Châu Á: Ba điểm đến mới lạ khó cưỡng

Hang Sơn Đoòng của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn nhưng giới hạn lượng khách vào thăm

Hãy khám phá các hang động ở Việt Nam, những ngọn núi xa xôi trên đất nước Lào và con đường hoang sơ tại Sri Lanka.

Ngày nay, khách du lịch châu Á không còn thích các tour du lịch truyền thống nữa mà muốn tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm hơn. Dưới đây là ba điểm đến sẽ khiến bạn rời bỏ ngay mấy tour du lịch kiểu cũ. Và bạn sẽ khám phá ra một thế giới thật kỳ thú, mới lạ.

Quyến rũ dưới lòng đất

Kim Thi, một cô gái làm nghề tự do và sống tại thành phố Hồ Chí Minh, đã suy nghĩ rất kỹ rồi mới gửi email cho Công ty du lịch mạo hiểm Oxalis hồi tháng hai năm ngoái. Trong thư cô bày tỏ mong muốn được thám hiểm Sơn Đoòng, hang động lớn nhất trên thế giới, và cô muốn biết khi nào có thể đi được.

Oxalis, công ty duy nhất được cấp phép tổ chức tour du lịch tại Sơn Đoòng, đã cho Thi vào danh sách khách chờ và nói cô đợi họ liên hệ lại. Một tuần sau, cô nhận được thông báo một khách nước ngoài đã hủy chỗ và cô có thể tham gia vào tháng tới. Chỉ có gần một tháng để chuẩn bị, Thi dốc sức luyện tập để nâng cao thể lực và mua sắm mọi vật dụng cần thiết cho chuyến đi.

Nằm ở phía bắc của Quảng Bình, cách Hà Nội khoảng 500 km về phía nam, Sơn Đoòng thuộc vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng – một địa danh đã được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới. Năm 2015, Sơn Đoòng trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế khi chính quyền địa phương đề xuất làm cáp treo để có thể đưa đón được cả nghìn du khách mỗi giờ.

Kế hoạch này đã dấy lên sự phẫn nộ trong giới truyền thông và trên Internet. Đoạn phim về Sơn Đoòng được chia sẻ trên Facebook, kèm theo đó là lời kêu gọi từ các nhà hoạt động môi trường nhằm bảo vệ du lịch bền vững. Cuối cùng thì kế hoạch đó bị tạm ngưng, nhưng nó đã khiến số người đăng ký thám hiểm động Sơn Đoòng tăng lên nhanh chóng. Trong số những người này có Thi: cô là một trong khoảng 100 người Việt Nam đã trả 3.000 đô la Mỹ cho chuyến thám hiểm hồi năm ngoái. Cô cho biết muốn tham gia khám phá Sơn Đoòng vì cô ưa mạo hiểm và muốn kiểm chứng những lời đồn thổi về hang động này.

Nằm trong số 150 quần thể hang động tự nhiên của Vườn quốc gia, Sơn Đoòng có chiều dài 9 km, bề ngang chỗ rộng nhất lên tới 200 mét và cao 150 mét. Bên trong động có sông ngầm, thác nước, nhiều hang hốc, hóa thạch, một số măng và nhũ đá lớn nhất thế giới. Thi nói: “Thật khó để mô tả vẻ đẹp tuyệt vời của Sơn Đoòng. Bạn phải đến để nhìn tận mắt. Đây thực sự là một trải nghiệm duy nhất trong đời và hoàn toàn đáng giá. Tôi mong con cháu mình cũng sẽ được trải nghiệm như tôi.”

Chuyến thám hiểm kéo dài năm ngày gồm chuyến đi xuyên qua khu rừng ngầm Sơn Đoòng, thăm một bản người dân tộc thiểu số và khám phá Hang Én gần đó. Các chuyên gia hang động của Anh đã đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và phát triển các tour du lịch để đảm bảo an toàn và bền vững. Mỗi chuyến thám hiểm chỉ có tối đa 10 khách. Tuy nhiên đi cùng họ là một đội ngũ hỗ trợ 30 người gồm nhân viên khuân vác, các chuyên gia hang động, hướng dẫn viên nói tiếng Anh, tiếng Việt và nhân viên kiểm lâm.

Năm 2014, khoảng 230 khách du lịch, chủ yếu là người phương Tây, được phép vào thám hiểm hang động. Sau đó lượng khách tăng lên 500 người. Rồi còn có thêm cả các tour đặc biệt dành riêng cho những nhà nhiếp ảnh.

Năm nay, Oxalis cho ra mắt một tour thử nghiệm kéo dài bốn ngày. Các chuyến ngắn ngày dự kiến ​​sẽ cho phép thêm 500 du khách thăm Sơn Đoòng mỗi năm mà không làm tổn hại đến hệ sinh thái nơi đây.

Chinh phục con đường mới

Truyền thông đã đưa một thị trấn sơn cước của Sri Lanka lên bản đồ du lịch.

Đứng bằng chân phải, chân trái gập lại, một người Kazakh trẻ tuổi luyện tập yoga trong ánh ban mai tại một khu vườn ở Ella, một thị trấn nhỏ yên tĩnh nhô lên giữa các đồn điền chè của miền Nam Sri Lanka. Bạn gái của anh chàng này vội vàng “chộp” lấy khung hình trên nền “Ella Gap” – một thung lũng xanh tươi trải dài xuống đến đồng bằng phía dưới. Trong khi cô bạn gái selfie (chụp hình “tự sướng”), anh Rishat Kerimbay, 27 tuổi, tạm dừng việc tập yoga để trò chuyện:

“Du khách bị thị trấn này thu hút vì thiên nhiên tươi đẹp và được trải nghiệm đi bộ. Chúng tôi sẽ chia sẻ câu chuyện về những ngày ở đây trên mạng để bạn bè có thể theo dõi”. Cặp đôi đã nghỉ một đêm ở thị trấn Ella trong chuyến du lịch đầu tiên kéo dài hai tuần xuyên Sri Lanka.

Hiện nay hình ảnh Ella đã tràn ngập tài khoản của những du khách trẻ tuổi thích cuộc sống ngoài trời, muốn khám phá những sườn núi gồ ghề, chinh phục núi đá, chụp ảnh bên cạnh những đoàn tàu hỏa rầm rập chạy qua, hay cây cầu đá chín nhịp được xây dựng từ thời Sri Lanka còn là thuộc địa của Anh. Tối đến, họ gặp nhau tại những nhà hàng nhỏ, quán trà hoặc quán bar, trò chuyện với nhau bằng đủ loại ngôn ngữ.

Có vẻ thị trấn này cũng không biết vì sao lại được quảng bá trên các tờ quảng cáo du lịch của Sri Lanka trong khi nó còn nhỏ hơn một địa điểm dừng chân uống nước. Cư dân thị trấn cho rằng mạng xã hội, blog du lịch và các trang dịch vụ như Airbnb, Booking.com và Agoda đã mang đến sự thay đổi này. Thu nhập của người dân tăng lên vì du khách nước ngoài thi nhau thuê phòng trong nhà của họ để trải nghiệm cuộc sống như người bản địa.
Từ 5 năm nay, ông Jagath Weerakooner đón tiếp một lượng khách ổn định kể từ khi mở dịch vụ cho thuê phòng. Trong ngôi nhà xây cất bên sườn đồi rợp bóng cây, ông cho biết: “Khi đến đây, du khách sẽ được đối xử như một thành viên trong gia đình. Đây là sự khác biệt với kiểu dịch vụ Homestay, chúng tôi làm du lịch với cả trái tim”.

Anh Inthikab Alam, Giám đốc của một khách sạn cao cấp nằm giữa những cánh đồng chè, cho biết các chủ khách sạn kỳ cựu đã nhanh chóng sử dụng mạng xã hội để đưa Ella lên bản đồ du lịch thế giới. Nó đã trở thành một địa điểm hút khách khi các du khách trẻ tuổi bắt đầu đổ bộ tới đây bằng tàu hỏa. Anh nói: “Điểm nhấn của Ella là khung cảnh thiên nhiên và khí hậu mát mẻ, đây là nhận xét của họ trên Facebook.”

Khó cưỡng do sự nguyên sơ

Thiên nhiên nguyên sơ và những thôn bản dân tộc thiểu số thu hút khách du lịch đến huyện Muang La của Lào.

Đó có thể là cặp mắt hơi nghi ngại của một bà lão dân tộc sống trên núi cao, nụ cười rạng rỡ của một nhóm nữ sinh, hoặc lời mời thân thiện tới uống với gia đình lúc chập tối và nếm thử món ăn chế biến từ côn trùng.

Cho dù là hình ảnh nào thì Muang La, một huyện nhỏ khiêm nhường ẩn mình bên các sườn đồi xanh tươi của tỉnh Outdomxay (Bắc Lào), luôn thu hút một lượng khách du lịch muốn tìm hiểu cuộc sống bản địa nguyên sơ tại địa phương.

Jean-Alexis Costa , người Pháp, 35 tuổi, chủ một khách sạn tại vùng biển Caribe, là người thích khám phá như vậy.

Anh và gia đình nhỏ của mình đã tới thăm vùng đồi núi vốn là nơi cư trú của hơn 40 trong tổng số khoảng 70 dân tộc thiểu số của Lào. Thành viên hào hứng nhất là con gái anh. Cô bé mở to mắt khám phá ngôi nhà tre nền đất của người Hmong, những người phụ nữ Hán-Tạng ngăm đen mặc trang phục đầy màu sắc và lũ trẻ cởi trần chơi đùa xung quanh.

Cô bé 5 tuổi thú nhận rằng, khi lớn lên, cô thích sống và làm việc tại Paris hơn. Tuy nhiên, cha cô vẫn vui vì cô đã có trải nghiệm mới lạ như thế này. Anh nói: “Chúng tôi muốn cháu chiêm nghiệm thế giới bên ngoài cuộc sống thường nhật của cháu”.

Huyện Muang La không hề có dấu vết của văn hóa phương Tây cho đến khi Muang La Lodge, khu nghỉ dưỡng đầu tiên và duy nhất dành cho khách nước ngoài, được một cặp vợ chồng Lào-Pháp xây lên vào năm 2008. Dù nằm tại một nơi hẻo lánh, khu nghỉ dưỡng này vẫn có đầy đủ tiện nghi như điều hòa không khí, Wi-Fi, có nhà hàng ẩm thực Pháp pha trộn với món ăn Lào.

Khu nghỉ dưỡng gồm có 10 phòng. Nhân viên ở đây tham gia khá nhiều vào các hoạt động của cộng đồng địa phương trong những năm qua. Nơi đây đã trực tiếp hay gián tiếp tạo ra việc làm cho khoảng 60 người dân bản địa, nộp thuế và mua thực phẩm địa phương. Bên cạnh đó, nhà nghỉ cũng biến một suối khoáng nóng thành nhà tắm công cộng để những người thích tắm sông đỡ bị lạnh vào mùa đông.

Ông Xay, dân tộc Khmu, cho biết sự xuất hiện của khách du lịch đã giúp ích cho cộng đồng theo cách khác. Làng ông thỉnh thoảng cũng được khách du lịch theo tour của khu nghỉ dưỡng ghé thăm. Không chỉ nhận được một phần tiền từ giá vé tham quan, họ còn được một số khách du lịch tặng các vật phẩm như sách và bút.

Ông Jean-Paul Duverge, Giám đốc điều hành của Muang La Lodge, cho biết: “Những ngôi làng đã phát triển hơn và có thể nói là chúng đã không còn nguyên bản như 10 năm trước.” Nhưng, theo ông, nơi này vẫn có những nét riêng so với các thành phố chật ních khách du lịch như Luang Prabang. Ông chia sẻ: “Chúng ta cần phải thông cảm. Khi đã sống trong những ngôi nhà tranh bạn sẽ muốn có một ngôi nhà bằng bê tông. Người dân ở đây xứng đáng được như vậy.”

Ngọc Trung