Bao giờ Bamboo Airways thoát lỗ?

Ảnh chụp sáng mùng một Tết 2019 khi đó Bamboo Airways vừa mới khai trương chuyến đầu tiên TP.HCM - Hà Nội. Ảnh: Ricky Hồ

Bamboo Airways đặt mục tiêu quay về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024. Thế nhưng khoản lỗ gần 18.000 tỷ đồng trong năm 2022 là dấu hỏi lớn cho khả năng cắt lỗ của hãng hàng không non trẻ.

Tại đại hội cổ đông thường niên Bamboo Airways sáng qua 21-6, danh tính của các nhà đầu tư mới đã được công bố. Đó là Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh và các nhà đầu tư Nhật Bản mà Him Lam mời được.

Dàn lãnh đạo mới có sự tham gia của hai nhân vật kỳ cựu từ Japan Airlines (JAL): ông Masaru Onishi từng giữ chức Chủ tịch JAL và ông Hideki Oshima – cựu giám đốc về quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của JAL.

Truyền thông Việt Nam đưa tin rằng đây chính là những nhân vật đã “lột xác” JAL từ một hãng bay lỗ 12 tỷ USD trong năm trở thành một trong những hãng bay hiệu quả hàng đầu thế giới chỉ sau hai năm.

CEO Nguyễn Minh Hải của Bamboo Airways nói hai vị Nhật Bản sẽ giúp hãng bay thành lập các ủy ban chuyên môn, phát triển một cách chuyên nghiệp và có chiều sâu.

Việc tái cấu trúc thượng tầng lãnh đạo đã xong, có sự tham dự của các nhân vật cấp cao Nhật Bản và Sacombank. CEO Bamboo Airways tự tin nói rằng sẽ quay về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024 tới.

Nhưng khoản lỗ trước thuế 17.600 tỷ đồng trong năm ngoái là đá tảng lớn ngáng con đường đớn là cắt lỗ của Bamboo Airways. Cho đến giờ còn chín ngày nữa hết quý 2, nhưng hãng bay chưa cung cấp báo cáo tài chính quý 1.

Ông Nguyễn Minh Hải đã hé lộ phần nào lịch trình cắt lỗ của hãng bay: tăng quy mô đội bay từ 30 chiếc hiện nay của hãng, chủ động cắt giảm chi phí và nâng hệ số chi phí trên mỗi ghế cung ứng (CASK).

Nhưng với chủ sở hữu mới là một tập đoàn bất động sản như Him Lam, Bamboo Airways liệu có thoát khỏi mô hình mà tập đoàn mẹ và ông chủ cũ Trịnh Văn Quyết trước đây ấn định.

Đó là chuyện tập đoàn bất động sản sở hữu một hãng bay và dùng hãng bay này giống như công cụ để quảng bá hay “làm màu bơm giá” cho mạng lưới bất động sản là các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nằm dọc bờ biển các tỉnh thành mà FLC và Vin Group từng đeo bám. Vin thì bỏ hẳn ý tưởng bất động sản – hãng bay nhiều năm rồi, ngay từ khi dự án hãng bay Vinpearl Air còn nằm trên giấy!

Đó cũng là mô hình mà Novaland cũng ủ mưu khi định thâu tóm Pacific Airlines – hãng con của nhóm Vietnam Airlines Group. Các tin tức hai tập đoàn bất động sản hàng đầu thâu tóm hai hãng hàng không rộ lên từ tháng 10-2022. Phải chín tháng sau mới chốt được một vụ trong bối cảnh bất động sản lâm cảnh chợ chiều!

Định nghĩa lại một mô hình hay xác định một con đường hồi phục và tăng trưởng mới không hề dễ dàng cho Bamboo Airways.

Bởi tuyến đường bay vàng TP.HCM – Hà Nội và các đường bay nội địa vẫn do Vietnam Airlines và VietJet Air nắm giữ. Các tuyến bay quốc tế đến thị trường Đông Bắc Á màu mỡ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông vẫn hai đàn anh đàn chị thầu trọn. Cả hai vẫn nhanh chân xí phần thị trường tiềm năng mới là Úc và Ấn Độ.

Ricky Hồ / BSA