Chàng quán quân 3 ngày bán hết 1 tấn tương ớt ‘Hoa Thanh Quế’

Lê Minh Cương giới thiệu hũ tương ớt lên men theo truyền thống Thanh Hóa.

Mang hơn một tấn tương ớt cổ truyền Spico các loại và một số ít sản phẩm khởi nghiệp bản địa, Lê Minh Cương cùng nhóm bạn cùng quê Thanh Hóa không ngờ rằng, sản phẩm không đủ để cung cấp cho người tiêu dùng tại Lễ hội tinh hoa gia vị Việt, diễn ra tại TP.HCM dịp 30/4 vừa qua.

Lê Minh Cương chính là nhân vật đoạt ngôi vị quán quân của cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 năm 2021, do Trung tâm BSA, Hội doanh nghiệp HVNCLC và Công ty Cổ phần Vinamit đồng tổ chức.

Sản phẩm truyền thống không đủ bán

“Anh thử loại này đi! Chị thấy có cay lắm không? Tương của bọn em là loại làm theo cách truyền thống của người dân xứ Thanh bao đời nay đấy! Sản phẩm không chất phụ gia, thành phần ớt, cà chua chiếm tỷ lệ cao, từ 60 – 70% trong bảng nguyên liệu đấy ạ…” Những lời giới thiệu chân chất, có lực hút mạnh của anh chàng 9X điển trai Lê Minh Cương tại khu vực “Chợ nhỏ an lành”, ở Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt, khiến không ít khách tham quan phải dừng lại. Họ dùng thử, tấm tắc và rồi cũng rút hầu bao để sở hữu được những chai tương ớt nguyên chất, đậm đặc có tên “Spico – ớt Việt, hồn Việt”. Sản phẩm có thể họ chưa bao giờ nhìn thấy, chưa được thưởng thức nếu không diễn ra Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt 2022. Dù sản phẩm đã có đại lý ở TP.HCM nhưng thực sự thị trường còn khá mới mẻ, khách hàng chưa biết nhiều.

Dáng thư sinh với giọng nói truyền cảm và nụ cười luôn thường trực, Minh Cương liên tục giải đáp, giới thiệu đến người dân TP.HCM các loại tương ớt cổ truyền từ vị Bắc, tương ớt vị Nam, loại ít cay, cay đặc biệt cho đến tương chay và sản phẩm tương ớt cho trẻ em. Với sự nhiệt tâm, hoạt bát và dễ gần của chàng trai 9X này, cho nên, hơn 1 tấn hàng hóa Cương mang từ quê đã không còn để bán sau 3 ngày.

Trải lòng cùng TGHN, Minh Cương cho biết khi nhận được thông tin từ BTC Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt, nhóm khởi nghiệp tài nguyên bản địa của Thanh Hóa rất hào hứng, mong chờ từng ngày để đưa được những lọ tương, chai nước mắm truyền thống hay những sản phẩm làm từ sản vật của núi rừng hay cả với muối vừng, mang hương vị đặc trưng của xứ Thanh đến với người dân TP.HCM.

Khó khăn trong việc vận chuyển nên nhóm của Cương tính toán ước chừng khoảng một tấn hàng là đủ.Tuy nhiên với thực tế tại sự kiện, các bạn trẻ này lại quá bất ngờ với sức mua và sự hào sảng của người tiêu dùng thành phố.

“Mặc dù khó khăn về vận chuyển hàng hóa nhưng chúng em rất tự hào khi mang được những sản phẩm truyền thống, loại ngon nhất, mang được sứ mệnh của làng nghề đến với người dân Sài Gòn. Đây là niềm hạnh phúc khi mình cảm nhận được tình cảm của người tiêu dùng dành cho sản phẩm khởi nghiệp của tụi em. Thậm chí có những bác lớn tuổi cũng quan tâm đến sản phẩm gia vị truyền thống này. Việc được nhiều người quan tâm đến nhãn hàng sẽ giúp những người trẻ, mới khởi nghiệp như em truyền tải được câu chuyện của sản phẩm, câu chuyện của những làng nghề, về văn hóa ẩm thực của người dân khu vực Bắc trung bộ, chính xác hơn là Thanh Nghệ Tĩnh ngày trước đến với người tiêu dùng hiện đại ngày này” – Minh Cương phấn khích chia sẻ.

Khu trưng bày sản phẩm của nhà quán quân DAKN nông nghiệp 2021

Sản phẩm an toàn, thân thiện

Vì sao tương ớt Spico đắt hàng tại sự kiện này? Câu trả lời có thể là ngon, lạ, nguyên chất hoặc là sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa đó chính là cách sản xuất, cách tiếp thị bán hàng của Minh Cương bởi tại Lễ hội lần này có nhiều doanh nghiệp cùng mặt hàng tham gia nhưng sức mua kém hơn.

Tìm hiểu sâu hơn về loại tương ớt này, Minh Cương cho biết từng là du học sinh ngành du lịch ở Singapore, năm 2014, sau khi tốt nghiệp, Cương trở về TP.HCM làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương cao. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm, khi bắt đầu có sự thăng tiến, Cương bất ngờ nghỉ việc về Thanh Hóa để khởi nghiệp.

Sau 3 năm dốc vốn, chàng trai này thất bại toàn tập với các sản phẩm như nước ép gấc, dầu gấc và thực phẩm chức năng từ gấc và nhiều loại trái cây sấy dẻo. Bén duyên với tương ớt nhờ những lần tham quan các bếp ăn, Minh Cương dần dần tạo ra được sản phẩm mang giá trị không chỉ về kinh tế mà còn truyền tải được nét văn hóa ẩm thực của xứ Thanh, có nguy cơ bị xóa sổ bởi các loại tương ớt công nghiệp.

Sản phẩm chỉ thực sự thành công sau gần 50 mẻ thử nghiệm trong suốt hơn 4 tháng trời với 12 bước trong quy trình sản xuất, từ thu hoạch trái ớt, chế biến, đến đóng gói và cung ứng ra thị trường. Cách thức ủ ớt, lên men, hương vị mỗi sản phẩm và phong cách bao bì của Spico đều mang đậm văn hóa truyền thống.Điểm khác biệt lớn nhất của loại tương ớt Spico của Cương là không có chất bảo quản cũng như chất điều vị. Sản phẩm có hương vị thơm ngon tự nhiên, khác biệt trên thị trường, hướng đến các yếu tố an toàn, thân thiện sức khỏe và môi trường và đặc biệt là giá thành cạnh tranh.

Các biến thể tương ớt Spico.

“Ớt sẽ lên men trong chum kín hoàn toàn bằng nước lọc đã thanh trùng. Sau đó sẽ được nấu sôi rồi qua công đoạn hấp tiệt trùng. Để đảm bảo an toàn hơn thì mình dùng chai thuỷ tinh. Điều này hơi lạ lẫm với mọi người nhưng lại khá thông dụng ở phương Tây vốn quen ăn tương ớt lên men”, Lê Minh Cương cho biết.

Với việc sản phẩm được thị trường đón nhận giúp thỏa được các yêu cầu của chàng trai trẻ này trong việc bảo tồn phương pháp sản xuất tương ớt lên men truyền thống của ông cha, lan tỏa văn hóa truyền thống thông qua ẩm thực, đồng thời giải quyết bao tiêu nông sản ớt tại Thanh Hóa cũng như tạo công ăn việc làm, giữ người nông dân bám ruộng đất…

Nói về tiềm năng ở lần khởi nghiệp này, Minh Cương tỏ ra rất lạc quan vào tương lai khi chọn hướng kinh doanh địa phương hóa, mỗi vùng sẽ có một loại tương ớt hợp khẩu vị. Hiện sản phẩm được bán ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước thông qua hệ thống nhà phân phối. Ngoài ra, tương ớt Spico của Cương cũng được bán trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo.Tại TP.HCM, loại tương ớt này đã có một đại lý và Minh Cương hi vọng được tham gia nhiều sự kiện như Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt để tìm thêm các đại lý, mở rộng thị trường.