Israel công bố vaccine viên con nhộng ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới

Tiêm chủng cho học sinh ở Tel Aviv trong tháng 6 vừa rồi. Israel, Mỹ và các nước giàu có khác có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các loại vaccine ngừa Covid hiệu quả. Ảnh: Reuters
Tiêu điểm:

Israel công bố vaccine viên con nhộng ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới

Israel sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm loại vaccine ngừa Covid-19 có thể uống được, tạo bước chuyển mới trong công cuộc phòng chống dịch trên toàn cầu – CEO Nadav Kidron của hãng bào chế Oramed Pharmaceuticals phát biểu với The Jerusalem Post.
Oravax Mediacal, công ty con của Oramed, đang chuẩn bị tiến hành các thử nghiệm lâm sàng của vaccine viên con nhộng tại Trung tâm Y khoa Sourasky tại thủ đô Tel Aviv sau khi được sự chấp thuận của bệnh viện. Hiện hãng đang chờ giấy phép của Bộ Y tế trong vài tuần tới.
Hiện Orax đã có giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) ở châu Âu. Hàng ngàn viên con nhộng đã sẵn sàng cho các thử nghiệm ở Israel và có thể là nhiều nước khác.
Tháng 3 vừa rồi, Oramed và hãng dược Premas Biotech của Ấn Độ đã thành lập liên doanh Oravax nhằm nghiên cứu và phát triển vaccine dòng mới có thể uống được. Vaccine có thể uống được này dựa trên công nghệ POD của Oramed với các liệu pháp dựa trên đạm tổng hợp, có thể uống hoặc tiêm. Hiện Oramed đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 các viên con nhộng chứa insulin để trị tiểu đường loại 1 và loại 2. Riêng Premas đã tiến hành phát triển công nghệ chế vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 3 vừa rồi.
Vaccine ứng viên Oravax mới nhắm vào các cấu trúc protein của virus corona, khác với vaccine Moderna hay Pfizer tấn công các gai đơn protein của virus. “Vì thế, vaccine này có sức kháng với các chủng virus hơn” – CEO Kidron giải thích. Vaccine đang được thử nghiệm tiền lâm sàng trong phòng ngừa Covid-19, trong đó có chủng Delta.
Hiện Oramax đã hoàn tất nghiên cứu thử nghiệm ở động vật, đồng thời kết luận rằng vaccine thúc đẩy sự phát triển của kháng thế Immunoglobulin G (IgG) và Immunoglobulin A (IgA). Trong đó, IgA cần thiết cho khả năng miễn dịch lâu dài hơn.
Các quy chế cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 đang được Oravax soạn thảo. Sau đó, hãng sẽ tiến hành thử trên 24 tình nguyện viên chưa được tiêm bất cứ vaccine ngừa Covid nào. Một nửa sẽ uống một viên thuốc, nửa khác sẽ uống hai viên. CEO Kidron nói sẽ không có nhóm dùng giả dược (placebo) bởi mục đích của thử nghiệm là do lường mức độ kháng thể và các chỉ số miễn dịch khác.
“Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra viên vaccine con nhộng hiệu quả. Khi uống thuốc, đồng nghĩa là bạn đã được tiêm phòng. Đây là cuộc cách mạng cho cả thế giới”, ông Kidron nói.
Vị CEO cũng nói rằng vaccine có thể uống được sẽ gỡ bỏ nhiều rào cản, giúp quá trình tiêm chủng đại trà nhanh chóng hơn, mọi việc trở nên đơn giản khi người dân có thể uống vaccine tại nhà. “Việc quản trị chiến dịch tiêm chủng có vai trò quan trọng trong tăng cường tỷ lệ tiêm. Viên vaccine con nhộng trở nên giá trị hơn khi dịch Covid-19 giống như cúm mùa và con người cần tiêm các mũi ngừa cúm tiêu chuẩn mỗi năm”, ông Kidron khẳng định .
Thuận lợi của thuốc viên nhộng còn to lớn mức độ an toàn và hiệu quả. “Thuốc uống thường có ít tác dụng phụ hơn. Ngoài ra vaccine có thể vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường hoặc thậm chí ở nhiệt độ phòng. Việc phân phối toàn cầu trở nên đơn giản vô cùng. Cuối cùng, vaccine viên nhộng không cần sự theo dõi chuyên môn của nhân viên y tế”, ông Kidron nói.
Quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 dự kiến mất 6 tuần kể từ khi tuyển được tình nguyện viên. Nếu thành công, Oravax sẽ tăng tốc việc được chuẩn thuận sử dụng khẩn cấp ở các quốc gia đang cần vaccine nhất trên thế giới, chẳng hạn như ở Nam Mỹ vốn đang thiếu vaccine. Hãng sẽ thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3 với số tình nguyện viên hạn chế.
Ông Kidron cũng nói rằng Oravax sẽ xin chuẩn thuận ở “các thị trường mới nổi” trước tiên, rồi sau đó mới xin phép của Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA).
“Israel, Mỹ và một vài nước giàu có khác là những nơi đầu tiên có được Pfizer và Moderna. Nhưng tôi tin rằng những người bị tuột lại sau trong cuộc đua chủng người sẽ vượt lên bằng cách duy nhất – trở thành những người đầu tiên uống vaccine con nhộng”, CEO Kidron kết luận.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện vẫn đang ở mức 56,8 – 57,45 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá ngày hôm trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.800 USD/ounce, giảm 9,9 USD, tương đương 0,55% so với chốt phiên trước. Giá vàng đã có phiên giảm thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần vì lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi và nhu cầu đối với tài sản rủi ro quay trở lại.
2/ Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng khoảng thời gian trên, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch 24,4 tỷ USD, tăng 24%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,5%. Trước đó, năm 2020, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước. Được biết, đây là một tín hiệu tích cực bởi Mỹ là thị trường rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Theo số liệu tổng quát, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ chủ yếu là của khu vực FDI.
3/ Vụ lúa hè thu ĐBSCL xuống giống được 1,515 triệu ha, năng suất 56,7 tạ/ha, sản lượng 8,6 triệu tấn. Tuy nhiên, thu hoạch vụ hè thu khi 19 tỉnh/thành phía Nam thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, khiến đầu ra lúa và nếp đang gặp khó. Đối với người nông dân và chính quyền địa phương vùng ĐBSCL, vấn đề lớn nhất hiện nay của khu vực này là làm sao bán được lúa, nếp trong lúc nông dân đang thu hoạch khi mùa mưa bão đang về nhằm giảm đến mức thấp nhật thiệt hại cho bà con. Hiện nay ngoài nỗi lo dịch bệnh Covid-19, người nông dân các tỉnh ĐBSCL còn mang nỗi lo khác lớn hơn là đầu ra nông sản bị ách tắc, giá cả sụt giảm, bán dưới giá thành sản xuất ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con khiến không đủ tiền trang trải cho đời sống trong mùa dịch cũng như vốn đầu tư cho vụ sản xuất sau.
Đầu ra lúa Hè Thu trong mùa mưa bão là nỗi lo lớn của nông dân và chính quyền vùng ĐBSCL. Ảnh: BizLive
4/ Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 Việt Nam kỳ vọng sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Theo đó, quy mô nền kinh tế quốc gia năm 2020 đã đạt 271,2 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với cuối năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6% (giai đoạn 2016-2019 đạt bình quân 6,8%), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực. Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục, năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 545 tỷ USD.
5/ Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo, trong đó, bổ sung một số quy định mới liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo, địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam hoặc đầu mối liên hệ. Việc thông báo phải thực hiện 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
6/ Nhằm phục vụ cho nghiên cứu “Đánh giá tác động ứng dụng công nghệ số hóa lên hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp”, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ hỗ trợ 600 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hoạt động. Những doanh nghiệp này sẽ được đào tạo sử dụng phần mềm có bản quyền về lập kế hoạch nguồn lực hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo kiến thức về chuyển đổi số, các dịch vụ tiếp cận thông tin, dự án của WB còn trực tiếp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng ba giải pháp công nghệ về quản lý bán hàng và khách hàng, quản lý nhân sự và giao tiếp nội bộ.
7/ Với 97 phiếu thuận và 9 phiếu trắng, Quốc hội Peru đã chính thức bỏ phiếu thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Như vậy, Peru là quốc gia thứ tám phê chuẩn hiệp định này. Điều này đồng nghĩa quốc gia Nam Mỹ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương đầy tiềm năng với khoảng 500 triệu người tiêu dùng, hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan từ các nước thành viên trong khối, đặc biệt là New Zealand, Brunei, Malaysia và Việt Nam – những nước mà Peru chưa có Hiệp định thương mại tự do song phương.
8/ Tỷ phú Elon Musk đã cho biết Tesla có thể sẽ bắt đầu lại việc chấp nhận thanh toán bằng đồng bitcoin, sau khi tiến hành thẩm định về mức độ năng lượng tái tạo sử dụng để “đào” loại tiền kỹ thuật số này. Ngay sau phát biểu của tỷ phú Musk tại hội nghị B Word, thì đồng bitcoin tăng 8% lên 32.160,16 USD, trong khi cổ phiếu của Tesla giảm 0,8% xuống còn 655,30 USD/cổ phiếu. Việc sử dụng đồng bitcoin để mua xe điện Tesla làm rõ sự phân cực giữa một bên sử dụng danh tiếng của tỷ phú Musk như một nhà bảo vệ môi trường với một mặt sử dụng vị thế và sự nổi tiếng như là một trong những người giàu nhất thế giới để hỗ trợ đồng tiền điện tử. Trước đó vào tháng 2/2021, Tesla tiết lộ đã mua 1,5 tỷ USD bitcoin và sẽ chấp nhận nó như một hình thức thanh toán.
Ảnh minh họa: Internet
9/ Nền tảng chia sẻ video trực tuyến YouTube đã cho ra mắt cách thức mới để các chủ video nhận được tiền ủng hộ từ người hâm mộ thông qua một tính năng gọi là Super Thanks, giữa lúc nền tảng này muốn thu hút thêm nhiều nhà sáng tạo nội dung Youtube (Youtuber). Trong thông báo, công ty cho biết người hâm mộ có thể mua Super Thanks ở bốn mức giá trong khoảng từ 2 – 50 USD, như một cách để bày tỏ lòng biết ơn và hỗ trợ các kênh YouTube yêu thích của họ. Tính năng này đã được triển khai cho hàng ngàn nhà sáng tạo nội dung ở 68 quốc gia và sẽ mở rộng cho tất cả các sáng tạo đủ điều kiện trong Chương trình Đối tác của YouTube. Động thái này được đưa ra trong giai đoạn các nền tảng cạnh tranh như ứng dụng chia sẻ video ngắn Tiktok và Instagram của mạng xã hội Facebook đang tăng cường đầu tư để thu hút được những nhà sáng tạo các nội dung có sức lan tỏa mạnh.
10/ Công ty thực phẩm và giải khát Nestle cho biết sẽ thay đổi tên của loại bánh quy socola nổi tiếng Negrita mà công ty này đang bán tại Chile do có những lo ngại về việc tên loại bánh này có thể “không phù hợp văn hóa”. Negrita, loại bánh được bán ở Chile trong suốt 60 năm qua, sẽ mang cái tên mới “Chokita.” Trong tiếng Tây Ban Nha, Negrita có nghĩa là người phụ nữ da đen nhỏ bé, trong khi Negrito là phiên bản dành cho nam giới. Tại một số quốc gia Mỹ Latinh, những từ này được sử dụng như một cách gọi thân thiện. Theo Nestle, quyết định đổi tên cho loại bánh trên được công ty đưa ra nhằm tránh những khái niệm có thể được coi là không phù hợp trong bối cảnh việc sử dụng các nhãn hiệu và ngôn ngữ hình ảnh có liên quan các khuôn mẫu hoặc đặc trưng văn hóa ngày càng được chú ý.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin hội nhập, từ 15/7 – 22/7/2021