Năm hãng buôn lớn của Nhật lãi lớn do đồng yen sụt giá

Nhà đầu tư huyền thoại, tỷ phú Mỹ Warren Buffet đặt niềm tin lớn vào các hãng buôn (sogo shosha) của Nhật Bản, bằng cách tăng tỷ lệ cổ phần ở các công ty này. Ảnh: AP/Reuters

Do đồng yen giảm giá, năm công ty thương mại lớn nhất của Nhật Bản đã nâng dự báo triển vọng lợi nhuận trong năm tài chính hiện tại, bất chấp giá tài nguyên giảm. Trong các báo cáo kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm, cả năm công ty này nói đồng yen yếu và các mảng phi tài nguyên có thể đạt được lợi nhuận khả quan trong năm nay. Năm tài chính Nhật Bản bắt đầu từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 3 năm sau.

Theo tính toán của hãng Bloomberg công bố tuần rồi, 10 công ty lớn nhất Nhật Bản có khả năng bỏ túi thêm 9,3 tỉ đô la lợi nhuận trong năm tài chính hiện tại nếu đồng yen tiếp tục dao động quanh mốc 150 yen đổi 1 đô la Mỹ.

Các hãng buôn (sogo shosha) là mô hình kinh doanh độc đáo của Nhật Bản khi các hãng linh hoạt phân bổ danh mục đầu tư có tính ổn định và mang lại lợi nhuân cao, từ các lĩnh vực hạ nguồn như thực phẩm đến các lĩnh vực thượng nguồn như khoáng sản hay năng lượng.

Tiềm năng tăng trưởng và khả năng tăng lợi nhuận của các sogo shosha đã lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ Warren Buffett. Vị tỷ phú Mỹ đã mua lại lượng lớn cổ phần của năm hãng buôn Nhật trong vài năm qua.

Trong cuộc họp báo tuần rồi, Chủ tịch Katsuya Nakanishi của hãng buôn lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi nói rằng “muốn củng cố các lĩnh vực không bị các điều kiện thị trường ảnh hưởng quá nhiều”. Mitsubishi đã điều chỉnh tăng dự báo trong năm cho 6/10 mảng kinh doanh của tập đoàn, bao gồm năng lượng và máy móc.

Với mảng kinh doanh khí đốt tự nhiên, Mitsubishi dự báo thu nhập ròng hiện ở mức 170 tỉ yen (1,1 tỉ đô la), tăng so với dự báo công bố tháng 5 vừa rồi là 146 tỉ yen. Lợi nhuận ngành điện cũng được dự báo đạt 113 tỉ yen tăng từ con số 109 tỉ yen. Tổng thu nhập ròng của tập đoàn dự kiến là 950 tỉ yen, giảm 20% so với năm trước nhưng vẫn cao hơn 30 tỉ yen so với dự báo trước đó. Thu nhập ròng của Mitsubishi trong nửa đầu năm tính đến tháng 9 là 466 tỉ yen, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hôm 31-10, hãng buôn lớn thứ hai Mitsui & Co báo cáo nhuận ròng trong nửa đầu năm đạt hơn 456 tỉ yen (3 tỉ đô la), giảm hơn 15% của con số hơn 539 tỉ yen của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Mitsui & Co nói rằng đây là bước đệm để có thể đạt dự báo triển vọng lợi nhuận cao hơn cho cả năm nhờ hoạt động kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mảng kinh doanh máy móc và cơ sở hạ tầng cũng được kỳ vọng đóng góp lớn cho lợi nhuận của Mitsui & Co, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu về máy móc và cơ sở hạ tầng được dự đoán sẽ tăng cao. Dự kiến, lợi nhuận ròng cả năm của Mitsui & Co có thể đạt 940 tỉ yen, so với dự báo 880 tỉ trước đây.

Đồng yen giảm giá xuống ngưỡng trên 150 yen ăn 1 đô la đã giúp năm hãng buôn lớn nhất Nhật Bản
đạt lợi nhuận khủng. Ảnh: Reuters

Hôm 2-11, Sumitomo Corp, hãng buôn lớn thứ ba, cũng công bố dự báo lợi nhuận ròng của năm tài chính hiện tại là 500 tỉ yen, tăng 20 tỉ yen so với dự báo trước đó. Sumitomo hưởng lợi từ đồng yen đang yếu đi, cũng như doanh số bán thiết bị và xe hơi tăng mạnh khi kinh tế châu Á tăng trưởng. Thu nhập ròng của Sumitomo trong nửa năm là 284 tỉ yen, so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động kinh doanh phân bón và thép ống ở Bắc Mỹ chậm lại trong bối cảnh điều kiện thị trường xấu đi.

Hãng buôn lớn thứ tư Marubeni dự kiến thu nhập ròng là 450 tỉ yen, tăng 30 tỉ yen so với dự báo trước đó. Mảng kinh doanh năng lượng điện, chủ yếu là mua bán năng lượng tái tạo ở Anh, đang phát triển mạnh mẽ và đồng yen yếu đã thúc đẩy thu nhập, giúp bù đắp cho giá tài nguyên giảm. Trong nửa năm, thu nhập ròng giảm 20% xuống còn 251 tỷ yen do giá than luyện cốc giảm.

Tại Itochu – hãng buôn lớn thứ năm, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart kỳ vọng lượng khách tăng sau Covid-19 sẽ cải thiện kết quả kinh doanh. Thu nhập ròng hàng năm được điều chỉnh là 800 tỉ yen, tăng 20 tỉ so với kỳ vọng trước đó chỉ là 780 tỉ.

Trong các báo cáo đưa ra hôm 6-11, các nhà phân tích tỏ ra thờ ơ về triển vọng của các doanh nghiệp phi tài nguyên.

Nhà phân tích cấp cao Akira Morimoto của hãng chứng khoán SMBC Nikko Securities đánh giá trạng thái của Sumitomo là “hơi tích cực”. Moritomo nói hiệu qủa kinh doanh của mảng phân phối xe hơi “không phải là điểm tích cực” nếu đánh giá từ quan điểm bền vững. Còn với Marubeni, Morimoto cho biết: “Trọng tâm sẽ là mức độ lợi nhuận mà mảng phi tài nguyên có thể tạo được thông qua các khoản đầu tư mới”.  

Theo Nikkei Asia, Reuters, Bloomberg, BNN Breaking

Ricky Hồ / BSA Media