Găng tay cao su Nam Long: đầu tư công nghệ, nghiên cứu chuyên sâu tạo nên khác biệt

Ông Lê Bạch Long – Giám đốc Công ty găng tay cao su Nam Long
Một trong nhiều sản phẩm làm từ mủ cây cao su là những chiếc găng tay cao su. Tại Đồng Nai, một DN HVNCLC nhiều năm qua đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra những chiếc găng tay cao su khác biệt, nhiều chủng loại, màu sắc.
Điều đáng chú ý là họ đã chinh phục được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu và Hàn Quốc… để từ đó xuất khẩu được sản phẩm của mình.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Bạch Long – Giám đốc Công ty găng tay cao su Nam Long, tiết lộ: “Đến thời điểm này, chúng tôi có những đơn hàng xuất khẩu thường xuyên qua Mỹ, kéo dài nhiều năm”.
– Vậy ông có thể chia sẻ về quy trình sản xuất găng tay cao su tại Nhà Máy Nam Long, đặc biệt là về việc tối ưu hóa và tự động hóa quy trình sản xuất, làm sao để đáp ứng được các đơn hàng chất lượng cao?
– Ông Lê Bạch Long: Tại Nhà Máy Nam Long, chúng tôi chú trọng vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất để tăng hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Đa số dây chuyền sản xuất găng tay cao su của chúng tôi đều được tự động hóa cao, giúp giảm thiểu sự can thiệp của lao động và tăng khả năng sản xuất hàng loạt. Với sự tự động hóa này, chỉ có hai người làm việc từ đầu đến cuối dây chuyền, giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa nguồn nhân lực.
Mặc dù vậy, công đoạn bao bì đóng gói vẫn là một trong những công đoạn tốn nhiều lao động nhất. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã đầu tư vào máy đóng gói tự động sau khi nhận thấy hiệu quả của việc này tại các hội chợ quốc tế. Trong suốt hơn 5 năm qua, máy đóng gói tự động này đã giúp Nam Long tăng đáng kể năng suất lao động và giảm thời gian sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng và đồng nhất hóa quy trình sản xuất.

Những sản phẩm nhiều màu sắc từ găng tay cao su Nam Long.

– Thưa ông, trong quá trình khám phá nhà máy, chúng tôi thấy, dường như vẫn còn một số công đoạn vẫn đòi hỏi sự tham gia của nhiều lao động. Ông có nghĩ rằng, có thể chúng ta chưa tối ưu hóa hết các công đoạn sản xuất?
– Thực ra, chúng tôi đã áp dụng máy móc vào các công đoạn mà có thể thay thế được lao động. Tuy nhiên, vẫn còn những công đoạn cần sự tham gia của con người, và chúng tôi không ngừng cải tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Một ví dụ rõ ràng là hai năm trước, Nam Long được tài trợ bởi Bộ Công Thương với một chương trình cải tiến do các chuyên gia từ Samsung hỗ trợ. Trong thời gian đó, họ đã đào tạo và hướng dẫn chúng tôi về 5S và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Họ đã tiến hành sắp xếp lại công đoạn sản xuất một cách tinh gọn, phân tích các thao tác để loại bỏ những thao tác không cần thiết hoặc làm mất năng suất. Họ kỹ đến mức đo đếm các thao tác mất bao nhiêu thời gian, thao tác nào thừa, thao tác nào làm mất năng suất, rồi những thao tác nào chuẩn trên thế giới thì đưa vào. Kết quả là sau 6 tháng, chúng tôi đã đo lại và phát hiện năng suất của các bộ phận đã tăng lên đến 40%.

Gian hàng sản phẩm của Nam Long khi ra hội chợ quốc tế.

– Ông có thể chia sẻ về nguồn gốc của công nghệ và máy móc mà Nam Long sử dụng, cũng như những nỗ lực cải tiến và phát triển trong quá trình áp dụng và ứng dụng công nghệ mới không?
– Ban đầu, chúng tôi đã sử dụng một số dây chuyền nhập khẩu từ Malaysia. Tuy nhiên, chúng tôi đã tự tiến hành cải tiến để tối ưu hóa hiệu suất sản xuất. Chúng tôi đã hiểu rõ nguyên lý hoạt động của các thiết bị và tập trung vào việc nâng cao năng suất. Sau đó, chúng tôi đã tự thiết kế và chế tạo các dây chuyền mới, thường hợp tác với các đơn vị lắp ráp máy chuyên nghiệp tại Việt Nam để đảm bảo chất lượng và hiệu suất. Điều này đã giúp chúng tôi không chỉ giảm chi phí mà còn nâng cao khả năng tự chủ và phát triển công nghệ trong quá trình sản xuất.

Những sản phẩm nhiều màu sắc từ găng tay cao su Nam Long.

– Chúng tôi cũng tò mò, không biết hiện tại sản phẩm của Nam Long được sử dụng và phổ biến rộng rãi nhất trong những lĩnh vực và ngành nghề nào?
– Chúng tôi có nhiều sản phẩm khác nhau, nhưng để dễ hiểu, có thể chia thành hai nhóm chính.
Một nhóm được sử dụng chủ yếu trong các nhà máy thủy hải sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tôm và cá được chế biến sâu, nhiều nhất là ở An Giang, Cần Thơ, Cà Mau. Các nhà máy này đặt một yêu cầu cao về hiệu suất lao động và yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo. Chúng tôi tự hào là nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực này, chiếm hơn 50% lượng găng tay cao su được sử dụng.
Nhóm thứ hai của chúng tôi là dòng sản phẩm gia dụng, phổ biến trong các hộ gia đình. Sản phẩm này được sử dụng để rửa chén bát, làm vệ sinh nhà cửa, làm vườn, trồng cây… đáp ứng tất cả những yêu cầu đặc biệt về sự thoải mái và tính tiện ích. Chúng tôi đã tập trung vào việc thiết kế sao cho sản phẩm không có mùi cao su khó chịu, không ôm sát tay người dùng (vì ôm sát sẽ bị nóng, đổ mồ hôi tay…) phải diệt được vi khuẩn, để lâu không bị lên mốc, hư hỏng.
Chúng tôi cũng đầu tư nghiên cứu, tới đây sẽ phát triển dòng sản phẩm mới, bao gồm sản phẩm từ cao su nhân tạo, có khả năng chịu đựng môi trường dầu và lực cắt mạnh.
Đồng thời, trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp trồng chuối ở Việt Nam và người dân trồng rau củ ở Lâm Đồng.
Nghiên cứu chuyên sâu để xuất găng tay vào thị trường khó tính
– Với gần 30 năm trên thị trường như vậy, chắc hẳn quy mô thị trường của Nam Long phải rất lớn?
– Hiện tại, cơ câu thị trường của Nam Long là 30% dành cho xuất khẩu và 70% cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo các khảo sát, tại Việt Nam, mức tiêu thụ găng tay trên đầu người chỉ khoảng 1 đôi/năm. Mức này được xem là rất thấp so với các quốc gia khác như Thái Lan, trung bình khoảng 7 đôi/năm. Điều này cho thấy thị trường nội địa Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, về thị trường quốc tế, Nam Long chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia có khí hậu lạnh, như Hàn Quốc, Mỹ, Mông Cổ và Italia. Đặc biệt, với Italia, chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ thành công với một hệ thống siêu thị phân phối sản phẩm trên nhiều quốc gia châu Âu. Ngoài ra, Nam Long cũng đã thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm tới Nga, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
– Thưa ông, khi Nam Long xuất khẩu, liệu công ty phải cam kết và đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng nào của các quốc gia đích, đặc biệt là trong những thị trường khó tính?
– Đầu tiên, chúng tôi cam kết sử dụng nguyên liệu từ cây cao su tự nhiên lên đến 95%, tạo ra sản phẩm găng tay cao su thân thiện với môi trường. Cao su tự nhiên có khả năng phân hủy tự nhiên khi tiếp xúc với môi trường, đặc biệt là ngoài trời, giúp giảm bớt tác động đến môi trường.
Sự cam kết này đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ người tiêu dùng ở Châu Âu, nơi mà việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường được đánh giá cao. Nhờ vào cam kết của chúng tôi với môi trường và chất lượng sản phẩm, chúng tôi đã thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường khó tính như Châu Âu.
Ngoài ra, chúng tôi tiên phong trong việc sử dụng găng tay cao su không gây dị ứng. Việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm này tại Việt Nam hiện chỉ có 2 đơn vị làm được. Theo đó, chúng tôi đã thành công trong việc loại bỏ chất đạm từ cao su tự nhiên, hoặc giảm thiểu chúng đến mức rất thấp. Điều này giúp sản phẩm xuất khẩu không gây dị ứng da cho người tiêu dùng ở Châu Âu, Châu Mỹ, nơi da thường mỏng và dễ bị kích ứng.
Đến thời điểm này, chúng tôi đã có đơn hàng xuất khẩu khoảng 1,5 triệu đôi găng tay đi Mỹ trong vòng năm năm qua.
Xin cám ơn ông!