Các đồng tiền châu Á đối diện bị nguy cơ bị nhà đầu tư “ruồng bỏ”

Đồng baht Thái Lan và đồng won bị mất giá trị nhiều nhất trong khu vực khi các nhà đầu tư bán tháo, tìm nơi trú ẩn an toàn ở vàng và đồng USD. Đồ họa: Nikkei Asia
Nhà đầu tư đang bán tháo các loại tiền tệ trong khu vực do lo ngại về suy giảm kinh tế Trung Quốc, giá các loại hàng hóa cơ bản tăng mạnh và lạm phát toàn cầu đang leo thang. Các nhà đầu tư đã bán bớt hoặc rút vốn khỏi đồng baht của Thái Lan, đồng won của Hàn Quốc, đồng yen của Nhật Bản cùng nhiều loại tiền châu Á khác khi đồng đô xanh tăng giá khi có các tín hiệu Quỹ Dự báo Liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất vào năm sau.
Áp lực từ tín hiệu Fed sẽ nâng lãi suất trong năm 2022
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 5 trong tuần rồi, và dự báo sẽ tăng nữa trong năm nay, đặc biệt là khi Fed thúc đẩy siết chặt chính sách tiền tệ giữa lúc lạm phát đang gia tăng. Những triển vọng này đã gây sốc đối với các đồng nội tệ châu Á. Đồng yen đã giảm khoảng 3% trong tháng 9, có thời điềm chạm đáy gần bốn năm ở mức 114,69 yen ăn 1 USD. Hai đồng nội tệ của Thái Lan và Hàn Quốc chịu mức sụt giảm giá trị lớn nhất trong khu trong khu vực. Từ đầu năm đến nay, đồng won đã giảm 8%, riêng baht đã giảm đén 10%.
“Việc Fed có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến giữa áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng là mối lo ngại chính đối với các đồng tiền châu Á. Điều này đã khiến một số quốc gia bắt đầu tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ để ứng phó với áp lực lạm phát”, theo Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho ở Hồng Kông.
Bên ngoài châu Á, giá tiêu dùng phần lớn các nơi trên thế giới đều tăng vọt. Tăng phát bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2019. Đồ họa: Bloomberg
Lạm phát tạo áp lực lên tiền tệ
Hồi đầu tháng 10, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) bất ngờ có động thái siết chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên trong ba năm, nối gót các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực như New Zealand và Hàn Quốc.
Chỉ số giá tiêu dùng tại một quốc gia cũng tăng cao khi các hoạt động kinh tế bắt đầu tăng trở lại sau thời gian bị ngưng trệ vì dịch bệnh. Dù các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng xoa dịu nỗi lo của giới đầu tư, tình hình giá than, khí tự nhiên và dầu thô tăng mạnh như “đổ thêm dầu vào lửa”.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc giá năng lượng tăng khác nhau ở mỗi quốc gia. Trong khi các nước xuất khẩu nhiên liệu ròng được hưởng lợi lớn, các nước nhập khẩu có thể phải chịu giá cao hơn khi người tiêu dùng thắt chặt túi tiền và áp lực lạm phát gia tăng.
Các nước nhập khẩu năng lượng như Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến đồng nội tệ sụt giảm mạnh. Đồng won đã giảm xuống mức thấp nhất hơn một năm trong tháng này, khiến ngân hàng trung ương Hàn Quốc phải cân nhắc có biện pháp can thiệp.Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng lira đã sụt khoảng 10% trong tháng trước, xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với đồng đô Mỹ. Đồng lira cũng chịu thêm thêm áp lực khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có động thái siết chặt kiểm soát ngân hàng trung ương thông qua việc sa thải một loạt quan chức chủ chốt và gây áp lực hạ lãi suất. Hôm 21-10, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm lãi suất với mức giảm 200 điểm cơ bản – nhiều hơn so với dự báo của thị trường, kể cả khi lạm phát vẫn cao.
Tại Ấn Độ, vài tuần qua, đồng rupee đã bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi David Rees tại Schroders, dù Ấn Độ bước vào giai đoạn giá năng lượng tăng tương đối ổn định, thông tin về dự trữ than đá cạn kiệt có thể khiến nước này phải tăng nhập khẩu. Tình trạng này gây thâm hụt tài khoản vãng lai và áp lực lên đồng rupee.
Ở chiều ngược lại, là nước xuất khẩu nhiên liệu ròng, Nga nổi lên là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Đồng rúp của Nga là một trong những số ít tiền tệ lớn trên thế giới tăng giá so với đồng đô xanh với mức tăng 3% trong tháng trước.
Cùng với Nga, Malaysia cũng có thể hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng này. Trong một báo cáo mới đây, RBC Capital Markets nhận định Malaysia có thể hưởng lợi từ việc giá dầu tăng bởi đây là một trong những nước xuất khẩu ròng dầu mỏ tại châu Á Thái Bình Dương. Đồng ringgit vì thế sẽ được tiếp thêm lực đẩy.
Mối lo lớn nhất là kinh tế Trung Quốc suy giảm
Nhưng cuối cùng, mối lo ngại lớn gây áp lực với các đồng tiền châu Á là nền kinh tế Trung Quốc trên đà suy tốc. GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm xuống còn 4,9% trong quý 3 vừa rồi khi thị trường nhà đất hạ nhiệt, nhưng tình hình thiếu hụt điện lại diễn ra, khiến sản xuất công nghiệp bị gián đoạn.
Nhiều người lo ngại rằng nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, cho rằng “nỗi lo lạm phát” có thể làm chậm đà phục hồi của thế giới sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Charlie Lay, chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng Commerzbank ở Singapore, đồng won và đồng baht có thể tăng giá trong năm 2022. “Việc Thái Lan mở cửa trở lại và hoạt động xuất khẩu hàng điện tử của Hàn Quốc đều là những yếu tố tích cực có thể giúp đồng nội tệ của họ theo kịp đà phát triển”, ông Lay nhận định.
Nhưng nhà phân tích Cheung của Mizuho cho rằng tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 vẫn là thước đo quan trọng cần theo dõi đối với các nhà giao dịch tiền tệ.
“Tỷ lệ tiêm chủng tại Đông Nam Á vẫn còn thấp, vì vậy, kể cả khi các nước tại khu vực này có động thái mở lại biên giới, sự thiếu chắc chắn trong việc phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng có thể khiến các đồng tiền tại khu vực này tiếp tục giảm giá”, ông Cheung phân tích.
Ông Motoki Maruyama, Giám đốc giao dịch ngoại hối và tỷ giá của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ tại châu Mỹ có cùng quan điểm. “Các đồng tiền châu Á, có thể vẫn dễ bị tổn thương trong tương lai gần”.
Theo Reuters, một số động thái mua vào đồng bạc xanh của các ngân hàng thương mại quốc doanh của Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) đã khiến đồng nhân dân tệ tuột xuống mức thấp nhất tại sàn giao dịch Thượng Hải, nối tiếp những đợt giảm luân phiên trong 10 ngày vừa qua. Giới chuyên gia nhận định cơn khát năng lượng tại Trung Quốc như đợt cắt điện vừa rồi là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng quốc doanh tăng dự trữ đồng đô xanh của Mỹ.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 57,75 – 58,45 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng. Trong khi đó, giá vàng thế giới sáng 29.10 tiếp tục tăng nhẹ lên 1.799,3 USD/ounce, tăng gần 3 USD so với hôm trước. Giá vàng tiếp tục hưởng lợi sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tăng trưởng không đạt như kỳ vọng với chỉ 2%, thấp nhất trong năm nay. Tình hình này đã khiến vàng lấy lại vai trò “nơi trú ẩn an toàn của tài sản”, khiến đồng USD suy yếu.
2/ Gần một tuần nay, giá heo hơi tăng từ dưới 40.000 đồng/kg lên hơn 50.000 đồng/ký. Giá heo hơi liên tục tăng, có ngày đến vài ngàn đồng mỗi ký, nhưng hôm 29-10 bắt đầu chững lại. Theo Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân giá heo hơi tăng là do heo đã được xuất sang Trung Quốc, việc nhập khẩu thịt heo đang chững lại, vì giá trong nước đang quá thấp, khó tiêu thụ. Việc tăng giá đột biến trong ngắn hạn này có thể là do yếu tố tác động làm giá của một số công ty FDI lớn đang “dẫn dắt” thị trường.
3/ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 bao gồm: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 – 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 – 100%/năm. Theo đề án, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia trong giai đoạn này. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước là Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan.
4/ VPBank và SMBCCF đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Và FE Credit sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Như vậy, sau sáu tháng kể từ khi VPBank và SMBCCF ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4/2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để hoàn tất hợp đồng. VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.
5/ Theo quy hoạch tổng thế phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 với tầm nhìn 2050, cụm cảng Vũng Áng, Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng là đầu mối khu vực – cảng biển loại I, cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Cùng với đó, Hà Tĩnh có cơ sở hạ tầng kết nối thông suốt liên vùng, đa phương tiện. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ xây dựng cảng cạn với quy mô khoảng 5 – 10 ha, năng lực thông qua 13.500 – 27.000 TEU/năm.
6/ Giá tiêu hôm nay 29-10 tại thị trường trong nước tăng nhẹ, giao dịch trong khoảng 86.500 – 90.000 đ/kg. Theo các chuyên gia, việc hồ tiêu chinh phục mức 90.000 đồng/kg là cột mốc rất quan trọng, làm đòn bẩy để giá tiêu có thể đạt mức giá 100.000 đồng/kg trong năm. Hiện, giá nông sản hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở mặt hàng cà phê và tăng nhẹ ở mặt hàng hồ tiêu.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu 29-10 tại Ấn Độ và toàn cầu duy trì ổn định. Giá tiêu đen nội địa Ấn Độ tăng lên 5.535 USD/tấn; giá FOB tiêu đen tại cảng Kochi tăng lên mức 5.802 USD/tấn. Ở Đông Nam Á, giá tiêu của Indonesia ổn định trong khoảng 3.703 – 3.719 USD/tấn; tiêu trắng nội địa trong khoảng 6.278 – 6.304 USD/tấn. Giá tiêu tại Malaysia tiếp tục giảm: tiêu đen nội địa giảm từ 4.397 USD/tấn xuống 4.139 USD/tấn; tiêu trắng nội địa trong khoảng 6.340 – 6.366 USD/tấn.
7/ Sau khi giá tăng mạnh cho biến đổi khí hậu tại Brazil và tình trạng khó khăn trong vận tải biển, thị trường cà phê thế giới đã quay đầu sụt giảm. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 11-2021 giảm 18 USD/tấn ở mức 2.230 USD/tấn, giao tháng 1-2022 giảm 20 USD/tấn ở mức 2.177 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 12-2021 giảm 1,4 cent/lb ở mức 199,95 cent/lb, giao tháng 3-2022 giảm 1,35 cent/lb ở mức 202,7 cent/lb.
Trong quý cuối năm 2021, hệ thống tài chính của thương hiệu mới Metra sẽ được phân làm hai: một là mạng xã hội Facebook và “Facebook Reality Labs” với các hoạt động nghiên cứu và kinh doanh có liên hệ tới vũ trụ số. Ảnh: Reuters
8/ Facebook chính thức tái cấu trúc thương hiệu, đổi tên thành Meta để phản ánh “một tương lai mà chúng tôi muốn xây dựng” – Mark Zuckerburg phát biểu hôm 28-10. Đổi tên, tái cấu trúc thương hiệu không có nghĩa là cái tên Facebook biến mất. Trong quý cuối 2021, công ty của Zuckerberg sẽ tách đôi hệ thống báo cáo tài chính: ứng dụng mạng xã hội và “Facebook Reality Labs” với các hoạt động nghiên cứu và kinh doanh có liên hệ tới vũ trụ số. Chính thức đổi tên công ty mẹ sang Meta, Facebook đang hướng tới phát triển metaverse – thế giới ảo hay vũ trụ số với nhiều tính năng mới. Tập đoàn đã sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD cũng như đã tuyển dụng đến 10.000 kỹ sư phần mềm tại châu Âu cho tham vọng này.
Google và Snapchat cũng từng tái cấu trúc lại thương hiệu và đổi tên trong năm 2015 và 2016.
9/ Giá than đá cũng như một số kim loại nguyên liệu như thiếc và đồng tăng vọt, tập đoàn khai khoáng quốc doanh Mind ID tại Indonesia đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng kỷ lục trong 9 tháng của năm 2021 (lên $691 triệu USD) – so với khoản lỗ lũy kế 1.400 tỷ rupiah, tương đương $199 triệu USD vào năm ngoái. Than đá, vàng, thiếc là ba mặt hàng đóng góp chính vào sự lội ngược dòng ngoạn mục của tập đoàn này.
10/ Số liệu thương mại sơ bộ cho thấy lượng than đá nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 76% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái lên 32,9 triệu tấn, phần lớn trong số này đến từ Nga và Indonesia. Chỉ riêng trong tháng 9, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 3,7 triệu tấn than nhiệt từ Nga trong tháng 9, tăng 28% so với tháng 8 và tăng hơn 230% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh Nga, Trung Quốc còn nhập khẩu 3 triệu tấn than nhiệt từ Indonesia trong tháng trước, tăng 19% so với tháng 8 và tăng 89% so với tháng 9/2020.
Sự gia tăng này không phải là nhất thời, khi mà lượng than nhập khẩu hàng tháng từ Nga đã liên tục tăng gấp 2-3 lần kể từ tháng 5 năm nay so với cùng kỳ năm 2020. Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Hinrich Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề thương mại cho rằng, điều này cho thấy Trung Quốc vẫn cần đến hệ thống thương mại toàn cầu, dù nước này đã tăng cường những nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác thương mại.
Trước đó, Australia chiếm khoảng 38% lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2019. Nhưng các số liệu mới nhất cho thấy Australia hầu như không còn giữ thị phần đáng kể nào bởi Trung Quốc đang áp dụng chính sách trừng phạt kinh tế với Australia.
Ricky Hồ / BSA 

Các mỏ than Úc đang hưởng lợi khi than tăng giá gần 5 lần