Thức uống thay thế thức ăn không giúp giảm cân

Sản phẩm mới Soylent Bar

Soylent là một loại thức uống thay thế thức ăn ưa thích đối với người làm việc ở Thung lũng khoa học Silicon (Mỹ). Nhưng câu quảng cáo “Hãy ngưng ăn” có thể dẫn đến nhận định sai rằng nó giúp người ta giảm cân.

Gần đây, Soylent giới thiệu hai sản phẩm mới: Thứ nhất là Coffiest, loại thức uống thay thế thức ăn mang hương vị cà phê. Một bịch chỉ chứa 20 % các giá trị của vitamin và chất khoáng, và 20 % chất caffeine. Thứ hai là Soylent Bar, loại thức ăn rắn đầu tiên của Soylent, chỉ chứa 12, 5 % giá trị dinh dưỡng cần thiết/ngày và nhắm đến sự thay thế các loại bánh snack hoặc bữa ăn nhẹ.

Nhưng khi Soylent được tiếp thị như một cách “ngưng ăn”, các chuyên gia về chứng rối loạn ăn uống nói thông điệp “Hãy ngưng ăn” rất nguy hiểm. Trong một video quảng cáo Soylent trên facebook mới đây, các ngôi sao thể thao có thân hình hấp dẫn và các nhà khoa học ca ngợi về loại thức uống này, nhưng hình ảnh xem thử lại phát một thông điệp khác: một phụ nữ thon gọn uống Soylent, cùng với số lượng calorie và lời hứa cắt được cơn đói, khiến người ta có cảm tưởng nó như quảng cáo cho các loại nước uống giúp phụ nữ giảm cân như SlimFast, hoặc Special K.

Tiếp nữa là chú thích: “Mỗi chai 400 calorie Soylent 2.0 cung cấp 20 % nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bạn. Soylent thỏa mãn cơn đói của bạn”.

Soylent không thích bị so sánh với Slim Fast, khẳng định “Chúng tôi không phải là một sản phẩm giảm cân, ăn kiêng hoặc là chất bổ trợ dinh dưỡng”. Hãng còn khẳng định sản phẩm tuân thủ các qui định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và sử dụng khoa học, công nghệ cung cấp những biện pháp để người dùng có được lối sống lành mạnh. Soylent cũng khẳng định là loại thức ăn-uống thay thể để duy trì trọng lượng cơ thể hiện có, có thêm bơ đậu phụng hoặc bột protein để có cơ bắp.

Giáo sư Lisa Sasson thuộc khoa nghiên cứu thức ăn-dinh dưỡng của đại học New York, đã làm việc với nhiều bệnh nhân bị chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, nói có lẽ Soylent đã quảng cáo quá đà, khiến có cảm tưởng như là sản phẩm ăn kiêng: “Nhiều người bị chứng rối loạn ăn uống chỉ cần không ăn hoặc chỉ ăn một vài món nào đó, chứ không cần phải thay thế bữa ăn bằng một sản phẩm giống như SlimFast”.

Bà cũng cảnh báo Soylent có thể gây nghiện đối với những người quá bị ám ảnh về số calorie hấp thụ, hoặc họ có thể bám vào một trải nghiệm giảm cân lúc đầu khi uống Soylent: “Khi quá chú trọng về calorie, bạn sẽ chỉ thấy một phần bức tranh. Bạn trở nên bị ám ảnh và dùng chúng nhiều, vốn là điều rất không tốt”.

Vị giáo sư kết luận: “Thức ăn là một trong những niềm vui thú lớn nhất của cuộc sống. Chúng ta nên khuyến khích người ta, ăn, nấu nướng, nhất là ăn các loại thức ăn có cơ sở rau quả. Thức ăn gắn kết với nền văn hóa, quá khứ. Với tôi, có điều gì đó hoàn toàn sai khi bạn loại bỏ thức ăn ra khỏi đời mình”.

Phúc Hy (theo Business Insider)