Doanh số tăng kỷ lục, Ngày Độc thân mang lại tín hiệu mới cho kinh tế Trung Quốc?

Phòng điều khiển trung tâm của JD tại Bắc Kinh trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân. Các đợt trấn áp của chính phủ với Alibaba tạo cơ hội cho JD tăng trưởng mạnh trong năm qua. Ảnh: Reuters

Doanh số Ngày Độc thân năm nay vẫn tăng kỷ lục so với năm ngoái, giúp cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc niêm yết trên thị trường Nasdaq tăng mạnh. Tuy nhiên, sự kiện mua sắm lớn nhất của Trung Quốc vẫn không thoát khỏi các “bóng ma” lạm phát, chính sách kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh về công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Hy vọng về khởi đầu mới

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon Index của các hãng công nghệ Trung Quốc niêm yết trên thị trường Mỹ đã tăng 5,1% – mức tăng cao nhất kể từ hôm 7-10 sau khi Alibaba và JD đạt doanh số kỷ lục trong sự kiện mua sắm Ngày Độc thân 11-11 tại Trung Quốc. Trong khi đó, tin Didi Glodbal chuẩn bị khai trương trở lại các ứng dụng của hãng tại Trung Quốc vào cuối năm nay cũng tạo đà cho cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc gia tăng.

Cổ phiếu của Alibaba tăng 2,4%, JD tăng 8,3% và Pinduoduo tăng 7,4%. Nhưng cổ phiếu của Didi thì trồi sụt và kết thúc phiên giao dịch 11-11 ở New York, cổ phiếu Didi chỉ tăng 0,1%.

“Những kết quả đáng khích lệ của Ngày Độc thân đã xóa bớt những lo lắng gần đây về xu hướng yếu đi của sức mua nội địa. JD gặp nhiều áp lực từ đầu năm đến năm với giá cổ phiếu giảm hơn phân nửa. Hy vọng đây sẽ là khởi đầu mới cho sự bật tăng bền vững của tập đoàn”, nhà phân tích Jiong Shao của ngân hàng Barclays nói với Bloomberg.

Trong khi đó, thị trường bất động sản của Trung Quốc cũng có những tín hiệu lạc quan. Hãng Dow Jones đưa tin ngân hàng trung ương Trung Quốc đang chuẩn bi nới lỏng các hạn chế nhằm giúp các nhà thầu xây dựng bán bớt tài sản để trả nợ. Tờ Security Times cũng nói rằng chính phủ sẽ sớm nới lỏng quy định phát hành trái doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng đây là những tín hiệu cho thấy chính phủ sẽ sớm chấm dứt các đợt cải cách, chấn chỉnh đối với các hãng công nghệ.

“Các nhà đầu tư vẫn đang còn do dự. Việc chính phủ chuẩn bị nới lỏng các hạn chế ở mảng bất động chỉ mới vực dậy niềm hy vọng về một môi trường kinh doanh dễ thở hơn mà thôi”, nhà chiến lược thị trường Michael O’Rourke của hãng Jonestrading Institutional Services nói.

Lạm phát “nuốt” bớt doanh số và lợi nhuận

Doanh số bán hàng của Alibaba cùng với đối thủ JD.com trong dịp lễ hội mua sắm Ngày Độc thân đạt 889 tỉ nhân dân tệ (139,4 tỉ USD) – tương đương với GDP của nhiều quốc gia – cũng là một kỷ lục và tăng khoảng 20%. Con số này thấp hơn mức kỳ vọng 22-26% của các nhà phân tích thuộc Citibank và thấp hơn mức tăng trưởng 33% trong năm ngoái. Ciitbank cũng nói rằng các chiến dịch khuyến mãi đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, nhưng họ rất thận trọng nói rằng, về mặt tổng thể, tâm lý người tiêu dùng đang bị tổn thương bởi nền kinh tế đang suy yếu.

Tăng trưởng kinh tế trong quý 3 vừa rồi của Trung Quốc chỉ đạt 4,9%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 7,9% trước đó. Có nhiều lý do cho sự suy giảm này: khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi vận tải và các đợt trấn áp các hãng công nghệ trong nước.

Trong khi đó, lạm phát đã tăng lên, có nguy cơ làm xói mòn tỷ suất lợi nhuận và sức mua của người tiêu dùng. Chi phí hàng hóa xuất xưởng đã tăng kỷ lục. Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng 13,5% trong tháng 10 so với một năm trước và hiện vẫn có dấu hiệu tăng. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,5% trong tháng 10 so với một năm trước, gấp đôi tốc độ của tháng 9-2021 và là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9-2020.

Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis tại Pháp, cho biết: “Một mặt, chi phí đầu vào tăng cao đã bóp chết đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất, khiến nhà bán lẻ cũng thu hẹp mức chiết khấu hay giảm giá lớn trong năm nay. Mặt khác, tiêu dùng trong nước vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch và ngay cả doanh số bán lẻ trực tuyến, vốn vẫn tương đối phục hồi vào năm 2020, đã suy giảm”.

Các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba bị kiểm soát kỹ về giá. Trước ngày 11-11, Alibaba cũng thực hiện đợt gây quỹ cho người nghèo trên cả nước. Ảnh: Nikkei Asia

Ngày Độc thân cũng bị kiểm soát kỹ

Sự kiện mua sắm năm nay cũng không thoát khỏi tâm lý u ám, trì trệ khi các đợt chấn chỉnh đối với các hãng công nghệ chưa hạ nhiệt.

Các hãng thương mại điện tử đã không thoát khỏi tầm ngắm đó. Alibaba bị phạt số tiền kỷ lục 2,8 tỷ USD. Các tập đoàn JD, Tencent, Pinduoduo, Meituan và nhiều hãng khác cũng đã bị điều tra hoặc bị phạt vì cáo buộc có hành vi chống cạnh tranh.

Nhiều công ty cũng đã gấp rút quyên góp hàng tỷ đô la từ lợi nhuận của chính họ cho các hoạt động xã hội dưới mà sắc “thịnh vượng chung”. Alibaba đã cam kết tài trợ 100 tỷ nhân dân tệ (15,6 tỷ USD) đến năm 2025. Pinduoduo hồi tháng 8 cho biết họ sẽ cung cấp toàn bộ lợi nhuận trong quý 2 năm nay cho các dự án phát triển nông thôn ở Trung Quốc, và dự kiến ​​sẽ quyên góp tổng cộng 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) cho những mục đích như vậy. JD.com đã công bố một kế hoạch vào cuối năm ngoái để “hồi sinh nông thôn Trung Quốc” bằng cách sử dụng tiền và cơ sở hạ tầng của tập đoàn.

Ngày Độc thân cũng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh. Cuối tuần rồi, Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước đã cấm các nền tảng thương mại điện tử có các hành vi “không công bằng” trong sự kiện 11-11, chẳng hạn như “tăng giá các mặt hàng rồi giảm giá trước khi bán”.

Tuần trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã triệu tập Alibaba, JD, Pinduoduo và Meituan và cảnh báo họ không được gửi thư rác cho người tiêu dùng bằng các thông điệp tiếp thị trong Ngày Độc thân.

Garcia Herrero từ Natixis nhận định: “Các nền tảng internet lớn dường như thận trọng hơn trong việc tiếp thị và khuyến mại trong năm nay để tránh vi phạm các quy định chống độc quyền”.

Thực hiện các cam kết môi trường và xã hội

Các hãng công nghệ cũng đang gấp rút hỗ trợ các sáng kiến ​​của chính phủ nhằm thúc đẩy bình đẳng xã hội hoặc giảm lượng khí thải carbon – cả hai đều nằm trong những mục tiêu chính sách hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Alibaba cho biết họ sẽ chuyển trọng tâm từ số liệu bán hàng thuần túy – thường là tiêu đề hàng năm – sang tính bền vững và công bằng.

“Lễ hội năm nay đánh dấu một chương mới cho ngày 11-11. Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải tận dụng sức mạnh của ngày 11-11 để khuyến khích phát triển bền vững và thúc đẩy tính toàn diện cho người tiêu dùng, người bán và đối tác trong hệ sinh thái của chúng tôi”, Chris Tung, Giám đốc tiếp thị của Alibaba, phát biểu.

Tập đoàn cũng cho biết họ muốn hỗ trợ “những nhóm dễ bị tổn thương” và ứng dụng Taobao của họ đã giới thiệu một tùy chọn “chế độ cao cấp”. Tính năng mới được thiết kế để người cao tuổi dễ tiếp cận hơn với giao diện cập nhật và công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói.

JD.com cũng thông báo Ngày Độc thân năm nay sẽ là “Ngày hội độc thân lớn nhất được sử dụng năng lượng tái tạo và là ngày JD thúc đẩy giảm lượng khí thải carbon”.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng trong nước tiếp tục leo thang trong ngày 12-11 với giá vàng miếng SJC chạm mức 60,6 triệu đồng/lượng cuối ngày, dù giá vàng thế giới giảm nhẹ. Theo tỷ giá quy đổi chính thức của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trong nước cao hơn giá thị trường thế giới 9,67 triệu đồng/lượng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu giải thích rằng thị trường vàng trong nước và thế giới chưa có sự liên thông với nhau, nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước đều cao hơn giá thế giới. Ngoài ra, vào lúc này, một số kênh đầu tư đã không còn hấp dẫn, như: lãi suất thấp, bất động sản chưa phục hồi, chứng khoán tăng nóng khiến nhiều người e ngại. Do đó, các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao để phần nào giảm thiểu rủi ro cho mình.

Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng lên ngưỡng 1.858,6 USD/ounce, tăng gần 10 USD so với hôm trước. Các nhà phân tích dự báo giá vàng có thể lên 1.917 USD/ounce do nhu cầu mua sắm cuối năm ở Trung Quốc và Ấn Độ. Khi đó, theo một số nhà kinh tế trong nước, dự báo giá vàng tại Việt Nam có thể leo lên 72 triệu đồng/lượng.

2/ Theo ngân hàng UOB, nguồn vốn đầu tư công nghệ tài chính (fintech) ở ASEAN tăng mạnh trở lại vào năm 2021, với tổng số vốn trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng hơn gấp 3 lần so với cả năm 2020 ở mức cao lịch sử 3,5 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba về vốn tài trợ fintech, thu hút 2 trong số 13 vòng gọi vốn lớn. Các công ty fintech có trụ sở tại Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong nguồn vốn, đảm bảo gần một phần mười (9%) trong tổng số 167 thương vụ, với số tiền tài trợ là 388 triệu USD. Nguồn vốn tăng trở lại là nhờ vào hai vòng gọi vốn lớn, cụ thể là 250 triệu USD vào VNPay và 100 triệu USD vào vòng gọi vốn Series D của MoMo, ví điện tử lớn nhất Việt Nam.

3/ Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia nhưng trên Thái Lan và Malaysia. Bốn quốc gia này chiếm hơn 80% tổng nhu cầu điện của ASEAN. Đây là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất trên thế giới và trong 20 năm qua, nhu cầu tăng ở mức ổn định 6%/năm. Trong khi đó, trang tin công nghệ Techwire Asia có trụ sở tại Malaysia cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong danh sách Top 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào năng lượng tái tạo, với 7,4 tỷ USD.  Nếu tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư cho năng lượng xanh như trong hai năm qua, Việt Nam có khả năng thăng hạng và vượt qua Úc và Ý về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.

4/ Trong số 41 nhà máy của ngành mía đường, hiện chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy còn lại đã ngừng sản xuất hoặc phá sản. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết diện tích mía đã thu hẹp từ hơn 190.000 ha niên vụ 2018-2019 xuống còn gần 129.000 ha niên vụ 2020-2021. Đến nay, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành niên vụ mía 2020-2021, nhưng sản lượng mía thấp chưa từng thấy. Báo cáo của VSSA, toàn ngành đã ép được hơn 6,7 triệu tấn mía, đạt sản lượng gần 690.000 tấn đường – con số thấp nhất trong 20 năm qua.

CEO Nguyễn Trọng Tấn giới thiệu về chuyên mục mới Việc làm trên nền tảng rao vặt Chợ Tốt. Ảnh: VET

5/ Lao động phổ thông tại Việt Nam sẽ đạt đến 43 triệu người vào năm 2025 do xu hướng phát triển kinh tế tập trung vào công nghiệp và dịch vụ cùng sự dịch chuyển cơ cấu lao động – ông Nguyễn Trọng Tấn, Tổng giám đốc Chợ Tốt phát biểu nhân ra mắt chuyên mục Việc làm trên nền tảng Chợ Tốt. Ứng dụng chotot.com thuộc sở hữu tập đoàn Carousell Group chuyên về mua bán rao vặt khu vực Đông Nam Á. Tháng 9-2021, Carousell chính thức trở thành tập đoàn kỳ lân công nghệ châu Á với mức định giá 1,1 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê Việt Nam quý 3-2021, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 3 vừa rồi vượt mốc 1,8 triệu, con số cao nhất trong vòng 10 năm qua do ảnh hưởng của Covid-19. Hiện có hơn 17,8% doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu lao động.

6/ Grab báo lỗ  988 triệu USD trong quý 3 năm rồi, tăng 60% so với số lỗ 621 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.  Grab nói nguyên nhân chính là từ các đợt giãn cách xã hội của nhiều nước trong khu vực và nói rằng phần lớn số tiền trên chi cho tiền trả lãi, thay đổi giá trị đầu tư. Tập đoàn công nghệ này khẳng định vụ niêm yết lần đầu (IPO) trên sàn Nasdaq thông qua công ty vỏ bọc SPAC vẫn đúng kế hoạch vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, đối thủ của Grab là GoTo – tên mới của Gojek – đã gọi thành công thêm 1,3 tỷ USD trước thềm IPO trong nước dự kiến vào giữa năm 2022. Đợt góp vốn lần này có sự tham gia lần đầu của các nhà đầu tư mới như quỹ Fidelity của Mỹ, quỹ Permodalan Nasional của Malaysia và quỹ Primavera Capital của Trung Quốc. Thương vụ góp với mới nhất giúp giá trị của GoTo đạt khoảng 30 tỷ USD.

7/ Theo dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê Hàn Quốc (KS), giá tiêu dùng ở Hàn Quốc trong tháng 10-2021 đã tăng 3,2% so với cùng thời điểm của tháng 10 năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất trong khoảng một thập niên kể từ tháng 1-2012. Thực tế này đã thúc đẩy Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) điều chỉnh dự báo lạm phát trong năm nay lên mức cao hơn so với mức 2,1% được dự báo trước đó. Hôm 12-11, Thống đốc BoK Lee Ju-yeol cũng đánh đi tín hiệu về việc tăng lãi suất. Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo rằng BoK sẽ tăng lãi suất một lần nữa lên 1% trong cuộc họp hội đồng tiền tệ vào ngày 25-11 tới.

8/ Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên và Bộ Môi trường Hàn Quốc đã công bố Lệnh điều phối cung cầu khẩn cấp trong ngày 11-11 và có hiệu lực ngay lập tức. Đây là lần thứ hai nước này phải áp đặt biện pháp khẩn cấp kể từ khi “Luật bình ổn vật giá” được ban hành năm 1976. Theo Lệnh điều phối khẩn cấp, các doanh nghiệp nhập khẩu urê và dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel vào Hàn Quốc để bán hoặc sản xuất cần khai báo các thông tin liên quan như số lượng nhập, số lượng sử dụng, lượng bán và tồn kho hằng ngày vào trước 12 giờ ngày hôm sau.

Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo dự kiến lượng nhập khẩu trong hai tháng tới đề phòng rủi ro cung cầu trong tương lai. Bên cạnh việc quản lý nguồn nhập khẩu, chính phủ cũng giới hạn việc cung cấp, bán lẻ trong nội địa. Theo đó, chỉ được phép mua bán dung dịch xử lý khí thải trực tiếp tại trạm xăng dầu, không thực hiện mua bán qua mạng.

9/ Chi nhánh New York Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết tổng nợ của hộ gia đình ở Mỹ trong quý 3 vừa rồi đạt 15.240 tỷ USD, tăng thêm 286 tỷ USD so với quý 2, tương đương tăng 1,9%. “Khi không còn các chương trình hỗ trợ kinh tế của chính phủ trong đại dịch Covid-19, chúng ta bắt dầu chứng kiến sự đảo ngược của một số xu hướng trong dư nợ thẻ tín dụng”, nhà nghiên cứu Donghoon Lee thuộc Fed New York phát biểu. Chẳng hạn, trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch, người Mỹ có xu hướng hạn chế chi tiêu để trả bớt nợ nần. Nhưng hiện nay thì ngược lại, người Mỹ vay nhiều hơn để chi tiêu. Dù nợ thẻ tín dụng chưa quay trở lại mức trước đại dịch, tổng nợ của hộ gia đình Mỹ đang cao hơn 1.100 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2019.

Ricky Hồ / BSA 

Ngành giày dép Việt Nam tăng trưởng mạnh, đứng thứ hai toàn cầu về xuất khẩu