Đâu bóng dáng người tiêu dùng trong phát triển bền vững?

Trên các diễn đàn kinh tế xanh hay phát triển bền vững tại Việt Nam, hình ảnh và tiếng nói của một người tiêu dùng cụ thể rất mờ nhạt. Các hội hay tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có đó, nhưng tiếng nói thật yếu ớt. Đó là thách thức chưa được nhấn mạnh hay quan tâm cao nhất ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Nhận thức về bảo vệ môi trường tại Việt Nam chậm hơn các nước láng giềng Đông Nam Á vài chục năm, nhưng tốc độ chuyển đổi xanh tại Việt Nam phải nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu phát thải bằng không cùng với khu vực và thế giới vào năm 2050. Đây là thách thức cho cả xã hội, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Chuyện từ công ty bút bi 42 tuổi

Từ một công nhân điện cơ ở quận 6 thuộc TPHCM, năm 1981 ông Cô Gia Thọ bắt đầu vào nghề bán bút bi dạo. Thời ấy, bút Thái Lan thống lĩnh thị trường Việt Nam và cả Campuchia. Bút bi vẫn thuộc hàng hiếm, người ta phải bơm mực để sử dụng lần nữa. Gom hai chỉ vàng dành dụm, ông Cô Gia Thọ mua chiếc máy ép nhựa bằng tay và tự đạp xe mang bút bi đi bán dạo. Ban đầu, sản phẩm có tên Vũ Trụ, sau thành Thăng Long. Chỉ đến năm 1985, cái tên Thiên Long mới ra đời. Từ cơ sở ban đầu chưa đầy 20 công nhân, nay Thiên Long thành tập đoàn đại chúng, với vốn hóa hơn 4.000 tỉ đồng.

Câu chuyện tái sử dụng (reuse) của Thiên Long nay đã mang màu sắc khác xưa, khác hẳn thời bơm mực xài lại của nhà sáng lập.

“Chúng tôi tái sử dụng đến 27% phế liệu trong năm 2022, so với 24% của năm 2021. Thiên Long sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu hay đá vôi ở miền Bắc để giảm nguyên liệu nhựa. Trong chương trình Vì mái trường xanh thực hiện từ năm 2019 đến nay, Thiên Long mua lại bút cũ và góp thêm tiền để làm học bổng”, CEO Trần Phương Nga kể lại những nỗ lực mới trong chuyển đổi xanh của Thiên Long tại diễn đàn Mekong Connect 2023 vào ngày 15 và 16-11 vừa qua tại TPHCM.

Thiên Long đầu tư ngay từ khâu thiết kế để loại bỏ những chi tiết thừa, đồng thời làm sản phẩm mỏng lại một chút để tiết giảm lượng nhựa. Nguyên vật liệu tái chế đắt hơn, quy trình sản xuất cũng khác, giá thành sản phẩm có thể bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, Thiên Long nỗ lực kiểm soát giá thành. Bao nhiêu năm qua, cây bút bi của ông Cô Gia Thọ không thay đổi giá là mấy, vẫn chỉ xoay quanh mức giá trên dưới 4.000 đồng.

“Một cây bút chỉ vài ngàn đồng, nhưng Thiên Long vẫn nỗ lực giảm giá từng đồng bằng cách giảm bớt nhựa và các nguyên vật liệu khác. Đây cũng là cách giảm gánh nặng về giá cho gia đình học sinh”, nữ CEO nói.

Hơn 15 năm trước, Thiên Long đã tái sử dụng bảng đen đã qua sử dụng. Bút viết bảng chỉ xài một lần thì nay có giải pháp thay ruột bút. Học sinh có thói quen bỏ bút vào miệng cắn, Thiên Long tìm cách làm sản phẩm khó bị vỡ, ngay cả khi bể vỡ thì vẫn an toàn cho các em. Đất sét nhân tạo để nặn đồ chơi cũng biến thành đồ vật an toàn nếu trẻ có lỡ nuốt…

“Chúng tôi đặt phương châm “Viết nên hạnh phúc” tức là phát triển bền vững với sản phẩm phục vụ cho sự học, thân thiện môi trường. Chúng tôi cố gắng trở thành nhà sản xuất, nhà vận hành doanh nghiệp có trách nhiệm”, bà Trần Phương Nga nói.

Chương trình “Vì mái trường xanh” của Thiên Long thực hiện từ năm 2019. Doanh nghiệp sẽ mua lại
thân bút cũ và bù thêm tiền dành làm học bổng cho học sinh.

Trọng tâm của chuyển đổi xanh

Cách đây 30 năm, báo chí và các tổ chức dân sự ở Thái Lan lần đầu tiên đề cập đến vấn đề rác thải nhựa. Nhưng mãi đến ngày 1-1-2020, theo đài truyền hình Thai BPS World, Thái Lan mới bắt đầu chiến dịch “Nói không với túi nhựa mỗi ngày”. Trong giai đoạn đầu 2020-2022, Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan (PCD) nói rằng có 90 đơn vị, gồm trung tâm thương mại, mua sắm và cửa hàng tiện lợi tham gia, cắt giảm được hơn 14 tỉ túi nhựa, tương đương hơn 81.000 tấn rác nhựa.

Trong giai đoạn hai từ đầu năm 2023, PCD đặt mục tiêu giảm 100% lượng túi nhựa sử dụng một lần đổ ra các bãi chôn lấp đến cuối năm 2027, tái chế rác nhựa trong cùng thời gian cũng đạt 100%. Đến năm 2070, lượng túi nhựa thải ra đại dương sẽ giảm 50%. PCD cũng đặt ra mục tiêu giới thiệu 10 công cụ hay chương trình sử dụng trong quản lý rác thải nhựa.

Từ đầu tháng 7-2023, một số nhà điều hành trung tâm mua sắm và chuỗi siêu thị Thái Lan đã bắt đầu tính tiền 1 baht (686 đồng) mỗi túi nhựa. Các siêu thị cũng bắt đầu vực lại phong trào dùng bẹ chuối để thay khay nhựa đựng thực phẩm tươi sống, dùng lá chuối để bọc rau các loại…

Cùng thời điểm ở một vài nước châu Âu, như Anh hay Thụy Điển chẳng hạn, giữa thập niên 1990 người ta đã đặt máy thu hồi vỏ chai công cộng để người tiêu dùng có thể bỏ vỏ chai nhựa hay thủy tinh vào và được tích điểm tín dụng 5 pence, tương đương 5 xu Mỹ mỗi lần. Và chuyện thu gom rác nhựa cũng tiến xa hơn các nước đang phát triển như Thái Lan với chuyện Thụy Điển nhập rác các loại để làm nguyên liệu đốt cho nhà máy phát điện. Một số siêu thị Anh hiện bắt người tiêu dùng phải trả 10 pence (hơn 3.000 đồng) cho một túi làm bằng nhựa sinh học tự phân hủy. Nhưng bước ra các cửa tiệm nhỏ hơn, túi ni lông lại vô cùng phong phú và miễn phí.

Rõ ràng câu chuyện tiêu dùng xanh, giảm các tác động đến môi trường luôn xoay quanh chủ thể chính là người tiêu dùng, tiết kiệm cho người dùng. Nếu giá vượt quá tầm tay thì người tiêu dùng vẫn có khuynh hướng chọn sản phẩm ít tiền hơn, dù rằng nó ít xanh. Điều này càng đặc biệt đúng ở các nước đang phát triển, thu nhập vẫn ở mức thấp. Trước áp lực của tiền lương hay thu nhập teo lại, người tiêu dùng vẫn chọn hai từ “giá rẻ”.

Rào cản của tiêu dùng xanh tại Việt Nam

Quay trở lại tiêu dùng xanh tại Việt Nam. Đây là con đường phải đi, không ai và không doanh nghiệp nào có thể né tránh. Việt Nam đang chậm hơn nhiều nước nhiều chục năm. Cũng tức là, tốc độ chuyển đổi xanh phải nhanh hơn để đạt mục tiêu net zero vào năm 2050.

Người tiêu dùng Việt quan tâm đến các thương hiệu đang góp phần bảo vệ môi trường. Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Vietnam công bố tuần rồi cho thấy: 60% người tiêu dùng Việt Nam tìm mua sản phẩm của các thương hiệu và công ty có những hành động bù đắp tác động của họ đối với môi trường. Có đến 63% nói đã ngừng mua, ngừng sử dụng một vài sản phẩm dịch vụ vì đã gây tác động môi trường. Tại Việt Nam, 31% dân số quan tâm đến bảo vệ môi trường. “Con số này thực tế cao hơn nhiều nước phát triển”, theo lời bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh của Kantar Việt Nam.

Bảo vệ môi trường chưa bao giờ là yếu tố được quan tâm hàng đầu trong khảo sát từ năm 2016 đến quí 3-2023 của Kantar. Sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm luôn đứng đầu, còn yếu tố môi trường xếp thứ ba trong dịch nay đã tụt xuống hạng sáu.

Nhưng rào cản lớn nhất để người tiêu dùng Việt Nam hành động lại rất lớn. Ba nguyên do hàng đầu để người Việt dừng mua sản phẩm xanh, theo Kantar, là khó tìm thấy khi mua (58%), giá đắt (48%) và không hiệu quả như mong đợi (44%). Tựu trung lại, giá đắt là nguyên nhân đặc biệt lớn bởi sản phẩm không thể bán rộng rãi do giá cao và hàng xanh giá lại chát hơn “hàng đen” (gây ô nhiễm).

Tiết kiệm vì người tiêu dùng

Vậy làm thế nào để bảo vệ những người “yếu thế”, “dễ bị tổn thương” (ví tiền) trong cơn bão giá hiện nay, trước khi giúp họ cơ hội lên tiếng?

Nhà sáng lập Trần Hoàng Phú Xuân của Faslink nói cân bằng 3P – tức là cân bằng giữa sản xuất kinh doanh (production), lợi nhuận (profit) và vì con người (people), trong đó yếu tố con người là trọng tâm – là phương châm vận hành của doanh nghiệp này. Hệ thống siêu thị GS25 và trang thương mại FoodMap Asia thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí sản xuất và chia sẻ phần lợi nhuận đó dưới hình thức giảm giá.

“Ngoài việc ưu tiên sản phẩm sạch và xanh, GS25 tiết kiệm điện ở các cửa hàng qua hệ thống điều khiển từ xa. Thay vì in các hợp đồng lao động và hợp đồng mua bán bằng giấy, chúng tôi chuyển sang hợp đồng điện tử. Chúng tôi đã sớm bắt đầu phân loại rác”, Tổng Giám đốc Mai Thụy Nhân của GS25 Vietnam nói.

Còn Mai Thanh Thái, đồng sáng lập và giám đốc cung ứng của FoodMap Asia, nói rằng: “Chúng tôi dùng các ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa và giảm lãng phí trong sản xuất, cắt giảm lợi nhuận để đồng hành cùng các hệ thống siêu thị hỗ trợ người tiêu dùng”. Vị giám đốc trẻ nói startup này cùng với nông dân xây dựng nhận diện thương hiệu và truyền thông thương hiệu cho vùng nguyên liệu bền vững.

Ricky Hồ (Theo Kinh tế Sài Gòn, số 47-2023)