Đi xe thổ mộ ngắm Bagan bữa gió mưa hạ

Rất tội nghiệp chú ngựa ngày mưa vẫn phải làm việc, trong khi hầu hết bạn bè được nghỉ ngơi.
Mùa mưa Miến điện na ná miền Nam. Tôi qua bển lúc đầu tháng 5 nắng nung cháy, rồi dần chuyển xám mây để trút nước trời.
Để hôm tới Bagan tôi mụ mị trước miền xưa trầm mặc đẹp lạ trong màn nước phũ phàng.
Nổi tiếng thế giới, Bagan nghìn tháp đền lung linh trong những tấm hình rực rỡ nắng vàng trời xanh lôi tôi đến, nhưng bữa đó lại đón khách bằng một sáng dài gió mưa mờ mịt. Tới phố lúc tờ mờ, trời gió mưa lạnh lẽo, tính cuộn mình trong mền ngủ luôn cho đã sau chuyến tàu lửa lắc lư dằn xóc nhất trên đời trước giờ tôi từng đi, cả tới khi gõ bài này, nhưng rồi tính ham hố lại thắng. Cắn răng thuê thổ mộ để thảnh thơi ngó nghiêng miền lạ trong màn nước, thay vì dự tính thuê xe đạp để tiết kiệm trước đó. Quả thật tôi đã gặp một Bagan đẹp lạ, rất khác mấy ngày nắng sau đó. Các đền đài Bagan còn tặng thêm cái không khí vắng tênh u tịch mà mấy ngày sau chen chúc không được gặp lại.
Tôi đi Bagan bằng chuyến tàu đêm từ Mandalay. Mấy ngày lê lết Mandalay với bốn cố đô lớn nhỏ của các tiểu quốc quá nhiều những cung điện, đền đài, chùa chiền đa phong cách, kiến trúc… nên cũng không mong chờ nhiều ở Bagan. Thêm nữa, để tiết kiệm tiền, đến Bagan tôi ngụ trong phố mới thay vì trong Old Bagan gần đền đài hơi đắt đỏ. Nên nhá nhem sáng đó xuống tàu lên xe ôm về phố cũng chỉ thấy nhà cửa, hàng quán bình thường, chưa chạm được cái thần của miền đất nghìn đền đài xưa cổ. Lại còn bị xui rủi trời trút mưa mịt mù, nhưng bù lại mát mẻ thay cho mấy ngày vừa rồi nắng tháng 5 Miến Điện chẳng khác mấy Sài Gòn mà lại không có “áo lụa Hà Đông”.
Mưa gõ như đánh trống trên mái tôn cái lữ điếm nghèo, nên có muốn nướng cũng chẳng được. Ra ngoài hiên thơ thẩn ngó nước, anh chủ quán hỏi han rồi rù quến giới thiệu – mà có lẽ ngày mưa gió chẳng ai lặn lội đi nên giá xe ngựa thiệt thấp. Kẻ ham rẻ và ham hố suy nghĩ chừng nửa nốt nhạc rồi gật đầu. Lúc tròng áo gió leo lên xe còn tự mình chửi mình cái tính sân si tới miền chùa chiền cũng không chịu bỏ. Nhưng ý nghĩ đó bay nhanh như đám gió quần quật bên ngoài khi xe thổ mộ lóc cóc đi vào vùng Old Bagan và những đền chùa loáng thoáng ẩn hiện sau màn nước trắng.
Mưa vắng lạnh, chú linh thú chinthe cô đơn đứng gác bên sân chùa.
Nằm bên bờ dòng Irrawaddy mà tôi đã lặn lội lên thượng nguồn lẫn xuống nơi sông đổ ra đại dương, Bagan là kinh đô của vương triều Pagan từ thế kỷ 9 – 13. Quá nổi tiếng nên thông tin về Bagan rất nhiều, dễ tìm, tôi chỉ chia sẻ in ít con số ấn tượng. Thời quang đại nhất hồi thế kỷ 11 – 13, Bagan từng có đến 4.446 chùa tháp, sau đó còn lại 3.822, nên không chỉ là Di sản văn hoá UNESCO, Bagan còn được xem là di tích khảo cổ học lớn nhất thế giới.
Bagan độc đáo, nhưng những tấm hình nổi tiếng nhất là từ toàn cảnh qua máy bay, fly-cam, hay đi khinh khí cầu… Khách ít tiền có thể leo lên các ngôi đền, bảo tháp cao. Nhưng bữa đó, dù không bị cấm leo vì sợ trơn trợt nguy hiểm nhất là rêu phong, sạt lở ở các bậc cấp đã ngàn năm tuổi, tôi cũng không leo lên, vì có chụp được gì đâu ngoài một màn nước. May sao, cũng có vài lúc mưa thưa, cảnh trùng trùng đền đài loáng thoáng qua màn nước mỏng khá ấn tượng.
Hoàng hôn bảng lảng độc đáo Bagan sau ngày dài mưa mù mịt.
Không lấy hình xa xa được thì tính việc chụp gần. Nhưng thiếu nắng, không chỉ không có được những tấm hình tầng tầng lớp lớp tháp đền độc đáo, việc bấm máy trong các gian điện vẫn bị ảnh hưởng. Do cấm sử dụng flash sợ làm hư hại sơn son thếp vàng, bình thường ánh dương quang sẽ phụ giúp việc chụp bên trong điện đền. Nhất là cấu trúc chùa tháp ở đây nhiều cửa sổ, cả giếng trời hay cả các cầu thang thông thống thông tầng. Rồi do chụp không được, cất béng máy, bớt bận tâm việc tìm góc rộng hẹp, cân chỉnh, lúc đó lại nhiều thời gian chiêm nghiệm các ảnh tượng, bích hoạ. Rất độc đáo, rất khác biệt giữa các ngôi chùa mà lúc nào phải quay ra xe ngựa cũng nuôi nuối tiếc, vì biết sẽ khó lòng quay lại dù chỉ với vài chục danh tự, chưa nói đến con số hơn 3.000 đền chùa ở đây.
Một điểm cộng cho anh chủ xe ngựa là trưa đó không đưa khách vô các hàng quán nhiều người Mỹ Âu, mà là quán bình dân, với người bản địa. Bữa trưa mộc mạc quá ngon lành phần do cái lạnh, phần do sáng giờ leo lên tụt xuống cũng nhiều. Phần nữa là mấy thứ rau cải rất eco – sinh thái bản xứ. Rồi những trận mưa như trút nhỏ dần, ráo hẳn lúc xê xế. Nên chiều đó tôi được tưởng thưởng một hoàng hôn sũng nước bảng lảng, do mưa đã hết nhưng mây vẫn còn. Đúng là không đẹp bằng lúc có nắng thiệt, nhưng mỗi khi mở máy coi lại hình cũ, tôi chỉ nhớ tiếng xe ngựa lọc cọc trong màn mưa dày Bagan bữa đó nhiều nhứt.
Bài và ảnh Thái Hoãn – TGHN