Hàn Quốc tranh luận sôi nổi vì mì gói

Cửa hàng mì gói ở Seoul ngày 20-6-2023. Người dân Hàn Quốc đang tranh luận sôi nổi khi giá loại thực phẩm thiết yếu này giữ mức cao trong khi giá bột mì giảm 50%. Ảnh: Nikkei Asia

Giá mì ăn liền đang trở thành đề tài thảo luận sôi sục ở Hàn Quốc bởi túi tiền của người dân thì đang teo lại khi giá các mặt hàng thiết yếu leo thang.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Choo Kyung-ho, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính, đã “chỉ trích một cách tế nhị” các hãng mì ăn liền (ramyun) ở Hàn Quốc đã không hạ giá mì gói cho phù hợp với đà sụt giảm lúa mì trên toàn cầu.

Mì ăn liền là một mặt hàng rẻ tiền và phổ biến ở Hàn Quốc. Đây là lựa chọn cho bữa ăn vội của người có thu nhập thấp bởi giá bán lẻ dưới 2 USD/gói hay ly. Thậm chí ramyun còn được xem là lựa chọn cho bữa ăn của một gia đình nghèo, khó khăn trong bộ phim Parasite gây sốt năm 2019.

Giá mì ăn liền tăng vọt vào năm ngoái khi xuất khẩu từ Ukraine, một nhà sản xuất ngũ cốc lớn, đột ngột đứt quãng do chiến tranh bùng nổ. Phó Thủ tướng Choo nói rằng giá lúa mì toàn cầu đã giảm một nửa trong năm qua, nhưng giá mì ăn liền tại siêu thị hay cửa tiệm vẫn giữ nguyên.

Ông Choo không trực tiếp kêu gọi các nhà sản xuất giảm giá bán lẻ. “Chính phủ không nên can thiệp và kiểm soát giá cả, nhưng sẽ tốt hơn nếu người tiêu dùng đóng vai trò kiểm tra và gây áp lực”, ông nhấn mạnh.

Bình luận của ông phó thủ tướng chỉ rõ vấn đề đau đầu mà Tổng thống Yoon Suk Yeol phải đối mặt.

Trong các cuộc vận động tranh cử năm ngoái, ông Yoon đã hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng cách nới lỏng các quy định và sự can thiệp của nhà nước vào khu vực tư nhân. Vị tổng thống đang chịu nhiều áp lực phải thúc đẩy nền kinh tế trì trệ. Tăng trưởng của Hàn Quốc chỉ đạt 0,3% trong quý đầu tiên. Xuất khẩu, động lực chính của tăng trưởng, đã giảm tháng thứ tám liên tiếp trong tháng 5 vừa rồi.

Giáo sư kinh tế Shin Se-don tại Đại học Nữ sinh Sookmyung ở Seoul nói với Nikkei Asia: “Điều này không chỉ giới hạn ở giá ramyun. Chính phủ này đã nhấn mạnh các lực lượng thị trường nhưng hành vi của họ lại hoàn toàn khác”.

Vị giáo sư nói rằng nội các của Tổng thống Yoon đã thực hiện các biện pháp kiểm soát giá của các mặt hàng chính như xăng và điện.

Trong tháng 5, giá mì ăn liền cao hơn 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế tài chính nổ ra. Chỉ số giá tiêu dùng chung trong tháng 5 tăng 3,3% so với năm ngoái. Một quan chức Hàn Quốc giải thích rằng: “Thông thường phải mất vài tháng để những thay đổi về giá lúa mì toàn cầu được phản ánh trong giá thành của các gói mì bán tại siêu thị”.

Thị trường mì ăn liền của Hàn Quốc bị chi phối bởi ba công ty lớn là Ottogi, Nongshim và Samyang Foods. Trong những năm gần đây, các công ty này đã tìm cách bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại trong nước bằng cách tăng xuất khẩu trong bối cảnh các loại thực phẩm Hàn Quốc ngày càng được chuộng ở nước ngoài.

Giáo Shin nói rằng trong tương lai gần, chính phủ có thể sẽ đối mặt với áp lực từ dân chúng và sớm ban hành các biện pháp giúp đỡ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.

“Mọi người ở Hàn Quốc đều tin rằng chính phủ phải làm gì đó để can thiệp vào các thị trường trọng điểm và các yếu tố chính của xã hội. Nhưng điều quan trọng là mức độ, tức là phải có độ mạnh cần thiết và thường xuyên hơn”, ông Shin nhận xét.