Ngô Chí Công và sen ‘bất tử’

(Vietnamtimes) – Ngô Chí Công bước vào con đường khởi nghiệp với tài nguyên là cây sen. Và anh đã làm được nhiều điều, biến sen tươi Đồng Tháp thành sen sấy khô, “bất tử” với thời gian.

Đồng Tháp xưa nay nổi tiếng với không ít nguồn tài nguyên bản địa, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là cây sen. Nhưng trước nay, đa phần người nông dân trồng sen đơn giản chỉ là bán ít bông, ít gương sen, ngó sen, hay trà sen… còn như lá hay những thứ khác nữa thì đa phần là để khô dần tại đầm…

Những giá trị gia tăng từ cây sen ít được quan tâm khai thác nên nhiều người, nhiều địa phương đang ở trong “kho vàng” về tài nguyên bản địa mà không biết làm gì.
Với Ngô Chí Công, từ khi bước vào con đường khởi nghiệp với tài nguyên là cây sen, anh đã làm được nhiều điều và nhận được sự quan tâm từ chính quyền, người dân, các doanh nghiệp…

Cho đến hiện nay, Ngô Chí Công cùng các cộng sự của mình tập trung vào 5 dòng sản phẩm chính từ cây sen. Những sản phẩm này được Công ứng dụng công nghệ sản xuất từ Pháp để làm, như sản phẩm quà tặng du lịch, trang trí nội thất, tranh nghệ thuật, thời trang và các sản phẩm gia dụng với gần 20 loại.

Ngô Chí Công (bìa phải) với các sản phẩm sử dụng nguyên liệu là lá và hoa sen sấy khô để trang trí như đĩa, nón và ví da.

 

Những điều Ngô Chí Công làm, như đã vượt qua ý nghĩ của nhiều người nông dân, hay chính quyền đang sống trên vùng đất sen đó.

Bên cạnh đó, CEO của Khởi Minh Thành Công cũng cho biết, những sản phẩm tập trung hiện nay của mình là khai thác giá trị của lá sen, thân sen sấy khô Ecolotus với những dòng sản phẩm đặc trưng, độc đáo với thị trường.

Chỉ tơ sen: sợi chỉ được lấy ra từ những sợi tơ của thân sen, có độ mềm, mịn, hút nước tốt, sợi tơ có mùi thơm của nhựa sen tự nhiên. Tuy nhiên, sợi tơ khá mỏng nên việc thao tác cũng cần sự cẩn thận và kiên nhẫn của người làm. KMTC đang dùng sợi này để thêu lên sản phẩm khăn choàng, áo dài… để tạo thêm giá trị.

Theo Ngô Chí Công, hiện nay KMTC đang nghiên cứu để làm cho chỉ dai hơn để nhắm đến một thị trường rộng lớn trên thế giới, vì đây là loại chỉ có giá rất cao, vài ngàn USD/chiếc áo, và đó là tiềm năng lớn của thị trường.

Ví, bóp, túi làm từ lá sen mang đến một nét độc đáo, độc bản của từng sản phẩm mà trên thị trường chưa xuất hiện. Với kỹ thuật bảo quản ứng dụng trên lá sen lần đầu tiên lá sen được đi đến những sản phẩm thời trang vừa đạt độ thẩm mỹ, vừa bảo vệ môi trường

Khay lá sen là một trong những sản phẩm thuộc dòng sản phẩm gia dụng. Lá sen đã được sấy khô bằng công nghệ của Pháp được bao ốp bên ngoài khay tre tạo thành một sản phẩm khay lá sen với những họa tiết tự nhiên, độc nhất. Từ sản phẩm này, chúng tôi muốn mang sen đến gần hơn với cuộc sống của người tiêu dùng Việt và cả bạn bè thế giới bằng cách sử dụng và cảm nhận sen. Đó là những điều bình dị, mộc mạc và mang giá trị tinh thần cao mà nhiều người tiêu dùng hiện nay đang hướng đến.

Việc làm khay sen với cốt tre, cũng góp phần giúp cho các làng nghề đan lát truyền thống đang gặp khó về đầu ra. Đây là sản phẩm có thể dùng để trang trí, đựng trà, đựng bánh…

Một đặc tính của sen khiến Ngô Chí Công tin rằng cây sen sẽ là một tài nguyên phù hợp cho đồng bằng, dù thiếu nước ngọt thì sen vẫn sống tốt tại những vùng nước phèn, hay biến đổi khí hậu…

Và dù không phải sản xuất sản phẩm liên quan đến thực phẩm từ sen, nhưng làm việc với các hộ nông dân, Ngô Chí Công đều yêu cầu không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón độc hại để tăng năng suất…

Chia sẻ thêm Ngô Chí Công cho hay, trong thời gian tới, anh sẽ có những chuyến công tác ở châu Âu nhằm tìm thêm nhiều thị trường để đưa những sản phẩm sen Việt đến được nhiều nước trên thế giới.


“Công sen”

Sau 2 lần khởi nghiệp thất bại, Ngô Chí Công làm lại lần ba với hoa sen và xem đây như duyên nợ với quê nhà Đồng Tháp. Đến giờ, chàng thanh niên sinh năm 1989 này xác định sản phẩm chiến lược của Công ty bắt nguồn từ lá sen, chứ không phải là sản phẩm hoa sen ướp đã làm nên tên tuổi “Công sen”.

Chí Công gọi hai lần khởi nghiệp thất bại với bánh ngọt và gốm giả đá là sản phẩm từ bản tính “ngựa non háu đá” của bản thân. Cho đến khi quê hương Đồng Tháp kêu gọi thanh niên khởi nghiệp, anh mới trở về và dồn hết tâm trí vào hoa sen. “Tôi thích vẻ đẹp, mùi thơm của hoa sen, nhưng ghét, đúng hơn là tiếc, vì nó mau tàn. Vì thế, tôi quyết tâm ứng dụng kỹ thuật bảo quản hoa của Pháp để kéo dài thời gian thưởng thức hoa sen. Đây là một mắt xích để nâng cao giá trị của cây sen”, Ngô Chí Công chia sẻ.

Trong buổi trình bày trước lãnh đạo Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) về sản phẩm của Công ty Khởi Minh Thành Công, Chí Công cho biết, sản phẩm tốt cho môi trường (trồng hoa sen cải tạo đất và hoa tự phân hủy) tốt cho nông dân (mở thêm kênh tiêu thụ, thu mua với giá ổn định), mang hình ảnh, cốt cách của người Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.

Tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành kỹ sư hóa chuyên về phát triển bền vững và sống ở Pháp hơn 6 năm, Ngô Chí Công cho rằng, quá trình học và làm thêm tại Pháp đã rèn cho bản thân anh tư duy nghiên cứu. Vì vậy, sau khi học hỏi các nghệ nhân ướp hoa tươi ở Đà Lạt (Lâm Đồng), anh đã tự nghiên cứu tìm bí quyết riêng để áp dụng cho hoa sen. Sau 3 lần cải tiến với tỷ lệ hư hỏng từ 40%, đến nay, sản phẩm hoa sen ướp của Chí Công đã bước đầu hoàn thiện.

“Công thức ướp hoa tươi ở Đà Lạt chỉ có thể áp dụng cho các loại hoa có đài như hoa hồng, hoa cúc, hoa cẩm chướng… Còn hoa sen thì cực kỳ khó vì không có đài. Thêm vào đó, quá trình thực hiện cũng cần tính toán cẩn thận, chi ly. Thời gian từ lúc cắt dưới đầm đến lúc xử lý phải nhanh trong khoảng từ 1-2 tiếng, thậm chí chúng tôi phải tiền xử lý ngay tại đồng. Có như vậy mới giữ được sắc hoa tươi, bền màu và tự nhiên nhất”, Chí Công nói.

Khá kỹ tính về quá trình ướp hoa sen, Công cho biết, cần 7 ngày để tạo nên một bông hoa và 3 ngày để sản phẩm ổn định rồi mới bán ra thị trường.

Với vùng nguyên liệu hơn 5 ha từ việc liên kết và thu mua của nông dân tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), trung bình mỗi ngày, Công ty Khởi Minh Thành Công có thể sản xuất 2.000 hoa sen ướp. Nguồn hàng này được cung cấp đến các khu du lịch, cơ quan chính quyền tỉnh và thông qua Công ty Hoa Tâm Việt để tiêu thụ tại TP.HCM. Thậm chí, Chí Công còn tận dụng mối quan hệ với một số bạn bè tại nước ngoài để đưa hoa sen xuất ngoại.

Trần Quỳnh (BSA)