Ngôi chùa của những đứa trẻ bị bỏ rơi

(Vietnamtimes)- Vào năm 2006, một gia đình vì quá khó khăn nên đã gởi cô con gái 11 tuổi của mình vào chùa Hải Sơn. Ngôi chùa tuy nghèo nhưng vẫn dang tay đón cô bé nương tựa cửa Phật. Kể từ đó ngôi chùa đã trở thành chốn nương thân của những đứa trẻ bị bỏ rơi.


Chúng tôi đến chùa vào một ngày hè oi ả. Cái nắng trưa tháng 7 gay gắt  hòa cùng tiếng ve càng làm người ta mỏi mệt, nhưng trong chùa vẫn vọng ra những tiếng trẻ con ê a tụng kinh. Hơn chục bé ngồi xếp bằng, trước mặt là đôn với cuốn kinh. Khác với hình ảnh thường thấy là những nhà sư điềm đạm đọc kinh lầm rầm đều đều, các bé đọc kinh như học hát theo đủ mọi cung bậc. Có bé đọc không kịp bỗng ngẩn người ra. Có bé không thuộc đọc mấp máy mấy câu rồi đọc váng lên khi đến đoạn thuộc.

Sư cô Phan Thị Quý (pháp danh Thích nữ Minh Chơn) đón chúng tôi khi đang bận chăm sóc những em bé còn rất nhỏ. Chùa có tên Hải Sơn (nay cũng được gọi là Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi “Mái ấm Chùa Hải Sơn”) nằm tại địa bàn xã Xuân Phương, TX.Sông Cầu (Phú Yên) có từ năm 1998.

Sau khi sư trụ trì người lập ra chùa mất, đến đời sư cô Minh Chơn là đời thứ hai. Kể từ khi Phan Nguyễn Bảo Ngọc là bé đầu tiên được chùa nhận nuôi, cho đến nay đã có 35 bé được nuôi dạy trong chùa. Không như Bảo Ngọc được gởi vào chùa vì gia đình khó khăn, đau lòng hơn có rất nhiều bé bị cha mẹ bỏ rơi khi còn sơ sinh. Cứ thỉnh thoảng buổi sáng mở cổng chùa, sư cô lại thấy các bé được cho vào làn rồi để trước cửa chùa cùng với mảnh giấy nhờ chùa nuôi giữ.

Có lẽ các bé là sản phẩm của những cô gái nhẹ dạ lầm lỡ không đủ khả năng nuôi, đến tên cũng không có nên các bé ở đây đều lấy họ sư cô làm họ. Nhìn những bé chỉ mới mấy tháng tuổi nằm la liệt trong căn phòng giản dị, không ai bước vào mà không cầm được nước mắt. Đáng thương hơn, có bé Bảo Vy đến nay 9 tháng vẫn không biết gì. Đầu bé to hơn những bé khác. Khi bị bỏ rơi, bé đã lâm vào tình trạng chết lâm sàng. Đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã muộn.

Bé tuy sống sót nhưng các bác sĩ chẩn đoán bé bị bại não. Cuộc sống không biết sẽ chấm dứt vào lúc nào. Đỡ hơn bé Bảo Vy là bé Bảo Trí bị bệnh về đại tràng bẩm sinh. Tuy chỉ 8 tháng nhưng bé đã phải lên bàn mổ đến 4 lần. Bụng bé chằng chịt những vết sẹo của các ca mổ. Ngoài 2 bé Vy và Trí, còn có thêm 12 bé là trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi. Các bé còn lại đa số từ 8 – 14 tuồi.

 Lớn thì được nhà chùa cho đi học, nhỏ thì ở chùa được các sư cô chăm sóc. Trong số đó, có 1 em đang là sinh viên của một trường đại học ở TP.HCM, 5 em học cao đẳng, trung cấp Phật học ở Đồng Nai, Quy Nhơn, các em còn lại đều đang học tại địa phương.

Căn bếp tồi tàn không nhiều đồ đạc

Căn phòng tềnh toàng các bé sơ sinh nằm lăn lóc

Bé Bảo Vy khi sư cô nhặt được, bé đã lâm vào tình trạng chết lâm sàng. Bé bị bại não đến 9 tháng tuổi nhưng vẫn không biết gì.

Bé Bảo Trí chỉ mới 8 tháng tuổi nhưng phải lên bàn mổ đến 4 lần vì căn bệnh liên quan đến đại tràng bẩm sinh.

Sư cô Minh Chơn không cầm được nước mắt khi nhắc về bé Bảo Trung bị mất lúc 3 tuổi vì ngã vào hồ nước

Nguyễn Dân