn tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, phát huy tinh thần tự lực, tự cường. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội (Aeon, Central Group, MM Mega Market…) tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói thân thiện…. để đưa vào kênh phân phối hiện đại, không những tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn có nhiều cơ hội để, giới thiệu, đưa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài: Nhật Bản (AEON), Thái Lan (BigC)….
Nguồn: https://bnews.vn/dua-trai-cay-nong-san-cac-tinh-thanh-pho-den-voi-nguoi-dan-thu-do/295715.html
2. Chăn nuôi bên bờ vực phá sản
Nhiều trang trại, cơ sở chăn nuôi heo, gà… ở thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đứng trước nguy cơ treo chuồng, thậm chí phá sản do giá thành phẩm xuống thấp, thua lỗ kéo dài. Theo nhiều chủ trại gà, lý do giá gà thịt sụt giảm rất sâu là do các nhà cung cấp suất ăn công nghiệp đã có sự lựa chọn gà đông lạnh nhập khẩu giá rẻ. Nhiều doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng sản xuất đã cắt giảm lao động, giảm suất ăn… Vì thế khiến sản lượng tiêu thụ thịt gà công nghiệp trong nước giảm thê thảm. Trong khi đó, người chăn nuôi rất khó tiếp cận nguồn vốn vay do lãi suất vay cũng quá cao.
Ngoài gặp khó vì giá cả, vốn vay, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang triển khai kế hoạch di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch cũng như tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ phải “giải nghệ” do việc di dời, xây mới chuồng trại chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn này là điều không thể.
Nguồn: https://tienphong.vn/chan-nuoi-ben-bo-vuc-pha-san-post1545396.tpo

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Indonesia sẽ ngưng xuất khẩu đồng vào năm 2024
Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa cho biết Indonesia sẽ ngừng xuất khẩu đồng thô khi hai công ty sản xuất đồng lớn nhất nước này là Freeport Indonesia và Amman Mineral hoàn thành nhà máy luyện và xử lý nguyên liệu đồng thô. Dự kiến hai công ty này sẽ đưa vào vận hành dây chuyền tinh chế đồng vào tháng 5/2024. Indonesia cũng vừa đồng ý tiếp tục cho phép cả hai công ty trên tiếp tục được phép xuất khẩu tinh quặng đồng cho đến khi các dây chuyền tinh chế đồng đi vào hoạt động chính thức. Indonesia hiện là quốc gia khai thác đồng lớn thứ 6 thế giới và là nước xuất khẩu quặng đồng lớn thứ 3 thế giới.
Việc ngưng xuất khẩu đồng thô là động thái mới nhất của Indonesia trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp khai khoáng và luyện kim theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thay vì chỉ xuất khẩu khoáng sản thô. Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia đã thông báo, trong năm nay, Indonesia có thể cấm xuất khẩu quặng bauxite – nguyên liệu thô chủ chốt để sản xuất nhôm. Indonesia hiện là nước cung ứng quặng bauxite lớn thứ sáu và có trữ lượng lớn thứ năm thế giới. Việc nước này cấm xuất khẩu bauxite và quặng đồng thô có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động luyện kim của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/indonesia-se-ngung-xuat-khau-dong-vao-nam-2024-106657.htm
2. Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc tăng vọt nhờ giao thông
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaiisri cho biết, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023 đã tăng vọt nhờ việc cải thiện hệ thống giao thông vận tải thuận tiện. Theo ông Anucha, Thái Lan đã xuất khẩu 0,47 triệu tấn sầu riêng tươi sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu tăng vọt là nhờ việc khai thác tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung nằm trong Hành lang thương mại biển-đất liền quốc tế mới. Phương thức mới này đã giúp giảm thời gian vận chuyển trái cây sang Trung Quốc từ 8-10 ngày xuống chỉ còn 4 ngày. Qua đó, không chỉ giúp giảm giá thành mà còn hạn chế tối đa hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho rằng, với hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng đối với trái cây Thái Lan. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng rất ưa chuộng sầu riêng Thái Lan, bởi hương vị thơm ngon và các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Ông Anucha khẳng định, Chính phủ Thái Lan sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan để thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, với ưu tiên trọng tâm là cải thiện chất lượng hàng hóa và giảm thời gian vận chuyển.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-sau-rieng-thai-lan-sang-trung-quoc-tang-vot-nho-giao-thong-post1028559.vov
3. Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Việt Nam bất ngờ tăng hơn 10.000%
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Thái Lan, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng và sầu riêng đông lạnh của Thái Lan đạt tổng giá trị 63.627 triệu baht (hơn 1,8 tỷ USD), tăng 166% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Thái Lan là Trung Quốc với trị giá 62.068 triệu baht (1,76 tỷ USD), tăng 170% so với năm ngoái, tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc), tổng trị giá 941 triệu baht (gần 26,7 triệu USD), tăng 77% và Đài Loan (Trung Quốc), trị giá 198 triệu baht (5,6 triệu USD), tăng 36%. Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 10 với tư cách là thị trường xuất khẩu của Thái Lan với giá trị 16,25 triệu baht (460.000 USD, khoảng 10,8 tỷ đồng), mức tăng lên đến 10.769%.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Việt Nam tăng đột biến. Thứ nhất, mặc dù khối lượng vẫn còn tương đối thấp, các thương nhân Thái Lan đang có xu hướng chuyển trọng tâm xuất khẩu qua Việt Nam như một cửa ngõ để vào Trung Quốc, đi qua các cửa khẩu như You Yiguan, Dongxing và Ping Qian. Theo trang Khaosod, tuyến đường xuyên biên giới này đang được sử dụng rộng rãi bởi hàng xuất qua Việt Nam nhiều khi không cần trung gian vì được coi là hàng xuyên biên giới, không tính thuế và chỉ mất phí biên mậu. Nguyên nhân thứ 2 chính là việc nhu cầu tiêu thụ sầu riêng Thái Lan tại Việt Nam đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2023. Theo nhiều đầu mối kinh doanh tại Hà Nội, TP.HCM, sầu riêng Thái Lan xuất vào Việt Nam có đến 5-6 chủng loại khác nhau, giá bán cao hơn 2-5 lần so với sầu riêng nội những vẫn đắt khách. Trong số này, loại sầu riêng đắt đỏ nhất là Black Thorn (gai đen), thường được trồng ở vùng Chanthaburi, miền đông Thái Lan với giá bán 600.000-900.000/kg.
Nguồn: https://markettimes.vn/vi-sao-xuat-khau-sau-rieng-thai-lan-sang-viet-nam-bat-ngo-tang-hon-10-000-32467.html
4. Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ kỳ vọng phục hồi nửa cuối năm 2023
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Hòa Kỳ 5 tháng đầu năm 2023 giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022, đạt 563 triệu USD. Tất cả các phân khúc ngành hàng chính đều bị sụt giảm mạnh từ 30 – 60%. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, giảm sâu nhất, lần lượt thấp hơn 42% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn nhận doanh số xuất khẩu từng tháng, VASEP nhận định, thị trường này đang có tín hiệu tốt dần lên.
Ngoài yếu tố lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ giảm thì vấn đề tồn kho lớn, khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chìm trong tăng trưởng âm. VASEP đánh giá và nhận định, có thể trong những tháng tới, khi lượng tồn kho giảm dần và vào mùa nhu cầu tiêu thụ cao dịp cuối năm, khi đó các nhà nhập khẩu tại thị trường Hoa Kỳ sẽ lấy lại tiến độ đặt hàng từ Việt Nam.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-thuy-san-sang-hoa-ky-ky-vong-phuc-hoi-nua-cuoi-nam-2023-259924.html
5. Xuất khẩu dệt may mới đạt 18,6 tỷ USD, còn xa đích 2023 là 47 tỷ USD
Vitas cho biết, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 dự kiến đạt 18,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, kết quả đạt được vẫn còn xa so với mục tiêu 45 – 47 tỷ USD trong cả năm nay. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đà tăng trưởng của ngành dệt may chững lại chủ yếu đến từ những khó khăn liên hoàn từ suy thoái kinh tế, Fed tăng lãi suất, hệ lụy từ căng thẳng địa chính trị… khiến sức của của người tiêu dùng chậm lại, tồn kho các mặt hàng giá rẻ ở mức cao. Chủ tịch Vitas cho rằng trong thời gian tới ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với những áp lực và đòi hỏi đến từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh hóa, hàng rào kỹ thuật liên quan đến sản phẩm tái chế. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới, cùng với đó thúc đẩy xanh hóa với các giải pháp đồng bộ từ nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh, năng lượng xanh.
Dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19… Ngoài ra, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Theo đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay ước đạt 36-37 tỷ USD, toàn ngành nỗ lực ở mức cao nhất để đạt 40 tỷ USD.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/thi-truong/xuat-khau-det-may-moi-dat-18-6-ty-usd-con-xa-dich-2023-la-47-ty-usd-1093503.html
6. Rau quả Việt xuất ngoại tăng cao kỷ lục
Theo Tổng cục Hải quan, chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất cả năm ngoái. Mức cao kỷ lục từ trước đến nay của ngành rau quả. Tính đến nửa đầu tháng 6, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD – chiếm 90% giá trị của cả năm ngoái (3,16 tỷ USD). Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần , tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt, chỉ Mỹ giảm 12% so với cùng kỳ. Theo các doanh nghiệp, rau quả Việt xuất khẩu tăng cao nhờ Trung Quốc tăng thu mua. Đặc biệt, các nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Năm nay, dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng Việt chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong báo cáo thường kỳ hàng tháng vừa được Tổng cục Hải quan công bố, đơn vị này đã dành riêng một phần để nói về sự tăng trưởng đột phá của quả sầu riêng xuất khẩu. Đây là hiếm hoi của ngành hải quan đối với một mặt hàng. Theo đó, trong 5 tháng, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 503,4 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước. Con số này giúp sầu riêng chính thức vượt thanh long, trở thành sản phẩm mang lại giá trị lớn nhất trong các mặt hàng rau quả của việt Nam. Sự tăng trưởng đột phá của sầu riêng đã nâng giá trị xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5 đạt 656 triệu USD, tăng 67,7% so với tháng trước và hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung lũy kế trong 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt tới hơn 2 tỉ USD – đây là trị giá xuất khẩu trong 5 tháng cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 43% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: https://tienphong.vn/rau-qua-viet-xuat-ngoai-tang-cao-ky-luc-post1544919.tpo
7. Gạo Việt đang có sức cạnh tranh lớn
Thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, 5 tháng qua, xuất khẩu gạo đã mang về hơn 2 tỷ USD, tăng 49% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện xuất khẩu gạo Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc nhờ các nhà máy liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đi vào các phân khúc có giá bán khá tốt. Hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ từ 10 – 50 USD/tấn. Việc đầu tư chế biến trên 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao để xuất khẩu vào các thị trường khó tính đã và đang giúp hạt gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn. Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, các nhà máy gạo trong nước đã xuất khẩu gần 40.000 tấn gạo thơm, chất lượng cao sang EU, Hàn Quốc… với giá cao nhất là 1.250 USD/tấn, thấp nhất là 700 USD/tấn. Trong xu thế tăng trên toàn thế giới về nhu cầu lương thực, các doanh nghiệp dự báo, thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục khởi sắc.
Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo cũng tác động tích cực tới thị trường trong nước. Vài năm trở lại đây người trồng lúa được mùa, được giá. Đáng chú ý biên lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp đang tỷ lệ thuận với nhau nhờ có sự liên kết, chia sẻ, hướng mục tiêu phát triển bền vững hạt gạo Việt. Tại ĐBSCL, hiện lợi nhuận của người trồng lúa đã vượt xa con số 30%. Ngoài canh tác tiết kiệm, việc nông dân liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sản xuất và có hợp đồng bao tiêu hẳn hỏi. Cam kết cao hơn giá bên ngoài là yếu tố quyết định tới lợi nhuận bền vững của bà con. Nếu như năm 2015, diện tích lúa của ĐBSCL khoảng 4,3 triệu ha, nay con số này đã giảm còn dưới 3,8 triệu ha. Đáng chú ý là diện tích giảm nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng. Đặc biệt, lợi nhuận của các thành phần trong chuỗi lúa, gạo đang tỷ lệ thuận với nhau. Qua đó cho thấy, hạt gạo Việt đang phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gao-viet-dang-co-suc-canh-tranh-lon-20230622111529027.htm
8. Xuất khẩu sắn sang Nhật tăng mạnh thu về hơn 1 triệu USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 192.910 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 80,22 triệu USD, tăng 1,6% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với tháng 4/2023, nhưng so với tháng 5/2022 lại giảm 26% về lượng và giảm 29,5% về giá trị. Đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,36 triệu tấn, tương đương 528,5 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan… Theo đó, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng mạnh với 2.396 tấn, tương đương 1,22 triệu USD, tăng tới 1.285% về lượng và tăng 947% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu hơn 3 triệu tấn sắn lát (HS 071420), tương đương 842 triệu USD, tăng 6% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia là 4 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan và Việt Nam tăng, trong khi giảm từ Lào. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 434.250 tấn, tương đương 194 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: https://markettimes.vn/mot-loai-nong-san-viet-dang-lam-mua-lam-gio-tai-nhat-ban-xuat-khau-tang-manh-1-285-thu-ve-hon-1-trieu-usd-32414.html
9. Hàn Quốc thu hồi ớt khô Việt Nam do vượt dư lượng thuốc trừ sâu
Văn phòng SPS Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, phía Hàn Quốc vừa thông báo một số lô hàng ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Theo đó, phía Hàn Quốc cho biết, lô hàng của Công ty TNHH Long Thành sản xuất có mức dư lượng tricyclazone (hoạt chất trừ nấm, trừ sâu) trong các mẫu ớt đỏ khô dao động từ 0,02 – 0,04 mg/kg, vượt quá cho phép của Hàn Quốc là 0,01 mg/kg. Phía Hàn Quốc đã cho thu hồi sản phẩm ớt đỏ khô do 3 công ty nước này phân phối từ Công ty TNHH Long Thành, gồm Công ty TNHH Thương mại Geosan, Seoul; Công ty TNHH Nông nghiệp Bokine, Daejeon, Công ty TNHH Nông nghiệp Yangil, Seoul.
Ngay sau khi nhận thông báo, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN&PTNT đề nghị Công ty TNHH Long Thành điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm. Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị Sở NN&PTNT Hải Dương, Chi cục Kiểm dịch thực vật thực hiện giám sát hoạt động rà soát các khâu trong chuỗi quản lý của doanh nghiệp, sớm xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Nguồn: https://tienphong.vn/han-quoc-thu-hoi-ot-kho-viet-nam-do-vuot-du-luong-thuoc-tru-sau-post1546649.tpo
BSAi