Doanh nghiệp Việt tìm khách hàng tại triển lãm ngành giấy, sơn, cao su, nhựa
Sáng ngày 3/8/2022, triển lãm thương mại quốc tế 4 ngành công nghiệp: Giấy, sơn phủ, cao su, nhựa hàng đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM. Bên cạnh lượng doanh nghiệp quốc tế đông đảo, có không ít doanh nghiệp Việt tham gia, với mục đích tìm kiếm khách hàng, đối tác mới.
Doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội
Tại gian hàng công ty giấy Vĩnh Thịnh, doanh nghiệp này trưng bày nhiều dòng sản phẩm giấy khác nhau, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, nhân viên Vĩnh Thịnh đều giới thiệu những chứng nhận uy tín mà đơn vị này có được, như Hàng Việt Nam chất lượng cao – do người tiêu dùng bình chọn và Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. Theo quan sát, gian hàng Vĩnh Thịnh đón tiếp khá nhiều đoàn khách từ Đài Loan, Ấn Độ đến tìm hiểu…
Ông Trần Điệp – Phó Tổng giám đốc Công ty giấy Vĩnh Thịnh cho biết, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lãnh vực sản xuất, và phân phối, kinh doanh sản phẩm giấy, Vĩnh Thịnh đến hội chợ nhằm giới thiệu tới thị trường những sản phẩm giấy hoàn toàn do người Việt làm chủ, từ nguyên liệu đến thành phẩm. Chất lượng hoàn toàn có thể sánh ngang với sản phẩm ngoại nhập mà giá thành tiết kiệm cho người dùng từ 20-30%. Qua đây khẳng định rằng, hàng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội hội nhập với thế giới.
“Thông qua hội chợ lần này, hy vọng những dòng sản phẩm như subaru paper có thể tìm những đối tác để xuất khẩu”, ông Trần Điệp nói.
Một số doanh nghiệp về giấy khác như New toyo Pulppy cũng đem đến những mẫu sản phẩm mới, được làm trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 năm 2020.
Bà Vivian Lee, giám đốc marketing New toyo Pulppy cho biết, quãng nghỉ dịch gần hai năm nay những doanh nghiệp ngành giấy rất mong những hội chợ như thế này để tìm hiểu thị trường, từ xu hướng sản phẩm, các máy móc thiết bị, công nghệ trong sản xuất giấy.
Trong khi đó, là một doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cao su, bà Trương Thị Thùy Trâm, công ty Việt Phú Thịnh cho hay, “chúng tôi đến đây để gặp gỡ một số bạn hàng mà trong những năm qua chưa gặp được vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị nhiều mẫu sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng 100% sản phẩm từ thiên nhiên để giới thiệu tại hội chợ quốc tế này”.
“Trong một buổi sáng ngày 3/8 rất nhiều đoàn khách quốc tế đã ghé gian hàng chúng tôi đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu. Nhiệm vụ của chúng tôi là sẽ tìm thêm một số khách hàng để phát triển thêm thị trường nội địa nữa”, bà Trâm nói.
Triển lãm thương mại quốc tế 4 ngành công nghiệp: Giấy, sơn phủ, cao su, nhựa thu hút hơn 150 doanh nghiệp đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ: Áo, Bỉ, Đức, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Pakistan và Việt Nam. Điểm sáng của triển lãm năm nay là Ấn Độ, với sự hiện diện mạnh mẽ của gần 50 doanh nghiệp.
Cũng tại triển lãm, các khu vực trưng bày chuyên biệt sẽ giới thiệu các sản phẩm mới và công nghệ cải tiến: Khu giao thương cao su nguyên liệu; Khu trưng bày dây chuyền công nghiệp sản xuất giấy (bao gồm các loại giấy, bột giấy và công nghệ sản xuất giấy, hóa chất giấy, giấy bao bì, giấy tissue); Khu trưng bày sản phẩm sơn, vật liệu phủ…
Trong 3 ngày triển lãm sẽ có nhiều hoạt động cùng diễn ra như: Các phiên giao thương và các chuỗi hội thảo chuyên ngành: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xí nghiệp Giấy ở Việt Nam; Máy xeo giấy làm thùng sóng trong những năm tới ở Việt Nam; Tái chế giấy thu hồi nói chung và hộp đựng chất lỏng (sữa, nước hoa quả…); Tổng quan ngành cao su, tiềm năng và cơ hội phát triển cao su kỹ thuật; Gặp gỡ giao thương doanh nghiệp ngành sơn Việt Nam với các doanh nghiệp Ấn độ, Hàn quốc; Gặp gỡ giao thương doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam và quốc tế,…; cùng các phiên hội thảo độc lập của các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành; Chương trình Kết nối doanh nghiệp (B2B): giúp các doanh nghiệp và khách tham quan tìm đúng đối tượng hợp tác; Chương trình Khách mua tiềm năng (VIP Buyer): tạo cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua tiềm năng và mở rộng mạng lưới kinh doanh; Tham quan thực tế (Visit Tour): giúp các doanh nghiệp nước ngoài thị sát các nhà máy, khu sản xuất, khu công nghệ cao tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình, năng suất và hoạt động thực tiễn của các đơn vị. Bên cạnh còn có nhiều hoạt động thiết thực khác.