Bangladesh công bố khuôn khổ pháp lý của ngân hàng số

Dự thảo khuôn khổ thành lập ngân hàng số sẽ được Ngân hàng Bangladesh công bố ngày mai 14-6. Ảnh: Getty Images

Ngân hàng trung ương Bangladesh dự kiến sẽ công bố các khuôn khổ cần thiết cho các ngân hàng kỹ thuật số trong ngày mai 14-6. Đây là một phần trong kế hoạch chuyển đổi Bangladesh thành một xã hội không dùng tiền mặt.

Bangladesh muốn ít nhất 75% giao dịch địa phương được thực hiện bằng kỹ thuật số vào năm 2027, như một phần trong kế hoạch biến đất nước này thành “Bangladesh thông minh” vào năm 2041. Hiện có 61 ngân hàng truyền thống đang hoạt động tại Bangladesh và một số trong số này đã cung cấp ứng dụng và dịch vụ ngân hàng số.

Theo Nikkei Asia và Reuters, dự thảo hướng dẫn dự kiến sẽ được Ngân hàng Bangladesh (BB), ngân hàng trung ương, phê duyệt vào ngày 14-6. Theo đó, các ngân hàng kỹ thuật số sẽ không bắt buộc phải cung cấp bất kỳ dịch vụ tại quầy nào hoặc duy trì sự hiện diện vật lý ngoài hoạt động của trụ sở chính. Thay vào đó, họ sẽ phải cấp cho khách hàng thẻ ngân hàng, mã QR và các công nghệ tiên tiến khác để tạo thuận lợi cho giao dịch.

Theo hướng dẫn dự thảo, các ngân hàng kỹ thuật số phải cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính “hiệu quả, chi phí thấp và sáng tạo” thông qua “trí tuệ nhân tạo, học máy, chuỗi khối và các công nghệ tiên tiến khác”.

Các ngân hàng này phải có vốn góp là 1,25 tỷ taka (11,55 triệu USD) mỗi ngân hàng, thấp hơn đáng kể so với yêu cầu đối với ngân hàng thông thường là 5 tỷ taka.

Động thái này diễn ra khi Bangladesh đặt mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế đang bị lạm phát, dự trữ ngoại hối thu hẹp và thiếu điện. Khi các hướng dẫn đã được phê duyệt, ngân hàng trung ương hy vọng các nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động, công ty công nghệ, công ty fintech, tổ chức tài chính vi mô, ngân hàng và tổ chức tài chính sẽ xin giấy phép hoạt động.

Nagad, nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động lớn thứ hai của Bangladesh, dự kiến sẽ là một trong những ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên được cấp phép. Các quan chức cho biết Nagad đã tiếp cận ngân hàng trung ương vào năm 2020 để xin giấy phép thành lập ngân hàng kỹ thuật số và chính yêu cầu này đã thúc đẩy ngân hàng trung ương xem xét việc xây dựng các quy chế.

Nhưng Salehuddin Ahmed, cựu thống đốc Ngân hàng Bangladesh, nhấn mạnh các cơ quan chức năng phải giải quyết vấn đề an ninh trong ngân hàng số. “Có một số rủi ro,” cựu thống đốc nói.

Ngân hàng trung ương của Bangladesh đã mất 81 triệu USD vào năm 2016 khi tài khoản của ngân hàng này tại chi nhánh New York của Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) bị tấn công. Vụ tấn công này chỉ là phần nổi trong âm mưu lớn hơn nhắm vào hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Bangladesh chỉ thu hồi được một phần số tiền đánh cắp nhờ hỗ trợ của nhà chức trách Mỹ. Cựu thống đốc cảnh báo rằng nếu kẻ trộm nhắm mục tiêu vào các ngân hàng kỹ thuật số: “Chúng ta sẽ không thể lấy lại tiền vì không có chuyên môn hoặc nhân lực cần thiết trong ngành công nghệ thông tin”.

Để đạt được mục tiêu này, ngân hàng trung ương đang yêu cầu ít nhất một nửa thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng kỹ thuật số phải có kiến thức và kinh nghiệm về ngân hàng dựa trên công nghệ, các công nghệ mới nổi, luật và quy định về mạng. Họ cũng phải có cơ chế giải quyết tranh chấp hỗ trợ bằng AI.

Tại tiểu lục địa Nam Á, Ấn Độ và Pakistan đã phê duyệt hướng dẫn thành lập ngân hàng kỹ thuật số. Năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố rằng 75 đơn vị ngân hàng kỹ thuật số sẽ được thành lập trên cả nước. Tháng 1-2023, Ngân hàng Nhà nước Pakistan đã phê chuẩn năm ứng viên ngân hàng kỹ thuật số.

Toufic Ahmad Choudhury, thành viên sáng lập của Trường Kinh tế Dhaka, nói rằng Bangladesh phải dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số ngay bây giờ vì họ đã có cơ sở hạ tầng cơ bản cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động, nếu không họ sẽ tụt lại phía sau trong mục tiêu trở thành một xã hội không dùng tiền mặt.

“Hãy bắt đầu ngân hàng số ngay bây giờ. Từ từ chúng ta sẽ xác định các rủi ro và khắc phục”, ông nói.

Ricky Hồ / BSA