Nhật Bản đưa sò điệp sang chế biến tại Việt Nam và tái xuất nơi khác

Ngư dân Nhật đưa sò điệp vào cảng Nemuro trên đảo Hokkaido. Sò điệp và các loại hải sản khác của Nhật Bản đang tồn đọng, chưa kịp xử lý do thiếu lao động và mất thị trường chính là Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Sò điệp nhập khẩu từ đảo Hokkaido của Nhật Bản sẽ được chế biến tại Việt Nam từ hôm 8-1, sau đó sẽ được tái xuất trở lại Nhật Bản và có thể là các thị trường khác. Đây là nỗ lực tìm kiếm thị trường mới cho hải sản Nhật Bản của chính phủ và doanh nghiệp nước này khi Trung Quốc “tẩy chay” hải sản từ xứ Phù Tang sau vụ nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima được xả ra biển từ tháng 8-2023.

Hiện nhà bán lẻ hải sản trực tuyến Foodison đang hợp tác với các bên bao gồm nhà bán buôn Ebisu Shokai và các hãng bán lẻ Ocean Road và Nosui đang thử nghiệm mô hình đưa sò điệp không vỏ sang chế biến tại Việt Nam và tái xuất trở lại Nhật Bản.  

Trong thỏa thuận này, công ty Ocean Road sẽ mua sỉ sò điệp từ Ebisu Shokai, đưa sang các cơ sở Việt Nam chế biến và xuất trở lại Nhật Bản để bán cho các nhà hàng, quán ăn và nhà bán lẻ của Foodison, Ebisu Shokai và Nosui. Các bên học tập từ mô hình của Ocean Road khi đưa tôm và cua sang chế biến tại Việt Nam và đưa về Nhật Bản tiêu thụ.

Container sò điệp nguyên vỏ đầu tiên, khoảng hơn 20 tấn, đã được đưa đến Việt Nam. Các cơ sở chế biến hải sản tại Việt Nam sẽ tiếp tục sơ chế thành sò điệp nửa vỏ (một mảnh vỏ), thành sò để làm sashimi và sò điệp đông lạnh để ăn sống. Các công ty sẽ quyết định tăng lượng tăng lượng như thế nào sau mẻ chế biến đầu tiên.  

Người đứng đầu bộ phận cá đông lạnh của Nosui cho biết: “Nếu giá sản phẩm chế biến tại Việt Nam rẻ hơn ở Nhật Bản, sò điệp của chúng tôi sẽ hiện diện trong các chuỗi sushi băng chuyền và các chuỗi cửa hàng tiện ích lớn”.

Chi phí lao động gia công ở Việt Nam chỉ bằng 20-30% giá ở Nhật Bản. Đối với sò điệp dùng làm sushi hoặc ăn sống, giá dự kiến sẽ thấp hơn so với các sản phẩm chế biến tại Nhật Bản ngay cả sau khi tính đến chi phí vận chuyển.

Sò điệp còn nguyên vỏ, tức tươi nguyên hơn và cần ít công sức hơn, dự kiến sẽ có giá tương đương với sò điệp Nhật Bản.

“Ở Nhật Bản, chúng ta không đủ nhân lực và việc xử lý như vậy mất thời gian. Thay vì để sò điệp chưa bóc vỏ tồn kho, tốt hơn là nên chế biến ở nước ngoài”, theo lời ông Kenichiro Hoshino, quản lý tại Foodison.

Các cơ sở của Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm HACCP. Sò điệp chế biến tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Nhật Bản. Sau khi sản xuất ổn định, các công ty Nhật Bản có kế hoạch xuất bán sang châu Âu và Mỹ.

Theo Cơ quan Thủy sản Nhật Bản, sản lượng sò điệp chưa bóc vỏ của Nhật Bản đạt  500.000 tấn trong năm 2022. Khoảng 140.000 tấn được xuất sang Trung Quốc, trong đó có 100.000 tấn nguyên vỏ.

Kể từ khi Bắc Kinh đình hoãn nhập khẩu hải sản Nhật Bản vào tháng 8 để phản ứng với việc Tokyo xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, tồn kho sò điệp chưa qua chế biến đã tăng lên. Lượng hải sản Trung Quốc nhập từ Nhật Bản đã giảm 76% kể từ tháng 8. Nhu cầu về những mặt hàng này bị hạn chế ở các thị trường khác, và tại Nhật Bản các mặt hàng thủy hải sản không được xử lý, chế biến đủ nhanh để bán ra thị trường do tình trạng thiếu lao động ở Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một loạt các biện pháp hỗ trợ bao gồm trợ cấp để trang trải chi phí thiết bị chế biến và bảo quản. Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo đang thúc đẩy hoạt động bán hàng ở các khu vực khác như Đông Nam Á. Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đang tìm cách thiết lập tuyến xuất khẩu sang Mỹ thông qua các nhà máy chế biến ở Mexico.

Nhằm tìm kiếm thị trường mới bên ngoài Trung Quốc, tập đoàn Nhật Bản Pan Pacific International Holdings (PPIH), vốn đang quản lý chuỗi cửa hàng giảm giá Don Quijote, bắt đầu bán sò điệp Nhật Bản tại các thị trường châu Á mà PPIH đang có mặt từ tháng 11-2023. 38 cửa hàng Don Quijote ở Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan… sẽ bán sashimi làm từ sò điệp Hokkaido và các mặt hàng khác. Các nhà hàng Sen Sen Sushi hoạt động bên trong các cửa hàng Don Quijote cũng sẽ phục vụ sushi sò điệp.

Các công ty kinh doanh thủy hải sản khác của Nhật cũng nhanh chóng tìm kiếm thị trường mới, với Đông Nam Á là trọng tâm.

Chuỗi chuyên doanh cá tươi và sushi Uoriki của Nhật Bản đã liên doanh với tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan khai trương cửa hàng lớn trong chuỗi siêu thị Lotus tại Bangkok, Thái Lan từ cuối tháng 10 vừa rồi. Chuỗi chuyên bán cầu gai, sashimi sò điệp, sushi các loại, cá hồng kinmedai tươi, cá hố tachiuo… đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Thái.

Hiện có bốn cửa hàng ở Bangkok và một ở Chiang Mai, Uoriki và CP dự định nâng số cửa hàng hải sản tươi và sushi lên 100 trong năm năm tới​.

Ricky Hồ / Theo Nikkei Asia