Các công ty vừa và nhỏ của Trung Quốc đang khám phá cơ hội kinh doanh ở nước ngoài khi cạnh tranh trong nước ngày một gay gắt, doanh số bán hàng sụt giảm. Họ buộc phải “ra khơi” dù rằng nhiều người trong số đó nước chưa bao giờ nghĩ đến việc mạo hiểm ra nước ngoài trước đây.
“Vươn ra toàn cầu” để giành đơn hàng
Bất chấp đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, nhiều công ty trong số đó đang để mắt đến thị trường Mỹ, bởi quy mô rộng lớn và tỷ suất lợi nhuận cao hơn ở đây.
Nhiều công ty đã tham gia triển lãm thương mại công nghệ CES 2024 tại Las Vegas đầu tháng 1 vừa rồi. Họ đang tìm cơ hội này để giới thiệu sản phẩm của họ, tìm hiểu thị trường và tìm kiếm quan hệ đối tác.
“Nhà đầu tư Mỹ dễ hấp thụ công nghệ mới hơn và họ có đủ khả năng tài chính để chống chọi với những tổn thất tiềm tàng”, quản lý cấp cao của Openverse Technology, một công ty cung cấp mô phỏng 3D có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Nikkei Asia. Ông cũng thừa nhận rằng có một chút lo ngại về căng thẳng địa chính trị, đặc biệt trong lĩnh vực chip.
Các doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài không phải là điều mới mẻ. Nhưng kể từ khi Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài sau ba năm bế quan tỏa cảng chống Covid-19 cuối năm 2022, việc khai thác thị trường nước ngoài đã trở thành một mệnh lệnh cấp bách hơn cả.
Kết quả là cụm từ “vươn ra toàn cầu” đã trở nên thông dụng hơn ở đại lục trong năm 2023. Chính phủ trung ương, chính quyền các tỉnh thành đã hỗ trợ nhiều công ty định hướng xuất khẩu tham dự các triển lãm trên khắp thế giới để “tranh giành đơn hàng”.
Một số thương hiệu đồ uống mới thành lập tại Trung Quốc như Mixue hay Cotti từng gây tiếng vang ở Đông Nam Á. Nay họ đang tạo dựng vị thế của mình ở các nền kinh tế phát triển. Các thương hiệu lâu năm hơn như hãng thời trang nhanh Shein và các nền tảng thương mại điện tử Temu và TikTok Shop đang nhanh chóng mở rộng khắp thế giới. Họ tận dụng chuỗi cung ứng nội địa đã trưởng thành và đẩy các mô hình kinh doanh đổi mới của Trung Quốc lên quy mô toàn cầu.
Tự thân thay đổi
Hãng tư vấn Shine Global có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên hỗ trợ các công ty Trung Quốc muốn hoạt động ở nước ngoài. Giám đốc nghiên cứu Liu Jingfeng có thay đổi lớn, đáng chú ý sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Một số hãng sản xuất thiết kế gốc (ODM) và nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) – chuyên thiết kế và gia công sản phẩm cho thương hiệu của một công ty khác – hiện đang tự mình khám phá thị trường nước ngoài. Trái ngược với thời kỳ trước đại dịch, hầu hết các công ty này chỉ ra nước ngoài nếu chủ đơn hàng gia công yêu cầu làm vậy.
“Lý do cốt lõi đằng sau sự thay đổi này là cơ cấu thị trường đã thay đổi. Thị trường nội địa đã bão hòa, không còn có thể duy trì mức tăng trưởng cao như trước đây. Đặc biệt, các công ty thương mại nhỏ nhận thấy cần phải mở rộng hoạt động ra nước ngoài do cuộc chiến giá cả khốc liệt trong nước và sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Doanh số bán hàng nội địa đã sụt giảm đáng kể. Hơn nữa, nhiều OEM định hướng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề khi xuất khẩu suy giảm. Họ phải tìm kiếm các kênh bán hàng mới, bên cạnh các phương thức xuất khẩu truyền thống”, Liu nói.
Xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016 tính theo đồng USD, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu trì trệ. Trong số các đối tác thương mại chính, xuất khẩu sang Mỹ dẫn đầu mức giảm, giảm 13% so với năm trước. Nhu cầu từ Liên minh châu Âu (EU) và các nước Đông Nam Á cũng sụt giảm.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, vượt mục tiêu chính thức là khoảng 5%. Tuy nhiên, người ta vẫn lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất châu Á. Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, dự đoán tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bởi nhu cầu bị dồn nén trước đây đã được giải phóng hoàn toàn, các hộ gia đình giảm kỳ vọng về thu nhập.
Liu từ Shine Global nói rằng, các doanh nghiệp nhỏ không chỉ có động cơ mạnh mẽ hơn để ra nước ngoài mà còn có những phương tiện lớn hơn để làm điều đó. Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein, Temu và TikTok Shop tăng trưởng tốt vào năm ngoái. Thêm vào đó là chất lượng vượt bậc của dịch vụ hậu cần. Tất cả đã cho phép ngày càng có nhiều công ty định hướng xuất khẩu – thậm chí một số công ty đang trên bờ vực phá sản – có đượ đơn hàng mới, Liu nói.
Kevin Huang, giám đốc tiếp thị cấp cao của Mojie, nói rằng Mojie rất mong muốn bán sản phẩm của họ ở Mỹ. Công ty này sản xuất kính thực tế tăng cường cho các thương hiệu Trung Quốc bao gồm Oppo, Vivo và ZTE. Hiện Mojie cho được Ủy ban viễn thông liên bang Mỹ (FCC) cấp phép cho các sản phẩm, thiết bị của Mojie vào thị trường này.
“Nếu chúng tôi tìm được một đối tác Mỹ đã được FCC ủy quyền, sản phẩm của chúng tôi có thể được bán với giá cao hơn. Chúng tôi cũng có thể hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái để tăng lợi nhuận”, Huang nói.
Mô hình xuất khẩu truyền thống, bao gồm nhiều trung gian và đôi khi được dẫn dắt bởi các tổ chức chính thức, có nhiều hạn chế. Giám đốc bán hàng Benjamin Xiao của một OEM có trụ sở tại Thâm Quyến nói rằng lựa chọn duy nhất để công ty tăng trưởng hơn nữa là thành lập một nhà máy lớn hơn và cạnh tranh với các công ty lâu đời hơn để giành đơn hàng. Tuy nhiên, nếu tăng giá hoặc có sai sót về chất lượng, các thương hiệu nước ngoài sẽ nhanh chóng chuyển sang các nơi khác gia công. “Đó là lý do tại sao chúng tôi hiện đang xem xét chiến lược kép. Ngoài hợp đồng sản xuất, chúng tôi cũng muốn phát triển thương hiệu của riêng mình và bán trực tiếp ra nước ngoài”, Xiao nói.
Thách thức nhưng đầy cơ hội
Trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước ngoài, theo Chris Pereira – nhà sáng lập và CEO của tập đoàn tư vấn kinh doanh iMpact, các công ty trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, năng lượng mới và công nghệ sinh học đặc biệt nổi bật
Pereira giải thích là các thương hiệu và công ty Trung Quốc đang học cách bản địa hóa ở thị trường nước ngoài, từ xây dựng thương hiệu đến xây dựng đội ngũ. Doanh nghiệp đang tự nâng cấp bản thân len mức có thể cạnh tranh với các thương hiệu và sản phẩm phương Tây. “Vấn đề chính là không phải các công ty phương Tây đến Trung Quốc để mua sản phẩm. Hiện các công ty Trung Quốc sản xuất sản phẩm. Họ đang quản lý thương hiệu và bán sản phẩm ra nước ngoài bằng cách loại bỏ người trung gian”, ông nói.
Tuy nhiên, Pereira cũng chỉ ra một số trở ngại. “Cạnh tranh công bằng, căng thẳng địa chính trị, nội địa hóa thực sự và quản lý đa văn hóa cũng như chiến lược tiếp thị ở một thị trường khác đều là những thách thức lớn đối với các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ”.
Beijing Smartmi Electronic Technology (BSET), một công ty con của hãng smartphone Xiaomi đang cố gắng bán thêm máy lọc không khí ở Mỹ. Họ có trải nghiệm tốt, lẫn xấu trong cạnh tranh ở nước ngoài.
Tích cực mà nói, môi trường kinh doanh ở Mỹ có trật tự hơn. Yu Zhou, giám đốc bán hàng toàn cầu của BSET cho biết: “Khi giới thiệu một sản phẩm ở thị trường nội địa, sản phẩm sẽ nhanh chóng bị sao chép. Điều này không xảy ra ở nước ngoài”.
Tuy nhiên, việc thích ứng với thị hiếu của người Mỹ đã tỏ ra đầy thách thức. Công ty đã thiết kế máy lọc không khí dựa trên đánh giá của khách hàng trên Amazon, nhưng sản phẩm vẫn không bán chạy ở đó. “Vì vậy, chúng tôi chuyển trọng tâm sang bán nó ở Nga, nơi hiện đã trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của chúng tôi”, Chu nói.
Theo Nikkei Asia
Song Hảo / BSA Media